Thiện Văn - Cần hiểu đúng nội dung về Đảng lãnh đạo trong Dự thảo Hiến pháp

<strong>QĐND </strong>- Ngay sau khi các phương tiện thông tin đại
chúng của nước ta đồng loạt đăng tải toàn văn Dự thảo
sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để lấy ý kiến toàn dân vào
văn kiện đặc biệt quan trọng này, nhiều trang mạng ở hải
ngoại và các phần tử phản động lại tiếp tục xuyên tạc
nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam đối với Nhà nước và xã hội được quy định tại
Điều 4 của Hiến pháp.

<h2>Một quy định tất yếu, phù hợp với yêu cầu lịch
sử</h2>


Để "tấn công" vào Điều 4, một số ý kiến lập luận
rằng, Hiến pháp các năm 1946 và 1959 không có điều nào quy
định Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội,
nhưng Đảng <em>"vẫn lãnh đạo nhân dân đánh thắng thực
dân đế quốc xâm lược và hoàn thành nhiệm vụ cách mạng
dân tộc dân chủ nhân dân, thì cũng không nhất thiết phải
xác nhận lại vai trò lãnh đạo của Đảng như trong Hiến pháp
hiện tại"</em>(!).

Lập luận này là lập lờ, thiếu toàn diện, không có quan
điểm lịch sử cụ thể. Sở dĩ Hiến pháp năm 1946 không có
quy định vai trò lãnh đạo của Đảng, vì trước đó ngày
11-11-1945, do tình thế đặc biệt của cách mạng, Đảng ta đã
ra tuyên bố tự giải tán, nhưng sự thật là rút lui vào hoạt
động bí mật, giữ vững vai trò lãnh đạo. Trong thập niên 50
của thế kỷ XX, đế quốc Mỹ nhảy vào can thiệp miền Nam,
đất nước ta bị chia cắt, Đảng bộ miền Nam cũng chưa ra
hoạt động công khai vì bộ luật 10-59 của ngụy quyền Sài
Gòn nhằm <em>"tiêu diệt cộng sản"</em> cực kỳ hà khắc,
man rợ. Vì vậy, Hiến pháp 1959 cũng chưa đề cập đến vai
trò lãnh đạo của Đảng. Sau khi giải phóng hoàn toàn miền
Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã
hội, dân tộc ta có chung một bản Hiến pháp mới, trong đó
khẳng định Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã
hội. Điều này là tất yếu, phù hợp với yêu cầu lịch sử,
nhiệm vụ cách mạng mới, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân
và thực hiện đúng cơ chế vận hành <em>"Đảng lãnh đạo,
Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ"</em> trong thời kỳ quá
độ đi lên CNXH ở nước ta.

Điều 4 Hiến pháp năm 1980 ghi rõ: <em>"Đảng Cộng sản Việt
Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp
công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác -
Lê-nin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh
đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng
lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng tồn tại và phấn đấu
vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Các
tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến
pháp"</em>.(1)

Kế thừa tinh thần đó, Điều 4 Hiến pháp năm 1992 quy định:
<em>"Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp
công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai
cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo
chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực
lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của
Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp
luật"</em>.(2)

Trên cơ sở Điều 4 Hiến pháp năm 1992, Điều 4 Dự thảo sửa
đổi Hiến pháp năm 1992 xác định: <em>"1. Đảng Cộng sản
Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời
là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc
Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công
nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa
Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư
tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; 2.
Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân,
chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân
dân về những quyết định của mình; 3. Các tổ chức của
Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và
pháp luật"</em>.

Việc quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không
chỉ là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán để khẳng định vị
trí, vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng, mà còn là một
nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam, phù hợp
với thể chế chính trị - xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn.


<h2>Đảng không "đứng ngoài" Hiến pháp và pháp luật</h2>

Với mưu đồ xuyên tạc Điều 4 Hiến pháp, một số luận
điệu thường nhấn mạnh một vế là: Nếu chỉ có một Đảng
lãnh đạo Nhà nước và xã hội sẽ dẫn tới chuyên quyền,
độc đoán, mất dân chủ. Thế nhưng, họ cố tình không nhắc
tới hay <em>"phớt lờ"</em> một điểm then chốt được
khẳng định trong Điều 4 là: Các tổ chức của Đảng đều
hoạt động trong khuổn khổ Hiến pháp - với tư cách là đạo
luật cơ bản và có hiệu lực pháp lý cao nhất của nước
Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Khẳng định vai trò cầm quyền của mình đối với Nhà nước
và xã hội, nhưng trách nhiệm của Đảng trước đất nước,
trước nhân dân ngày càng được đề cao, nhấn mạnh rõ ràng,
cụ thể hơn trong mỗi bản Hiến pháp. Nếu như Điều 4 Hiến
pháp năm 1980 xác định <em>"Các tổ chức của Đảng hoạt
động trong khuôn khổ Hiến pháp"</em>, thì Điều 4 Hiến pháp
năm 1992 đã bổ sung: <em>"Mọi tổ chức của Đảng hoạt
động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật"</em>. Tiếp
tục tinh thần đó, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn
quy định thêm về việc tuân thủ, thi thành Hiến pháp và pháp
luật đối với mọi đảng viên.

Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không chỉ bằng cương
lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ
trương; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động,
tổ chức và kiểm tra; mà phần cốt yếu là thông qua đội ngũ
tiền phong của mình là những cán bộ, đảng viên tiêu biểu
về bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất và năng lực. Vì vậy,
việc Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khẳng
định <em>"Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt
động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật"</em> nhằm bảo
đảm cho Đảng giữ vững bản chất, mục tiêu, lý tưởng của
mình, đồng thời là giải pháp quan trọng hàng đầu để
phòng, chống, ngăn ngừa mọi nguy cơ thoái hóa, biến chất có
thể xảy ra trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền
ở nước ta. Mặt khác, việc xác định trách nhiệm của các
đảng viên trong việc tự giác, gương mẫu thực hiện, chấp
hành Hiến pháp và pháp luật cũng không ngoài mục đích làm cho
<em>"đội ngũ tiên phong của Đảng"</em> phải thường xuyên
nêu cao ý thức, thái độ, trách nhiệm cả về suy nghĩ và
việc làm, tư tưởng và hành động trong việc sống, làm theo
Hiến pháp và pháp luật, làm gương cho nhân dân noi theo.

Có ý kiến băn khoăn: Liệu có phải <em>"luật hóa"</em> vai
trò cầm quyền của Đảng không? Phải khẳng định rằng, dù
không có một đạo luật cụ thể về Đảng, nhưng Đảng đã
tự nguyện, tự giác đưa mọi hoạt động của mình vào khuôn
khổ Hiến pháp và pháp luật. Hơn nữa, không chỉ chấp hành
Hiến pháp và pháp luật, Đảng hoạt động còn dựa trên cơ
sở Cương lĩnh, Điều lệ, Nghị quyết, Quy chế làm việc của
Đảng và các chỉ thị liên quan đến việc điều chỉnh các
vấn đề trong nội bộ Đảng cũng như điều chỉnh các mối
quan hệ của Đảng với Nhà nước, xã hội và nhân dân. Thực
tế trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị
thể hiện trách nhiệm của Đảng trước đất nước và nhân
dân như: Quy định 76-QĐ/TW ngày 15-6-2000 của Bộ Chính trị
(khóa VIII) <em>"Về việc đảng viên đang công tác ở cơ quan,
doanh nghiệp thường xuyên giữ vững mối quan hệ với chi ủy,
đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ nơi cư
trú"</em>; Quy định 115-QĐ/TW ngày 7-12-2007 của Bộ Chính trị
(khóa X) về những điều đảng viên không được làm và gần
đây được thay thế bằng một văn bản có tính pháp lý cao
hơn là Quy định 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung
ương (khóa XI) về những điều đảng viên không được làm;
Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về
trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán
bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, v.v.. Chứng tỏ rằng, Đảng
ta luôn tự nghiêm khắc với chính mình thông qua việc ban hành
các chỉ thị, quy định nhằm giáo dục, rèn luyện, đưa mọi
hoạt động của các tổ chức Đảng và của mỗi cán bộ,
đảng viên vào khuôn khổ ý thức tổ chức, kỷ luật, qua đó
bảo đảm cho Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên không trượt
ra khỏi <em>"đường ray"</em> Hiến pháp và pháp luật.

<h2>Đảng không "đứng trên" nhân dân</h2>

Muốn hiểu được bản chất của một đảng cầm quyền, phải
nhận thức rõ mục đích hoạt động của đảng đó là vì ai,
mang lại lợi ích cho ai. Đảng Cộng sản Việt Nam, như Bác Hồ
đã khẳng định <em>"Ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân
dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác"</em>.
Vì vậy, Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã
bổ sung: <em>"Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục
vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách
nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình".</em>

Việc nhiều lần Đảng ta tiến hành tự chỉnh đốn, mà gần
đây nhất là đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình của
các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng theo Nghị quyết
Trung ương 4 (khóa XI) <em>"Một số vấn đề cấp bách về xây
dựng Đảng hiện nay"</em> bước đầu mang lại nhiều hiệu
ứng tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tại Hội
nghị Trung ương 6 (khóa XI) vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư,
Ban Chấp hành Trung ương công khai thừa nhận và thành thật
nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về những yếu kém,
tồn tại trong công tác xây dựng Đảng và về những suy thoái,
tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Điều đó đã
thể hiện tinh thần cầu thị nghiêm túc của Đảng, đồng
thời khẳng định ý chí quyết tâm đẩy lùi những khuyết
điểm, yếu kém để Đảng không ngừng nâng cao sức chiến
đấu, phẩm chất, trí tuệ, năng lực lãnh đạo, ngày càng
ngang tầm với trọng trách được giao.


Đối với nhân dân Việt Nam, nói đến Đảng là nói đến tình
cảm tự nhiên, thiêng liêng, là thể hiện niềm tin và tình yêu
son sắt nhân dân dành cho Đảng. Có một sự thật mà hầu như
mọi người Việt Nam ai cũng biết đó là: Đảng Cộng sản
Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất đã lãnh đạo cách
mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân
chủ cộng hòa ra đời; 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp
và đế quốc Mỹ xâm lược giành thắng lợi vẻ vang, hoàn
thành sự nghiệp thống nhất Tổ quốc, cùng với những thành
tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 26 năm đổi mới vừa
là minh chứng thực tiễn sinh động, vừa là cơ sở khoa học
thực tiễn để khẳng định về vai trò lãnh đạo của Đảng
ta đối với dân tộc và nhân dân Việt Nam.

----------

(1), (2): Hiến pháp Việt Nam (năm 1946, 1959, 1980 và 1992), Nxb CTQG,
HN,

1995, trang 76 và 137, 138



THIỆN VĂN

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130107/thien-van-can-hieu-dung-noi-dung-ve-dang-lanh-dao-trong-du-thao-hien-phap),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét