Từ Khanh - Mười hai ngày ở Miến Điện (3)

<h2>5. Mạn Đà La và Phố Mây</h2>

Thành phố Mandalay, cách Yangon trên 700 cây số về hướng bắc,
có một con đường rợp mát và thẳng băng dọc theo hoàng
thành, đường số 66. Một đầu đường là khách sạn năm sao
Sedona, đầu kia là Đồi Mandalay, chỉ cao 240 mét nhưng muốn leo
tới đinh phải trèo 1.729 bậc thềm. Hai hàng cây trên đường
66 thẳng tắp trên hai lối đi bộ ven đường, giải phân cách
ở giữa là hàng cây xanh, đứng đầu con đường thanh thản
này có thể thấy thấp thoáng tháp vàng trên lưng chừng Đồi
Mandalay.

Đường xá trong nội thành Mandalay thẳng góc, tên đường
đánh theo số thứ tự nên dễ tìm. Phố xá không có gì lạ,
nổi bật nhất là Đồi Mandalay, các ngôi chùa và hoàng thành
nằm ngay dưới chân đồi.

Năm 1857, vua Mindon dời đô từ Amarapura từ hướng nam về
Mandalay hiện nay, chọn Đồi Mandalay như một điểm tựa phong
thủy và tín ngưỡng để xây hoàng cung. Nhiều cuốn sách ghi
rằng lý do vua dời đô vì được mặc khải và do một nhà
tiên tri mách bảo. Nhưng tôi có nói chuyện với vài người khi
đi thăm cố đô Amarapura chỉ cách Mandalay 11 cây số thì họ
bảo không phải như vậy. Họ nói vì lúc đó quân Anh đã
chiếm Hạ Miến Điện, nhà vua biết thế nào họ cũng chiếm
vùng Thượng Miến Điện nên dời kinh thành vô sâu trong đất
liền, vì hoàng thành Amarapura gần sông Voi quá, khó phóng thủ,
mà hải quân Anh rất giỏi. Hoàng cung cũ được dời về
Mandalay bằng voi (thật ra chỉ trên 10 cây số), và mất hai năm
sau khi dời đô thì hoàng cung Mandalay mới xây xong.

Nếu tính về thời gian thì một hoàng thành chỉ xây trong
vòng hai năm ắt không thể nào lớn hoặc bề thế như của
Trung Hoa hay thậm chí hoàng thành Huế. Quả vậy, hoàng thành
Mandalay cho ta cảm giác nhẹ nhàng và khoáng đạt, chứ không u
trầm và kín đáo như thành nội Huế. Mỗi bề hoàng thành dài
khoảng hai cây số, có tổng cộng 12 cổng (mỗi mặt thành có
ba cổng), ở các cổng và bốn góc thành có tháp cao nhưng như
để trang trí hơn là phòng thủ, gồm nhiều mái vuông chồng
dần lên nhau. Đứng trên Đồi Mandalay nhìn xuống, hoàng thành
Mandalay trông như một Mạn Đà La. Về mặt hình dạng, Mạn Đà
La là một hình tròn bao quanh một đồ hình vuông vức , có bốn
cửa xoay về bốn hướng, mỗi cửa có một vị Phật ngự trị
chung quanh vị Phật chính ở trung tâm đồ hình. Tùy theo hạnh
nguyện mỗi vị Phật có một màu sắc tương ứng. Trong Phật
giáo Mật Tông, hành giả quán mình là một Mạn Đà La, hay có
đủ sắc tướng của một vị Phật, nói thật đơn giản thì
Mạn Đà La khi ấy vừa là phương tiện (để tu) vừa là cứu
cánh (thành Phật). Ngoài hoàng thành là thành phố, chung quanh
thành phố là bốn con sông bao bọc như vòng tròn bao quanh hình
vuông bên trong. Thành phố Mandalay đúng là một Mạn Đà La.

Trong luận ký 'Đời sống và Nhân Sinh Quan của người Miến
Điện' viết xong vào năm 1909, Sir Jame George Scott mô tả hoàng
thành của vua Mindon như sau:

'<em>… mỗi mặt thành dài một dặm tám, tường
đắp cao hơn 11 mét rưởi, bề dày gần một mét, dù khó bị
phả vỡ nhưng không có súng phòng thủ đặt trên các pháo đài
cách nhau khoảng 182 mét. Mặt thành hình răng cưa sâu nhưng
không có lợi gì [cho việc phòng thủ] mà chỉ để trang trí.
Có 12 cổng thành mỗi mặt nhưng mỗi bên chỉ có một cái cầu
bắc qua hào, riêng cửa thành phía tây có hai cầu và một cái
dành riêng cho tang lễ. Bên ngoài mỗi cổng thành có biển ghi
tên và huy hiệu của cổng. Chung quanh và cách thành chừng 18
mét là hào sâu rộng khoảng 45 mét [có tài liệu ghi 68 mét, tôi
nghĩ đúng hơn vì có đo thử bằng cách nhảy ước chừng, cũng
có thể hào được mở rộng sau này NV], có thả sen là loài hoa
Phật tử ưa chuộng. Đây đó trên hào thấp thoáng những
chiếc thuyền của hoàng gia.</em>'[1]

Mô tả của Scott không khác lắm dù đã hơn một thế kỷ
qua. Hoàng thành của vua Mindon giống như để che các sinh hoạt
của hoàng gia và triều đình hơn là để phòng thủ. Dù hào
rộng, nước trong vắt và thoáng chứ không thả đầy rau muống
như ở thành nội Huế, nhưng cũng chỉ để trang trí hay giải
trí. ('Đây đó trên hào thấp thoáng những chiếc thuyền của
hoàng gia'.) Vua Mindon không nghĩ đến chuyện tự vệ, rất có
thể ông biết lối phòng thủ bằng hào sâu và tường dầy,
với các súng 'thần công' cổ lổ sĩ bắn phát một không
thể ngăn chận quân Anh – lúc đó đã chiếm hết miền Hạ
Miến Điện. Sớm muộn gì họ cũng chiếm luôn vùng Thượng và
triều đình phong kiến với vũ khí thô sơ không cách nào ngăn
chận nổi, vì vậy ông tập trung phát huy đạo Phật trong thời
gian trị vì hơn là lo bảo vệ đất nước.

Tất nhiên những điều trên là võ đoán của tôi,
không có căn cứ và chỉ dựa theo cảm nhận khi đạp xe đi
quanh hoàng thành. Cổ thành nào cũng buồn, nhưng nỗi buồn váng
vất nơi cổ thành Mandalay không u uất, không trầm mặc, không
rêu phong màu gạch đỏ như nỗi buồn thấu xương ở thành
nội Huế một chiều đông lất phất mưa. Nó như một cô gái
xuân thì phơi phới không trang điểm chứ không phải một nàng
kiêu kỳ kín đáo với vòng vàng xuyến ngọc và quá khứ phủ
đầy người. Buồn nhưng nỗi buồn nơi bốn tường thành vuông
vức bình thản, tựa như con người biết kiếp người rồi sẽ
như thế, như sông trôi, mặc!

Tôi không đi vào bên trong hoàng thành vì theo vài tài liệu,
và người địa phương, cho biết 'bên trong không còn gì cả
vì bị đồng minh thả bom làm cháy rụi cung điện trong Chiến
Tranh Thế Giới lần 2', nhất là không có gì để xem vì
'toàn là đồ giả'. Một người Mandalay nhấn mạnh: 'Trong
đó bây giờ là doanh trại quân đội, không có gì.'

Mandalay như vậy không phải là thành phố cổ như nhiều
người nghĩ. Nó là cố đô của triều đình phong kiến cuối
cùng của Miến Điện và chỉ tồn tại không tới 30 năm. Quá
ngắn nên không có nhiều dấu vết vua chúa, trừ các công trình
lớn để hoằng dương đạo Phật của vua Mindon.

<center>*</center>

Cách nội thành Mandalay 70 cây số về hướng đông
(tức về hướng Việt Nam), có cao nguyên Pyin Oo Lwin cao trên
1.000 mét. Tên cũ của Pyin Oo Lwin là May Myo, nghĩa là Phố May
('May' là tên của viên sĩ quan đầu tiên của thực dân Anh
đồn trú tại Pyin Oo Lwin). Tôi gọi May Myo là Phố Mây. Tôi
thuê một chiếc xe ôm chở lên cao nguyên Pyin Ooo Lwin, tức Phố
Mây, vào sáng sớm. Ông xe ôm đã trọng tuổi, nói tiếng Anh
lưu loát, biết nhiều về lịch sử Miến Điện. Ông ngồi chơi
hút thuốc vặt (chứ không nhai trầu) trước khách sạn, rủ
tôi đi chơi. Ông nói không làm gì, nếu đồng ý thì đi về
tổng cộng 140 cây số chỉ lấy 20 đô.

Các bạn giang hồ nếu lên Phố Mây nên chọn đi xe
ôm, hoặc 'đã' hơn là tự mình mướn gắn máy rồi xem bản
đồ chạy. Thật ra đường đi dễ, không cần nghiên cứu bản
đồ cũng đi được. Từ trung tâm Mandalay, tức từ cổng nam
của hoàng thành (đường số 26), tìm đường số 73 chạy cho
đến khi gặp đường số 35 thì rẻ trái, chạy hết đường 35
(khoảng hai cây số) sẽ thấy một tấm bảng chỉ hướng đi
lên Phố Mây. Từ đây đã ra khỏi nội thành, chỉ có đường
quốc lộ độc đạo nên không thể lạc được.

Ra khỏi nội thành con đường nhựa hơi lổm chổm
nhưng chỉ khoảng 10 cây số là đường trơn láng. Hai bên các
hàng cây tếch và phượng vàng vươn cao che gần kín bầu trời.
Con đường này hai chiều, phân cách nhau bởi một hàng cây
rộng trên năm thước, chạy tốc độ thoải mái không giới
hạn. Ruộng lúa sau hàng cây cao không rộng bằng miền Tây
nhưng cảnh các cô Miến Điện đội nón lá, quấn xà rông đủ
màu sắc lui cui cấy lúa thật yên bình.

Trước khi lên đèo, chúng tôi ghé vào một quán nhỏ để ăn
sáng. Đây là quán duy nhất dọc đường, nhiều xe hàng chở
người ngồi cả trên mui tấp vào nên không khí khá náo nhiệt.
Chúng tôi vừa ăn sáng vừa nói chuyện. Bác xe ôm có cậu con
trai đầu đã tốt nghiệp Học viện Quân sự ở Phố Mây, vừa
mới được điều lên tiểu bang Shan. Tuy bác không nói nhưng
tôi đoán cậu con của bác được gửi lên Đặc Khu Kokang nằm
phía bắc của tiểu bang Shan, giáp biên giới Trung Quốc, nơi
đang diễn ra nhiều cuộc giao tranh giữa quân đội chính quyền
và lực lượng võ trang của các sắc dân thiểu số. Phần lớn
sắc dân vùng giáp ranh Trung Quốc này gốc Hoa. Miến Điện có
135 sắc tộc, chiếm 30 phần trăm dân số. Do nhiều nguyên nhân
họ thường xuyên xung đột với chính quyền trung ương. Riêng
tiểu bang Shan có 17 lực lượng vũ trang của người thiểu số,
có khi đánh có khi hòa với chính quyền quân sự.

Vào thời điểm tôi đến Phố Mây thì giao tranh đang diễn ra
ác liệt giữa lực lượng võ trang của sắc dân Kokang (Quân
Đội Liên Minh Dân Chủ Quốc Gia Miến Điện) và quân đội
của chính quyền, không biết tổn thất hai bên thế nào nhưng
gần 30.000 nạn nhân chiến tranh, phần lớn là người gốc Hoa,
phải tràn qua tỉnh Vân Nam lánh nạn. Sự bất ổn ở khu vực
biên giới khiến Trung Quốc còn lo ngại hơn chính quyền quân
sự vì Bắc Kinh đang chuẩn bị thiết lập đường ống dẫn
khí đốt từ Vân Nam, băng qua Miến Điện, vươn ra tới Ấn
Độ Dương. Đường ống dài 1.200 cây số này sẽ giúp tàu
chở dầu Trung Quốc không lệ thuộc vào tình hình an ninh bất
ổn ở Vịnh Malacca khi phải chở dầu từ Phi châu hay Trung
Đông về nước.

Bác xe ôm hãnh diện vì lương tháng của cậu con khoảng 100
đô, có thể sống tự lập dù đang phải ở vùng chiến sự.
Hai đứa nhỏ hơn cũng đang học đại học. Theo tiêu chuẩn
Miến Điện bác thuộc gia đình đủ ăn đủ mặc, không chật
vật quá. Bác nói cho con vào quân đội thì mới tiến thân
được, 'sau này nó lên tướng con ngon nữa'. Bác lôi trong
bóp ra tấm hình của cậu con sĩ quan quân đội, khoe: 'Nó cao
lớn đẹp trai, học giỏi nên mới được tuyển vào trường
sĩ quan.'

Sau khi băng qua gầm rú qua hai cái đèo có mấy chiếc xe hơi
cũ nằm ụ, ngắm nghía dòng Dotawaddy, một nhánh của sông Voi,
uốn lượn yên bình dưới thung lũng xanh thẳm, chúng tôi đã
lên tới cao nguyên Phố Mây, không khí mát lạnh như ở Di Linh,
hai bên đường hoa dại đủ màu. Con đường vào Phố Mây như
một làng quê thanh lịch, bác tài chạy ngang một cái miếu nhỏ
ven đường và bóp còi tin tin. Bác giải thích đó là chào thần
làng phò hộ để đi đường bình yên (khi đi về bác cũng chào
kiểu bóp còi tin tin và cho xe chạy chậm lại).

Con đường dẫn vào thành phố êm đềm và kín đáo. Hoa
phượng vàng và hoa cây tếch vàng nhạt đan vào nhau, chớm một
màu sáng phất phơ trên bầu trời cao nguyên nhiều mây xám. Xe
chạy ngang Học Viện Quân Sự, theo lời bác xe ôm, là đại
học lừng danh và đầy đủ tiện nghi nhất Miến Điện. Chắc
không ai nghi ngờ gì điều này. Trước cổng chính Học Viện
có tượng đồng ba ông vua đứng trên bệ đỏ, một ông dựng
giáo chỉ tay, một ông đang tuốt kiếm, một ông khoanh tay
trước ngực đắc ý ngắm nhìn chiến công. Hình ảnh ba ông vua
bốc lên một không khí chiến tranh. Cánh cổng lớn mở vào bên
trong một con đường nhựa phẳng phiu chạy sâu vào rặng núi,
bên hông cổng lớn có hai hàng chữ bằng tiếng Miến và tiếng
Anh chạm nổi trên nền tường đỏ rực: The Triumphant Elite of
The Futute. Những sĩ quan quân đội của Miến Điện được (nhà
nước) huấn luyện và chọn là giai cấp ưu tú của đất
nước. Trong Miến Điện hôm nay, dường như chỉ có hai giai
cấp là quân nhân và dân thường. Nhưng không như giai cấp
tiền phong có tiếng nhiều hơn có miếng, sĩ quan quân đội
Miến Điện thực sự được chính quyền quân sự đãi ngộ,
ít ra thì tôi cũng thấy điều đó ở mặt nổi khi rong chơi
trên đường. Ở phi trường, ngoài phố Yangon, tôi thấy một
số sĩ quan quân đội trẻ, áo quần thẳng nếp, giầy
bốt-đờ-sô ruồi đậu trượt chân, đi cạnh những thiếu nữ
Miến Điện rất xinh đẹp, ăn mặc sang trọng, đầu ngẫng cao,
nện gót giầy cao gót trên nền, họ có vẻ hãnh điện, những
người chung quanh liếc mắt nhìn họ, vẻ e dè. Tôi hỏi bác xe
ôm:

- Thế con trai bác có bạn gái chưa, chừng nào bác có
cháu nội?

Bác nói nó mới ra trường nên chưa, nhưng 'thiếu gì'. Phố
Mây được chọn làm nơi đặt trường đào tạo sĩ quan, hình
như chính quyền cũng chọn thị trấn này để xây cất nhà
cửa khang trang và giữ gìn thiên nhiên cẩn thận. Nhiều ngôi
biệt thự lớn, khách sạn đẹp, có cả sân golf. Khung cảnh cao
nguyên yên bình nhưng càng lên cao dường như có một vẻ bất
thường nào đó vì thỉnh thoảng, trong khi các xe hàng cà khổ
chở người trên mui đang lệt bệt trên đường, kể cả chiếc
gắn máy của chúng tôi, thì đột nhiên tấp hết vào lề để
nhường cho một đoàn xe hơi láng bóng vượt qua. Bác xe ôm nói
đó là xe quân sự. Những chiếc xe này cửa kính phản quang,
chạy rất nhanh, đứng bên lề nhìn họ xẹt ngang thấy xe mình
và xe hàng khúm núm bên lề phải như đang cúi đầu nhìn sự
'tiến bộ' vượt qua, và bất giác ngậm ngùi.

Chúng tôi ngừng trên dốc của một khu chợ, ở đây có không
khí của một cái chợ cao nguyên đông người nhưng không ồn
ào, đủ các loại trái cây miền núi, xe ngựa nhiều nhất.
Phố Mây đúng là nơi nghỉ mát lý tưởng trong mùa hè, phải
ở lại ít nhất hai ngày mới đi hết các thắng cảnh, vườn
Bách Thảo, nhiều thác cao, chùa trong thạch động. Bác xa ôm
nói ở đây có một tiệm cà phê rất ngon, nhưng giá khá mắc,
bác nói tôi nghiền quá thì bác chở nhưng không nên đi vì của
một người Mỹ gốc Tiệp Khắc làm chủ. Tôi nói bác không
thích người Mỹ à? Bác gật gù. Tôi nói thế sao khi ăn sáng
bác ước có tiền cho thằng con thứ qua Mỹ du học. Bác không
trả lời, chỉ gật gù. Tôi cà khịa gật gù là sao, là chịu
hay không chịu Mỹ. Bác nói thì cha mẹ đều muốn cho con thành
tài, học ở một nước phát triển thì vẫn tốt hơn. Tôi trêu
thế là phò Mỹ nhé. Bác nói thật ra đó là chuyện chính
quyền, chứ trong tiệm sách 'vẫn có sách của ông Obama
đấy'.

Trên đường về tôi nói còn mấy ngôi chùa ở Mandalay muốn
đi luôn. Bác xe ôm nói vậy để tôi chở anh đi đường tắt
hay lắm. Quả thật, thay vì chạy theo lối cũ, bác qua một cái
cầu ngắn rồi rẻ phải cặp theo một con đê dẫn thủy nhập
điền. Vì có núi và đồng ruộng nên con đường làng giống
như các con đường ruộng khác ở miền Trung, có các cụm làng
lợp tranh vách tre, xe bò đi lại chậm rãi, phụ nữ tụ tập
thản nhiên tắm dưới rạch, con nít chân đất rượt đuổi
nhất. Khung cảnh miền quê yên ả trong khói lam chiều, khó nghĩ
đây là vùng đất nghèo và cô đơn nhất thế giới.

<h2>6. Tiếng chuông chùa Kuthodaw</h2>

Ở Mandalay có nhiều chùa, tháp và tự viện do vua Mindon xây.
Các chùa và tự viện nổi tiếng tập trung dưới chân Đồi
Mandalay, gần hoàng thành, như tự viện Shwe Nandaw Kyaung, còn có
tên là Kim Các Tự vì toàn tự viện được dát vàng, bây giờ
tuy chỉ còn gỗ, nhưng đường nét chạm khắc trên toàn bộ
kiến trúc tinh xảo và công phu. Nhưng một ngôi chùa không thể
không viếng là Kuthodaw, được coi là Cuốn Sách Lớn Nhất Thế
Giới.

Trong cuốn The Way of the White Clouds, đại sư Anagarika Govinda mô
tả chùa Kuthodaw (tác giả viết là Kuthawdaw) như sau:

'<em>… vua Mindon cho khắc kinh Phật lên những phiến cẩm
thạch lớn và nặng để kẻ trộm hay quân xâm lược không
khởi lòng tham, mà lại giữ cho kinh được truyền đời. Nhà
vua cũng muốn dân chúng, từ quan cho chí dân, có thể đến xem
kinh dễ dàng và thuận tiện. Vì vậy mỗi phiến cẩm thạch
đều được dựng trong một ngôi tháp riêng, trên có mái che và
người ta dễ vào đọc, mỗi ngôi tháp giống như một cái chùa
nhỏ thu nhỏ. Người hiếu kinh có thể thoải mái nghiên cứu
bất kỳ đoạn kinh nào bằng cả hai thứ tiếng Pali và Miến
ngữ.</em>'

'<em>Với mục đích đó nhà vua cho xây Đại tự Kuthawdaw, xung
quanh bao bọc bởi 799 ngôi chùa nhỏ hơn, mỗi tiểu tự này
đều được thiết kế tỉ mỉ giống nhau để chứa toàn bộ
kinh điển Phật giáo (Tam Tạng Kinh Điển).</em>'

Thực ra chỉ có 730 bia đá (không phải 799), trong đó có một
bia tóm tắt toàn bộ công trình khắc kinh lên đá. Như vậy
toàn bộ Tam Tạng Kinh Điển chỉ khắc trên 729 bia. Các chi
tiết về bia đá và tháp cũng hơi khác với cách Govinda mô tả.

Tôi dành trọn nửa ngày để viếng chùa Kuthodaw. Chùa nằm
dưới chân Đồi Mandalay, trong một cụm gồm nhiều ngôi chùa
lịch sử. Chùa có bốn cổng vào, nhưng cổng chính ở phía Nam
(tức từ hướng hoàng thành), hình vòm cung như kiểu tam quan
cách điệu, trên đỉnh và hai bên cửa có nhiều tháp nhỏ màu
vàng sáng, khung cửa màu gậch sậm, màu áo của nhà sư Miến
Điện. Từ cổng chính, có một hành lang dài gồm nhiều cột
gỗ tếch chạm trỗ hoa văn và hình các thần nat (thần địa
phương), trên có che mái dẫn vào một điện thờ Phật Thích
Ca. Tượng Phật bằng đồng ngồi kiết gia, không lớn nhưng
rất tinh xảo. Đặc biệt đôi mắt Phật khác hẵn các pho
tượng mà tôi đã được xem ở Miến Điện và nhiều nước
khác: đôi mặt Phật trầm ngâm và buồn, lạ thật, cả tôn
tượng ưu tư chứ không mỉm cười như thường thấy trong các
chùa. Không thấy biển ghi, và hỏi cũng không ai biết, tôn
tượng này được làm năm nào.

Bên phải tượng Phật là bức họa chân dung vua Mindon, vị vua
hộ pháp cho Phật giáo Miến Điện. Ông ngồi, một tay cầm
phất trần, đầu chít khăn trắng chứ không đội vương miện,
trông ông như một người Miến Điện nhỏ nhắn bình thường
chứ không phải vị minh quân cuối cùng của Miến Điện (kế
vị ông là hôn quân Thibaw, làm vua được vài năm thì bị thực
dân Anh đày qua Ấn Độ).

Tôi đi xem các bia đá khắc kinh, đi theo chiều kim đồng hồ,
bắt đầu từ bên trái.

Tất cả 729 bia đá bằng cẩm thạch trắng đều được dựng
riêng trong từng ngôi tháp nhỏ giống hệt nhau. Phần dưới
tháp hình vuông, mỗi bề khoảng hai thước, đỉnh tháp hình
quả chuông úp trên hai tầng hoa sen, trên đỉnh quả chuông trang
trí một 'cái dù' bằng đồng đỉnh có viên đá xanh, xung
quanh gắn năm chuông nhỏ. Ngôi tháp có bốn cửa chính mái vòm,
chạm hoa văn và hình rồng đơn giản, bên trong mỗi tháp có
dựng bia bằng đá cẩm thạch cao gần 1.68 mét. Bia đá không
phải hình vuông như nhiều tài liệu viết, đỉnh bia hình dợn
sóng và rộng hơn phần dưới. Hai mặt bia, dày khoảng 12 phân,
khắc nội dung kinh, một mặt bằng chữ Miến Điện còn mặt
kia chữ Pali. Nguyên ủy vua Mindon cho nạm vàng viền bia và chữ
nhưng sau đó vàng bị cậy hết.

Các tháp trắng che bia được chia làm ba dãy cách nhau bằng
một bức tường. Dãy thứ nhất gồm 42 tháp, dãy thứ hai (ở
giữa) 168, dãy thứ ba gồm 519 tháp ở vòng ngoài cùng. Tháp
thứ 730 ghi lịch sử hoàn thành công quả khắc kinh lên đá
nằm ở góc đông nam (từ cổng Nam vào phía bên tay phải). Các
ngôi tháp nhỏ này bao quanh ngôi tháp chính bằng vàng rất lớn,
cao gần 60 mét. Công trình xây chùa bắt đầu từ năm 1859,
việc khắc kinh lên đá bắt đầu từ năm 1860 và hoàn tất năm
1868.

Mỗi tháp đều có đánh số thứ tự từ 1 cho đến 729, toàn
bộ bia đá khắc Tam Tạng Kinh Điển (tạng Kinh, tạng Luật, và
tạng Luận theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy) được
khắc theo thứ tự như sau:

- Tạng Luật (Vinaya), tổng cộng 111 bia (từ bia số 1 đến bia
111).

- Tạng Luận (Abhidhamma), tổng cộng 208 bia (từ bia 112 đến
319).

- Tạng Kinh (Suttamta hay Suttanta), tổng cộng 410 bia (từ bia 320
đến 729).

Sau công trình vĩ đại này, vua Mindon tổ chức đại hội kiết
tập kinh điển theo hệ Pali (Phật Giáo Nam Tông) vào năm 1871
tại kinh đô Mandalay. Ông triệu tập 2.400 cao tăng Miến Điện
để khảo chứng, đối chiếu những điểm dị và đồng (khảo
đính) trong kinh điển thuộc hệ Pali. Đại hội kiết tập kéo
dài năm tháng, thường được gọi là Đại hội Kiết Tập Kinh
Điển Lần Thứ 5, nhưng không được các nước khác công nhận
vì các nhà sư tham dự đại hội đều là người Miến Điện.
Tuy nhiên một điểm lịch sử cần ghi chú ở đây, là trái
với một số tài liệu Phật giáo cho rằng sau Đại hội Kiết
Tập vua Mindon mới cho khắc toàn bộ Tam Tạng Kinh Điển lên bia
đá. Thật ra, công tác khắc kinh lên bia đá dựng trong chùa
Kuthodaw đã hoàn tất vào năm 1868, và ba năm sau Đại hội Kiết
Tập mới diễn ra, tức năm 1871.

<center>*</center>

Tôi ở lại chùa Kathodaw đến quá trưa, ngồi dưới
các tàng cây thuộc họ hồng xiêm (star flower) rợp bóng. Trong
sân chùa có một cây star flower trên 250 tuổi, nhưng đặc biệt
nhất giữa các dãy tháp bia là những cây star flower có tàng lá
xòe ra như một cái lộng. Dưới các tàng lá người ta xây
nhiều zayat, một loại nhà mở của người Miến Điện thường
xây dọc đường, hay trong mỗi ngôi làng đều có, dùng để
khách lỡ đường lỡ xá nghỉ chân, hoặc nếu trong làng thì
công dụng như cái đình bên mình, dân làng tụ họp trong zayat
bàn tán, nếu ở trong sân chùa hay ngoài cổng chùa (ngoài cổng
Nam chùa Kuthodaw có một zayat cất trên một cái hồ như nhà
thủy tạ) thì zayat là nơi khách dừng chân núp mưa hay tránh
nắng, có nước uống. Zayat nào cũng xây bằng gỗ, vuông vức
mỗi bề khoảng năm sáu mét, có bốn cửa vào, ván bằng sàn,
lan can thấp nửa thước sơn vàng còn cột màu đỏ gạch, từ
lan can lên nóc để trống, nóc theo hình bánh ú đội lên nhau
cả bốn mặt. Tôi nằm trong một zayat giữa hai dãy bia đá,
không gian hoàn toàn yên lặng vì là ban trưa, thỉnh thoảng mới
có một hai người vào các zayat khác ngủ, hoặc nằm ngay dưới
gốc cây star flower. Loại cây này không cao nhưng tán rộng,
không thấy hoa, lá cây như có hương thơm thoang thoảng của hoa
nhài. Những cái chuông nhỏ treo xung quanh đỉnh tháp rung rinh âm
thanh trong và cao, thỉnh thoảng ở ngoài tháp chính tiếng hồng
chung ngân nga rền rền như giữ nhịp cho tiếng chuông cao.

Chùa nào ở Miến Điện cũng có nhiều chuông. Không kể rất
nhiều chuông nhỏ treo trên cao, quanh các tháp, mà xung quanh chính
điện họ cũng đặt các dãy hồng chung, thường là ba cái làm
một cụm, quanh bốn góc. Khách thập phương sau khi vào điện
lạy Phật, đều có thể ra lấy dùi gỗ dộng hồng chung. Lệ
này khác hẵn các chùa Việt Nam, chỉ có các thầy trong chùa
mởi thỉnh chuông, và phải thỉnh đúng thời. Người Miến
Điện quan niệm về chuông khác với người mình nhiều điểm.

Các thầy ở Việt Nam khi đánh hồng chuông có bài kệ
thỉnh chuông, đại khái, nguyện cho tiếng chuông vang khắp các
cõi, đến tận địa ngục để phá tan u minh và để cho hương
linh nơi Địa ngục vơi bớt khổ đau. Chuông đều có trong các
chùa và các nhà Việt Nam theo Phật giáo. Ở Miến Điện, chuông
chỉ có trong chùa, không có nhà nào có chuông, nếu có thì –
người ta tin – cũng không có công dụng gì về mặt tín
ngưỡng. Khi cầu nguyện xong, khách ra bên ngoài điện, đến
chỗ treo hồng chung và dộng ba tiếng chuông, không phải để
'thượng thông thiên đường hạ triệt địa phủ' (bài kệ
Đóng Đại Hồng Chung), mà để thông báo cho chư Phật và chư
thần thổ địa biết là người đánh vừa thực hiện một
công đức (lễ Phật). Vì vậy đánh xong ba tiếng chuông,
người Miến Điện còn dộng dùi chuông xuống đất một cái.
Mục đích của các chuông nhỏ treo quanh các đỉnh tháp chùa
lớn cũng như vậy, là để thường xuyên 'nhắc' thế giới
mười phương biết về hành động tu hành của người đi chùa.
Chuông nhỏ không trầm, nghe vui tai vì tiếng linh kinh suốt ngày
đêm nhờ gió thổi.

<center><img src="https://danluan.org/files/u1/sub03/image003_0.jpg"
width="530" /></center>
<center><em>Chiếc xe này giá 20 ngàn đô Mỹ</em></center>

<center><img src="https://danluan.org/files/u1/sub03/image006_0.jpg"
width="530" /></center>
<center><em>Cà phê Miến Điện</em></center>

<center><img src="https://danluan.org/files/u1/sub03/image008_0.jpg"
width="530" alt="image008_0.jpg" /></center>
<center><em>Cầu gỗ U Bein dài 1km2 ở cố đô Amarapura</em></center>


<center><img src="https://danluan.org/files/u1/sub03/image010.jpg"
width="575" height="289" alt="image010.jpg" /></center>
<center><em>Đồi Mandalay</em></center>

<center><img src="https://danluan.org/files/u1/sub03/image012.jpg"
width="530" /></center>
<center><em>Cổng Tharaba phía đông cổ thành Bagan</em></center>

<center><img src="https://danluan.org/files/u1/sub03/image014.jpg"
width="530" /></center>
<center><em>Ngôi tháp chính chùa A Nan – Bagan</em></center>


<h2>7. Một ngày bốn cố đô và chiếc cầu tóc cúng Phật</h2>

Chỉ trong bán kính 30 cây số tính từ trung tâm Mandalay ở vùng
Thượng Miến Điện, có đến bốn cố đô.

Mandalay là cố đô thứ nhất, nhưng đang thành kinh đô mới
của nhiều người Trung Quốc. Theo tổ chức phi chính phủ Global
Witness ở Luân Đôn, có khoảng 40 phần trăm dân số Mandalay là
người Hoa, phần lớn di cư từ Vân Nam và Tứ Xuyên qua Thượng
Miến Điện nhưng kéo về Mandalay định cư vì dễ làm ăn.
Chính sách đưa dân qua nước láng giềng của Bắc Kinh không
mới, nó lại mạnh và suôn sẻ hơn nhờ chính quyền quân sự
làm ngơ. Mandalay chưa có Phố Tàu nhưng phần lớn các cửa
hiệu lớn bán đủ loại hàng hóa tạp-pí-lù đều của người
Hoa. Các khách sạn lớn cũng của do người Hoa làm chủ, Không
chỉ riêng Mandalay mà toàn Miến Điện tất cả xe gắn máy cũng
đều của Trung Quốc, áo quần cũng Trung Quốc, chỉ có một
số rất ít nhập từ Thái Lan. Tôi làm bể chấu cắm điện
vào laptop, nhờ bác xe ôm hôm nọ (tôi giữ rịt bác suốt bốn
ngày ở Mandalay) chở đi mua. Bác chở ra một phố bán đồ
điện và điện tử mua một cái, rồi nói giọng bất mãn:
'<em>Tiệm nào lớn ở đây đều Chinese, Chinese
everywherre.</em>'

Trong thập niên 1990, người ta ước tính dân số
Mandalay tăng từ năm trăm ngàn lên gần một triệu nhờ người
Hoa từ đại lục di cư sang. Một nhà báo nữ của Miến Điện
vừa mới mất năm 2008 lúc bà được 92 tuổi, nói rằng người
Trung Quốc không tốn một phát đạn mà lấy được Mandalay. Ai
cũng biết người Hoa đi tới đâu thì nơi ấy việc buôn bán
ở đó phát triển, nhưng đồng thời ảnh hưởng bản sắc văn
hóa Miến Điện. Riêng ở Mandalay, nhiều lễ hội chính thức
của con cháu Khổng Tử đã thành thông lệ, đã có khá nhiều
chùa Tàu lớn. Một tác động khác là tệ nạn xã hội. Ở
Mandalay không có hộp đêm, hoặc có mà tôi không biết, riêng
ở Yangon có một số hộp đêm khoảng dưới 10 cái. Các hộp
đêm thường bắt đầu từ 9 giờ tối, màn trình diễn chủ
yếu là thời trang trên một sàn vuông, xung quanh có ghế ngồi,
các cô bận trang phục kín đáo, có khi mặc quần jeans, đi lên
đi xuống một cách tài tử. Tôi theo một chàng quản lý nhà
khách đi một hộp đêm có tên là JJ, vé vào cửa ba đô Mỹ
kèm một ly bia hơi (bia Dagon). Khách uống một ly có thể ngồi
đến nửa đêm mà không ai hỏi han gì. Nhưng đặc biệt xung
quanh tụm năm tụm ba rất nhiều cô gái, không hẵn con gái gốc
Miến Điện vì nước da và khuôn mặt trắng, mũi tẹt, lùn và
xấu. Phụ nữ Miến Điện thường dong dỏng, ốm, da bánh mật
hoặc đen sậm, đôi mắt dài và buồn. Tôi hỏi chàng quản lý
có phải 'các em là người Hoa không'. Chàng Miến Điện
quấn xà rông mặc sơ mi trắng, chân đi dép lẹt xẹt, vừa
uống bia vừa trả lời một câu thật ấn tượng:

- Chín mươi chín phần trăm đĩ là người Hoa!

Tất cũng khó biết mức độ sự thật qua nhận xét khơi khơi
này, nhưng nó phản ảnh một hiện tượng xã hội. Chính quyền
không khuyến khích nhưng làm ngơ các hoạt động mại dâm, dù
vậy, khách khứa vào hộp đêm lèo tèo, có ông quấn xà rông
vào nằm ngữa trên ghế, nhai trầu bỏm bẻm, cảnh ăn chơi
rất thô sơ chứ không ác liệt và sang trọng như ở Sài Gòn
hay Hà Nội.

Cũng như ở Yangon, buổi tối Mandalay không có đèn đường.
Đường sá sáng lên nhờ ánh neon từ một số cửa tiệm hắt
ra, nhờ xe nước mía, nhờ đèn xe máy loang loáng trên đường.
Đã thế điện cúp nhiều lần trong ngày và đêm, cúp rồi
bật, chứ không cúp một mạch nhiều giờ liền. Mandalay, cố
đô phong kiến cuối cùng, thành phố mới và lớn thứ hai của
Miện Điện, dù sao vẫn là nơi không nên thiếu trên lộ trình
đi Miến, bởi nó là một thành phố có cá tính, không vô văn
hóa nửa Tàu nửa Tây như Singapore.

Cố đô thứ hai là Amarapura, nghĩa là 'Bất Tử Thành', cách
trung tâm Mandalay khoảng 11 cây số về hướng Nam. Tuy gần nhưng
khó nhớ đường hơn đi Phố Mây. Các bạn đi xe máy theo
đường số 84 về hướng nam, tức đi ngược lại hướng Đồi
Mandalay, khoảng bốn cây số sẽ thấy nơi người ta tập kết
cũi xúc, hỏi đường đi tiếp chừng hai cây số nữa sẽ đến
một cái mốc có thể gọi là cửa ngõ vào cố đô Amarapura.
Cái 'mốc' này là một cổng thành cũ chỉ còn mỗi bề
khoảng 10 mét, cao ba tầng màu vàng, nhưng đã ố đen gần hết
ở tầng trên. Có một tấm bảng ghi tên thành cũ nhưng bằng
tiếng Miến Điện. Đây chính là vết tích phế đô Amarapura,
từ cổng thành này vào trong chỉ toàn đường đất.

Các bạn phượt đi xe máy sẽ gặp trên các trục lộ chính vào
ba cố đô sẽ có lính canh. Khi đi ngang qua họ bắt đóng 100
kyat. Tôi đã gặp hai cổng như vậy nhưng cổng nào cũng không
mất tiền. Thì ra người Miến Điện lịch sự. Khi tôi chạy
ngang họ ách lại, họ nói gì đó và tôi không hiểu cứ trả
lời bằng tiếng Anh, thế là họ khoác tay cho đi. Hôm nay đi
với bác xe ôm thì mỗi khi gặp cổng gác có thanh cây chắn
ngang đường, bác móc túi trả 100 kyat.

Lý lịch Amarapura khá kỳ. Năm 1783, vua Bodawpaya (1781-1819) dời
kinh đô từ Ava về đây vì sợ ma ám sau khi giết nhiều hoàng
thân quốc thích để chiếm ngôi. Năm 1823, vua Bagyidaw lại dời
hoàng thành về Ava, vua kế vị Bagyidaw là Tharrawaddy (1837-1846)
lại dời hoàng thành về lại Amarapura vì Ava bị động đất
nặng. Khi vua Mindon lên ngôi (1853-1878), ông vẫn đặt hoàng cung
ở đây cho đến năm 1857 mới dời về Mandalay.

Như vậy trong bốn đời vua thì ba lần Amarapura là kinh đô,
thăng trầm như một ông quan mất chức rồi phục chức rồi
lại mất chức vĩnh viễn. Ngày nay, sau khi vượt qua khối
tường gạch trước kia là cổng thành, ta sẽ không thấy bất
kỳ một vết tích đền đài nào. Giống như đang rảo chơi
một miền quê vắng vẻ nghèo xơ xác. Sở dĩ như vậy vì ngoài
việc bị bỏ hoang và chiến tranh tàn phá, khi dời đô, các ông
vua tháo dỡ cung điện và đem theo, khi thì đem theo đến Ava, khi
thì đem theo về Mandalay. Gần nhất là vua Mindon, và sau ông là
vua Thibaw, cho tháo toàn bộ dinh thự đem về Mandalay (tự viện
Shwe Nan Daw dưới chân đồi Mandalay do vua Thibaw đem một phần
vật liệu cung điện từ Amarapura về dựng lại và cúng cho
chùa). Ngay cả hoàng thành cũng bị dở ra để đem vật liệu
về xây hoàng thành mới. Không biết đây có phải là một cách
sống của người Miến Điện chăng, không biết đó là tính
'cần kiệm liêm chính' của người Miến Điện chăng, mà
ngay cả vua khi dời đô cũng đem theo cung điện và hoàng thành
để ráp lại nơi mới.

Hoàng thành Amarapura là một bán đảo nằm giữa hồ Kyauktawgyi
và sông Voi, trên hồ có cây cầu gô U Bein dài nhất thế giới
vắt qua. Ông xe ôm nói vua xây cầu này để ngăn chận hải
quân Anh tiến vô kinh đô. Tôi hỏi một cây cầu gỗ làm sao mà
ngăn chận hải quân Anh? Ông ta cười giả lả gật gù. Theo
một tài liệu cũ, hoàng thành vuông vức, mỗi bề dài 2.2 cây
số[2] (cũng bằng hoàng thành Mandalay), xung quanh có hào rộng
khoảng 25 mét. Cung điện toàn bằng gỗ tếch di dời từ cố
đô Ava tới. Như vậy thì hoàng thành Mandalay không phải xây
cất bằng vật liệu từ cố đô Amarapura, mà bằng vật liệu
của 'ông nội' nó là cố đô Ava. Không thấy sách du lịch
nào nói điều này.

Ngoài hai hàng cây me hai bên con đường đất nhỏ, các rẫy
bắp, dấu vết hoàng kim trong hoàng thành rất khó nhận diện
nếu không được hướng dẫn. Hào sâu và rộng bây giờ là
một kênh nhỏ thả nhiều rau muống. Khi dời đô, vua Mindon đem
theo dân chúng trong thành, vua dân cùng lên vùng 'kinh tế
mới' Mandalay. Những di dân đến Amarapura sau đó đã dần dà
tạo thành một ngôi làng làm nghề dệt lụa thủ công. Bạn
đến đây nếu thích sẽ được đưa đến ngôi làng nghề
truyền thồng này, đi từ nhà này qua nhà kia xem các cô gái
Miến chăm chỉ thoi tơ mà không ai phiền hà hay hỏi bạn là ai.
Sau đó hãy chạy xe đến cầu gỗ U Bein toàn bằng gỗ tếch
dài 1.2 cây số vắt ngang hồ Taungthaman. Cây cầu này là của
hương hỏa của hoàng thành Amarapura, khi vua dời đô về
Mandalay, số gỗ tếch còn dư không bị chụm cũi hay các đầu
nậu bán tháo mà được dùng để xây chiếc cầu này. 'Lan
can' là các cột gỗ cắm lưa thưa từ đáy hồ lên cao khỏi
mặt cầu khoảng từ nửa thước đến một mét, không có một
hành lang an toàn nào nhưng không ai rớt khỏi thành cầu nếu
không say xỉn. Cầu chỉ dành cho xe đạp và người đi bộ,
trên cầu có hai căn chòi để nghỉ chân. Đi bộ hết cầu gặp
một ngôi làng nhỏ cùng tên với cái hồ, có ngôi chùa
Kyauktawgyi, và từ cây cầu gỗ nhìn qua các cây cổ thụ chỉ
còn cành, sẽ thấy sông Voi miên man trượt. Buổi sáng trên
cầu gỗ U Bein là một lịch trình không thể thiếu khi thăm
Mandalay. Không khí dịu như nước hồ, người bên kia làng đi
bộ qua cầu về phía Amarapura, học trò, thầy tu, người cùi
chống nạng, phụ nữ đội hàng, tất cả đều âm thầm chậm
rãi. Nếu muốn ngắm toàn hồ thì mướn một chiếc ghe nhỏ
đủng đỉnh ra giữa hồ với trời mây non nước. Cách cầu
không xa có tự viện Mahagandhayon rất nổi tiếng vì qui cũ. Khi
tôi đến gần tới giờ thọ trai, gần một ngàn tăng sinh sắp
hàng và vào phòng ăn, không một tiếng động nhỏ, hoàn toàn
yên lặng.

Cách Mandalay 21 cây số là cố đô Ava, còn gọi là Inwa. Cùng
nằm phía tả ngạn của sông Voi như Amarapura, cố đô Ava có
từ năm 1364, thay ngôi đổi chủ nhiều lần và ngày nay không
còn vết tích gì. Công trình xây dựng có thể nhận dạng duy
nhất là một Vọng Lâu (Watch Tower) bằng gạch, cao 30 mét xây
năm 1822 để vua ngắm cảnh. Đứng trên Vọng Lâu chỉ còn
thấy thấy sông Voi và những đám cỏ xanh mọc ngổn ngang trong
nội thành. Ngoài ra có một tự viện không thể không tới,
Maha Aung Mye Bon Zan Monastery, hoàn toàn hoang vắng và hoang phế dù
còn nguyên hình dạng, màu tường vàng sẫm đã ố đen buồn
bã, trần và gạch bên trong mốc meo và bám rêu. Bên dưới tự
viện là các cửa hình vòm nối tiếp nhau, tối tăm đầy bí
ẩn, có lẽ trong mùa mưa đây là hang ổ của rắn rít. Tự
viện hình chữ nhật, có ba tầng mái, tường bên ngoài trang
trí hoa văn công phu, riêng tượng Phật được thờ trong một
cái tháp riêng chứ không ở trong chính điện. Tự viện này có
hồn dù không một bóng người, nó có cái vẻ sừng sững oai
nghi của một khối đá cô đơn trong chiều vắng.

Chúng tôi băng qua cây cầu sắt Ava bắt ngang sông Voi để đến
cố đô thứ tư là Sagaing. Sagaing nguyên tên là Jeyapura, nổi
tiếng với thị trấn Mingun có đại hồng chung lớn nhất thế
giới, Chuông Mingun, đúc xong năm 1810, nặng 90 tấn, cao hơn 3.6
mét, chu vi mép chuông gần 15 mét rưỡi.

Sagaing là kinh đô của bảy đời vua vào thế kỷ 14, kéo dài 49
năm. Đến năm 1760, Sagaing lại là kinh đô nhưng yểu mệnh,
thọ được bốn năm. Ngày nay, chỉ cần mất vài giờ là biết
hết nội thành Sagaing, nhưng phải mất khoảng một giờ mới
leo đến đỉnh Đồi Sagaing nằm phía hữu ngạn sông Voi, đối
diện Ava và chếch phía thượng lưu khoảng 10 cây số là thành
phố Mandalay. Trên đỉnh đồi có chùa Soon Pone Nya Shin rất
lớn, đứng ở đây có thể thấy hàng trăm ngôi chùa và tự
viện lớn nhỏ bao quanh đồi, sông Voi xuôi về nam, và hoa
phượng đỏ thắm thiết trên sườn đồi. Bác xe ôm lúc thả
tôi dưới chân đồi, dặn: 'Cứ đi lên, khi nào đến chỗ
đóng tiền thì xuống.' Lý do là du khách khi đến Mandalay sẽ
đóng 10 đô để thăm tất cả các di tích, nhưng Sagaing không
thuộc Mandalay nên phải đóng thhêm một mớ tiền nữa. Bác nói
Sagaing không đáng để đóng 10 đô, mắc. Tôi nghe lời leo vài
trăm bậc cấp lên đỉnh, tính khi nào bị thu tiền thì trở
xuống nhưng dọc dường không thấy quầy thu tiền nào cả,
không biết lệ này đã bỏ chưa.

Thực ra leo lên Đồi Sagaing ngắm cảnh chỉ là cỡi ngựa xem
hoa, vì ngọn đồi này và nội thành Sagaing thuộc Vùng Sagaing
(Sagaing Division) rất nhỏ. Toàn bộ Vùng Sagaing có nhiều thắng
tích Phật giáo. Những bạn nào có thời gian và muốn hành
hương nên ở Vùng Sagaing vài ngày để đi thăm một ngôi chùa
nổi tiếng nằm trong một hang đá sâu, chùa Alaungdaw Kathapa
Pagoda. Kathapa tức Kassapa, là đại đệ tử Ca Diếp của Phật.
Trong một buổi Pháp thoại, khi Phật đưa một cành hoa sen lên
(Niêm Hoa), đại chúng ngơ ngác chưa hiểu, riêng chỉ có Ca
Diếp mỉm cười (Vi Tiếu). Phật truyền tâm ấn cho Ca Diếp và
ngài trở thành sơ tổ Thiền tông. Người Miến Điện nói
rằng trong chùa Alaungdaw Kathapa có nhục thân của Tổ Ca Diếp,
hằng năm có vài chục ngàn người hành hương từ khắp nơi
kéo về, nhân đấy có một câu chuyện cảm động xảy ra vào
năm 2007.

Nguyên con đường đến chùa tuy chỉ dài vài chục cây số
nhưng rất hiểm trở, phải đi qua 16 con sông và lạch nước,
đặc biệt trong mùa mưa từ tháng Năm cho đến tháng Chín thì
không cách nào đi được, vào mùa khô cách duy nhất đến chùa
là thuê voi. Một nhà sư tên là Sayadaw Waiponla, trong một lần
hành hương, chứng kiến một phụ nữ mang thai chết trên
đường đến bệnh viện. Ông nảy ra ý tưởng gây quỹ xây
cầu bằng cách lập các nhà nghỉ nhỏ dọc đường vừa làm
chỗ nghỉ chân trên đường hành hương, vừa có chỗ để
người đi chiêm bái cúng dường gây quỹ. Một phụ nữ quá
nghèo muốn cúng dường nhưng không có tiền nên xin thầy Sayadaw
cho bà được cúng tóc. Phụ nữ Miến Điện rất quý búi tóc
vì tóc là biểu tượng của phẩm hạnh và tư dung. Từ ý
tưởng của người đàn bà nghèo khổ kia, nhiều phụ nữ khác
đã cắt tóc để bán cho thương lái Trung Hoa. Một ký tóc giá
từ 62.000 đến 250.000 kyat (62 đến 250 đô Mỹ vào năm 2007) tùy
theo dài ngắn. Cho đến khi tôi viết những dòng này vào tháng
Tám năm 2009, đã có trên 3.000 phụ nữ Miến Điện bán tóc
để xây cầu đến chùa. Hiện nay đã có 13 chỗ quyên tóc
khắp Vùng Sagaing, và thầy Sayadaw đã nhờ số tóc này xây
được tám cây cầu trên đường hành hương đến chùa Đại Ca
Diếp. Dù thầy Sayadaw, trong một bài phỏng vấn đăng trên báo
Myanmar Times vào giữa tháng 5.2009, nói ông sẽ chọn một trong
số các cây cầu để đặt tên là Kim Phát Kiều (Cầu Tóc
Vàng), nhưng người Miến Điện đều gọi những cây cầu này
là 'Cầu Tóc', vì toàn là các cây nhỏ và nhờ tóc của tín
nữ mà nên.

(còn tiếp)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130110/tu-khanh-muoi-hai-ngay-o-mien-dien-3),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét