Trần Kinh Nghị - Khi tâm thế yếu hèn

<center><img
src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjR-8K9mZkbIZ3BglfNaz4Lp0UPANWa_E8EOnoO3dkr4PgmjCmOpbJY7vZcBLAYqqzZvEsJ9y-FU9Yd02ECtaIj9cNn_HuBxzXsEqOfJS4B_RkEGDUfgFp62FbWfI29x_TqV7Z8i-T5Iw_I/s1600/140419133220_vietnam_304x171_trithuctre.info.jpg"
/></center>

Vụ nhóm người Trung Quốc vượt biên trái phép sang Việt Nam
qua cửa khẩu Bắc Phong Sinh, tỉnh Quảng Ninh hôm thứ Sáu ngày
17/4 vừa qua thực ra chỉ là một trong nhiều vụ đã, đang và
sẽ tiếp tục xảy ra dọc biên giới Trung Việt. Tuy nhiên quá
trình giải quyết vụ việc lần này bộc lộ rõ hơn nguyên
nhân sâu xa đáng để xem xét rút ra bài học kinh nghiệm.

Trong luồng dư luận hiện nay, bên cạnh ý kiến tán thành có
nhiều ý kiến phê phán cách về giải quyết của nhà chức
trách Việt Nam liên quan đến vụ việc này, đặc biệt việc
trao trả cho phía Trung Quốc toàn bộ, kể cả những kẻ phạm
trọng tội trong lãnh thổ Việt Nam. Những ý kiến phê phán cho
rằng việc bàn giao cho Trung Quốc toàn bộ nhóm tội phạm (cả
người sống lẫn xác chết) như vậy là quá vội vàng và không
phù hợp với nguyên tắc về độc lập chủ quyền quốc gia và
quyền con người. Có ý kiến cho rằng "Việt Nam đồng lõa
(với Trung Quốc) vi phạm nhân quyền" v.v...

Sở dĩ có cách hiểu khác nhau, thậm chí trái ngược nhau như
vậy trước hết là do tình trạng thiếu thông tin hoặc không
minh bạch, không nhất quán về thông tin. Ví dụ, các nguồn tin
chính thức của Việt Nam lúc đầu khẳng định nhóm vượt
biên "không phải là khủng bố", nhưng khi các nguồn khác gọi
họ là "người Tân Cương", là "lực lượng ly khai", "khủng
bố"... thì không bác bỏ. Phải chăng trước sự chất vấn
của dư luận người ta có ý "để ngỏ"một số thông tin mơ
hồ về tung tích "nhóm khủng bố" ...để khớp với hành động
manh động táo tợn của họ(?). Một nguyên nhân khác là mối
quan hệ Việt-Trung có những điều khác với thông lệ quốc
tế; chúng được điều chỉnh bằng những thỏa thuận riêng
tư giữa nhà chức trách hai nước mà người ngoài khó biết
được. Đó là những lý do khiến người bình thường khó có
đầy đủ thông tin nếu muốn đưa ra những lời bình luận
đáng tin cậy. Mọi lập luận và quy kết "tội danh" xem ra chỉ
là sự suy diễn không mấy thuyết phục. Thử hỏi, nếu phía
Việt Nam khăng khăng đòi giữ số người vượt biên Trung Quốc
đó thì điều gì sẽ xảy ra? (Theo tôi được biết, nhiều
trường hợp người vượt biên trên thế giới cũng bị "trục
xuất nhanh" không cần xét xử... để tránh rắc rối phiền
phức đấy, chứ có riêng gì Việt Nam?)

Có lẽ vấn đề đáng để bàn luận ở đây là nguyên nhân
dẫn đến vụ việc một cách không đáng có như vậy. Phải
chăng nguyên nhân chính nằm ở TÂM THẾ của người Việt trong
quan hệ với nước lớn láng giềng phương Bắc. Đó là tâm
thế cả nể của kẻ yếu trước kẻ mạnh xen lẫn nỗi sợ
hãi mơ mơ hồ cùng với những hệ quả phát sinh từ tâm thế
đó. Đây không phải là chủ đề xa lạ mà đã được người
Việt chúng ta bàn đến từ lâu rồi. Ở đây chỉ xin nêu đôi
điều trực tiếp liên quan đến vụ việc vừa xảy ra mà thôi.

Vấn đề là, tại sao một nhóm tội phạm có cả phụ nữ và
trẻ em đã bị bắt đưa về đồn biên phòng của ta lại có
thể có cơ hội để tước đoạt vũ khí rồi khống chế toàn
bộ đồn biên phòng, gây ra nhiều thiệt hại về người và
tài sản như vậy?

Có người sẽ nói là "do sở hở của một vài chiến sĩ " và
"do sự manh động của đối phương".... Nếu vậy xin hãy nghĩ
đến cảnh những người Việt Nam phạm pháp ở Liên Xô cũ hay
ở Trung Quốc, Nhật Bản hoặc bất cứ nước ngoài nào thì
sẽ thấy sự khác nhau. Liệu người Việt Nam ở đó có cơ
hội nào để mạnh động hay chỉ toàn bị đặt vào thế "bẹp
dí như con dán" trong các đồn cảnh sát của họ?

Nếu nhóm vượt biên kia có vũ khí và chống trả trong quá
trình bị truy đuổi thì còn có lý. Nhưng họ tay không và đã
bị bắt đưa về đồn rồi mà để xảy ra vụ việc như vậy
là điều rất vô lý. Nếu chúng là khủng bố mà ta sơ hở
không còng tay khống chế ngay từ đầu thì lại càng vô lý.

Câu trả lời chính xác ở đây là tâm thế mơ hồ về
bạn/thù khiến người Việt Nam không thể dứt khoát trong các
mối quan hệ với nước lớn láng giềng phương Bắc, và tâm
thế này hoàn toàn trái ngược với tâm thế của đối phương
lúc nào coi thường và khinh miệt đối với nước Việt Nam
phiên thuộc. Hãy xem cảnh sát biển Trung Quốc ngày đêm trấn
áp dân chài Việt Nam trên biển Đông như thế nào thì rõ. Hãy
xem cái cách họ sử dụng Việt Nam như một bãi rác thải cho
các loại máy móc thiết bị lỗi thời, các loại hàng hóa thứ
cấp rẻ tiền và độc hại v.v... thì rõ. Ở tầm cấp cao họ
cũng luôn luôn đối xử với đồng cấp Việt Nam như vậy, thì
ở tầm thấp hành động như nhóm vượt biên vừa rồi là
chuyện dễ hiểu.

Liệu khi nào người Việt Nam có thể thực sự thoát khỏi cái
tâm thế yếu hèn sợ bóng sợ gió để vươn lên với một tâm
thế mới với lòng tự tôn tự cường dân tộc đúng với
nghĩa của nó?

Hà Nội, ngày 19/4/2014


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20140421/tran-kinh-nghi-khi-tam-the-yeu-hen),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét