Từ Khanh - Mười hai ngày ở Miến Điện (2)

<h2>2. Nụ cười Miến Điện</h2>

Mưa Ngưỡng Quang!

Cơn mưa từng cọng dài trút thêm sự phiền hà lên những hố
hầm đường xá.

Trên vách tường của những chung cư đen xám, sợi mưa vãi
xuống trinh tuyền.

Mưa càng lớn càng tuyệt vọng màu trinh trắng. Không thể xóa
đi lớp rêu đen bám tường.

Màu đen của tường phố hiện rõ trong mưa. Tựa như một
chiếc mùng trắng chụp lên các khối đen sần sùi khắc khổ.

Tôi đứng trong lề, chăm chăm từng sợi mưa Ngưỡng Quang.

Nhìn những người Miến đụt mưa nhai trầu, phun nước bả
đỏ ngầu vào mưa trắng.

Có một lần tôi đụt mưa ở Cà Mau. Nhìn những đàn ông phì
phèo thuốc lá nhả khói trắng vào mưa trắng.

Mưa ở đâu cũng buồn. Dù màu của mưa không giống nhau.

Mưa ở đâu cũng buồn, khi nơi đất lạ.

<center>*</center>

Tôi bắt được một bác tài taxi trẻ. Anh ta đồng ý
chở một vòng thành phố giá bốn đô kể cả thời gian chờ
đợi. Anh ta tên là Maung. Rất nhiều người Miến Điện tên
Maung, chỉ có nghĩa là cậu hay thanh niên, đó là cách xưng hô
chỉ phái nam còn trẻ chứ không phải danh từ riêng. Bạn cũng
đừng nên hỏi tên kỹ quá vì nhiều người Miến không muốn
người nước ngoài biết tên. Maung có hai bằng đại học, đã
từng xuất ngoại qua Lào chơi. Anh không ăn trầu, nước da hơi
trắng, đẹp trai kiểu cổ, ăn nói điềm đạm và kiến thức
rộng. Maung giải thích lý lịch Yangon rất tường tận.

Chính quyền quân sự hiện nay bị nhiều nước tẩy chay nên
cái tên Yangon cũng bị hệ lụy lây khi họ lấy lại tên cũ
Yangon vào năm 1989. Yangon, nghĩa là 'hết chiến tranh', người
Anh phiên âm thành Rangoon, vẫn chưa được nhiều nước và cơ
quan truyền thông lớn như đài BBC dùng. Một số người dân
Miến Điện vẫn gọi là Rangoon vì không công nhận tính chính
thống của chính quyền quân sự.

Yangon, từ thế kỷ thứ 6 có tên là Dagon, là một ngôi làng
đánh cá nhỏ sống loanh quanh gần ngôi đại tự nổi tiếng
Shwedagon. Năm 1755 vua Alaungpaya đổi tên thành Yangon. Người Anh
chiếm Yangon trong cuộc Chiến Tranh Anh-Miến lần thứ Nhất
(1824-26) và toàn bộ vùng Hạ Miến Điện (phía Nam) năm 1852
trong Chiến Tranh Anh-Miến lần thứ Hai, chiếm thêm vùng Thượng
Miến Điện trong Chiến Tranh Anh-Miến lần thứ Ba năm 1885.
Miến Điện nằm trong tay thực dân Anh cho đến năm 1948 mới
dành được độc lập.

Như đã nói, 'cái túi' Yangon có đáy là khu thị tứ ổ
chuột nằm sát sông Yangon, miệng túi phát triển về hướng
Bắc với dinh thự, công viên, sở thú và đường xá thoáng
đãng sạch sẽ. Phi trường Yangon, nhà của lãnh tụ đối lập
Aung San Suu Kyi, sứ quán Hoa Kỳ, hai cái hồ xinh xắn Kandawgyi và
Inya đều nằm ở khu miệng túi.

Ngôi chùa nổi tiếng Shwedagon ngự trên Đồi Singuttara nằm
giữa biên giới của đáy túi và miệng túi nhưng gần hướng
đáy túi hơn. Tương truyền trên Đồi Singuttara có ba xá lợi
của ba vị Phật ra đời trước Phật Thích Ca. Khi Thích Ca
thành đạo ở Ấn Độ, có hai anh em nhà kia từ Miến Điện qua
Ấn, được Phật cho tám sợi tóc đem về thờ, đi nửa
đường thì bị cướp một nửa. Dù vậy khi về tới Yangon thì
hai anh em vẫn được tiếp rước trọng thể. Người ta xây
một ngọn tháp cao trên 100 mét trên đồi để tôn trí bốn
sợi tóc Phật. Sau nhiều cuộc chiến tranh và động đất,
triều vua nào cũng trùng tu ngọn tháp. Hiện nay đứng cách xa
Đồi Singuttara 15 cây số vào ban đêm hay ngày vẫn có thể
thấy ngọn tháp chính lấp lánh ánh sáng vàng. Một câu chuyện
truyền tụng khác về ngọn đồi thiêng là quả chuông nặng 30
tấn. Năm 1608 một người Bồ Đào Nha đánh cắp quả chuông
nhưng trên đường tẩu tán thì quả chuông rơi xuống sông Bago
và mất tăm. Đến năm 1779 nhà vua cho đúc một quả chuông khác
nhưng 40 năm sau lại bị lính Anh đánh cắp. Trên đường chở
qua Calcutta (Ấn Độ), quả chuông thứ hai này rơi xuống biển
nhưng may mắn tìm lại được. Hiện quả chuông vẫn còn trong
đặt ở góc hướng tây bắc của chùa Shwedagon. Tất cả những
câu chuyện như thế càng khiến ngôi chùa trên ngọn đồi càng
thiêng liêng, người Miến Điện hãnh diện với ngôi chùa, du
khách nào tới họ cũng giới thiệu.
Maung thả tôi xuống chân đồi chùa Shwedagon. Anh nói đóng năm
đô rồi gửi giày ngoài cửa, anh sẽ chờ cho đến khi tôi
xuống. Lúc tôi sắp hàng vào cửa thang máy theo hướng dẫn thì
có một người đàn ông đeo thẻ bám theo, anh ta nói 'tôi sẽ
hướng dẫn anh tham quan ngôi chùa'. Tôi nói tôi đi chùa không
cần hướng dẫn viên nhưng anh ta cứ kỳ kèo:

- Nếu không có tôi giải thích làm sao anh biết.

- Thế ra khách nước ngoài phải có hướng dẫn viên?

- Đúng vậy.

- Nhưng tôi không cần, tôi đi chùa không muốn ai lẻo
đẻo đi theo.

- Nhưng anh sẽ không biết gì cả.

Tôi bực mình gắt tôi muốn đi một mình. Đến khi đó anh ta
mới chịu bỏ đi. Dịch vụ hướng dẫn viên này có vẻ như
nửa tình nguyện nửa bắt buộc. Tôi cho rằng đi chùa không
nên có người theo sau lảm nhảm điều nọ điều kia, nó sẽ
làm mai một bầu khí của một ngôi chùa.

Như các ngôi chùa lớn khác ở Miến Điện (Thái, Lào và
Cambodia cũng vậy), chùa có bốn cổng vào, trước mỗi cổng có
hai con sư tử trắng rất lớn ngồi giữ, trên bậc cấp dẫn
lên đồi có mái che hình bánh ú cùng các ngọn tháp màu vàng
treo nhiều chuông nhỏ. Xung quanh tháp chính là sân rộng và
nhiều ngọn tháp lớn nhỏ khác nhau. Có một khoảng sân rộng
trước tháp để dân chúng ngồi cầu nguyện. Ở nhiều góc
trong khuôn viên, hay trước tháp chính, đôi khi thấy đàn ông
hay phụ nữ lần tràng hạt, lâm râm cầu nguyện, chỗ khác thì
có người múc nước tắm Phật. Khung cảnh sáng rỡ và tráng
lệ. Tôi thấy một quả hồng chung màu đen có viền đỏ treo
trong lầu chuông nên nghĩ đó là quả chông bị lính Anh đánh
cắp. Thật ra đây là hồng chung do vua Tharrawaddy (1837-1846)
tặng. Khi đến gần thì một người lính chận lại, ra dấu
không được vào vì đang có một bộ trưởng nước láng giềng
trong lầu chuông. Một phụ nữ lớn tuổi, mập mạp, đang cầm
dùi đánh chuông và theo hướng dẫn của một ông quấn xà
rông, bà ta vừa gật gù vừa dộng dộng liên tiếp dùi gỗ lên
hồng chung. Tiếng chuông phát ra ẻo lả gượng gạo, đứng
cách quả hồng chung vài thước nhưng âm thanh nghe như tiếng
chuông của mấy người bán cà rem dạo. Bà ta lại đánh thêm
một hồi rè rè nữa nghe rất chán. Trong cách đánh chuông (chung
pháp) ở Việt Nam, người thỉnh chuông thường là một vị đã
tu hành nhiều năm. Ngày trước chùa Linh Mụ ở Huế nổi tiếng
với 'Tiếng chuông Linh Mụ' không chỉ vì quả đại hồng
chung hay, mà còn nhờ các thầy thỉnh chuông đúng phép, tay
dộng nhưng tâm quán. Nhiều người Huế lớn tuổi nói họ nghe
thời chuông sáng chùa Linh Mụ (3 giờ rưởi sáng) biết thầy
nào đang thỉnh chuông.

Ngôi tháp chùa Shwedagon to cao quá khiến người đứng
trước tháp cảm thấy xa cách. Không có bầu khí thâm trầm và
gần gũi như ở sân chùa Việt Nam. Tôi không tin có sự linh
thiêng nếu đối tượng mà con người kính lễ xa cách với
mình, mà nếu có thì sự linh thiêng đó cũng vô ích. Sự linh
thiêng phải hài hòa với cõi lòng, hay như một chất xúc tác
làm 'động lòng' người đi tìm thiền vị. Một ngôi chùa
thiêng không vì nó lớn hay nhỏ, mà bởi một mật ẩn gì đó
xui người đến nhìn lại nội tâm mình, không hướng ra ngoài
để lạy lục những tượng đền to lớn.

Ngôi đại tự hùng tráng trên Đồi Singuttara đẹp mà lạnh. Nó
kiêu hãnh chuồi bàn chân sang trọng xuống khu đáy túi luộm
thuộm, không có nét hài hòa nào cả giữa hai khu vực. Khác
với sự sừng sững của Shwedagon, trong khu vực nghèo nàn sát
sông Yangon, có hai kiến trúc tôn giáo khác gần gũi với cuộc
sống hơn, một là ngôi chùa Botataung cuối đường Botataung
Pagoda (nơi có nhà khách Ocean Pearl Inn), và thánh đường lớn
nhất Miến Điện là Nhà thờ Đức Bà (St. Mary), có từ cuối
thế kỷ 19.

Maung chở tôi đến chùa Botataung ở sát sông Yangon nơi có tôn
trí tóc Phật và cho người ngoài vào xem. Người đến chùa
nghèo nàn, trước cổng là một khu chợ bán trái cây cúng tấp
nập. Tóc Phật được tôn trí trong một căn phòng sáng rực
ánh sáng của vàng ròng, bên ngoài có cửa kính và một khe hở
ngang tầm mắt để nhìn vào. Trong một ngôi tháp khác có răng
của Phật.

Tôi từ giã Maung. Ngày tôi ra phi trường kết thúc chuyến đi,
Maung cũng đưa tôi đi. Anh ta chạy ngang hồ Inya và chợt hỏi:
'Anh biết bà Aung San Suu Kyi không?' rồi nói tiếp: 'Nhà bà
kia kìa.' Chạy một khúc nữa anh ta buộc miệng 'chính quyền
này không tốt' rồi như thấy mình lỡ lời với một người
xa lạ, anh ta nín bặt cho đến khi thả tôi xuống phi trường
Yangon. Trong các khuôn mặt tôi gặp ở Miến Điện, Maung có
đôi mắt buồn như khóc, khi cười đôi mắt Maung vẫn buồn,
tia nhìn trên khuôn mặt sáng sủa của Maung như một nỗi ám
ảnh, nụ cười lặng lẽ của Maung như thu tóm mọi nụ cười
thầm câm của người Miến Điện.

<center>*</center>

Nhà thờ Đức Bà nằm trong khu ổ chuột gần chổ tôi ở. Tôi
đi qua nhiều lần trong ngày và lúc nào cũng bị vẻ nín nhịn
của màu gạch cũ giữ lại. Hai tháp chuông cao nhưng không lớn,
màu gạch đỏ đã quá cũ nên bề ngoài cả ngôi thánh đường
như phủ một màu tím nhạt. Tháp chuông bên trái nguyên màu
trắng nhưng đã trầy trụa sơn để lộ màu gạch bên trong.
Ngôi thánh đường màu tim tím như bị bỏ hoang (dù nghe nói
hằng tuần đều có thánh lễ), lặng lẽ giữa khu vực nghèo
nhất Yangon. Sự im lặng của hai tháp chuông, màu gạch tím chìm
trong bầu trời xám xịt, hai cánh cổng mở toang ra nhìn những
dãy chung cư nghèo nàn khiến ngôi thánh đường gần gũi với
cuộc sống lam lũ xung quanh. Trong một xứ đạo Phật, giữa
những đền tháp vàng óng ánh và tấp nập người, nhà thờ
Đức Bà như biết thân phận và chỗ đứng khiêm tốn của
mình, nó lặng lẽ (kỳ lạ thay rất giống sự âm thầm của
người Miến Điện), cố thu mình lại thật nhỏ hơn để khỏi
phật lòng ai đó. Và cũng kỳ thay tôi thấy mình gần gũi với
ngôi nhà thờ. Trong mấy ngày ở Yangon, hôm nào đi qua tôi dừng
lại ngắm nghía một chút, thương màu vôi tróc lỡ của tháp
chuông giống như một sự chịu đựng lặng thinh nhưng bình yên
giản dị. Như đôi mắt buồn của những khuôn mặt trên
đường phố. Như sự ẩn nhẫn và lam lũ của làn da sạm nắng
nhưng óng ánh một sinh khí tiềm tàng bên trong những cuộc
đời đang đứng riêng bên lề thế giới.

Tôi cũng có cảm tưởng rằng phải ở loanh quanh khu nhà thờ
Đức Bà, tức khu đáy túi thì mới thấy hết muôn vẻ của
Yangon. Nó là một thành phố đa văn hóa. Đi trên một con
đường thấy cả người Ấn bán xoài hay cà ri, người Tàu bán
giò chéo quẩy, người Miến bán cơm.

Buổi tối hôm ấy tôi tìm một cái quán ven đường, cố múa
tay để gọi một món ăn nhưng các cậu nhỏ chạy bàn đều
không hiểu. Một người đàn ông quấn xà rông ngồi đối
diện, mặt ông ta chằm chằm như như bị bồ bỏ. Đôi mày chau
lại, ông ta nhìn tôi không chớp mắt. Tôi chắc ông ta không có
khiếu thẩm mỹ.


<h2>3. Trăng trên đồi Mandalay</h2>

Nắng chiều vừa sụp tắt lúc tôi đặt chân đến chân đồi
Mandalay huyễn hoặc. Trăng mùng 8 lên cao trên bầu trời trong
vắt. Những bậc thềm có mái che, từ dưới nhìn lên dốc
ngược không biết sẽ chấm dứt chỗ nào vì chút ánh sáng
vàng lu lu đâu đó hắt ra không đủ soi sáng lối đi. Phía sau
tôi ánh đèn đường ngoài cổng hắt ngược, dọi cái bóng
gẫy gập lên mấy bậc thềm như một hình thù ma quái quờ
quạng ngả nghiêng trèo lên đồi.

Tôi đã tới đồi Mandalay!

Tôi đã đến đây sau nhiều năm tưởng tượng về ngọn đồi
nằm ở miền
trung Miến Điện. Ngọn đồi Đức Phật đã đặt chân đến.
Ngọn đồi ghi dấu một khoảng thời cực thịnh của Phật
giáo Miền Điện khi vua Mindon dời đô về Mandalay vào giữa
thế kỷ 19. Trong các nỗ lực chấn hưng Phật giáo của ông,
nổi bật nhất là công trình khắc toàn bộ kinh điển Phật
giáo (Tam Tạng kinh điển) lên các phiến đá quý trong một
khoảng đất rộng dưới chân đồi, ông xây cất nhiều tu
viện lớn, nhưng công việc chưa thập toàn viên mãn thì vua
mất. Khi mất, ông không để lại lâu đài lăng tẩm đồ sộ,
ngoại trừ toàn bộ kinh sách khắc lên bia đá.
Một thời gian sau, khoảng đầu thế kỷ 20, bỗng có một nhà
khổ hạnh xuất hiện trên đồi Mandalay, lúc đó đã hoang phế
dưới sự đô hộ của người Anh, đã thành sào huyệt của
bọn cướp. Nhà khổ hạnh ngồi tham thiền trên đồi không
biết bao nhiêu ngày tháng cho đến lúc người ta đồn đãi có
bậc chân tu trên đồi hoang. Tín đồ tấp nập càng lúc càng
đông, rồi từ hai bàn tay trắng, nhà khổ hạnh trên đồi
Mandalay – nhờ bá tánh cúng dường – đã có thể tiếp tục
công việc trùng tu và tuyền bá đạo Phật, tiếp tục công
việc dang dở của vua Mindon thế kỷ trước.

Nhà khổ hạnh chính là vua Mindon tái sinh.

Bậc đế vương và nhà khổ hạnh giống như hai kiếp
người với cuộc sống đối lập, nhưng trong mắt của nhà tu
nhất tâm phụng sự, thì đế vương hay khổ hạnh đều là
phương tiện để thực hiện một mục tiêu. Vua Mindon
'chọn' làm vua để có phương tiện truyền bá lời Phật.
Thực vậy, ông không có uy quyền và không tham quyền uy, hầu
như quyền cai trị nẳm trong tay hoàng thân quốc thích. Dường
như ông muốn được để yên để chăm lo Đạo Phật. Quả là
ông đã chọn làm vua để có phương tiện, khi thời thế hết,
thực dân Anh xâm chiếm đất nước, thì ông lại chọn phương
tiện làm nhà khổ hạnh. Và trong cả hai phương tiện ấy, vai
trò nào ông làm cũng tốt.

Tôi biết được câu chuyện trên một phần nhờ dịch cuốn
<em>The Way of the White Clouds</em> của đại sư Anagarika Govinda
người Đức, trong đó có chương 'Trưởng lão Kham Nhẫn, nhà
Tiên tri trên Đồi Mandalay', đây là chương tôi đọc nhiều
lần đến gần như thuộc từng chi tiết về hành trạng của
vua Mindon và nhà khổ hạnh Kham Nhẫn. Còn những mẫu chuyện
khác về vua Mindon là nhờ hỏi thăm những người Miến Điện
sống ở Mandalay.

Tôi vừa leo lên đồi vừa miên man hình ảnh nhà khổ
hạnh lang thang đã ở nơi đây gần một thế kỷ trước. Chung
quanh tôi bóng tối phủ dầy. Mái che trên những bậc thềm cao
hun hút không cho ánh trăng dọi tới nên bóng tối như sậm hơn.
Các bậc thềm được xây cách quãng để nghỉ mệt, hai bên có
băng ghế đá dài bằng chiều dài của những bậc thềm. Đôi
chân tưởng như rớt ra ngoài nhưng tôi cứ leo không nghỉ, mồ
hôi ướt như dưới trời hè. Tôi đã chờ đợi cái ngày đặt
chân lên ngọn đồi huyền thoại, và giờ đây đi như đi trong
một giấc mộng dài tỉnh táo. Những ngôi nhà tồi tàn ẩn
dưới lùm cây hai bên thềm có những đôi mắt tò mò nhìn ra
dưới ánh đèn vàng nhợt nhạt. Tiếng chim đâu đó rúc lên thi
thoảng. Cứ leo vài chục bậc thang thì có một khu nhà nghỉ,
hai bên đều có tôn trí tượng Phật, nhưng ánh đèn vàng từ
mấy căn nhà men theo thềm cấp không đủ soi sáng tượng, chỉ
thấy lờ mờ đường nét một vị đang ngồi xếp bành. Tôi
vừa lạy trong bóng đêm vừa nghỉ mệt, hơi thở đứt quảng.
Đi chừng vài chục bậc cấp nữa thì tới một khoảng nhà
nghỉ rất rộng, ngay giữa gian có một bóng đèn vàng rọi lên
tượng Phật Thích Ca đứng, pho tượng thật vĩ đại, đứng
thẳng người cũng chỉ ngang khoảng đầu gối của pho tượng.
Tôi phủ phục xuống vừa lạy vừa nghỉ mệt một lúc lâu. Khi
đứng lên thì giựt mình thấy có một người đàn ông đứng
bên cạnh, cười hiền lành. Ông ta nói gì đó, khi thấy tôi
không hiểu liền hỏi bằng tiếng Anh.

- Anh ở đâu đến?

- Việt Nam.

Người đàn ông cười im lặng, cổ ông choàng tràng hạt, bận
quần tây chứ không quấn xà rông như các đàn ông Miến Điện
khác. Ông nói ở ngay căn nhà tre bên cạnh lâu rồi, rồi chỉ
bức tượng nói gì đó mà tôi đoán là ông ta muốn giải thích
đây là Phật gì. Tôi nói Thích Ca Mâu Ni? Ông gật gật đầu
tủm tỉm, đến ngồi một bên chân tượng, chỉ tay ra dấu cho
tôi hãy ngồi ngay trước tượng Phật, bên cạnh ông. Rồi ông
bắt đầu tụng kinh lầm rầm. Tôi đọc một bài Tâm kinh ngắn
mặc kệ ông đọc bằng tiếng Miến Điện. Cũng lạ, không
hiểu ông đọc kinh gì mà hai thứ tiếng như hòa lẫn nhau trong
tiếng lá cây xì xào quanh đồi. Tôi đứng lên rẻ qua hướng
trái tính leo tiếp thì ông chợt lên tiếng: "Anh đi phía bên
phải này mới tới đỉnh đồi, mất khoảng hăm lăm phút
nữa."

Tôi đi tiếp khoảng dăm mươi bậc thì đến một nhà nghỉ
chân ở một ngã ba có hai đường lên đồi, nhà nghỉ này cũng
có tôn trí một tượng Phật nhỏ ngay ở giữa. Tôi rẻ trái,
lúc này ánh sáng đã khá hơn, hai bên có vài ngôi nhà tre nhỏ
bán nước và bánh trái, những người Miến ngồi yên lặng
không mời mọc gì cả. Tôi cứ leo lên, leo lên nữa, mồ hôi
ướt đẫm. Trong một cuốn sách hướng dẫn du lịch có chỉ
nên thuê dân địa phương gánh lên đồi hoặc thuê xe chạy men
theo sườn lòng vòng cũng lên tới, thì ra là vì cao như vậy.
Tôi đi một chập nữa thì thấy đằng trước có một ngôi
chùa khá lớn, ánh sáng vàng hắt ra dìu dịu. Trong chính điện,
một pho tượng Thích Ca đứng thẳng thật vĩ đại, còn lớn
hơn tượng vừa rồi, tay phải chỉ thẳng ra đằng trước, tay
trái để xuôi theo mình nắm chéo vạt áo. Bên phải Phật là
đệ tử A Nan ngồi xếp nghiêng chân phải xuôi theo chân trái,
chắp tay hướng về Phật nhưng đầu quay theo hướng bàn tay
chỉ thẳng của Phật. Đôi mắt A Nan thật sống động, trong
vắt dù dưới ánh đèn vàng. Đây là chùa Shweyattaw do vua Mindon
xây. Tương truyền Phật Thích Ca và A Nan đã tới chỗ này, khi
đó Phật chỉ tay xuống khoảng đất dưới chân đồi và nói
với A Nan là hơn 2400 năm sau khi Phật nhập diệt sẽ có một
cung điện xây ở đó. Vào năm 1857, vua Mindon dời đô về
Mandalay, cho xây một hoàng thành vuông mỗi bề rộng chừng hai
cây số ngay dưới chân đồi, vua cho tôn trí hai tôn tượng
Thích Ca và A Nan này để kỷ niệm câu chuyện này.
Tôi ngồi dưới chân tượng không biết bao lâu, lòng cảm xúc.
Phật đã dừng chân nơi đây trong quảng đời hoằng pháp, lúc
đó ở đây ra sao? Chắc chắn không có những bậc thềm, nhà
nghỉ chân, xung quanh rừng rậm, thú dữ, một ngày nắng khô hay
mưa bão, hay một buổi chiều vàng ngồi trên đồi ngắm mặt
trời lặn xuống chân núi bên kia dòng sông Voi tha thiết miên
man xuôi về Nam. Hai thầy trò ăn gì, mà hẵn hai thầy trò không
đến đây vào vào tháng Sáu ta như bây giờ vì là mùa an cư.
Tôi nghĩ ngợi miên man lẩm cẩm như thế nhưng tai vẫn nghe
tiếng lá cây bên ngoài xì xào thật mạnh, những chiếc lá
không phải cọ mà đập lên nhau, gió nổi lên cuồn cuộn từng
chập, rồi lại ngừng, rồi lại nổi lên như nói nói cười
hí hửng, lẫn trong tiếng lá vang lên âm điệu linh kinh thanh
thoát của các quả chuông nhỏ tấu nên bản đồng ca hoang dã.

Mấy ngàn năm còn sót lại. Có phải vậy chăng.

Có phải phạm âm là tiếng trong lòng cùng nhạc của trời
đất. Ánh trăng là phông màn. Gió là nền nhạc. Chuông là
tỉnh thức. Ánh đèn là sao băng dọi xuống triền núi lẻ loi.

Có vài đứa trẻ từ đâu đó chạy ra. Trăng càng khuya càng
sáng. Chỉ vài giờ từ khi rời phi trường về thành phố,
trời đầy mây tưởng như sắp mưa. Bây giờ mây đi đâu hết,
chỉ có một mảnh trăng khuyết treo trên đỉnh những ngọn
tháp. Trong cuốn <em>The Way of the White Clouds</em> có chương nói
về tri kiến của 'Người Thầy'. Người Thầy mà đại sư
Govinda mô tả là bổn sư của ông nhưng hình ảnh giống như
nhà khổ hạnh trên đồi Mandalay. Govinda bắt đầu chương này
với bốn câu thơ của Thiền sư Nhất Biến (trong Cao tăng
truyện):

<em>Thiên phong đảnh thượng nhất gian ốc
Lão tăng bán gian vân bán gian
Tạc dạ vân tùng phong vũ khứ
Đáo đầu bất tợ lão tăng nhàn</em>
(Trên đồi gió lộng một am già
Nửa căn mây ở nửa căn ta
Đêm qua mưa gió tơi bời
Mây kia tan tác chỉ còn lão tăng)

Hình ảnh gió thổi mây tan thật đúng trong lúc này.

Không có mây trên đồi Mandalay.

Chỉ có trăng một mình.

Tiếng gió tiếng chuông.

Ngọn đồi cô độc.

Nhìn xuống, hoàng thành Mandalay lờ mờ trong ánh đèn vàng buồn
bã.
Bên ngoài hoàng thành là thành phố Mandalay hắt hiu các ánh đèn
trắng rải rác chứ không rực sáng như nhiều thành phố khác.
Gió rít lên từng hồi, không thấy lá nhưng tiếng lá đụng
vào nhau nghe như tiếng sóng biển dạt dào giữa đêm khuya. Một
vài tiếng chim 'quác' lên càng tăng thêm vẻ cô tịch.

Tôi lại leo tiếp, sức lực như đã khôi phục hoàn toàn nhưng
chỉ hăng hái vài chục bậc cấp thì tưởng như đi không nổi.
Lần này các bậc thềm như dốc hơn, lối đi hai ba ngả túa ra
nhưng cứ theo mái che mà tiến, hình như bên ngoài có nhiều
chỗ sân rộng, có tiếng người thì thầm đâu đó. Tôi đi qua
hai ba khu nhà nghỉ, chỗ nào cũng có tháp hoặc các pho tượng
mô tả sinh-lão-bệnh-tử thật ghê sợ, người bệnh gầy
xương, người già thì gánh thời gian đè lên tay chống gậy,
người mẹ sinh con khó nhọc, người chết mặt ủng da chì quạ
bu trên xác, và riêng người chết thì trên đầu nằm mới có
tượng một nhà sư. Dường như người chết có vẻ gì hối
hận vì tu quá trễ, khi còn trai trẻ, khi còn minh mẫn, mắt
sáng tai nghe lại lo toan những điều gì đấy để cuối cùng
xác thân tan rữa làm mồi cho bầy quạ đen kinh khủng. Tôi leo
miệt mài như thế trong tiếng lá xạc xào miên man, ánh trăng
dìu dịu dọi trên những bóng tháp trầm ngâm, rọi nghiêng chân
đồi ảo ảo, cho đến khi tưởng sắp ngất đi thì đằng
trước, trên cao chót vót, một màu sáng trắng chói lòa soi rực
một cung điện với những hàng cột vuông lấp lánh màu xanh
ngọc bích hiện ra.

Tôi đã tới đỉnh đồi!

Trên một khoảng đất bằng phẳng rộng rãi, những hàng cột
vuông xanh ngọc chống đỡ các lớp mái che hình vòm nối nhau
quanh một điện Phật vuông vắn, ở bốn mặt đều tôn trí
tượng Phật ngồi, tay trái để ngang đùi, bàn tay phải đụng
mặt đất chứng minh sự thành đạo, ánh đèn màu lấp lánh
linh động soi đôi mắt Phật buồn buồn (mấy hôm sau đi các
chùa khác tôi đều thấy đôi mắt và cả khuôn mặt của Phật
Miến Điện thường buồn, không mỉm cười 'niêm hoa vi
tiếu' như các tôn tượng trong các thiền viện ở Việt Nam).
Xung quanh tháp thờ vuông vức là bốn dãy hành lang rộng, mở
toang bầu trời bát ngát và nhìn xuống cả một cổ thành
Mandalay bằng phẳng. Trên bờ tường người ta dựng những cột
tháp cao cách quảng gắn nhiều chuông nhỏ, gió thổi qua và
không gian tịch mịch vui lên với tiếng chuông leng keng thanh
thoát. Đứng ở mép tường nhìn lên, trăng khuyết thật gần,
phả ánh sáng mờ dịu lên những đỉnh tháp vàng tươi, những
đỉnh tháp đen đen lầm lầm, và xa dưới kia, cổ thành chìm
trong một màu sáng lung linh mờ ảo.

Tôi ngồi thật lâu trước các tượng Phật Thích Ca, thỉnh
thoảng có vài người vào lễ thật kính cẩn. Không thấy một
tu sĩ bận áo tu nào nhưng không gian như tràn ngập lời Phật
trong tiếng chuông dạt dào, như hiện những dấu chân Phật
một thời trên đất lành thánh thiện.

Tôi đã tới đỉnh đồi Mandalay! Dù nơi đây giờ đã thành
một địa chỉ du lịch, đã có hàng quán lảng vảng ăn theo,
đã mất nhiều không khí thiền vị của Phật môn, đã mất
cái hương vị của im lặng khủng khiếp với những chiếc áo
cà sa lặng lẽ vô ngôn, nhưng hề gì, vì mỗi dấu đất tôi
đang đi trên đều có chân Phật đi qua, mỗi cơn gió thổi qua
nơi đây cũng là ngọn gió đã thổi bay bay màu áo hoại sắc
của Phật, mỗi âm thanh của lá cũng là tiếng lời của lá
hơn hai ngàn năm trước. Sự thiêng liêng có hay không tùy nơi
mình quán nghĩ. Cho nên mỗi lần dập đầu xuống kính lễ tôn
tượng, tôi hình dung Đức Phật và ngài A Nan mỉm cười (không
chừng hai ngài đang chề giễu một con người sao còn lăn lộn
trong luân hồi mê muội), và bỗng thấy nghe như từ lòng đất
một chấn động rền rền uy lực của vô số Bồ tát Tùng
Địa dũng xuất. Sự vĩ đại của Phật là dù biết rằng tất
cả sẽ tan rã, giáo Pháp sẽ tới hồi không được tôn trọng
nhưng tự nó vẫn là chân lý không dứt, dù người ta gọi
thời này là 'Mạt Pháp' thì cái mạt đó không phải vì
pháp đã lên tới 'ngọn', mà mạt nên hiểu là con người
mạt, nhưng không vì thế mà ngưng giáo hóa, theo một cách hiểu
thông thường thì thà làm một điều gì còn hơn không làm gì
cả. Chính sự mất niềm tin của con người vào giáo Pháp đã
kéo theo kiếp người tàn tạ, sự mai một của tình yêu, sự
biến tướng của ngọn đồi thiêng, tất cả chứng minh sự
không có của tất cả.

Tôi đi lần xuống đồi, không biết may hay rủi mà đúng lúc
ấy mây đen che kín trăng non, lần mò những khúc nhiều lối đi
ngang dọc nên lạc lên lạc xuống. Trời đã khuya. Khi tới ngang
chỗ tượng Phật đứng đầu tiên, vẫn còn thấy người đàn
ông ngồi tụng kinh thì thầm. Ánh sáng từ tượng Phật màu
vàng hắt lên cả con người nhỏ bé của ông một vẻ thâm
trầm, cô độc. Không có tiếng chuông và mõ, chỉ có tiếng
gió và giọng tụng kinh thầm thì. Tôi kính cẩn vái chào phía
sau lưng ông như cái bắt tay với một người đồng hành quen
thuộc.

<h2>4. Mandalay, ngày đầu</h2>

Máy bay của hãng hàng không Yangon từ Yangon đến Mandalay mất
khoảng 40 phút. Cả phi đội hàng không dân dụng Yangon chỉ có
loại máy bay hai chong chóng ATR 72 chở được 70 hành khách. Khi
ở Yangon mua vé đi Mandalay, tôi chỉ muốn đi hai hãng hàng không
nội địa khác là Mandalay và Bagan vì các chuyên gia giang hồ
khuyên như thế. Họ nói rằng máy bay của hãng Yangon rất tệ,
không an toàn vì của nhà nước. Thật ra ở Miến Điện làm gì
có hãng của tư nhân. Nhưng cuối cùng phải đi Yangon Airways vì
mùa này không phải mùa du lịch nên các hãng kia ít chuyến bay.
Đành vậy.

Khu hàng không quốc nội của Yangon trông như ga xe
lửa Việt Nam thập niên 1980. Trong phòng đợi vài chục hành
khách chỉ có một ngọn đèn vàng nhợt nhạt. Trần và tường
nhà cũ kỹ. Không có bảng chỉ dẫn gì cả, thấy người ta
ngồi thì mình ngồi. Máy bay trễ hai tiếng (nghe nói đây là
lệ làng của hãng hàng không Yangon). Không có loa thông báo,
chỉ thấy một ông dán tờ giấy A4 lên ô check-in, đến gần
thấy ghi bằng tiếng Anh do 'máy bay chuyến đến trễ'. Khi
đến giờ vào cửa, tất cả các thủ tục đều làm bằng tay.
Thẻ lên tàu (boarding Pass) in sẵn, in luôn số ghế, vì vậy có
tình trạng một gia đình đi chung nhưng có khi ngồi xa nhau, lên
máy bay thì tự thương lượng với khách để ngồi gần nhau.
Sau này tôi đi một chuyến bay của hãng Bagan thì cũng tình
trạng như vậy. Thẻ lên tàu in sẵn, họ phát cho khách và
không có cả số ghế, muốn ngồi đâu thì ngồi. Chưa kể khi
đang đưa hành lý qua máy dò thì điện cúp, thế là kiểm tra
hành lý bằng tay. Nhớ hôm trước nói chuyện về cúp điện,
chàng lái taxi mỉm cười hóm hỉnh, nói: '<em>This is
Myanmar!</em>'

Lúc ngồi trong lòng chiếc máy bay nhỏ hẹp, cài dây
an toàn, đọc tờ hướng dẫn thấy dấu hiệu (logo) của Yangon
Airmays là một con voi trắng mập ú đang tung hai chân trước
lên, trên lưng có hai cánh chim thì mới thấy cái logo buồn
cười. Máy bay mà 'chơi' một con voi nặng nề thế thì quả
là bất an, không biết hai cánh chim nhỏ bé kia làm sao mà nhấc
nổi chú voi ngây ngô nặng nề. Lo sợ vẩn vơ như vậy nhưng
khi thấy hai cô tiếp viên mặc áo tím và váy tím thật xinh
đẹp, tôi liền tự an ủi: Kể ra, nếu có banh xác thì 'đi'
chung với hai em này xuống âm phủ cũng không đến nổi buồn.
Người ta đẹp thế kia mà banh xác mới tiếc, chứ mình trai
già kể gì!

Nhìn xuống Mandalay toàn cát và cây cối lưa thưa. Vài
con sông (hay suối) cạn nước, chỉ còn thấy lòng sông trơ
đáy cát vàng ngoằn ngoèo tít tắp. Thỉnh thoảng trên mặt
đất khô hạn nổi lên vài ngôi tháp vàng óng ánh hay màu
trắng dưới nắng chiều. Mandalay, thành phố nhiều huyền
thoại, từ trên cao nhiều xuống chỉ một màu khô khốc.

Đến phi trường Mandalay đã gần 5 giờ chiều. Coi
như toi gần một ngày. Mây đầy trời đe dọa một cơn mưa. Phi
trường khá lớn, sạch sẽ, có vẻ quốc tế hơn phi trường
Yangon. Họ tổ chức cũng tốt hơn phi trường Tân Sơn Nhất.
Tất cả taxi về thành phố (cách 40 cây số) đều đồng giá
18.000 kyat (18 đô Mỹ). Lúc còn ngồi trong phòng chờ ở Yangon,
tôi thấy một gia đình người Thái gồm năm người. Người
đàn ông Thái tưởng tôi đồng hương nên gợi chuyện, nói
tới Mandalay thì đi chung với gia đình ông ta để chia đều
tiền taxi. Tôi đồng ý liền. Nhưng một tiếng sau tôi để ý
thấy cử chỉ ông ta hơi bất thường, ắt-xì liên tục, mắt
mũi kèm nhèm và khuôn mặt ửng đỏ. Dịch cúm H1N1 đang tùm
lùm nên tôi đâm ngại. Đến Mandalay, tôi chuồn ra cổng trước
vì không có hành lý gì trong khi gia đình ông ta còn chờ bên
trong. Một ông quấn xà-rông xanh cầm cuốn sổ tiến lại, trên
đầu sổ có ghi 18.000 kyat. Ông giải thích là đi bao nhiêu
người cũng giá cố định, khuyên tôi nên chờ ai đó để đi
chung chia tiền. Đặc biệt là tuy các bác tài taxi đứng chung
quanh nhưng không ai mời mọc níu kéo. Tất cả hành khách đều
được ông bố trí xe, tài xế không phải giành giựt ơi ới
gì cả.

Đa số hành khách là người địa phương nên có thân
nhân đến đón. Tôi đứng xớ rớ chưa biết 'bắt bồ'
với ai thì có một cô đeo kính cận, tròn trịa, da vàng chứ
không nâu sẫm như nhiều người Miến khác. Cô gái đẩy chiếc
xe có ba cái va li lớn, tiến lại, nói tiếng Anh trôi chảy.

- Anh đi chung với tôi về Mandalay không, mình cưa đôi.

Thấy con gái là tôi đã mừng, lại được đề nghị đi chung
đỡ mất tiền. Tôi gật đầu lia lịa, khỏe!

Một anh taxi trẻ dẫn chúng tôi ra bãi đậu. 'Hai đứa tôi'
lên băng sau. Lòng tôi đắc ý. Có cha thầy bói nói tôi có số
đào hoa chiếu mệnh, đàn bà con gái nó 'chịu' lắm, mà tôi
cũng 'chịu' ngay thánh địa Mandalay, chưa gì đã được tổ
đãi một em tuy không xinh lắm nhưng giọng nói ngọt ngào trên
đoạn đường 40 cây số.

Cô gái hỏi tôi về đâu. Tôi thiệt thà trả lời là không
biết, cứ vô thành phố rồi kiếm khách sạn. Cô tròn xoe đôi
mắt tròn sau cặp kính trắng tròn trịa, thốt lên: 'Sao anh gan
thế!' Tôi đắc ý: 'Bộ xứ này người ta ăn thịt người
sao.' Cô bảo:

- Hay anh về khách sạn của bà dì tôi đi, bà dì tôi có một
khách sạn ngay trung tâm thành phố.

Tôi lôi tấm bản đồ Mandalay trong túi ra, hỏi cô khách sạn
bà dì ở đâu. Cô ta nói chưa bao giờ đọc bản đồ Mandalay
vì sinh ra và lớn lên ở đây. Người ta không cần bản đồ
ở ngôi làng mình sinh ra. Cô dò một lúc rồi định vị cái
khách sạn, quả là nó ở gần ga xe lửa, theo bản đồ là khu
trung tâm. Tôi hỏi thế bà dì cô tính phòng giá bao nhiêu?

- Có 20 đô à, rẻ nhưng tiện nghi lắm.

Tôi bảo tôi chỉ ở khách sạn dưới 10 đô. Mức đó cao gấp
đôi ngân sách. Cô ta trề môi:

- Anh không hình dung mấy khách sạn 10 đô đâu. Kinh khiếp lắm,
rất dơ bẩn thiếu tiện nghi, tin tôi đi.

Tôi nói tất nhiên là tôi tin cô ta, nhưng 10 đô thôi em. Làm ơn
hỏi ông taxi đưa giùm tới cái nào giá đó, và nếu ở gần
Đồi Mandalay càng tốt vì tôi cần đến đó. Cô ta nói gì với
anh taxi ngồi trước, hai người thảo luận một hồi rồi cô ta
nói:

- Được, anh taxi sẽ đưa anh về một khách sạn 8 đô
trước rồi đưa tôi về nhà sau.

Nhà cô ta ở khu vực, sau này tôi mới biết, nhà giàu. Tôi gạ
gẫm:

- Hay nhà cô có chỗ nào cho tôi ở tạm vài ngày không, ngủ
trên sàn cũng được. Cô cứ tính giá 'reasonable' là được!

- Không được đâu. Còn bố mẹ…

- Thế con gái Miến Điện không được đưa… trai về
nhà à?

- Bố tôi người Hoa, mẹ tôi Miến Điện.

Tôi nói thảo nào da cô trắng thế, nhưng bố cô người
Hoa thì tổ sư bảo thủ những chuyện trong trắng. Tôi nói
chắc chắn cô đã học nước ngoài, nghe cách nói chuyện là
biết. Cô ta gật đầu. Cô sinh ở Mandalay, học hết trung học
thì bố đưa qua Trung Quốc, hiện đang học năm thứ ba ngành
Luật ở đại học Thượng Hải, nghỉ hè về thăm gia đình.
Bố có cửa hàng điện buôn bán phát đạt, và ông không muốn
cô học đại học Mandalay. Tôi hỏi thế học xong có tính về
Mandalay làm luật sư không. Cô cười khỉnh, nói ở đây không
cần luật sư, chắc ở luôn bên Thượng Hải 'tuyệt vời'.
Tâm trạng cô gái có giòng máu Hoa này không khác các 'khách'
ở Việt Nam. Người Việt gọi người Hoa trong Chợ Lớn là
'khách'. 'Khách' có trường học riêng, lễ lạc riêng, ở
nhà nói tiếng 'khách', cái gì cũng 'khách' dù khách nhờ
nhà chủ mà giàu có.
Tôi nhờ cô chỉ cho vài nhà hàng có cơm, có nước mắm, có
ớt càng tốt. Cô ghi ra mảnh giấy nhỏ một nhà hàng Tàu mà
sau này tôi không vào vì thuộc loại sao. Cô cũng ghi địa chỉ
hai nhà hàng Thái có món tom-yum rất cay (cũng thuộc loại sao).
Con đường dài nhưng thành ngắn nhờ tán dóc, hai bên đường
cây cối khá xanh dù trời khô khốc, thỉnh thoảng có vài cụm
nhà tranh vách nứa. Không khí yên bình, vắng vẻ, nhưng không
buồn thảm ủ dột như Yangon. Tôi như ngửi được trong không
khí một khí hậu sinh động, con người cởi mở hơn, đường
sá thoáng đãng hơn, thành phố sáng sủa hơn. Và tôi đã đúng.

Chiếc xe chạy ngang qua khách sạn bà dì, rồi đi ngang một nhà
ga lớn. Tôi nói muốn đi xe lửa lên miền Bắc có nên không.
Cô trề môi, lắc đầu:

- Đừng bao giờ đi xe lửa, nó nằm giữa đường là anh không
biết xoay xở đâu được. Nếu đi thì nên đi xe, có chết máy
nhưng còn có thể bắt xe khác.

Tôi cãi là trên mạng họ giới thiệu xe lửa ở Mandalay tốt
lắm mà, lại rẻ. Cô ta bảo: 'Mạng biết gì, tôi ở đây
biết rành hơn chứ!'

Tôi có cảm tưởng cô bé này chỉ mượn đất Miến Điện
để dung thân, cái gì cũng chê, tưởng như cô là khách lạ,
không biết ông già người Hoa của cô có vậy không.

Tất nhiên tôi tin, nhưng nhìn nhà ga có mặt tiền đẹp thật
khó tin những gì cô gái vừa nói. Đường sá khá rộng, các
cửa tiệm, xe nước mía, và xe cộ đi lại không khác gì đang
đi trên thành phố Rạch Gia, Cần Thơ, Nha Trang, hay Long An. Có
cảm tưởng thật gần gũi như đang đi rong trên quê hương
mình. Cả cái cách họ bày hàng hóa cũng giống người Việt
Nam, xe máy nhiều hơn xe hơi (ngược lại với Yangon). Lề
đường sạch (ngược lại với Yangon). Tưởng như đi trên
đường Hai Bà Trưng của Sài Gòn thời chưa đào đường đầy
lô cốt như hiện nay!

Chiếc xe ngừng ở một góc ngả tư trước một nhà khách cao
năm từng, 'Nylon Hotel', phía trước nhiều chiếc xe lôi đạp
đang đậu. Ông chủ khách sạn đang ở trần quấn xà rông, nói
ngay giá là 10 đô. Tôi trả 5 đô. Ông ta ngần ngừ rồi nói:

- Năm đô cũng có nhưng ở tầng năm, anh phải đi bộ.

Ông ta sai bồi phóng dẫn tôi đi một lượt coi các giá phòng,
từ 10 đô đến 5 đô. Phòng 5 đô ở trần cao nhất, phía
trước có sân thượng, lợp tôn, không có cửa sổ, bước vào
hơi nóng hực ra không khác gì một chuồng cu. Tôi chặc lưỡi
nói thôi tôi lấy phòng 7 đô tầng một. Khi sắp bước xuống
cầu thang, anh bồi chợt chỉ tay phía xa xa: 'Kìa là Đồi
Mandalay.' Tôi nhìn theo hướng anh ta chỉ, thấy một ngọn
đồi không xa lắm, phía trên có một tháp vàng lấp lánh trong
nắng chiều. Tầng này thật lý tưởng, không một người
khách, ra khỏi phòng là thấy đỉnh đồi, mục đích của
chuyến đi.

Căn phòng tôi ở đúng như những gì cô gái tả. Phòng nhỏ,
tối, máy lạnh phải đập máy cái mới khập khù khởi động,
phòng tắm thuộc loại kinh, hai cái van mở nước tròn và to như
loại van vòi chữa lửa, bồn rửa mặt xả thẳng ngay xuống
chân, tivi và tủ lạnh đều có nhưng không có cái nào hoạt
động, chỉ để trang trí, nệm mềm và bẩn thỉu.

Dù sao cũng là chỗ qua đêm.

Dù sao người khác sống được.

Dù sao sẽ là kỷ niệm.

Tôi xuống phố hỏi một chiếc taxi đi lên Đồi Mandalay. Taxi
ở đây giống xe lam, chỉ khác là chỗ tài xế có cửa, thùng
xe sau đặt hai băng ghế song song mỗi bên ngồi được hai
người. Anh taxi đen nhẻm, vừa nhai trầu móm mém vừa đòi giá
4 đô, anh bảo sẽ chờ tới dưới chân đồi cho đến khi nào
tôi xuống mới thôi, dù có nửa đêm cũng chờ. Hôm đó tôi
lên đồi Mandalay lúc trời đã sụp tối, trăng mùng 8 đã lên
cao.

(còn tiếp)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130109/tu-khanh-muoi-hai-ngay-o-mien-dien-2),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét