Vũ Lịch Nguyên - Sẽ bỏ hay viết lại điều 4?

<h2>"Sắt máu và vênh váo" giảm dần, "nhũn nhặn" tăng
dần </h2>

Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 2013 vẫn giữ điều 4, nhưng có
bổ sung. So sánh Điều 4 ở ba bản hiến pháp cách nhau 12 và 21
năm (1980, 1992 và 2013) ta thấy thời thế đổi thay khiến đảng
CSVN phải thay đổi thái độ, thể hiện ở cách viết nội dung
điều 4. Vắn tắt, từ chỗ rất "sắt máu", nay đảng đã
"nhũn" hơn nhiều. Chiều hướng sửa đổi này phù hợp với
vị thế ngày càng chênh vênh của đảng. Vậy, sao không sửa
đổi triệt để (tận gốc) một lần này cho xong?

<h2>Hãy thử so sánh:</h2>

<table>
<tr><td>
<strong>Điều 4, Hiến Pháp 1990</strong>
</td>
<td>
<strong>Điều 4, Hiến Pháp 1992</strong>
</td>
<td>
<strong>Điều 4, Dự thảo HP 2013</strong>
</td>
</tr>
<tr>
<td>(viết liền một mạch)</td>
<td>(viết liền một mạch)</td>
<td>(tách thành 3 khoản)</td>
</tr>
<tr>
<td>Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu
<span class="underlined-text">chiến đấu</span> của giai cấp công
nhân Việt Nam, được <span class="underlined-text">vũ trang</span>
bằng học thuyết Mác – Lênin, là lực lượng <span
class="underlined-text">duy nhất</span> lãnh đạo Nhà nước, lãnh
đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng
lợi của cách mạng Việt Nam.

Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công
nhân và nhân dân Việt Nam.
</td>
<td>Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp
công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai
cấp công nhân, <span class="underlined-text">nhân dân lao động và
của cả dân tộc</span>, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và <span
class="underlined-text">tư tưởng Hồ Chí Minh</span>, là lực
lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.</td>
<td>1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp
công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao
động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi
ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân
tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và <span
class="underlined-text">tư tưởng Hồ Chí Minh</span> làm <span
class="underlined-text">nền tảng</span> tư tưởng, là lực lượng
lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân,
chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân
dân về những quyết định của mình.
</td>
</tr>
<tr>
<td><span class="underlined-text">Các</span> tổ chức của Đảng
hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp.
</td>
<td><span class="underlined-text">Mọi</span> tổ chức của Đảng
hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.</td>
<td>3. Các tổ chức của Đảng <span class="underlined-text">và
đảng viên</span> hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp
luật.</td>
</tr>
</table>

<h3>Năm 1980, khẩu khí ngạo nghễ chẳng cần giấu giếm. </h3>

- Ngay câu đầu của Điều 4 (1980), đã có các từ rất máu:
"chiến đấu", "vũ trang" và và rất sắt: "duy nhất".
Xin chú ý: Câu này rất dài, nhưng chỉ có một mẩu ngắn là
mang tính chất "luật" (Đảng cộng sản Việt Nam là lực
lượng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội). Các câu chữ
còn lại, được đệm vào (dài gấp 4 lần), đều mang tính
"vênh váo", "ưỡn ngực" - triệu chứng điển hình của
"bệnh kiêu ngạo CS". Ví dụ, không thèm nói gì về dân
tộc; hoặc đoạn cuối của câu đầu: (là nhân tố chủ yếu
quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam) thì cóc
phải văn phong luật, mà là loại văn… vơ vào (đảng là tác
giả của mọi thành công). Thế, còn vô số thất bại? Hẳn là
cũng do đảng chứ?

- Câu thứ 2, cắt nghĩa lý do đảng "tốn tại". Và đảng
định tồn tại cho đến khi giai cấp công nhân sẽ đạt
tới… mọi lợi ích (xin hãy đọc: Đảng tồn tại và phấn
đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt
Nam). Nói khác, đảng sẽ ngồi ở vị trí chóp bu cho tới khi…
thế giới đại đồng, biên giới VN và TQ được xóa; 100
triệu dân Việt sẽ "hòa nhập vào 1500 triệu dân TQ.

- Câu cuối: mang tính chất luật, nhưng khá mơ hồ: "đảng
hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp" nhưng mà… hiến pháp
chứa toàn những điều pro-đảng. Câu này bắt đầu bằng chữ
"các" nhưng sau 12 năm phải đổi thành "mọi".

<h3>Sau đó 12 năm (1992) đã có sự hạ giọng đáng kể</h3>

- Câu chính vẫn là Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng
lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội, nhưng phần đệm đã
mất các từ "máu" và "sắt"; đồng thời đã nhắc đến
"dân tộc". Mác-Lê không còn độc tôn, mà thêm cả "tư
tưởng Hồ Chí Minh".

- Câu 2 (năm 1980) đã bỏ hẳn, tức là đảng không nghênh ngang
vỗ ngực "tao đây tồn tại muôn năm" nữa…

- Câu 3 cũng nhũn nhặn hơn một chút: Nếu đảng chì bị hiến
pháp chi phối thì thực chất chẳng có gì ràng buộc; nhưng nay
đảng tự nhận là còn bị cả pháp luật chi phối nữa cơ.
Vấn đề là… kiếp nào mới ban hành "pháp luật về
đảng"?

<h3>Năm nay (2013) còn nhún nhường hơn nữa</h3>

Điều 4 không còn nói "một hơi, một lèo" nữa, mà đã chia
thành 3 khoản rõ ràng.

- Khoản 1. Nội dung chính vẫn thế (Đảng cộng sản Việt Nam
là lực lượng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội), nhưng
phần đêm rất dài dòng để nhắc đến "nhân dân lao
động", "dân tộc"… Không dùng "theo chủ nghĩa Mác-Lê"
mà thay bằng "lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư
tưởng". Nói khác, đảng không tự trói quá chặt, mà đã tự
"nới" khỏi cái chủ nghĩa cũ. Câu hỏi: Nếu nước Nga đưa
thi hài Lê nin ra khỏi lăng, đem chôn, xóa đi một hình tượng
mà chính đảng CS Nga cũng không cứu nổi… thì đảng ta sẽ
viết lại điều 4 thế nào? Đây là câu hỏi mà bài này đặt
ra.

- Khoản 2. Đọc lên, thấy đảng bắt đầu sợ dân rồi.
Đảng ngày càng suy thoái, không chống nổi tham nhũng, nhấp
nhổm trên cái ghế "lãnh đạo"… còn dân ngày càng giác
ngộ, giảm nỗi sợ đảng…

- Khoản 3: như cũ, nhưng ngoài các tổ chức đảng, thì từng
cá nhân đảng viên cũng bị đặt trong khuôn khổ hiến pháp và
pháp luật.

<h2>Vài dòng cắt nghĩa</h2>

Sau cuộc xâm lược năm 1979 để "dạy cho VN một bài học",
đảng và chính quyền Trung Quốc bị "đảng ta" coi là kẻ
thù, gồm cả về tư tưởng và ý thức hệ. Một nước XHCN
đánh một nước XHCN khác thì một (hoặc cả hai) đảng CS ở
mỗi nước bị coi là "cách mạng giả hiệu", "đội lốt
Mác-Lê" - dù vẫn tự xưng là CS.

Ai sống vào thời đó đều chứng kiến một hiện tượng bất
thường, nhưng phổ biến: Các đảng CS tranh nhau tỏ ra mình là
"chân chính" và trung thành với chủ nghĩa Mác-Lê, tức là
không hữu khuynh, không thỏa hiệp với kẻ thù (Trung Quốc bắt
tay Mỹ); trung thành với đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô
sản…

Thời đó, không những CS Liên Xô và CS Trung Quốc kết án nhau
là "xét lại" hoặc "giáo điều", mà ngay trong một nước
Ấn Độ vẫn có hai đảng CS đều tự nhận mình là duy nhất
chân chính.
Tình trạng trên cắt nghĩa 2 điều bất thường (dưới đây)
trong Hiến Pháp 1980.

1. Ngay ở Lời Nói Đầu (dài bằng một bài báo) đã nêu: bọn
bá quyền Trung Quốc là kẻ thù của VN. Trích: Vừa trải qua ba
mươi năm chiến tranh giải phóng, đồng bào ta thiết tha mong
muốn có hoà bình để xây dựng Tổ quốc, nhưng lại phải
đương đầu với bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược cùng bè
lũ tay sai của chúng ở Cam-pu-chia.

2. Lời nói đầu và nhiều điều khoản trong hiến pháp này đã
kể lể để chứng minh đảng CSVN là đảng Mác-Lê chân chính.
Ví dụ: đưa vào hiến pháp các từ ngữ: làm chủ tập thể,
chuyên chính vô sản (2 lần), giai cấp (7 lần), Mác – Lênin (6
lần), xã hội chủ nghĩa (82 lần)…

Riêng điều 4 lại càng phải đặc tả cho thật nổi bật tính
chất cộng sản chân chính - đồng nghĩa với "máu" và
"sắt" của đảng: <em>Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên
phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt
Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác – Lênin, là lực
lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là
nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng
Việt Nam. Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai
cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Các tổ chức của Đảng
hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp. </em>

Nhiều điều khác trong hiến pháp 1980 cũng phụ họa để chứng
minh. Ví dụ, điều 38: Chủ nghĩa Mác – Lênin là hệ tư
tưởng chỉ đạo sự phát triển của xã hội Việt Nam. Nhà
nước tuyên truyền, giáo dục sâu rộng chủ nghĩa Mác –
Lênin…

Điều 44: Văn học, nghệ thuật Việt Nam được xây dựng trên
lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và theo
đường lối văn nghệ của Đảng cộng sản Việt Nam.

Điều trớ trêu là luật sư Nguyễn Hữu Thọ - với tư cách
chủ tịch quốc hội - tuy chán ngấy CS - vẫn phải ký vào cái
bản hiến pháp sặc mùi CS này.

<h2>Vài lời góp ý với đảng</h2>

- Thứ nhứt, trên đây tôi toàn nói sự thật; dưới đây tôi
góp ý thành tâm. Chỉ bọn phản động và các thế lực thù
địch của dân VN mới dám coi tôi là suy thoái tư tưởng và
đạo đức. Đảng chớ coi tôi như vậy.

- Thứ hai, đảng đã dần dần biết mình đang xa dân, đang bị
dân chống lại. Đảng thấy cần gần gũi với dân tộc, vì
dân tộc (chủ nghĩa Mác-Lê "chân chính" không bao giờ coi
trọng dân tộc). Đảng cũng biết: phải khép minh vào luật.
Thế thì xin đảng hãy can đảm và thức thời mà quyết định:

+ Mức cao nhất: Từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lê (tưởng là nguy hiểm
cho sinh mệnh, nhưng thật ra là cuộc lột xác an toàn và vinh
quang), dưới sự giữ gìn trật tự và an ninh của quân đội
và công an.

+ Mức thấp hơn: Viết lại điều 4 (nguy hiểm, vì chắc chắn
sẽ nhích dần đến chỗ chết)

<strong>Mức dứt khoát, mang tính cách mạng.</strong> Thông báo
rộng rãi trong nước và quốc tế: Từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lê,
quay về lập trường dân tộc, đổi tên là Đảng Việt Nam.
Đảng viên nào còn quyến luyến Mác-Lê có thể lập đảng
riêng, được tranh cử bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh.
Công bố Điều Lệ mới. Đảng viên nào tự thấy không muốn
đứng trong đảng mới nữa, có thể ra đảng hoặc lập đảng
khác.

Bầu cử quốc hội lập hiến, viết lại hiến pháp.

Quân đội và công an được trưng dụng tối đa, đảm bảo an
ninh và thuận lới cho quá trình cải cách triệt để.

<strong>Mức lừng chừng, mang tính cải lương.</strong> Vẫn phải
thay từ Cộng Sản (dịch sai, gây phản cảm - như đã có một
bàì phát hiện gần đây).

Trong Điều 4 Hiến Pháp bỏ hẳn những đoạn kể lể dài dòng
"chúng tỏ mình là CS chân chính". Càng "chân chính" lại
càng "sắt-máu". Mặt khác, phong trào CS đã xẹp tối đa,
cần gì phải tranh giành "chân chính" với ai nữa mà phải
giương cái chủ nghĩa Mác-Lê lên?

Hiến pháp hy vọng tồn tại lâu dài, nếu trong hiến pháp,
đáng cứ tự trói với chủ nghĩa Mác-Lê, thì sau này rất khó
gỡ dây trói - nhất là hình tượng Lê nin đang mờ dần ở ngay
nước Nga..

Vũ Lịch Nguyên

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130304/vu-lich-nguyen-se-bo-hay-viet-lai-dieu-4),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét