Vi Đức Hồi- Tàng trữ (Trích Đối Mặt- Phần hai- Chuyện trong lao ngục)

<u><strong>Dân Luận:</strong><em> Ông Vi Đức Hồi, 54 tuổi, đã
gia nhập đảng Cộng Sản vào năm 1980 và từng giữ chức Giám
đốc Trường Đảng Huyện Hữu Lũng, tỉnh lạng Sơn. Ông bắt
đầu lên tiếng kêu gọi cải cách dân chủ năm 2006 và bị khai
trừ khỏi đảng một năm sau đó. Năm 2009, ông được tổ
chức nhân quyền Human Rights Watch trao giải thưởng vì đóng góp
của ông cho công cuộc tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền.
Ông Vi Đức Hồi bị tuyên án 5 năm tù giam hồi năm 2011 vì
tội 'Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN', vừa được
trả tự do hôm 12/04/2014.Dân luận xin được giới thiệu loạt
bài của Ctnlt Vi Đức Hồi đăng trên trang web của Ctnlt</em><u>

<a href="http://fvpoc.org/2014/10/20/tang-tru/">FVPOC</a> | 20/10/2014

Đến 16h, cuộc lục soát kết thúc, mọi người ký vào biên
bản, họ dẫn độ tôi ra xe. Ngoài đường vẫn từng tốp công
an đứng ngồi bàn luận. Dân chúng chỉ còn lác đác vài
người hàng xóm láng giềng ngồi túm tụm nhau kháo chuyện.
Thấy tôi ra, các con mắt tập trung hướng vào tôi dò xét, tôi
tươi cười đáp lại mọi người, viên sỹ quan an ninh Nguyễn
Đình Hải, phó giám đốc công an tỉnh, người chủ mưu cho vụ
án sơ thẩm của tôi mà làm mọi người sửng sốt và nực
cười đến chảy nước mắt bởi vì nó thể hiện sự hèn hạ
và khốn nạn chưa từng có mà tôi sẽ có dịp nói đến ở
những phần sau và cho đến khi tòa phúc thẩm phải bác bỏ
đến gần nửa bản án. Anh ta trực tiếp có mặt chỉ huy bắt
bớ tôi đang thao thao bất tuyệt với đồng nghiệp cấp dưới
của mình với vẻ mặt mãn nguyện nhìn tôi chằm chằm, tôi
đáp lại với cái nhìn lạnh lùng tỏ vẻ coi thường mọi
việc diễn ra. Xe chuyển bánh lao nhanh ngược biên giới, trên xe
các cuộc điện thoại gọi đến cho các sỹ quan an ninh tới
tấp, các câu đáp lại cộc lốc, gọn lỏn: ổn rồi, không có
gì đặc biệt, tình hình suôn sẻ…

<center><img src="http://www.danluan.org/files/u5262/vi_duc_hoi.jpg"
width="600" height="442" alt="vi_duc_hoi.jpg" /></center>
<em><center>Hình vẽ Ctnlt Vi Đức Hồi do Quỹ tù nhân lương tâm
thực hiện</center></em>

Chập choạng tối, xe đỗ xuỵch giữa sân trại, đây là
trại giam Yên Trạch, trực thuộc công an tỉnh Lạng Sơn, thuộc
xã Yên Trạch, Huyện Cao Lộc, Tỉnh Lạng Sơn. Họ đưa tôi
một suất cơm hộp và bảo tôi ăn đi. Tôi ngồi bệt xuống
bờ sân rồi ăn hết cả suất cơm ngon lành, vừa ăn vừa tự
nhủ phải cố mà ăn còn lấy sức đương đầu với bộ máy an
ninh đồ sộ của cộng sản. Mọi người tản mạn ra xa tôi,
duy chỉ có con chó từ nẫy vẫn ngồi một chỗ nhìn tôi ăn,
chắc thấy lạ chứ chẳng phải ngồi chầu trực của bố thí
vì chó trong trại giam chắc được ăn tốt lắm nên trông
mượt mà chứ chẳng phải như chó ở các gia đình nông thôn
gầy xác xương vì không có ăn đủ chất. Vừa ăn xong tôi
được gọi đến làm thủ tục "nhập kho", họ bắt tôi
lột hết quần áo xem có bệnh tật gì không? Có chích choác gì
không? Rồi đưa lên bàn cân trước khi đưa vào hộp. Tiếng
kêu của cánh cửa sắt khi mở, đóng làm xé ruột gan vì chưa
quen với âm thanh đặc chủng của nhà tù. Họ dẫn tôi vào
buồng số 14, cửa buồng đã mở toang để đón khách, tôi
bước vào rồi nghe cán bộ trực buồng dặn dò một số điều
cần thiết trước khi làm quen với trại. Cán bộ đi ra, nhao
nhao từ các buồng giam gọi, âm thanh được lọt qua lỗ thoáng
của buồng giam.

<em> Buồng 14 ơi, tội gì đấy!</em>

Người tôi đã thấm mệt nên chẳng buồn trả lời,
tiếng hăm dọa lại vọng tới.

<em>Buồng 14, mày tội gì? Thằng này chắc bị điếc rồi
nên hỏi không thưa.</em> Tiếng đạp chân thình thình vào
tường của buồng tôi, khiến tôi buộc phải lên tiếng.

<em>Bị vu khống tội tuyên truyền chống nhà nước.</em>

<em>Tội vu khống là tội nặng lắm đấy! Mày chán sống
hay sao mà đi vu khống Đảng, Nhà nước?</em>

<em>Tôi không vu khống! tôi chỉ nói lên sự thật.</em>

<em>Được rồi vào đây rồi mày sẽ biết thế nào là
lễ độ! Thôi đi nghỉ đi mai sẽ hỏi chuyện. Còn nhiều
chuyện cần hỏi mày lắm, nghỉ cho khỏe đi! Mà mày tên là
gì? Năm nay mày bao nhiêu tuổi rồi? Quê ở đâu?</em>

<em>Tôi là Vi Đức Hồi, năm nay tôi đã năm nhăm tuổi,
người Hữu Lũng, Lạng Sơn.</em>

Mọi người cười ồ lên rồi lắng xuống. Phía đầu của
dãy nhà có tiếng gọi lại:

<em>Anh Hồi ơi! Em là Nghĩa đây, em ở gần nhà vợ anh
đây.</em>

<em>Nhận ra rồi, khỏe không?</em>

<em>Em khỏe. Anh cứ nghỉ ngơi đi, sáng mai em chuyển đồ
ăn cho anh, anh mới vào sẽ gặp khó khăn đấy, phải nửa tháng
sau anh mới được tiếp tế. Anh yên tâm đi đã có bọn em giúp
đỡ, cố gắng nhé!</em>

<em> Cảm ơn nhiều.</em>

<em>Chú Hồi ơi! Cháu biết chú đấy. Khi cháu còn ở ngoài
xã hội cháu đã nghe nhiều chuyện về chú rồi, chú cháu mình
cùng huyện đấy. Mai cháu sẽ chuyển cho chú một ít đồ, chú
yên tâm đi, cố gắng giữ gìn sức khỏe chú nhé.</em>

Sáng hôm sau đến giờ mở cửa buồng, viên sỹ quan trực
buồng sách lỉnh kỉnh đồ đạc đưa vào buồng giam tôi nói
là anh em nó gửi cho tôi. Mở ra thấy có cả bánh mỳ, mỳ tôm,
đường, sữa cô gái Hà Lan, xà phòng giặt. Đúng là "một
miếng khi đói bằng một gói khi no", tôi lên tiếng cảm ơn
họ và làm quen với mọi người. Chưa kịp điểm tâm sáng,
Công an đã đến mở phòng dẫn tôi đi cung, mọi người đứng
sẵn cửa sổ để nhìn mặt và chào tôi. Xe ô tô đưa tôi ra
khỏi trại, biết chắc là lên đồn công an tỉnh làm việc.

<em>Anh Hồi sáng chưa ăn gì phải không?</em> Viên sỹ quan
phụ trách hỏi.

<em>Chưa, tôi chưa ăn gì.</em>

<em>Đi mua cho anh hai bánh mỳ kẹp thịt để anh ăn</em>,
người sỹ quan phụ trách sai một sỹ quan trẻ.

Xe từ từ dừng bánh đỗ bên lề đường, người sỹ quan
trẻ nhanh nhảu nhảy xuống xe rồi mua về cho tôi hai bánh mỳ.

<em>Anh ăn đi! Làm việc muộn đói đấy</em>, viên sỹ quan
phụ trách động viên tôi.

Không giữ ý gì, tôi ăn ngấu nghiến hết hai cái bánh và
người cảm thấy có thêm sinh lực, sảng khoái và tự tin hơn.
Vừa ăn xong, xe chuyển bánh, viên sỹ quan lái xe non troẹt quay
sang tôi quán triệt:

<em>Cho ăn rồi thì phải nhớ lấy mà ngoan ngoãn cộng tác,
chấp hành. Chúng tôi đã quá tốt với anh.</em>

Người tôi nóng ran lên vì bị xúc phạm, chỉ tiếc rằng
tôi không thể nôn ra để trả lại cho họ.

<em>Anh nhớ là tôi sẽ trả anh ngay trị giá hai chiếc bánh
mỳ này khi gia đình tôi được tiếp tế. Nhưng tôi đảm bảo
rằng tiền mua hai chiếc bánh mỳ này không phải tiền của
bất cứ của ai trong các anh bỏ ra. Đó là tiền của chuyên
án, mấy ngày ngày nay các anh đang sống phè phỡn bằng đông
tiền của chuyên án, tôi không lạ gì.</em>

<em>Anh Hồi không nói thế được, chúng tôi làm việc cho nhà
nước, cho dân, chúng tôi có tiêu chuẩn, chế độ của chúng
tôi, ai phè phỡn ở đây!</em>

<em>Tôi hiểu bản chất của các ông hơn các các ông
tưởng. Ai chứ ngành Công an của các ông bỏ ra một đồng
để chi vào những việc vô bổ như trường hợp của tôi thì
hiếm, rất hiếm là đằng khác. Cho nên đừng giở giọng khốn
nạn ra đây!</em>

<em>Ai khốn nạn! mày nên nhớ là mày đang là tội phạm nhé!
Đừng giở giọng lên lớp ra đây, không ai học mày đâu!</em>
Viên sỹ quan lái xe non trẻ lên giọng.

<em>Tôi là tội phạm hay không có cơ quan xét xử, không liên
quan đến hạng người như mày. Bổn phận mày làm gì thì cứ
làm cho tốt đi, đừng chõ mõm vào công việc người khác.</em>

<em>Thôi đi! tất cả im đi, có gì đâu mà thành chuyện xỉa
sói nhau.</em> Viên sỹ quan phụ trách quát lớn, mọi người
trên xe im lặng. Xe lướt từng dãy phố đưa thẳng về trụ
sở cơ quan an ninh Công an tỉnh Lạng Sơn.

Vào trong phòng, họ mở khóa cho tôi rồi bắt đầu làm
việc. Tôi quan sát có đủ các gương mặt từ Tổng cục An ninh
cho đến các cán bộ, chiến sỹ An ninh của phòng phản gián,
chống bạo loạn lật đổ Công an tinh lạng sơn. Họ bắt đầu
đưa máy tính của tôi ra, mở niêm phong rồi bắt đầu in ra
hàng loạt tài liệu mà nhiều thứ chẳng liên quan gì đến
tôi, sau một hồi in ấn họ bắt đầu đưa cho tôi yêu cầu
tôi ký vào các tài liệu trên. Tôi kháng lại.

<em>Đây là tài liệu gì mà tôi phải ký?</em> Tôi gặng hỏi
lại.

<em>Anh không hiểu à! Đây là tài liệu mà anh tàng trữ trên
máy vi tính của anh. Chúng tôi in ra và anh có trách nhiệm ký
xác nhân đây là tài liệu in ở máy anh ra.</em>

<em>Tôi chỉ ký xác nhận những tài liệu, những bài viết
của tôi mà tôi đã ký trên mỗi bài viết, còn lại những tài
liệu khác không liên quan gì đến tôi nên tôi không ký.</em>

<em>Những tài liệu này được in ở máy anh ra, anh có công
nhận với tôi điều đó không? Anh còn chối bỏ gì?</em>

<em>Tôi không cần phải tranh luận với các ông nhiều. Tôi
khẳng định với các ông rằng tài liệu này được lưu giữ
trên các trang mạng, các ông dùng máy của tôi in ra nó, các ông
định vu khống tôi lưu giữ những tài liệu này, tôi không
phải con nít mà các ông định lừa gạt tôi được. Các ông
lấy máy của các ông ra mở vào các trang theo địa chỉ của
những tài liệu này sẽ thấy đầy đủ những tài liệu mà
các ông vừa in ra, các ông cứ làm thử xem sao!</em>

<em>Chúng tôi đang làm việc với anh với tư cách anh là một
đối tượng, chúng tôi đang dùng máy tính của anh để in ra
những tài liệu phục vụ cho công tác điều tra vụ án, anh
không thể chối bỏ được những tài liệu này được tàng
trữ trên máy tính của anh.</em> Viên sỹ quan chỉ huy tốp công
an đang làm việc với tôi dõng dạc tuyên bố.

<em>Tôi phản đối về cách lập luân của anh, chứng tỏ
các ông chẳng hiểu gì về Internet, những tài liệu của các
ông in ra không hề liên quan đến tôi, lại càng không liên quan
đến việc tàng trữ trái phép.</em>

Viên sỹ quan chỉ huy mặt tím bầm lên vì cảm thấy bị
xúc phạm, giọng khùng lên:

<em> Anh bảo tôi không biết gì về Internet à! Anh dám xúc
phạm tôi!</em>

<em> Tôi nghe anh giải thích, tôi dám khẳng định chứng tỏ
anh chẳng biết gì, giọng tôi trở nên đanh thép.</em>

<em>Đó là cách nói của chúng tôi, cách lấy cung của chúng
tôi, anh chỉ có thể nhận hay không nhận chứ tuyệt đối anh
không được xúc phạm chúng tôi anh nghe chưa?</em>

<em>Ra thế!</em> Tôi tự nhủ.

<strong>Vi Đức Hồi</strong>

Trích Đối Mặt- phần hai- Chuyện trong lao ngục

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141020/vi-duc-hoi-tang-tru-trich-doi-mat-phan-hai-chuyen-trong-lao-nguc),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét