Thái Hiền - Ai sẽ dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992?

Hiến pháp 1992 đang bộc lộ nhiều hạn chế làm cản trở
tiến trình phát triển của đất nước, không những trái với
xu thế phát triển của thế giới mà còn đi ngược lại với
nhu cầu và nguyện vọng của xã hội. Việc lấy ý kiến đóng
góp của Nhân Dân về sửa đổi Hiến pháp đang được dư
luận chú ý và hưởng ứng, tuy vậy, không phải không có
những băn khoăn, trở ngại. Ngay từ những ngày đầu của
cuộc vân động lấy ý kiến đã có không ít những bình luận,
phê phán quyết liệt và sôi động không chỉ trên dư luận xã
hội mà ngay cả trong giói chức cũng có những quan điểm trái
chiều. Người ta ví Hiến pháp như ngôi nhà thì tình trạng
hiện nay được xem như nhà đã "<em>dột tận nóc</em>".

Khá nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lập pháp cùng nhiều học
giả trong, ngoài nước đưa ra những quan điểm cá nhân cùng
với những đóng góp cụ thể cho từng điều, từng chương
mục, từng câu chữ; kể cả quy trình, kỹ thuật trưng cầu hay
lấy ý kiến của Nhân dân, của các Tổ chức cũng được nêu
ra một cách công khai. Thời gian góp ý, lấy ý kiến sửa đổi
Hiến pháp còn dài, chắc sẽ còn nhiều vấn đề cần được
làm sáng tỏ.

Trong bài này, người viết chỉ muốn rạch ròi về khái niệm
Nhà nước Pháp quyền "<em>của Dân, do Dân, vì Dân</em>", một
cụm từ có trong tất cả các Hiến pháp từ trước tới nay,
trong các văn bản chính thức của nhà nước và là câu nói
cửa miệng rất quen thuộc của các nhà lãnh đạo ở mọi nơi
mọi lúc song, lại rất mơ hồ, trìu tượng và không có thực.
Nếu giải mã được cụm từ này thì việc lựa chọn ai là
người "<em>Đại diện dự thảo sửa đổi Hiến pháp</em>" sẽ
là một việc đơn giản nhưng rất tiên quyết.

Để tránh nhầm lẫn khái niệm, trước hết cần phải thống
nhất cách hiểu Hiến pháp là gì. Nói một cách nôm na: Hiến
pháp chính là bản khế ước xã hội mà chủ thể của nó là
Nhân Dân. Một cách cụ thể hơn, Hiến pháp Việt nam là bản
giao kèo giữa một bên là 90 triệu người Dân Việt Nam (<em>bên
A</em>) với một bên là Nhà nước Việt Nam - <em>bên B</em> (xin
nói rõ đó là Nhà nước chứ không phải là một đảng phái
nào khác). Như vậy Nhà nước chính là người được ủy
quyền (một số quyền nhất định) trong vai trò quản lý và
thực thi nhiệm vụ được giao bởi "ông chủ" là 90 triệu dân
Việt Nam. Theo tinh thần đó, <span class="underlined-text">người
làm công (Công bộc) không thể tự ý tùy tiện thay đổi hay
không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo những điều
khoản và quyền hạn đã được ghi trong quy định của bản
khế ước</span>. Đặc biệt trong Hiến pháp tuyệt nhiên không
thể có những cụm từ như; ... Nhà nước sẽ bảo đảm cho
Dân quyền nọ quyền kia hay điều kiện nọ, điều kiện kia...
là ngược đời, là vô nghĩa, bởi đương nhiên nó phải thế.
Người làm công không thể ra điều kiện với ông chủ mà
ngược lai, ông chủ sẽ ra điều kiện và kiểm tra người làm
công có thực lực và thực tâm làm đúng những gì được giao
hay không. Trong quá trình thực hiện bản khế ước, nếu có
những bất cập thì "ông chủ" sẽ là người chủ động điều
chỉnh cho phù hợp với nhu cầu và điều kiện mới.

Việc "<em>sửa đổi hiến pháp</em>" đợt này theo suy nghĩ của
người viết có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau đây;

1. Bản Hiến pháp hiện hành không còn phù hợp với hoàn cảnh
mới hoặc có thể chưa đúng với sở nguyện mới của "ông
chủ" bởi nhận thức của "ông chủ" cũng thay đổi theo năm
tháng do "tuổi tác" hay 'học vấn". Trong trường hợp này phải
tiến hành "đổi mới" chứ không chỉ là "sửa đổi".

2. Bản Hiến pháp hiện hành về cơ bản vẫn có thể dùng
được nhưng do câu chữ không chuẩn hoặc Nhà thầu (bên B) cố
tình hiểu sai hay thực hiện không đúng, mặc dù đã phê bình,
cảnh cáo, nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn "chứng nào tật
nấy" nên ông chủ yêu cầu phải thay một B khác có năng lực
hơn và bản "giao kèo" cũng vì thế phải tạm thời chấm dứt
để điều chỉnh, bổ sung, đó gọi là "sửa đổi".

3. Cả hai nguyên nhân trên.

Có vẻ như lần này nguyên nhân thay đổi đến từ cả hai
phía: bản thân Hiến pháp và năng lực "nhà thầu". Như vậy có
nghĩa là "ông chủ" sẽ phải TỰ MÌNH đưa ra một kế hoạch
đổi mới Hiến pháp phù hợp với sở nguyện của mình chứ
không thể phó thác cho ai khác, đặc biệt lại càng không thể
ủy quyền toàn phần cho "Nhà thầu" cũ (những người đang
chấp chính), đối tượng đang bị ông chủ quan ngại về năng
lực hạn chế và có nhiều dấu hiệu thiếu minh bạch, tiếm
quyền hoặc cố tình hiểu sai ý ông chủ.

Hãy theo dõi những phát biểu gần đây của người đại diện
cho "<em>Nhà thầu</em>" để thấy rõ sự nhầm lẫn về vai trò
và khái niệm.

- Ngày 29/12/2012, trong một cuộc họp báo về sửa đổi Hiến
pháp 1992 tại Hà Nội, Ông Phan trung Lý- Chủ nhiệm UB Pháp
luật Quốc hội đồng thời là Trưởng ban dự thảo sửa đổi
Hiến pháp 1992 nói: "<em>Nhân dân có thể cho ý kiến đóng góp
đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung
khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả</em>".

- Trong khi đó, ngày 28/12/2012, thay mặt BCT, Tổng bí thư nguyễn
Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW về việc tổ
chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp
năm 1992, trong đó có đoạn: "<em>... Quân đội nhân dân, Công an
nhân dân; chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo đảm quốc phòng,
an ninh, trật tự an toàn xã hội; phối hợp với các cơ quan
tổ chức hữu quan kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những hành
vi lợi dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên
truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta.</em>"

Hưởng ứng gợi ý của ông Phan trung Lý nhiều người đã ngay
lập tức phê phán thậm chí bác bỏ điều 4 Hiến pháp năm
1992. Như vậy nếu chiểu theo chỉ đạo của TBT Nguyễn phú
Trọng thì ý kiến đó sẽ bị khép vào tội "<em>chống phá
đảng</em>"? Đó chính là mâu thuẫn và bất cập ngay trong nội
bộ giới chức. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, "ông chủ" là
Nhân dân và người được giao nhiệm vụ là Nhà nước (chứ
không phải đảng phái nào) vì thế ở đây người viết không
có ý định bình luận thêm về Chỉ thị số 22 mà chỉ đi sâu
phân tích ý kiến của người đại diện cho "nhà thầu", tạm
thời được hiểu là ông Phan trung Lý. Chỉ riêng ý kiến của
ông Lý đã nói lên một sự vô lối do nhầm lẫn vai trò và
khái niệm. <span class="underlined-text">Chẳng hóa ra kẻ làm công
lại cho phép ông chủ được quyền phát biểu chính kiến của
mình về tương lai của mình hay sao?</span> Thật ngược đời.
Nhiều người còn cảm thấy tâm đắc và xem đó như là một
"<em>ban ơn</em>" hiếm có. Quả là một sự đáng buồn cho Dân
tộc này. Thật không may cho Nhân dân Việt nam (lâu nay đã bị
bọn Thực dân Đế quốc dùng chính sách ngu dân để trị nên
luôn tự coi mình là thân phận nô lệ, người ta bảo làm gì
thì làm, cho gì được nấy, không cho cũng phải chịu), họ
quên mất vai trò "ông chủ" của mình. Ông Lý nói: <em>Mọi
người được quyền góp ý tất cả không có gì cấm kỵ</em>
đã khiến cho khối người cảm thấy như mở cờ trong bụng.

Xây dựng Hiến pháp Quốc gia cũng giống như việc xây dựng
ngôi nhà tương lai cho các thần dân của Quốc gia đó. Lấy câu
chuyện xây dựng ngôi nhà làm ví dụ: Thông thường ông chủ
trước khi gọi Nhà thầu xây dựng ngôi nhà tương lai cho mình
đã phải có trong đầu bản phác thảo ngôi nhà theo khả năng
tài chính và sở thích riêng của mình rồi chư? Phác thảo cho
ngôi nhà tương lai sẽ phải bao gồm từ cấu trúc, tiện ích,
chất lượng và đặc trưng thẩm mỹ của ngôi nhà đến cả
tên gọi hay gia huy cung phải do ông chủ lựa chọn. Nhà thầu
nhất nhất phải theo chứ không thể cho phép ông chủ được
góp ý hay mong muốn về ngôi nhà tương lai của ông. Ngược
lại, Nhà thầu chỉ được phép góp ý về chuyên môn nếu ông
chủ yêu cầu.

Đến đây có lẽ chúng ta đều nhận thấy một sự thật hiển
nhiên mà bấy lâu bị hiểu không đúng về cụm từ "của Dân,
do Dân, vì Dân. trong xây dựng và thực thi Hiến pháp. Với lý
do đó, bản dự thảo Hiến pháp được sửa đổi sắp tới
nhất thiết phải được thực hiện đúng với bản chất vốn
có của Hiến pháp. Nếu không sẽ lại tiếp tục đi theo vết
xe đổ và ngôi nhà sẽ tự sụp đổ là điều không tránh
khỏi.

Về nguyên tắc: Trước hết, bản Hiến pháp nhất thiết phải
do Đại diện cho 90 triệu Dân Việt nam soạn thảo, Ban Đại
diện phải được toàn thể nhân dân bầu chọn theo nguyên tắc
dân chủ, bình đẳng, công khai và trực tiếp- đó mới thực
chất là "<em>của Dân, do Dân, vì Dân</em>", chứ không phải theo
lối "<em>đảng cử dân bầu</em>" như từ xưa tới nay, Đó là
những người đại diện cho trí tuệ, văn hóa, tư tưởng, tinh
thần và đạo đức tiêu biểu của Việt Nam trong giai đoạn
lịch sử nhất định, bao gồm những học giả, nhân sĩ, trí
thức được nhân dân thừa nhận và bỏ phiếu trực tiếp lựa
chọn (không phải danh sách 24.000 TS và 10.000 GS theo sổ sách).

Thứ hai: Để bảo đảm tính khách quan, nhất thiết phải có
ít nhất hai bản dự thao được "trình làng" vì thế, Ban soạn
thảo Hiến pháp Quốc hội hiện nay (có thể là ông Phan trung
Lý) được "trình làng" một bản dự thảo Hiến pháp đã
được sửa đổi (sau khi thu thập ý kiến của Dân trong đợt
vận động) để cùng với bản dự thảo hoàn toàn mới do một
Ban đại diện do Dân bầu (BĐDND) đưa ra cho người dân lựa
chọn, phúc quyết. (hai phương án phải từ hai nhóm khác nhau
chứ không thể từ một nhóm dự thảo), chưa kể, trong mỗi
điều khoản, chương mục của mỗi bản dự thảo cũng đều
có ít nhất hai phương án để lựa chọn.

Người viết bài này chưa có điều kiện tìm hiểu nhiều về
khả năng của những đại diện khác song, qua theo rõi gần
đây, một tập thể những trí thức, nhân sĩ mà mới nhất là
ngày 25/12/2012 đã đưa ra "<em>Lời kêu gọi thực thi quyền làm
Người theo Hiến pháp</em>" đã có những đóng góp tích cực và
hiểu biết sâu sắc về Luật pháp. Được biết cũng nhóm nhân
sĩ này đã từng nhiều lần gửi thư ngỏ cho các lãnh đạo
đảng và nhà nước bày tỏ quan điểm và thái độ trước
những biến động lớn của đất nước. Những ý kiến đó
luôn chứa đựng một hàm lượng trí tuệ cao, thể hiện sự
công tâm, trong sáng và sắc sảo trên nhiều lĩnh vực và
trước các vấn đề hệ trọng của Quốc gia. Nếu chưa có
điều kiện lựa chọn được BĐDND tối ưu thì trước mắt
nhóm nhân sĩ nêu trên có thể sẽ là một tiến cử. Rất mong
nhóm nhân sĩ trí thức đó nhận trách nhiệm đưa ra một bản
dự thảo Hiến pháp của mình để cùng với một bản dự
thảo thứ hai làm cơ sở cho nhân dân lựa chọn, phúc quyết.

Dù là bản dự thảo Hiến pháp của BĐDND hay của bất kỳ tổ
chức xã hội nào muốn có tiếng nói riêng cũng đều phải
được thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông
để người Dân được biết và lựa chọn chứ không được
giữ "bí mật" hoặc có sự phân biệt "lề phải" hay "lề
trái". Đó là một việc làm thể hiện sự minh bạch, công khai
và bình đẳng phản ánh đúng tinh thần của một Nhà nước
Pháp quyền "của Dân, do Dân, vì Dân". Nếu vì lý do gì đó
không làm được như thế thì: kiến nghị dứt khoát gỡ bỏ
cụm từ đó khỏi bản Hiến pháp lần này.

<em>Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả để
hưởng ứng đợt vận động tham gia ý kiến đóng góp sửa
đổi Hiến pháp.</em>

8/1/2013
TH


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130109/thai-hien-ai-se-du-thao-sua-doi-hien-phap-nam-1992),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét