Evan Osnos - Trung Quốc, nạn tham nhũng sau bộ mặt hào nhoáng (P. 2)

(Tiếp theo <a
href="https://www.danluan.org/tin-tuc/20140831/evan-osnos-trung-quoc-nan-tham-nhung-sau-bo-mat-hao-nhoang">phần
1</a>)

Những vụ tai tiếng trở thành nhịp nhấn trong quá trình đi
lên của Trung Quốc. Tổng hợp của kỹ thuật, giàu sang và
những hớ hênh tày trời đã kéo mở bức màn từng bảo vệ
giới lãnh đạo Đảng Cộng sản khỏi những soi mói bên ngoài.
Chưa bao giờ người dân nhà nước Cộng hoà Nhân dân lại
biết được quá nhiều những ưu tiên của những kẻ điều
hành nó. Trong suốt hai năm, một cán bộ Đảng bình thường
tên là Hàn Phong đã lưu lại hơn năm trăm trang nhật ký riêng
trong đó liệt kê chi tiết cuộc sống của ông trong chức vụ
cục trưởng Cục Độc quyền Thuốc lá tại thành phố Lai Tân
ở miền nam. Khi nhật ký của Hàn Phong bị tung lên mạng - ông
ta không biết được là bằng cách nào - nó thuật lại một
cuộc sống tràn đầy tiệc tùng, ngoại tình, những chuyến đi
công tác để hưởng thụ, xen kẽ với những công việc của
Đảng. Sau một ngày làm việc bình thường, ông viết:

<blockquote>
Thứ Ba, Ngày 6 tháng Mười một (Nhiệt độ 11-25 độ C, trời
nắng): Mình hiệu đính một bài phát biểu về "Những Ứng
xử Văn minh". Vào giờ ăn trưa, Lý Đức Huy và những người
khác từ Hạ Môn sang và chúng tôi nhậu. Sau đó tôi ngủ trưa
tại nhà nghỉ công ty … Đi ăn tối, uống rất nhiều … Vào
10 giờ tối, cô Đàm Thiện Phương lái xe đến và kéo mình qua
nhà cô ấy. Chúng tôi làm tình ba lần, và thêm lần nữa khi
bình minh.
</blockquote>

Khi cuốn nhật ký bị tiết lộ, Hàn đã bị bắt vào tháng Ba
2010. Ông bị truy tố và kết án 13 năm tù vì tội nhận hối
lộ trên một trăm nghìn đô la tiền mặt lẫn bất động sản.
Trong cơ tầng chính trị, ông chỉ là một con cá bé, và Đảng
không ngần ngại quẳng ông lên giàn hoả. Khi tôi đọc nhật
ký của ông, tôi bị sốc vì vẻ bình thường của nó; ông
không là một tên côn đồ cũng chẳng là một nhà lãnh đạo
cấp quốc gia, ông chỉ là một người đàn ông làm trong khả
năng có được của mình để nắm giữ những phẩm lộc mà
hệ thống chính quyền treo trước mặt mình. (Ba kiểu lạm
dụng ngân sách công bao gồm: đi lại, ăn uống và xe hơi -
được gọi là "Tam Công", và Bộ Tài chính từng ước
đoán rằng nó đã làm thiệt hại cho nhà nước 14 tỉ nhân dân
tệ - hơn phân nửa ngân sách quốc phòng.) Trong ngày cuối năm,
Hàn thống kê cuộc sống của mình:

<blockquote>
Công việc năm nay trôi chảy hơn mọi năm… Quyền lực của
mình với nhân viên tăng lên … Con trai học hành tốt, nó
được giới thiệu chuẩn bị tốt nghiệp mà không phải thi
cử. Sau hai năm, nó sẽ không gặp khó khăn gì khi kiếm việc
làm. Năng khiếu nhiếp ảnh của mình đã tăng thêm một bậc,
mình sẽ cố gắng tiếp tục học mãi. Chuyện đàn bà cũng
tiến triển tốt. Làm quen với cô Phan. Thường xuyên quan hệ
với Đàm Thiện Phương, và mình cũng tận hưởng thời gian
với Mạc Dao Đài. Năm nay tốt về mặt phụ nữ, nhưng với
quá nhiều bạn tình, mình phải để ý đến sức khoẻ.
</blockquote>

Thời gian sau, giới blogger Trung Quốc học cách xem xét các bức
ảnh của quan chức để tìm ra những bằng chứng về thói quen
không trùng hợp với tiền lương của họ. Họ đăng những
bức ảnh của các cơ quan công an có những chiếc Maserati và
Porsche sơn màu xanh trắng. Họ chỉ ra một quan chức nhà đất
địa phương tên Chu Cửu Canh thường xuyên được chụp ảnh
khi hút loại thuốc lá giá 24 đô la một gói, và sau những
điều tra về tội nhận hối lộ ông bị kết án 11 năm tù.
Một blogger khác đã trở thành chuyên gia khám phá những cán
bộ chuyên đeo những đồng hồ đắt tiền một cách đáng
ngờ, và anh ta được biết với bí danh "kẻ canh xét đồng
hồ".

Ngành kiểm duyệt cố gắng hạn chế những thông tin này trên
mạng trong khả năng của mình, nhưng mỗi vụ án mới lại xé
thêm một lỗ hổng trên hình ảnh của Đảng vốn luôn cam kết
rằng mình là "người đầu tiên nếm mùi cay đắng, người
cuối cùng tận hưởng phúc lợi." Mỗi vụ án mới lại giảm
đi cái vẻ nó là trường hợp hi hữu, và mỗi chi tiết mới
lại nhấn mạnh thêm khoảng cách giữa bề ngoài nghiêm trang và
sự thật trần trụi bên dưới của Đảng. Một phụ nữ lên
mạng kể lại quan hệ của mình với xếp của bà là Y Tuấn
Khanh, Cục trưởng Cục Biên dịch Trung ương Đảng - tức là
người chuyên rao giảng giáo điều và giá trị Mác xít. Người
tình nhân này kể lại việc cô đã trả tiền cho ông để mua
chức và đăng tải những tin nhắn giữa hai người trong ba năm
qua cũng như những tường thuật dài về sushi, rượu sake và
những hẹn hò vào giờ trưa.

Một trường hợp khác đã phát hiện ra một tập ảnh - bị rò
rỉ khi chữa máy tính - trong đó ghi lại quan hệ tình dục qua
lại của năm người nam nữ trong một khách sạn. Người xem
nhanh chóng nhận diện một số quan chức nhà nước. Vấn đề
ở đây không phải là sự xấu hổ mà là thói đạo đức
giả: không lâu trước đó, chính quyền đã truy tố một giáo
sư công nghệ thông tin, một người sống với mẹ già và trong
thời gian rỗi, ông tổ chức nhóm làm tình tập thể - một
cộng đồng trong đó ông được biết đến với cái tên mạng
là Ngọn lửa Hùng tráng. Ông bị bắt và tuyên án ba năm rưỡi
với tội danh "Dâm loạn tập thể", một tàn dư của thời
kỳ trước khi chính quyền truy tố người dân tội "lưu
manh" vì có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Trường hợp
của Ngọn lửa Hùng tráng trở thành biểu tượng đấu tranh
của những người ủng hộ quyền riêng tư, vì tin tức về các
cán bộ làm tình tập thể trở thành một thách thức về quan
hệ công chúng của Đảng. Một chính quyền huyện quyết định
tuyên bố đấy là một trường hợp bị nhận diện nhầm, và
tờ <em>Nhân dân Nhật báo</em> tóm tắt với tựa đề KẺ TRẦN
TRUỒNG KHÔNG PHẢI LÀ BÍ THƯ CỦA CHÚNG TA. (Hoá ra chính là ông
ấy.)

Có quá nhiều vụ khiến tôi gặp khó khăn trong việc cập
nhật. Có một quan chức tại Sơn Tây bị bắt với bốn vợ và
mười con trong một xứ sở có luật một con. Và lại có một
đoạn băng ghi hình khó quên của một bí thư Đảng tên Lôi
Chính Phú hăng hái quan hệ với một phụ nữ chỉ một phần ba
tuổi của ông. Và người này, hoá ra lại do một nhà xây dựng
địa phương thuê để quyến rũ Lôi nhằm mục đích khống
chế ông. (Ông là một con người to béo, phốp pháp, và dân
mạng Trung Quốc đã so sánh ảnh ông với Jabba the Hutt, một
nhân vật phì nộn ác độc trong phim <em>Star Wars</em>.)

Trường hợp cuối cùng mà tôi theo dõi trước khi bỏ cuộc
không thèm đọc những tường thuật loại này là về một giám
đốc công an huyện Ô Tô. Khi ông bị phát hiện có quan hệ
tình cảm với những phụ nữ mà ông đã thăng chức họ trong
lực lượng công an - trong khi nuôi họ trong những căn hộ cao
cấp bằng tiền thuế của dân - cơ quan của ông đã đưa ra
một minh định nghe có vẻ như là một tin vui trong hoàn cảnh
ấy: hai tình nhân của giám đốc công an không phải là chị em
<em>sinh đôi</em>, họ chỉ là <em>chị em ruột</em>. Khi tôi đọc
đến chi tiết này, tôi ngừng nhai và ngẩng lên, chớp mắt
để nhận thức được toàn bộ ý nghĩa của nó; lời biện
hộ "chỉ là chị em ruột" dường như đã đóng thêm một
dấu ấn chìm vào hình ảnh của cán bộ nhà nước Trung Quốc.

<center>* * *</center>

Tính chất hời hợt của nó trở nên quá lố bịch khiến ta
dễ bỏ qua rằng nó đã đi ngược lại một trong những rưòng
cột của luật lệ Đảng: trong mấy nghìn năm qua, giới cầm
quyền Trung Quốc luôn dựa trên quan niệm <em>Đức Trị</em>.
"Khi một vị vương có hành xử cá nhân đúng đắn," Khổng
Tử nói, "chính quyền của ông sẽ có hiệu quả mà không
phải ra lệnh. Nếu tư cách cá nhân của ông sai lạc, ông có
thể ra lệnh, nhưng nó sẽ không được tuân phục." Tương
tự, thẩm quyền của đảng Cộng Sản đặt trên quan điểm
rằng ngay cả khi các quan chức địa phương tham ô, tấm gương
về tính khôn khéo, công bằng, và trọng dụng nhân tài của
giới lãnh đạo cao cấp vẫn quá nổi bật để có thể xem
việc bất đồng chính kiến ​​và bầu cử trực tiếp là
không cần thiết và lạc hậu. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từng
nói rằng "việc bồi dưỡng uy tín đạo đức cá nhân được
xem là phẩm chất cơ bản của một cán bộ chân thực." Khi
chính quyền bị xem là đã vi phạm nền tảng "đức trị",
phản ứng của quần chúng có thể rất căng thẳng: trong thập
niên tám mươi, cuộc nổi dậy tại Quảng trường Thiên An Môn
phần lớn được châm ngòi bởi nạn tham nhũng tràn lan.

Trong tình hình bùng nổ tham nhũng mới đây, vấn đề đạo
đức của Đảng có lẽ được phản ánh một cách chính xác
nhất qua một đoạn phim từng thu hút dân chúng Trung Quốc hơn
cả những đoạn phim màu mè nhất: khi các phóng viên địa
phương hỏi một nhóm các em bé sáu tuổi rằng các em muốn làm
gì khi trưởng thành, các em đưa ra những nghề nghiệp phổ
biến - lính cứu hoả, phi công, hoạ sĩ - cho đến khi một em
bé trai trả lời "Em muốn trở thành cán bộ."

"Cán bộ gì?" người phóng viên hỏi.

"Một cán bộ tham ô," đứa bé đáp, "vì họ có rất
nhiều thứ."

Tin tức cho biết các quan chức càng cao thì càng giàu sang tột
độ. Vào tháng Sáu 2012, hãng tin Bloomberg sử dụng tài liệu
của các tập đoàn và các cuộc phỏng vấn để tính ra rằng
gia đình dòng họ của chủ tịch tương lai Trung Quốc Tập Cận
Bình có tổng tài sản trị giá hàng trăm triệu đô la. Sự
giàu có này khiến Đảng khó giải thích được, vì thế họ
quyết định im lặng: chỉ trong vòng 24 giờ, chính quyền đã
ngăn chặn trang Bloomberg - nó vẫn bị chặn tại Trung Quốc
không biết đến khi nào - và họ đã cấm các ngân hàng và
công ty Trung Quốc ký kết các hợp đồng mới sử dụng mạng
lưới điện toán của Bloomberg. Việc này gây tổn thất hàng
triệu đô la về buôn bán và quảng cáo của công ty.

Khi áp lực đối với giới lãnh đạo Trung Quốc gia tăng, một
số những người ủng hộ họ đã nổi giận trước những
tiết lộ này - cơn giận dữ này bùng nổ theo nhiều kiểu cách
lạ lùng, làm ảnh hưởng đến đời sống của cả chúng tôi.
Một hôm vợ tôi Sarabeth, đang làm việc cho một tổ chức giáo
dục phi vụ lợi, nhận được một cú điện thoại từ một
phụ nữ mà cô quen biết, đó là vợ của một giáo sư Trung
Quốc có quan hệ gần gũi với Đảng. Họ là một cặp vợ
chồng thời thượng - một con đang theo học một trường đại
học thuộc Ivy League và có quan hệ sâu đậm với giới lãnh
đạo cao cấp. Bà vợ mời Sarabeth ra nói chuyện tại một khu
thương xá gần nhà. Tại tiệm Starbucks, bên cạnh cửa hàng
Apple Store, người phụ nữ hỏi han về công việc nhà báo của
tôi, rằng tôi có quen biết với Michael Forsythe hay không, anh ta
là phóng viên Bloomberg, người đã đăng những chi tiết về tài
sản của gia đình Tập Cận Bình. Bà nhắn Sarabeth gửi lời
cảnh báo đến tôi, rồi từ tôi nhắn đến Mike. "Anh ta và
gia đình không thể lưu lại Trung Quốc. Nơi đây không còn an
toàn nữa," bà nói. "Một chuyện gì đấy sẽ xảy ra. Nó
sẽ trông giống như là một tai nạn. Không ai biết việc gì
sẽ xảy ra. Người ta sẽ phát hiện ra anh ấy bị chết."

Sarabeth, người không có mấy kinh nghiệm về những vấn đề
như thế này, đâm ra hốt hoảng. Điều này có thật không?
Tại sao bà này lại kể cho cô ấy chuyện này? Sarabeth cố
gắng thấu hiểu câu chuyện và hỏi bà ta rằng ai là người
đứng sau lời đe doạ này. "Không phải trực tiếp từ gia
đình ông ấy," người phụ nữ nói, ám chỉ chủ tịch Tập.
"Đấy là từ những người chung quanh ông ta, họ muốn chứng
tỏ lòng trung thành."

Tôi gọi Mike khi anh ấy đang ở châu u nghỉ ngơi cùng với vợ
con. Anh nói với tôi rằng anh cũng nhận được lời đe doạ qua
một nguồn trung gian khác. Trước đấy anh cũng từng gặp
người vợ của vị giáo sư trên vì bà ta là cố vấn quan hệ
công chúng cho cách thành viên của gia đình chủ tịch Tập.
Giờ đây thì anh không biết nghĩ sao. Liệu có phải bà ta đang
tìm cách giúp anh? Hay chính bà ta muốn đuổi anh ra khỏi Trung
Quốc? Tin tức về tài sản gia đình họ đã là một thảm hoạ
về quan hệ công chúng, và buộc anh ra khỏi nước có thể giúp
ngăn chặn những tiết lộ khác. Đây là điểm giao thoa giữa
truyền thông hiện đại và nền chính trị băng đảng.

Các chuyên gia an ninh của Bloomberg đã điều tra lời đe doạ
trên - họ tiến hành phỏng vấn, giám định các quan hệ - và
cuối cùng quyết định rằng Mike và gia đình có thể an toàn
quay lại Bắc Kinh. Nhưng thật khó để quên đi sự kiện trên.
Chỉ trong vòng một năm, anh ấy và gia đình đã rời khỏi lục
địa và chuyển sang Hồng Kông. (Anh rời Bloomberg vào năm 2013.)

Nếu đe doạ và trả thù là nhằm để đàn áp quá trình tìm
tòi những thông tin không muốn được biết thì họ đã không
thành công. Vào tháng Mười tờ <em>New York Times</em> đã dựa
trên tài liệu của các tập đoàn để tính toán được rằng
trong những năm Thủ tướng Ôn Gia Bảo còn tại chức, gia đình
ông đã thâu tóm một tài sản trị giá 2,7 tỉ đô la. Trước
đây gia đình ông không được cho là giàu có; cha là một nông
gia nuôi lợn, mẹ là giáo viên. Nhưng tài sản gia đình giờ
đây quá lớn đến nỗi nó nằm trong bảng xếp hạng các gia
đình giàu có nhất thế giới của tạp chí <em>Forbes</em>.

Tin này là một nhạo báng đối với câu thần chú của Đảng:
trước khi có Đảng, họ thường nói, Trung Quốc bị cai trị
bởi các gia đình quyền lực, và Đảng đã phân phát những
tài sản ấy lại cho nhân dân. Giờ đây rõ ràng tại Trung
Quốc, vào thời điểm kỷ niệm 100 năm chấm dứt vương triều
cuối cùng, lại đang quay về tình trạng phong kiến ngày xưa.
Tầm mức của những ân sủng và tự trục lợi đã đặc biệt
gây một ảnh hưởng đầy khó chịu đến uy tín của Ôn Gia
Bảo vì ông đã xây dựng cho mình hình ảnh của một con
người cấp tiến chuyên giữ gìn kỷ cương của Đảng. Được
đặt bí danh là Ông Ngoại Ôn vì chuyên quan tâm đến người
nghèo, ông từng tuyên bố "Tôi thường nói rằng chúng ta
không chỉ để người dân có được quyền tự do ngôn luận,
điều quan trọng hơn nữa là chúng ta phải tạo điều kiện
để họ chỉ trích cách làm việc của chính quyền." Nhưng
rồi, đến sáu giờ sáng sau khi thông tin tài sản gia đình ông
được tiết lộ, chính quyền của ông đã ngăn chặn tờ
<em>Times</em> - và cũng như tờ Bloomberg, nó vẫn đang bị chặn.

Nhìn qua những chính sách của họ, việc ngăn chặn những tờ
báo có ảnh hưởng nhất thế giới là một biện pháp rõ rệt
nhất cho thấy Đảng sẵn sàng cô lập người dân để bảo
vệ uy tín của mình ra sao: hiện nay nó đang ngăn chặn người
dân truy cập Facebook, Twitter, <em>The New York Times</em>, Bloomberg
News, và nhiều trang mạng khác. Giới kiểm duyệt đua nhau bảo
vệ hình ảnh Thủ tướng Ôn trên mạng bằng cách lọc những
cụm từ ghép, bao gồm <em>Thủ tướng</em> + <em>gia đình</em> và
<em>Ôn</em> + <em>hàng trăm triệu</em>.

Ở đây không chỉ riêng vấn đề tiền bạc bị xem xét.
Người dân thu thập những chứng cứ cho thấy đời sống quan
chức thì khoẻ mạnh hơn của dân thường. Một nhà máy sản
xuất máy lọc không khí đã vô tình châm ngòi cho một cơn
giận dữ khi nó đưa ra quảng cáo khuyến mãi trong đó hãnh
diện nói rằng các quan chức Trung Quốc thở không khí trong
lành hơn nhờ hai trăm máy lọc cao cấp của họ lắp đặt dọc
hành lang của các cơ quan ở thủ đô. "Tạo ra bầu không khí
trong sạch, vệ sinh cho các cán bộ lãnh đạo là niềm hạnh
phúc của người dân," công ty tuyên bố. Trong khi người dân
còn đang tìm cách cảm nhận niềm hạnh phúc trên, họ lại
biết được rằng có một mạng lưới "nông trại đặc
biệt" chuyên dùng để cung cấp các loại thực phẩm an toàn
cho lãnh đạo Đảng. (Một báo cáo của Ngân hàng Phát triển
châu Á dự tính trong năm 2007 có ba trăm triệu người ở Trung
Quốc bị mắc bệnh liên quan đến thực phẩm mỗi năm.) Sau khi
các nhà báo của tờ <em>Phương Nam Tuần Báo</em> viết bài về
nông trại này, các tổng biên tập trên cả nước bị cảnh
báo không được đăng tin này nữa.

Điều cuối cùng Hồ Cương dạy tôi về việc hối lộ một
thẩm phán là nó thật đáng giá. Sau năm năm, anh bị bắt giữ
sau một cuộc điều tra theo thông lệ về nạn tham ô trong toà
án. Tổng cộng có đến 140 chánh án bị bắt, bao gồm cả viên
chủ tịch toà án tối cao tỉnh. Hồ Cương bị truy tố và kết
án một năm tù.

Sau khi ra tù, anh xuất bản một tiểu thuyết dưới bút danh Phú
Sĩ, và sau đó lại thêm một cuốn nữa. Khi tôi gặp anh, anh
đang viết một kịch bản truyền hình. Anh đã rút ra được
kết luận qua những trải nghiệm của mình. "Mặc dù chúng
tôi có một hệ thống pháp lý với vô số luật lệ và qui
định, việc thực thi chúng là tuỳ ý," anh bảo tôi, ngồi
sâu vào ghế, mắt long lanh sau buổi cơm trưa. "Khi luật lệ
có lợi cho những người làm luật, chúng được áp dụng; khi
chúng không có lợi, chúng bị tảng lờ. Những người làm
luật nói: 'Ta mới chính là luật, và ta có quyền lực lớn
nhất.' Ai cũng biết điều này." Anh cười. Trung Quốc, anh
nói, vận hành bằng "luật lệ ngầm". Anh nói tiếp: "Nó
luôn như thế; chỉ là vấn đề ngày càng trở nên trầm trọng
hơn trong vài năm qua."

Trong đa số các quốc gia, ảnh hưởng lâu dài của chế độ
nhà nước đạo tặc thật dễ để đoán trước: các nhà kinh
tế tính ra rằng trong thang điểm tham nhũng từ một đến
mười, cứ mỗi một điểm tham nhũng tăng thì tỉ lệ tăng
trưởng của quốc gia ấy sẽ giảm 1 phần trăm. (Ví dụ như
Haiti dưới thời Francois Duvalier hay Zaire dưới thời Mobutu.)
Nhưng những ngoại lệ cũng rất quan trọng. Ở Nhật và Nam
Hàn, nạn tham ô đi theo chiều tăng trưởng của quốc gia chứ
không phải khi nó sụp đổ. Không có trường hợp nào đáng
nghi ngờ hơn bằng Hoa Kỳ. Khi những người cổ xuý cho hệ
thống đường sắt xuyên lục địa bị phát hiện là đã bí
mật trả tiền cho chính họ để xây tuyến đường sắt này -
vụ tai tiếng năm 1872, còn có tên là Crédit Mobilier - mức độ
tham ô được giới truyền thông tường thuật là "Một bằng
chứng tai hại nhất về các quan chức chính phủ và những kẻ
côn đồ tư nhân cùng nạn tham nhũng được bày ra trước cái
nhìn của cả thế giới." Từ năm 1866 đến 1873, quốc gia này
đã xây dựng ba mươi lăm nghìn dặm đường sắt, tạo dựng ra
một nguồn tài sản khổng lồ nhưng, theo lời Mark Twain, cũng
cho thấy được "nạn tham nhũng đầy nhục nhã". Cơn bùng
nổ quá độ của đường sắt dẫn đến sự kiện Khủng
hoảng 1873 và sau đấy là những cơn khủng hoảng tài chính,
trước khi áp lực chính trị nhằm ngăn chặn tham nhũng tạo
được đà tiến trong thời kỳ Cấp tiến.

Có hai cái nhìn cơ bản về việc tham nhũng có thể ảnh hưởng
đến tương lai Trung Quốc ra sao. Cái nhìn lạc quan là nó là
một phần của quá trình chuyển hoá từ chủ nghĩa xã hội sang
thị trường tự do, và dù sao nó cũng tạo ra được hệ thống
đường cao tốc và đường sắt khiến cả những quốc gia phát
triển cũng phải ngưỡng mộ. "Người Trung Quốc thành công
hơn," cựu Bộ trưởng Giao thông Hoa Kỳ Ray LaHood nói với các
phóng viên, "vì ở nước họ chỉ có ba người ra quyết
định.Ở nước ta, có đến ba nghìn người tham gia." Học
giả Bùi Mẫn Hân lại không lạc quan đến thế. Ông nói với
tôi rằng Đảng chỉ truy tố có 3 đến 6 phần trăm đảng viên
dính líu đến những vụ sai trái, và chỉ có một phần ba
những người bị tuyên án thật sự bị đi tù. Khi Andrew
Wedeman, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Georgia State
chuyên nghiên cứu về Trung Quốc điều tra thói quen hối lộ và
truy tố, ông nghĩ rằng bộ máy tham ô ở Trung Quốc cũng đi
theo hệ thống bảo kê giai tầng như ở Nhật và Nam Hàn. Thay
vì thế, ông phát hiện ra rằng "bằng chứng cho thấy nạn
tham nhũng ở Trung Quốc hiện tại thật sự là vô tổ chức."
Ông viết rằng "tham nhũng ở Trung Quốc gần giống như tham
nhũng ở Zaire hơn là tham nhũng ở Nhật." Nhưng không như
Zaire, Trung Quốc lại trừng phạt nhiều người mắc tội này;
trong vòng năm năm, Trung Quốc đã xử phạt 688 nghìn Đảng viên
vì tội nhận hối lộ, đút lót và biển thủ; họ đưa ra 350
bản án tử hình vì tội tham nhũng, và Wedemen kết luận rằng
"Ở mức độ căn bản, có vẻ nó đã ngăn ngừa được nạn
tham nhũng vượt khỏi vòng kiểm soát."

Cái nhìn đen tối hơn lại cho rằng mối đe doạ từ tham nhũng
ở Trung Quốc không phải là kinh tế mà là chính trị. Dưới
quan điểm này, chất kết nối giữa người dân và giới lãnh
đạo đang bị giảm dần, giai cấp cầm quyền đang hết sức
hối hả vơ vét trong những năm cuối của thời kỳ tăng
trưởng nhanh chóng, và khả năng tự cách tân của Đảng cũng
chẳng khá gì hơn thời các nước Sô Viết trước đây. Sau vụ
án Bạc Hi Lai, một số lãnh đạo cao cấp của Đảng bắt
đầu đặt vấn đề về tình trạng sức khoẻ của Đảng.
Bốn quan chức về hưu đã ký một bức thư mở yêu cầu
"Đảng đang trong tình trạng nào khi thậm chí những cấp cao
nhất cũng bị dính líu vào một câu chuyện còn tàn ác hơn cả
những chuyện trong <em>Nghìn Lẻ Một Đêm</em>?" Những người
lãnh đạo mới, họ viết, "phải công khai … tài sản của
họ và gia đình." Giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng cải
cách chính trị sẽ dẫn đến bất ổn, nhưng liệu họ có nghĩ
rằng không làm gì cả cũng sẽ dẫn đến kết quả tương tự?
Khi một nền kinh tế đang tăng trưởng, người dân có thể
nhân nhượng với nạn tham ô trắng trợn. Nhưng khi nó chững
bước lại, cũng một mức độ tham nhũng ấy có thể trở nên
không chịu đựng nỗi.

Tôi hỏi Hồ Cương rằng liệu anh có nghĩ Trung Quốc sẽ vượt
khỏi cơn bùng nổ tham nhũng hay không, như Mỹ và Nam Hàn đã
từng. Anh ngồi yên một lúc và nói "Tôi thấy xã hội này
như một cái ao lớn. Nhiều năm qua, người ta dùng nó như một
cái cầu tiêu vì chúng tôi có thể. Và chúng tôi có được
quyền tự do làm thế, ngay cả khi cái ao ngày càng dơ bẩn.
Giờ đây chúng tôi cần một người có thể đứng lên và bảo
với tất cả rằng cái ao đã bị nhiễm bẩn và nếu mọi
người cứ tiếp tục làm ô uế nó, sẽ chẳng ai sống sót
cả."


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140901/evan-osnos-trung-quoc-nan-tham-nhung-sau-bo-mat-hao-nhoang-p-2),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét