Phạm Ngọc Cương - Đổi…

<blockquote>Bài viết của tác giả Phạm Ngọc Cương (Toronto,
Canada) góp bàn về việc sửa đổi hiến pháp.</blockquote>

<h2>1. "Nước đến chân…"</h2>

Có dám mở toang mắt nhìn nhận hay chỉ lơ láo hé mắt liếc
theo thì đảng cũng không giấu nổi nỗi lo lắng khi các cơn
sóng bất mãn đang dâng cao ngất trong quần chúng; từng giây
từng phút gây an nguy cho sự tồn vong sinh mệnh chính trị của
đảng. Đổi hiến pháp lúc này cũng trước nhất là nhằm cứu
nguy cho đảng.

<h2>2. Phá cách</h2>

Dù mang nhiều nghĩa trong tiếng Việt, đổi luôn cần được
tiến hành lương thiện và công bằng. Nếu đảng chỉ thích
dứ hờ một ngón út quyền lực của mình ra mong nhận vơ tính
chính danh nhất thời từ quảng đại quần chúng thì đảng
cũng sẽ chỉ nhận lại từ quần chúng một cái bánh vẽ ủng
hộ quyền lực mà thôi. Một sự trao qua đổi lại tạm bợ,
giả dối thật vô nghĩa vào lúc nguy khốn này.

<h2>3. "Treo đầu dê bán thịt chó"</h2>

Vì sao một nước cần hiến pháp? Một thể chế xiển dương
đức trị, hay độc tài trị, hay bạo lực (cảnh sát, quân
đội, dân phòng…) trị thì không cần theo đuổi việc nhào
nặn, chế tác một bản hiến pháp nghiêm túc làm gì. Một
việc thừa! Chẳng phải bấy lâu nay Hiến pháp (dù do đảng
đúc sẵn) vẫn luôn nem nép ép mình ngồi co ro một xó, còn
quyền bính luôn vênh váo tung tẩy cùng các nghị quyết của
TWĐ, ý kiến của BCT, của các cụ, của anh ba, anh tư, anh năm ,
anh sáu…đó sao? Dẫu chỉ thị miệng mà uy lực đâu có kém
cạnh các chiếu chỉ vua ban ngày trước.

<h2>4. Bồn cầu</h2>

Xin lỗi, hiến pháp không phải cái bồn cầu mà cứ… thải
bừa vào đó mọi thứ thực tiễn lịch sử đã xác quyết là
rác rưởi. Một dân tộc, dù muộn, nhưng khi đã nhận ra con
đường pháp trị là xu thế phát triển tất yếu thì phải mang
thành tâm, thiện chí và hội đủ khả năng mới mong đẻ ra
một bản hiến pháp nghiêm túc cho mình. Mà đó mới chỉ là
lát viên đá, viên gạch đầu. Cần có dũng khí và quyết tâm
chính trị dài lâu mới lát nổi hết con đường dân chủ pháp
trị ngõ hầu đưa đất nước đến nền hoà bình thịnh trị.

<h2>5. Bệ thờ</h2>

Hiến pháp, nếu cần phải viết, theo đúng ý nghĩa thực tiễn
của nó không phải là nơi kê kích tủ thờ, gia phả, tri ơn,
hoằng dương công đức liệt tổ liệt tông (ở ta có thể
hiểu là công ơn đảng, bác, cách mạng…)

Hiến pháp hiện đại là một công cụ pháp trị mẫu mực
hướng về việc giải quyết thoả đáng, đồng bộ về tổng
thể các mối tương tác, sự vận động và khuynh hướng phát
triển giữa quyền lực quốc gia và từng cá nhân trong xã hội
dân sự lành mạnh. Là sự định hình thông minh quốc pháp cho
ngôi nhà chung mai sau chứ không phải là nơi vinh danh, xác tín
ơn huệ của các chuẩn mực cổ hủ lỗi thời.

<h2>6. Bày đồ hàng - bánh vẽ</h2>

Hiến pháp, khi được thông qua thường cùng lúc phải ôm vào
mình hai trọng trách là hướng đến việc ổn định nhanh chóng
xã hội hiện tại cùng xác định khung pháp lý vững bền, lý
tưởng cho mai sau. Vì vậy, nó phải gồm vừa sự sán lạn của
chất uyên bác, hàn lâm của tầm nhìn chiến lược lại vừa
có tính phổ thông tức thời cho đại chúng. Các học giả,
nhân sỹ, trí thức lớn thường có viễn kiến hơn người và
từ lâu đã góp ý thật tâm huyết và tích cực trong việc
soạn thảo văn bản này. Nhưng lẽ của đời, thường là cái
gì không hoặc chưa liên quan trực tiếp đến tôi thì tôi không
mấy quan tâm lắm đến nó nên hiến pháp để không bị quần
chúng ngờ vực, xa lánh, hoặc tẩy chay thành cô đơn rất nên
được quảng đại quần chúng thông hiểu và phúc quyết. Như
cái tinh thần, khí phách phải được thổi vào một cơ thể
sống mới tạo ra sức mạnh. Vì vậy cần có đủ quĩ thời
gian cho tranh luận, trao đổi, giải thích, thương lượng, thoả
hiệp, quảng bá để quan chức, đảng viên, nhân dân nhận
thức được đủ các góc cạnh mà các bản dự thảo hiến
pháp bao phủ.

Vì sao kỳ đổi hiến pháp này lại chưa được sự quan tâm
sâu rộng và sôi nổi của quần chúng? Vì quần chúng từ lâu
cũng bứ bánh vẽ rồi. Bấy lâu nay có hiến pháp mà thấy cũng
như không. Chẳng khác gì món đồ hàng con nít bày chơi cho
đẹp mà thôi.

<h2>7. Đừng kéo dài kiếp "thân lừa ưa nặng"</h2>

Lý luận đảng luôn khẳng định là cần phải tuân theo các qui
luật phát triển khách quan, nhưng trong hành động luôn điên
rồ ghì chặt các giáo điều chủ quan duy ý chí. Câu chuyện
dài kiên trì nền kinh tế kế hoạch hoá XHCN đã thủ tiêu sức
sản xuất của cả dân tộc mấy thập kỷ liền.

Khi gồng mình ôm trọn quyền sở hữu nhà nước về đất đai,
giành độc tôn quyền lực, né tam quyền phân lập, không cho đa
nguyên đa đảng, ra báo chí tư nhân cùng ngăn cản các quyền
tự do cơ bản nhất của kiếp làm người mà hầu như nhân
loại tiến bộ đã được hưởng từ lâu như quyền tự do về
ngôn luận, tôn giáo, lập hội… chỉ càng khiến cho đa số
đảng viên cũng như toàn dân phờ phạc về thể chất, ngu ngơ
về tinh thần, rơi sâu vào lẩn quẩn và tụt hậu.

<h2>8. Tình tự dân tộc</h2>

Cái gì làm cho đảng tồn tại đến ngày hôm nay?

Chắc đó là tinh thần dân tộc của đa số lãnh đạo và
đảng viên trong đảng. Có tinh thần giành cho được độc lập
dân tộc nên mới có Điện Biên Phủ. Có tinh thần dân tộc
phải thống nhất nên mới có cả triệu sinh mạng ngã xuống
dọc Trường Sơn. Cả một chặng đường dài dân tộc ta dồn
mọi tâm huyết cho việc giành cho được chủ quyền quốc gia.
Sau ngần ấy xương máu trả giá cho dân tộc thì lúc này là
lúc tính nhân dân phải được đặt lên trên bất kỳ cỗ bàn
nào dù trên pháp lý hay trong thực tiễn. Hiện thực hoá, phổ
thông hoá quyền dân tộc tự quyết chính là trao quyền cho mỗi
cá nhân được tự quyết.

Sau chiến tranh, khi cái "chúng ta" lùi xuống thì "cái tôi"
thời hoà bình phải được trồi lên mạnh mẽ. Lúc này chính
là lúc nhà cầm quyền nào cũng phải dành thời gian định
thần để "đền ơn đáp nghĩa" nhân nhân tức long trọng
trao sâu quyền làm người vào mỗi con người. Biến mỗi con
người nhạt nhoà thành một công dân trọn vẹn với đầy đủ
các quyền hạn thiêng liêng và vẻ vang nhất có thể. Làm sao
để hiến pháp mới như một bàn đạp giúp mỗi người đều
có khả năng tiếp cận tới bầu trời vô hạn của sự phát
triển, để cả xã hội cùng thăng hoa mà không có cảnh vì tham
vọng nhoi lên mà gót giầy của người này tương thẳng vào
mặt mũi của người khác. Một chỗ đứng hiến định, trung
trực và công bằng giữa các công dân trong quốc gia tự do là
cách sáng suốt nhất nhằm tránh tối đa các tội ác xã hội,
là điều thiết yếu để mang tới sự ổn định dài lâu.

<h2>9. Chính danh</h2>

Chính quyền, cũng giống như mỗi cá nhân đều khao khát tính
chính danh. Dù đi xâm lược cũng vẫn khoác vào mình mỹ từ
phản kích tự vệ. Dù đang đè đầu bóp cổ dân cũng vẫn rao
giảng dõng dạc rằng đang là công bộc của dân, từ dân, do
dân, vì dân. Trồng cây gì thì ăn quả ấy! Một chính quyền
giả danh cũng như kẻ nguỵ quân tử . Bản chất của chế
độ, chính quyền thế nào thì nó không có cách gì mà che đậy
được, nhất là với ngay cả nhân dân đang phải cùng chung
chăn với.

<h2>10. Nhất quán</h2>

Không khí đổi hiến pháp cũng không thể cứ nóng lạnh tuỳ
theo thân nhiệt trong đảng. Khi cần dồn quyền lực trước kỳ
đại hội, nhiều ý kiến là đổi hiến pháp để dồn chức
Tổng bí thư và Chủ tịch nước. Khi thấy chuyện dồn chức
bất thành vì thiếu một tiếng nói khuynh loát thì lại nghe
thấy là cần tăng quyền hay giảm quyền hiến định cho ai đó.
Khi cần mông má thêm quyền lực cho đảng mà vẫn mong giảm
thiểu sự chọc giận quần chúng thì lại ra sáng kiến về
hội đồng bảo hiến…

<h2>11." Mất bò mới lo làm chuồng"</h2>

Chưa bao giờ tôi thấy quan điểm của người Việt về phát
triển đất nước lại gần nhau đến thế. Thời cơ mới sẽ
nhanh chóng tụ sức cả dân tộc. Ngay trong đảng, tôi nghĩ cũng
không ít lãnh đạo nhận ra cái nguy hiểm trong sự mất kiểm
soát của độc tôn quyền lực. Ngoài đảng, trong và ngoài
nước tôi đều nhìn thấy một điều là đa số không mong một
Việt Nam hỗn loạn theo mô hình cách mạng từ dưới lên. Tất
cả đều mong muốn sớm có một cuộc chuyển đổi dân chủ ôn
hoà, nhanh chóng theo hướng bài bản từ trên xuống. Tuy nhiên,
cơ hội luôn mang tính thời điểm, không phải là cứ cơm không
ăn thì gạo vẫn còn đó.

<h2>12. Bóng ma theo chân ngay sau cơ hội có nửa bước</h2>

Con số còn khá ít ỏi của số người góp ý kiến hay ký tên
vào các kiến nghị sửa đổi hiến pháp trên một số báo chí
và trang mạng trong nước mang tới nhiều suy nghĩ. Chẳng lẽ nhu
cầu thay đổi hiến pháp chưa bức thiết? Chẳng lẽ sức ép
của nỗi sợ, sự bàng quan hay dân trí còn chưa chín? Nhưng qua
trao đổi với nhiều người trong nước thì sự thật là không
mấy người còn tin là ĐCSVN có trong tay đôi đũa thần (…).
Độc tài và hiến pháp- hai cái đó nó khắc nhau như nước và
lửa làm sao cùng cấu thành ra cái gì được? Hơn nữa cơn hư
hỏng, bệnh thoái hoá trong đảng coi như đã gần hết thuốc
trị rồi, (…). Nếu đảng cứ thích câu giờ, dối quanh thì
càng ngày càng nhiều người tin là cơ đồ đảng không bõ công
sức sửa chữa nữa. Đó là khi cơ hội thay đổi đảng chưa
kịp nắm mà bóng ma của sự sụp đổ đã tràn tới đầy nhà.

Tôi, tuy nhiên, vẫn muốn cố tin vào cái chất dân tộc của đa
số thành viên đảng. Hy vọng, suy cho cùng, luôn là cái chết
cuối cùng!

<em>Phạm Ngọc Cương, 25/2/2013</em>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130226/pham-ngoc-cuong-doi), một số
đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời độc
giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận
có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng
dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét