Trần Vinh Dự - Nobel kinh tế 2014 và vấn đề quản lý thị trường

<center><img
src="http://gdb.voanews.com/7167822C-E403-4D61-AD81-F31F99BFDFCF_w640_r1_cx0_cy8_cw0_s.jpg"
></center>
<center><em>Người đoạt giải Nobel kinh tế 2014 là giáo sư Jean
Tirole, 61 tuổi, và đang là giáo sư tại trường Đại học
Tolouse 1, Pháp.</em></center>

Tại sao EVN liên tục kêu lỗ dù người tiêu dùng luôn cho
rằng giá điện ở Việt Nam đắt đỏ? Tại sao giá xăng giảm
thì ít mà tăng thì nhiều? Tại sao giá sữa ở Việt Nam luôn
ở mức cao? Tại sao các nhà mạng có thể đồng loạt tăng giá
cước 3G lên 40% hồi tháng 10 năm 2013? Tại sao hệ thống ngân
hàng của Việt Nam liên tục ốm yếu? Tại sao các thương lái
thường xuyên có thể ép giá nông dân khi thu mua nông sản
(đặc biệt là gạo)? Đây là một vài trong số hàng trăm
những câu hỏi mà người tiêu dùng Việt Nam thường xuyên
đặt ra. Tiếc rằng hiếm khi, nếu không muốn nói là chưa bao
giờ có, câu trả lời thực sự thỏa đáng.

Lý do tại sao? Câu trả lời liên quan rất chặt tới giải
Nobel kinh tế của năm nay.

<strong>Người nghiên cứu tổ chức thị trường</strong>

Người được giải Nobel kinh tế 2014 là giáo sư <a
href="http://www.nobelprize.org/nobel_prizes/economic-sciences/laureates/2014/tirole-facts.html">Jean
Tirole</a>, năm nay 61 tuổi, và đang là giáo sư tại trường
Đại học Tolouse 1 (Pháp). Tirole được trao giải không phải vì
một công trình nghiên cứu riêng lẻ nào. Thay vào đó, ông
được giải vì các đóng góp tích lũy của ông trong suốt 30
năm qua trong một lĩnh vực riêng của kinh tế vi mô có tên
"<em>industrial organization</em>", tạm dịch là <em>tổ chức
thị trường</em> hoặc <em>tổ chức ngành, </em>viết tắt là
"IO".

IO là một nhánh tương đối mới của kinh tế vi mô. Giai
đoạn "tiền sử" của nó kéo dài đến khoảng cuối thập
niên 70 và được khẳng định bởi giải Nobel kinh tế đầu
tiên cho ngành này vào năm 1982 (người nhận là giáo sư George
Stigler). Từ đó tới nay, IO trải qua một thời kỳ bùng phát
mang tính cách mạng nhờ sự phát triển chín muồi của các
công cụ phân tích đến từ lý thuyết trò chơi (game theory) và
kinh tế lượng (econometrics). Giai đoạn bùng phát này của IO
mang đậm dấu ấn Jean Tirole, hay nói theo cách của Ủy ban Nobel:
"Cuộc cách mạng này phần lớn là nỗ lực tập thể, nhưng
trong số rất nhiều những người đóng góp, Jean Tirole vượt
hẳn lên". Vì lẽ này, ông là nhà kinh tế duy nhất nhận
giải Nobel kinh tế 2014, thay vì nhận chung với người khác như
những năm gần đây.

Nhưng các nghiên cứu được trao giải Nobel kinh tế năm nay
của Jean Tirole nói riêng, và của "nỗ lực tập thể" của
các chuyên gia nghiên cứu về IO, có liên quan gì đến những
vấn đề mà người tiêu dùng Việt Nam quan tâm? Câu trả lời
là rất chặt chẽ.

Trong giai đoạn "tiền sử" của kinh tế học, người ta tin
rằng thị trường có những quy luật vận động riêng, và tự
nó sẽ có những điều tiết có lợi nhất cho xã hội. Khái
niệm "bàn tay vô hình" được dùng để mô tả động cơ
vị lợi của cá nhân sẽ dẫn dắt cá nhân này đến chỗ làm
tốt cho xã hội. Thí dụ một doanh nghiệp vì lợi nhuận sẽ
phải làm thế nào để bán sản phẩm của mình vừa tốt vừa
rẻ thì mới có nhiều khách hàng. Như thế doanh nghiệp kiếm
được tiền, và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi.

Đáng tiếc là quy luật này chỉ đúng trong trường hợp
"<em>cạnh tranh hoàn hảo</em>" (perfect competition), một
trường hợp mang tính lý tưởng trong đó có quá nhiều người
mua và quá nhiều người bán, không ai có chút quyền lực nào
để can thiệp vào thị trường (thông tin trong thị trường này
cũng hoàn hảo và bất cứ hành vi gì của các bên cũng đều
được nhận biết). Phần lớn các thị trường thực tế mà
chúng ta đối mặt hàng ngày là những thị trường không hoàn
hảo cả về khía cạnh cạnh tranh và thông tin. Thí dụ các
thị trường như điện, xăng dầu, sữa, viễn thông, ngân
hàng… ở Việt Nam kể trên. Với những thị trường dạng
này, nguyên lý bàn tay vô hình không còn đúng nữa. Có nghĩa là
khi theo đuổi việc kiếm tiền cho mình, doanh nghiệp thường
sẽ làm các chiêu trò không hay và gây hại cho người tiêu
dùng.

Nếu không biết hoặc không hiểu đúng các quy luật vận
động của các thị trường không hoàn hảo kiểu này, không ý
thức được các "thủ đoạn" của các doanh nghiệp hoạt
động trên các thị trường đó, thì dĩ nhiên các chính phủ
sẽ không thể quản lý được chúng. Ngay cả khi hiểu các quy
luật này nhưng không biết cách thiết kế ra được các thể
chế quản lý đúng thì việc quản lý các doanh nghiệp này cũng
vẫn không hiệu quả, và người tiêu dùng vẫn có lý do để
"than".

Ngành nghiên cứu <em>tổ chức thị trường</em> (IO) là một
ngành vừa mang tính lý thuyết vừa mang tính ứng dụng đặc
biệt cao. Các phân tích của ngành này tập trung rất sâu vào
từng thị trường không hoàn hảo đặc thù, phân tích tất cả
các trường hợp có thể có, để hiểu các quy luật vận
động của chúng, các thủ đoạn của các doanh nghiệp, các
mối nguy hại tiềm tàng đến từ việc thiếu sự quản lý
hoặc quản lý không đúng. Ngành này cũng nghiên cứu và thiết
kế ra các phương pháp quản lý thị trường hiện đại, cho
từng loại thị trường (ngành) cụ thể để hỗ trợ các
chính phủ trong việc quản lý các thị trường này.

Đáng tiếc là ngành này hầu như chưa từng tồn tại ở Việt
Nam. Các nghiên cứu của thế giới, bao gồm của Jean Tirole chưa
được biết đến ở nước ta, và chắc chắn còn lâu mới
được áp dụng vào việc quản lý nhà nước đối với các
thị trường không hoàn hảo của đất nước. Điều đó dẫn
tới việc dễ hiểu là các ngành này chưa được quản lý
đúng, việc làm ăn kinh doanh trên các thị trường này vẫn ở
trạng thái "nguyên thủy" và vì thế việc kêu than của
người tiêu dùng là chuyện dễ hiểu.

Nhưng rốt cuộc Jean Tirole đóng góp cụ thể những gì trong 3
thập kỷ qua để khiến ông xứng đáng nhận giải Nobel năm
nay?

<strong>Đóng góp lớn</strong>

Theo Uỷ ban Nobel, có ít nhất 5 nhóm công trình được Ủy ban
này đánh giá đặc biệt cao và là cơ sở để họ trao giải.
Thứ nhất là các nghiên cứu của ông về các thị trường
độc quyền tự nhiên và cách quản lý – điều tiết các thị
trường này. Các thị trường, thí dụ như thị trường phân
phối điện ở Việt Nam (do EVN độc quyền) là các thị
trường đặc biệt quan trọng và cần nhà nước quản lý. Mục
đích chính của việc quản lý nhà nước trên thị trường này
là nhằm tránh để các nhà độc quyền tùy tiện định giá.
Nếu không có quản lý nhà nước, chắc chắn các doanh nghiệp
độc quyền này sẽ đưa giá "lên mây" và biến người tiêu
dùng thành nạn nhân.

Trên nguyên tắc, có hai công cụ chính để quản lý là (a) xác
định tỷ lệ lợi nhuận tối đa cho phép và (b) quy định giá
trần. Tuy nhiên, trong từng trường hợp một, làm thế nào để
việc quản lý này hiệu quả, tránh được các nguy cơ vô hiệu
hóa chính sách, là việc phải nghiên cứu. Tirole và Jean-Jacques
Laffont đã tạo ra cuộc cách mạng trên lĩnh vực phân tích này
và cho ra đời các công cụ phân tích mới tốt hơn nhiều so
với trước để giúp các cơ quan nghiên cứu và lập chính sách
có thể đưa ra được các chính sách quản lý tốt hơn.

Nhóm công trình thứ hai được nhắc đến là các nghiên cứu
của ông về thị trường "<em>độc quyền nhóm</em>"
(<em>obligopoly</em>) – các thị trường mà trong đó có một số
ít (nhưng không phải chỉ một) doanh nghiệp hoạt động. Các
doanh nghiệp này cạnh tranh với nhau như thế nào qua thời gian
để lấy thị phần, duy trì thị phần, và chèn ép các doanh
nghiệp khác, các cách họ có thể cấu kết với nhau như thế
nào… Các nghiên cứu này trước Tirole đã có, nhưng ông đóng
vai trò quan trọng trong làn sóng làm mới các phân tích này, và
đi sâu hơn vào một số khía cạnh quan trọng của thị trường
độc quyền nhóm. Thí dụ, vai trò của các cuộc chạy đua
nghiên cứu và triển khai (R&D) và đầu tư chiến lược
(strategic investment) trong việc duy trì vị thế, chiếm lĩnh thị
phần, và ngăn chặn đối thủ tiềm năng tham gia vào ngành. Ông
cũng là người tiên phong nghiên cứu các xu hướng thị trường
mới xuất hiện nhờ công nghệ như hiện tượng tồn tại của
các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở (thí dụ như Open Office),
thị trường quảng cáo trực tuyến (thí dụ cơ chế quảng cáo
của Google), hay các thị trường có hiệu ứng mạng (thí dụ
thị trường của các nhà cung cấp dịch mạng xã hội), và các
thị trường hai mặt (thí dụ như thị trường thẻ tín dụng
hay thị trường hệ điều hành máy tính).

Nhóm công trình thứ ba là các khám phá của ông trong chính
sách quản lý cạnh tranh (competition policy). Một trong những công
việc đặc biệt quan trọng của các chính phủ khi thực hiện
quản lý nhà nước đối với thị trường là phải <em>chống
độc quyền</em> – tức là ngăn chặn các hành vi của các doanh
nghiệp nhằm biến thị trường vốn không phải độc quyền
thành thị trường độc quyền để hưởng lợi. Ủy ban Nobel
nhắc đến khám phá quan trọng của ông về "<em>liên kết
dọc</em>" (<em>vertical integation</em>) giữa các công ty trong cùng
ngành. Thí dụ ngành dầu khí được phân ra làm 2 nhóm công ty
– các công ty <em>thượng nguồn</em> (<em>upstream</em>) là các
công ty khai thác và lọc dầu. Các công ty <em>hạ nguồn</em>
(<em>downstream</em>) là các công ty phân phối dầu đến người
tiêu dùng cuối cùng. Trong nhiều trường hợp, các công ty
thượng nguồn có các mối liên kết với các công ty hạ
nguồn.

Vấn đề là nếu có một doanh nghiệp độc quyền ở thượng
nguồn hoặc hạ nguồn, thì doanh nghiệp này có thể sử dụng
vị thế này để gia tăng vị thế độc quyền ở mảng còn
lại – nơi nó không phải là nhà độc quyền. Vì thế các
liên kết giữa các công ty thượng nguồn và các công ty hạ
nguồn luôn là mối quan tâm của các chính phủ vì mục đích
<em>chống độc quyền</em>. Tirole đã góp phần đưa ra nhiều
phân tích trong mảng này, và các phân tích của ông góp phần
hình thành bộ khung xương giúp các nhà quản lý phân biệt
được đâu là trường hợp nên ngăn chặn, và đâu là trường
hợp cần phải khuyến khích hoặc cho phép.

Nhóm công trình thứ tư được nhắc đến là các nghiên cứu
trực tiếp của Tirole trong một số thị trường trọng yếu
như viễn thông, ngân hàng và tài chính. Ông đi sâu phân tích
các đặc thù của các ngành này và phát hiện được các hiện
tượng / quy luật kinh tế độc đáo trong từng ngành. Thí dụ
vấn đề tiếp cận hai chiều trong ngành viễn thông (các hãng
viễn thông của các nước hợp tác như thế nào khi có các
cuộc gọi từ nước này sang nước kia và họ phải sử dụng
hạ tầng viễn thông của nhau), vấn đề quản lý thị trường
liên ngân hàng như thế nào trong ngành ngân hàng, vấn đề
khởi động lại một hệ thống tài chính bị tê liệt vì
khủng hoảng như thế nào trong thị trường tài chính…

Nhóm các công trình cuối cùng được Ủy ban Nobel nhắc tới
là các công trình của Tirole trong các lĩnh vực khác như phát
minh ra các công cụ mới trong phân tích lý thuyết trò chơi (game
theory) và thiết kế thể chế (mechanism design), nghiên cứu về
tính thanh khoản và vai trò của trung gian tài chính trong thị
trường tài chính hiện đại, nghiên cứu về bong bóng trên
thị trường bất động sản, nghiên cứu về lý thuyết tài
chính doanh nghiệp, kinh tế học hành vi, và kinh tế học tổ
chức.

Như vậy, theo Ủy ban Nobel, giải Nobel kinh tế học năm nay trao
cho Giáo sư Jean Tirole không dành riêng cho một công trình nghiên
cứu cụ thể nào của ông. Thay vào đó, nó là phần thưởng
cho thành tích nghiên cứu đặc biệt xuất sắc của Tirole trong
hơn 30 năm qua, trải rộng trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau,
đặc biệt là lĩnh vực <em>Industrial Organization</em> (<em>tổ
chức thị trường</em>). Động cơ để tổ chức này trao giải,
như công bố chính thức của Ủy ban Nobel, là "vì các nghiên
cứu của ông trong lĩnh vực quyền lực thị trường và quản
lý nhà nước".


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141020/tran-vinh-du-nobel-kinh-te-2014-va-van-de-quan-ly-thi-truong),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét