Nguyễn Văn Tuấn - Bức tranh lớn và bức tranh nhỏ

Tôi có quen một anh bạn trẻ, là bác sĩ và làm sếp trong một
công ti dược đa quốc gia. Điều tôi quí anh là khác với các
bạn trẻ khác hay chạy theo những thị hiếu tầm thường, anh
là người sâu lắng, có trăn trở với thời cuộc, nói năng có
suy nghĩ kĩ, và trung thành với dân tộc và đất nước (chứ
không phải với cái chủ nghĩa lỗi thời kia). Thoạt đầu, tôi
rất ngạc nhiên một người lớn lên sau 1980 mà có trăn trở
như thế, nhưng sau này tôi hiểu vì em xuất thân từ một gia
đình trung lưu ở Sài Gòn thời trước 1975. Có lần anh khuyên
tôi: Thầy đừng nhìn VN như là một bức tranh lớn, vì bức
tranh đó ảm đạm lắm, chẳng thấy tương lai đâu cả, và
thầy sẽ thấy bi quan lắm; thầy cứ tập trung vào bức tranh
nhỏ, chẳng hạn như giúp tụi em nè, và thầy sẽ thấy vui
hơn. Câu nói này ám ảnh và đeo đuổi tôi cho đến ngày nay,
và nó có khi trở thành phương châm của tôi khi làm việc liên
quan đến VN.

Nếu nhìn từ xa và nhìn chung, VN quả thật là một bức tranh
ảm đạm. An ninh đất nước bị đe doạ bởi các tên diều
hâu phương Bắc. Biển đảo bị xâm lấn hầu như hàng ngày.
Tình hình phát triển kinh tế bị trì trệ, môi trường kinh
doanh không được đánh giá cao, nợ nần chồng chất và có nguy
cơ vỡ nợ. Giáo dục thì là câu chuyện muôn đời không có
lối ra, khi cái vòng kim cô còn treo lơ lửng trên đầu. Chất
lượng đào tạo sút kém, từ bậc phổ thông đến đại học
và càng lên cao chất lượng càng yếu. Y tế và chăm sóc sức
khoẻ thì được xếp hạng gần chót trên thế giới, bệnh
dịch lúc nào cũng trực chờ xảy ra ở qui mô lớn. Về khoa
học thì hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN ở Việt Nam
còn mờ nhạt: hoạt động nghiên cứu KH&CN có chất lượng
thấp và KH&CN chưa có những đóng góp xứng đáng cho sự phát
triển đất nước. Vân vân. Nhìn đâu cũng thấy toàn là …
màu xám.

Nhưng quan trọng nhất có lẽ là văn hóa, đạo đức xã hội
đang suy thoái trầm trọng. Chưa khi nào tin tức về tệ nạn xã
hội lại có mật độ dày đặc như hiện nay. Dường như, cái
xấu và cái ác đang hoành hành ngoài xã hội và tràn lên mặt
báo mỗi ngày. Kỉ cương, phép nước bị coi thường. Mê tín
dị đoan lên ngôi, không chỉ ở tầng lớp đại chúng mà ngay
ở cả một số cán bộ cao cấp ở các cơ quan công quyền.
Những chuẩn mực về văn hóa, những giá trị phổ quát như
chân-thiện-mĩ đã bị sự giả dối, cái xấu và cái ác bóp
nghẹt không nhân nhượng. Chưa bao giờ, nhân phẩm của con
người có thể bị xúc phạm dễ dàng và tính mạng của con
người có thể bị coi rẻ như hiện nay. Suy thoái kinh tế - xã
hội thì còn có thể vực dậy trong vài năm, nhưng suy đồi về
văn hoá và đạo đức xã hội thì chắc cần đến vài thế
hệ để khôi phục.

Với một bức tranh lớn ảm đạm như thế thì người có trăn
trở không bi quan mới là chuyện lạ. Chẳng những bi quan mà
còn cảm thấy bất lực, vì họ chẳng làm được gì để cải
thiện tình thế. Bạn và tôi không thể làm gì cả vì không ở
trong "hệ thống". Mà, dù có ở trong hệ thống thì cũng chưa
chắc làm được gì. Chỉ có thể lên tiếng, nhưng có khi lên
tiếng lại mang hoạ vào thân. Nói chung là chỉ biết than thở
riêng tư, chứ chẳng gây được tác động gì to tát. Do đó,
có nhiều người thắc mắc hỏi tôi là sao tôi viết toàn
những "negative" về tình hình VN, nhưng khi làm việc gì cho VN
thì tôi rất "positive", rất tích cực; có gì mâu thuẫn chăng?

Thật ra thì chẳng có gì mâu thuẫn cả. Tôi theo lời khuyên
của anh bạn trẻ ở trên, tức là dù nhìn vào bức tranh lớn
thì thấy ảm đạm, nhưng tôi tìm niềm vui trong những bức
tranh nhỏ. Thật vậy, tôi nghĩ mỗi chúng ta cũng có thể làm
những việc nhỏ để cải thiện tình thế. Nói như anh bạn
tôi là nhìn vào bức tranh nhỏ và làm đẹp bức tranh đó. Nếu
nhiều người cùng làm những việc nhỏ mà khả năng cá nhân
cho phép, thì tập hợp những việc nhỏ đó sẽ có khả năng
gây tác động lớn và tích cực hơn. Lấy ví dụ như viết
sách, đó là một việc rất nhỏ. Nhưng tôi thấy mình vui khi
ngồi rị mọ viết những dòng chữ hướng dẫn phân tích cái
này, vẽ cái kia, vì tôi biết có nhiều bạn sẽ học được
một hai điều có ích từ đó. Nếu nhiều người cùng viết ra
những kinh nghiệm của mình thì tập hợp lại sẽ là một bộ
sách rất có ích cho nhiều thế hệ, và thế là chất lượng
giáo dục - y tế sẽ tốt hơn. Bắt đầu từ việc làm đẹp
những bức tranh nhỏ thì kết quả là bức tranh lớn sẽ đẹp
hơn. Hình như ai đó có nói rằng [và tôi rất đồng cảm] thay
vì nguyền rủa bóng tối thì nên thấp lên một que diêm.

Thôi, cũng đành như chiếc que diêm
Một lần loé lên
Thắp đời em sáng lung linh
Buồn một cõi riêng

(Từ Công Phụng)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141129/nguyen-van-tuan-buc-tranh-lon-va-buc-tranh-nho),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét