Pippi Långstrump - Tìm lại Quyền Con Người của tôi

<blockquote><strong>Dân Luận:</strong> Xin giới thiệu tới độc
giả bài dự thi mang mã số QCN&T000021, được gửi tới để
tham gia cuộc thi viết Quyền Con Người và Tôi do Con Đường
Việt Nam tổ chức.</blockquote>

Là một con người thì tôi có quyền gì? Nếu câu hỏi được
đặt ra vào những năm trước 2006, tôi sẽ lúng túng rồi cúi
mặt xuống mà im lặng hay nói không biết. Bởi đơn giản, tôi
đã không được dạy, không được học điều đó cho nên tôi
không biết. Hay nói cách khác, tôi đã được dạy để suy
nghĩ, nói, và làm theo một yêu cầu chuẩn mực đã định, hay
phải nghe và làm theo người khác bảo.

Quyền con người đối với tôi giống như một câu chuyện cổ
tích, tôi có thể đọc nó nhưng mà ở hiện thực thì nó hoàn
toàn không xảy ra. Bởi vì người ta đã cướp hạt giống
"quyền con người" đi mất rồi, và thay vào đó, gieo vào trong
tôi những nỗi sợ hãi... sợ hãi để nếu có nghĩ khác đi
thì không dám nói, mà nếu có nói rồi thì sẽ phải xin lỗi
vì mình đã nói sai, và nếu mà có làm rồi, thì sẽ phải
chịu phạt - bởi theo họ, tôi đã làm sai. Và điều cuối cùng
đáng sợ nhất, khi hạt giống sợ hãi trong bạn đủ lớn,
bạn sẽ im lặng trước cuộc đời.

<h2>Câu chuyện của tôi</h2>

<h3>Gia đình - quyền lực là sức mạnh </h3>

Những kỉ niệm về gia đình trong tôi là nỗi sợ hãi, vì ở
nơi đó, thân phận mỗi người trong gia đình được phân rõ.
Bố là người có quyền lực lớn nhất: mọi ý muốn, quyết
định, tâm trạng bố, mọi người phải chịu theo. Nếu có
khác đi, hoặc không nghe sẽ bị mắng, tệ hơn là chửi và bị
đánh. Nặng hơn nữa thì bị bỏ đói, vì bố sẽ không đưa
tiền cho mẹ đi chợ. Vì vậy mọi người hoặc là đồng tình
hoặc là a dua nói theo bố tôi.

Tôi nhớ có một lần giỗ bà nội, lúc đó tôi 9 tuổi. Tôi
rất muốn được đi cùng với các anh chị họ vì như thế sẽ
rất vui, nên đã bảo bố là tôi "muốn đi cùng họ". Tôi vừa
nói hết câu đã nghe bốp một cái vào má, rồi tiếng ông quát
tháo: "cút vào trong nhà không đi đâu hết". Sợ đến nỗi
không khóc nổi, tôi lủi thật nhanh vào nhà... Nên từ đó tôi
sợ lắm, nghĩ gì, muốn gì không bao giờ nói ra.

<h3>Nhà trường: Khi thầy cô lên tiếng</h3>

Năm lớp 3, thầy giáo ra đề bài: các em hãy vẽ một anh bộ
đội. Các bạn ai nấy đều lên hỏi ý kiến thầy, bạn cùng
khu nhà với tôi cũng lên hỏi thầy, nhờ thầy vẽ phác hoạ
hộ, rồi màu gì thì sẽ đẹp. Tôi không muốn hỏi, bởi tôi
đã nghĩ ra hình chú bộ đội trong đầu cho riêng tôi. Nhưng vì
tôi không giỏi vẽ, nên đã nhờ chị gái vẽ giùm. Chị vẽ
rất ưng ý tôi, bên cạnh khẩu súng khoác trên vai, chú bộ
đội còn mỉm cười và cầm một bông hoa nữa, trông thật là
vui vẻ. Nhưng thầy giáo cho tôi điểm 8. Tôi hỏi là tại sao
tôi chỉ được điểm 8, trong khi bạn cùng khu nhà lại được
điểm 10. Thầy nói, "tôi cho bạn ấy điểm 10, vì tôi thấy nó
đẹp". Tôi lẩm bẩm, thầy cho bạn ấy điểm 10 vì thầy vẽ
hộ bạn ấy. Thế là tôi bị phạt rồi bị trù thành học sinh
kém năm đó.

<h3>Xã hội</h3>

Ở nước tôi, phải kính trọng thầy cô giáo, nhưng thầy cô
lại có thể mắng chửi học sinh. Kính trọng lễ phép và phải
nghe lời người già. Tôi thấy chẳng đúng gì cả, không lẽ
thầy cô giáo hay người già nói cái gì cũng phải nghe, kể cả
cái sai cũng phải nghe à?

Sau này lớn lên, sự phản kháng trong tôi càng lớn. Nhiều lần
bố đi chơi bài về lúc nửa đêm, về đến nhà ông quát, đi
nấu mì cho tao. Tôi nói, nhà hết mì rồi. Ông chửi tôi, rồi
nói, không biết đường đi mua về à? Tôi trả lời, giờ này
người ta đóng cửa hết rồi, muốn ăn thì đi ra ngoài ăn. Con
không nấu. Kết quả, đồ đạc trong nhà bị ông đập tan
tành.

Một lần khác khi tôi học cấp 3, trong lớp tiết văn học,
học thơ Xuân Quỳnh, nhà thơ tôi thích nhất hồi đó. Tôi nói
với cô giáo: em không đồng ý với cô khi nói về nhà thơ Xuân
Quỳnh như vậy. Kết quả, mẹ tôi được mời lên gặp ban
giám hiệu và bà giáo dạy văn vì hành vi vô lễ, cãi lại lời
cô giáo nói của tôi.

Tôi đã nghĩ rằng mọi đứa con trong bất kì gia đình nào và
mọi học sinh đều phải nghe theo lời người lớn nói. Nhưng
càng lớn, tôi càng thấy nhận định đó là không đúng. Tôi
nhận thấy bố tôi đánh đập con cái là sai, áp đặt ra lệnh
cũng là sai. Thầy cô mắng nhiếc, bắt học sinh viết theo ý
họ cũng sai. Nhưng tôi đã chẳng tìm ra ai để bảo vệ hay
ủng hộ tôi cả. Và thế là tôi im lặng. Vì lên tiếng thì
sẽ bị phạt và bị trù dập mà cũng chẳng thay đổi được
gì.

Thế nhưng sự phản kháng đó lại lớn dần lên và giúp tôi
vượt qua cả nỗi sợ hãi đối với bố tôi. Sau nay bố tôi
đã ít dần những áp đặt và ra lệnh lên tôi, vì ông biết
tôi sẽ không làm theo. Nhưng trong lớp học, hay ngoài phố tôi
thường im lặng, và không lên tiếng gì hết vì tôi sợ người
ta sẽ đánh tôi như bố tôi đánh tôi.

<h3>Trải nghiệm đầu tiên về quyền con người</h3>

Đó là lớp học ngôn ngữ tiếng đan mạch và học viên đến
từ nhiều nước khác nhau. Nghĩa là chúng tôi khác nhau về quan
điểm suy nghĩ, kiến thức, cách nhìn nhận về cuộc sống và
các sự kiện. Ngày đầu tiên, cô giáo Tina của tôi phát cho
mỗi học viên một tờ, giải thích nội quy lớp. Mục 3 tôi
đã ghi nhớ nhất

<em>"3. thảo luận là bắt buộc ở trong lớp. Mỗi người nói
lên suy nghĩ của mình. Trong quá trình thảo luận, phải tôn
trọng khi có người nói, lắng nghe chờ đến khi người đó
kết thúc mới có quyền lên tiếng đồng tình hay phản đối.
Dù là đồng tình hay phản đối cũng phải dùng lý lẽ, viện
cứ để chứng mình. Bất kì hình thức tấn công về mặt ngôn
từ hay thể xác đều vi phạm và không được chấp
nhận".</em>

Đó là điều khiến tôi kinh ngạc, và tôi còn cảm thấy bất
ngờ hơn nữa khi người ta hỏi tôi nghĩ gì, thấy thế nào?
Nếu không đồng tình thì có thể giải thích lí do. Mọi
người đều lắng nghe tôi nói. Tôi thích mỗi khi cô giáo Tina
nhìn và hỏi: các bạn nghĩ sao? Các bạn có đồng ý không?

Vậy là lần đầu tiên trong đời, tôi được trình bày những
điều tôi nghĩ, thậm chí còn được lắng nghe khi trình bày
sự không đồng tình mà không cảm thấy nỗi sợ hãi.

<h3>Trải nghiệm quyền con người trong gia đình</h3>

Đó là gia đình nhà Carlsson mà tôi chơi thân ở Borlänge.
Veronica và Tomas có hai con gái tên là Maltida và Ella. Maltida năm
nay 9 tuổi, Ella lên 5 tuổi. Veronica thường nói với tôi, cô
thành công trong việc nuôi dạy Maltida. Maltida thông minh và nhẹ
nhàng. Trong bữa tối, bé nói chuyện, ăn uống từ tốn, kết
thúc phần của mình mà không phải chờ nhắc nhở. Thậm chí em
còn ngồi kể chuyện, và đôi lúc tranh luận với Tomas.

Ngược lại, Ella thì nghịch ngợm, đặc biệt khi nhà có khách.
Bé trườn, bò ra bàn, không chịu ăn. Veronica phải nói, giải
thích, có đôi lúc nghiêm mặt nhưng tuyệt nhiên không cao giọng
chứ đừng nói là quát nạt. Ella thông mình, em biết mình muốn
cái gì, và muốn làm gì, đôi khi còn dùng lí lẽ để tranh
luận với ba hay mẹ để đạt được điều mình muốn. Veronica
hay nói với tôi, tốn nhiều năng lượng và thời gian với Ella,
vì Ella hay đổi ý.

Tôi đem sự tò mò hỏi Veronica, rằng trong gia đình có phải cha
mẹ và con cái luôn nói chuyện, thảo luận với nhau không? Cô
nói đúng, rằng gia đình ở đây, ba mẹ và con cái luôn nói
chuyện với nhau một cách bình đẳng. Bình đẳng nghĩa là khi
con cái còn nhỏ, ba mẹ lắng nghe, chuyện trò, rồi giải thích
điều này điều kia. Ba mẹ cũng phải giải thích về việc khi
nào các em phải nghe theo ba mẹ, khi nào các em có thể tự
quyết định. Và khi ai đó đang nói, thì mọi người đều
phải lắng nghe. Khi con cái lớn lên rồi, thì nói chuyện với
cha mẹ, như giữa những người bạn với nhau.

Điều này đối với tôi là một sự kinh ngạc. Và những cuộc
toạ đàm như thế, tôi không nhìn ra ai phải sợ ai, hay nghe ai,
ai là người quyết định. Họ gật gù khi đồng tình, hay là
cười khi không đồng ý, nhưng tuyệt không có sự to tiếng át
người kia, hay kể cả vì là người già thì biết nhiều hơn.
Kể cả Ella, khi em nói chuyện và tranh luận với ba, mẹ hay
với ông bà, em không hề có sự sợ hãi rằng em nhỏ, ít tuổi
thì phải nghe mọi người. Trái lại, em lại càng tỏ ra là em
muốn mọi người phải lắng nghe em nói.

Hoá ra vai trò của cha mẹ là rất quan trọng trong việc hình
thành và phát triển ý thức về quyền con người. Trong gia
đình, cùng với tình yêu thương, cha mẹ hiểu rằng: con cái là
thành viên cần phải được tôn trọng và lắng nghe nhất để
hành xử thì con trẻ sẽ có được sự tự tin để suy nghĩ và
biểu đạt điều chúng muốn. Ngược lại, nếu cha mẹ dùng
quyền lực tạo ra mệnh lệnh và sự phục tùng, thì hạt mầm
đó sẽ bị cướp đi. Hạt mầm này rất quan trọng vì nó giúp
người ta tự tin để suy nghĩ, bày tỏ, hoặc nếu bị tước
đi mất, người ta sẽ trở nên sợ hãi rồi im lặng, và không
còn biết suy nghĩ nữa.

Hôm nay tôi đòi hỏi những quyền con người của tôi, những
quyền đã được cộng nhận bởi quốc tế và luật pháp qua
bài viết này. Tôi muốn suy nghĩ theo cách của tôi, nói điều
tôi nghĩ, muốn được lắng nghe và khác biệt không có gì là
sai trái cả. Không ai, dù nhân danh điều gì, cũng không có
quyền tước đi quyền được suy nghĩ và nói lên tiếng nói
của người khác. Tôn trọng quyền của riêng mình nghĩa là tôn
trọng quyền của người khác nữa. Tôi mong rằng, những đứa
trẻ trong mọi gia đình sẽ được coi là thành viên, được
dạy sự tôn trọng người khác, biểu đạt điều mình nghĩ và
sự lắng nghe. Cha hay mẹ, hay bất kì người lớn nào cũng
không có quyền từ chối hay tước bỏ những quyền này. Vì
đây chính là gốc rẽ của sự hình thành và phát triển ý
thức về quyền con người trong mỗi con người chúng ta.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130123/pippi-langstrump-tim-lai-quyen-con-nguoi-cua-toi),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét