Nguyễn Trung - Đảng – Nhà nước – Hiến pháp

<h2>Vài suy nghĩ về sửa đổi Hiến pháp 1992</h2>

<center> <h2>I. Đảng và Nhà nước</h2></center>

Trong thực tiễn đời sống của hệ thống chính trị
nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam kể từ khi Việt
Nam là một quốc gia độc lập thống nhất cho thấy Đảng
Cộng Sản Việt Nam – với đòi hỏi tự đặt cho mình là
phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của
Đảng – đã và đang là người nắm quyền lực toàn diện và
tuyệt đối mang tính <b><i> độc quyền toàn trị</i></b> đối
với quốc gia.

Cùng với sự trói buộc của ý thức hệ và sự tha hóa trong
thời bình, sự lãnh đạo của Đảng mang tính độc quyền toàn
trị như thế trên thực tế đã biến dạng thành sự cai trị,
Đảng mới là nhà nước đích thực: <b> <i>Nhà nước đảng
trị</i></b>. Sự tha hóa này khiến Đảng với danh nghĩa là
đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao
động… trở thành <b><i>đảng thống trị</i></b>.

Với vị thế và quyền lực như vậy của ĐCSVN, Nhà nước
trở thành công cụ thực thi quyền lực và quyết định của
Đảng, Hiến pháp trở thành công cụ hợp thức quyền lực và
việc làm của Đảng. Để biện hộ cho hệ thống chính trị
như vậy của đất nước, Hiến pháp 1992 xác định đấy là
<b><i>nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ
nghĩa</i></b>.

Thiết kế như thế ngay trong Hiến pháp 1992, Đảng được
đặt ở vị trí đứng trên Hiến pháp và trên nhà nước. Đây
chính là nội dung cơ bản của Điều 4 trong Hiến pháp 1992.
Trong một quốc gia với hệ thống chính trị như thế hoàn toàn
không có không gian cho <b><i>tiêu chí quyết định số một của
nhà nước pháp quyền</i></b>, đó là: <b><i>Hiến pháp là quyền
lực tối thượng</i></b>.

Đem so sánh một bên là quyền lực mà Đảng giành cho
mình[1] và được luật hóa trong Điều 4, và một bên là những
<b><i>được/mất</i></b> trong quá trình phát triển mọi mặt
của đất nước trong 37 năm độc lập thống nhất, đặc biệt
là so với thực trạng nguy hiểm của đất nước hôm nay, vai
trò lãnh đạo và phẩm chất của Đảng đối chiếu ngay với
Cương lĩnh và Điều lệ của Đảng, cũng như so với chính
Điều 4, kết quả rõ ràng không như Đảng đã cam kết với
đất nước: <i>Đảng không làm được nhiệm vụ tiên phong và
lãnh đạo với đúng nghĩa, mà chủ yếu chỉ thực hiện
được vai trò của người có quyền thống tr</i><u>ị</u>. Uy
tín của Đảng cũng như lòng tin của nhân dân vào Đảng vì
thế theo thời gian chưa bao giờ giảm sút như ngày nay. Như thế
tự mình, Đảng đã không thực hiện nổi nhiệm vụ của mình
như đã ghi cho mình trong Điều 4. Chính Tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng đã phải nhận định sư hư hỏng của Đảng hiện nay
đã đến mức thách thức sự tồn vong của Đảng và của hệ
thống chính trị.

<b> <i> Với thực tế của cuôc sống đất nước 37 năm nay
như vậy, và với nhận định của Tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng về thực trạng tha hóa hiện nay như vậy của Đảng, xin
hỏi: Điều 4 còn lý lẽ gì để tồn tại? </i></b>

Điều 4 trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này được
chỉnh sửa chút ít, đó là Đảng "<b><i>chịu sự giám sát
của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những
quyết định của mình</i></b>".

Đọc lại tất cả các văn bản Đại hội Đảng từ Đại
hội IV (1976), có lúc nào Đảng không nhấn mạnh chịu sự giám
sát của nhân dân, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình… Trong
toàn bộ hoạt động của Đảng kể từ khi thành lập, có lúc
nào Đảng không cam kết trách nhiệm của mình trước đất
nước, trước nhân dân? Sự cam kết trách nhiệm như vậy chính
là tiền đề và là lẽ tất yếu cho sự ra đời và tồn tại
của Đảng, vì thế nó không cần và không phải chờ đến khi
phải được đưa vào Hiến pháp mới được thực hiện. Vì
thế lúc nào cũng chỉ có vấn đề Đảng thực hiện được
hay không cam kết của mình đối với đất nước mà thôi.

Nhìn nhận kết quả đợt vận động tự phê bình và tự
phê bình được phát động từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XI
và sự xin lỗi chân thành của Bộ Chính trị trước nhân dân
mà cả nước đã được nghe, hiển nhiên sẽ thấy: <b><i>Việc
bổ sung thêm chi tiết nói trên vào Điều 4 hoàn toàn không có
khả năng xoay chuyển tình thế đất nước, bởi vì tư duy và
đường lối của Đảng, hệ thống chính trị hiện hành, vị
thế độc quyền toàn trị của Đảng đứng trên tất cả còn
nguyên vẹn. </i></b>

<b> <i> Chi tiết bổ sung như thế vào Điều 4 chỉ chứng minh:
Đảng quyết cố thủ.</i></b>

Hiến pháp 1992 có nhiều Điều, Khoản đúng, tốt về các
quyền công dân cơ bản – như quyền sở hữu, các quyền về
tự do, dân chủ và quyền con người..., về các quyền và nghĩa
vụ của các bộ phận thuộc hệ thống nhà nước, vân vân…

Tuy nhiên, thực tế là hầu hết những Điều, Khoản đúng
và tốt này không được và không thể thực thi, hiện tượng
vi hiến ngày càng nhiều và nghiêm trọng trong đời sống đất
nước ở mọi cấp và mọi nơi; chủ yếu vì các nguyên nhân
chủ yếu sau đây:

(a) Hiến pháp có một số Điều được thiết kế không
dứt khoát.

(b) Có một số Điều và Khoản trên thực tế là ngược
hay phủ định nhiều Điều và Khoản khác trong Hiến pháp,
hoặc gần như là phủ định toàn bộ Hiến pháp – trước
hết chính là Điều 4, những Điều và Khoản về đất đai (rõ
nét nhất là vấn đề "quyền sở hữu toàn dân" về đất
đai…), về kinh tế quốc doanh… Đấy là nói về nội dung
Hiến pháp 1992.

(c) Ngoài ra còn phải kể đến <b><i><u>nguyên nhân thứ
3</u></i></b> vô cùng quan trọng và quyết định hàng đầu, đó
là hệ thống quyền lực không coi trọng Hiến pháp, và ngay từ
đầu trong hành động thực tế là bác bỏ nguyên tắc
<b><i>Hiến pháp là quyền lực tối thượng</i></b> của quốc
gia, chỉ sử dụng Hiến pháp ở những chỗ và những lúc khi
quyền lực cần..

Trong tình hình như vậy, nếu không có các <b><i>chi tiết bổ
sung</i></b> cho <b><i>Hiến pháp 1992 sửa đổi</i></b> đủ sức
mạnh khắc phục cả 3 nguyên nhân nói trên, việc sửa đổi
Hiến pháp 1992 sẽ trở nên vô nghĩa.

Và rõ ràng không có phép lạ nào viết ra được những chi
tiết bổ sung có đủ sức mạnh như thế, ngoài việc viết ra
Hiến pháp mới.

Giả định rằng có phép lạ viết ra được Hiến pháp mới
hoàn hảo đến tuyệt đỉnh, song vẫn giữ nguyên Đảng với
tư duy, tổ chức, vị thế, quyền lực, cùng với bộ máy
chuyên chính tinh thần và bộ máy chuyên chính bạo lực của nó
hiện nay như thế trong quốc gia, trong hệ thống nhà nước,
trong kinh tế và trong đời sống văn hóa - xã hội.., gọi tất
cả những thứ này dưới một cái tên chung tổng hợp là hiện
tượng "<b><i>đảng hóa</i></b>", Hiến pháp mới cũng sẽ
chỉ có giá trị trang trí.

Có thể kết luận ngay: Sửa đổi Hiến pháp dù có thể làm
tốt thế nào đi nữa, mà Đảng vẫn giữ nguyên <b><i>đảng
hóa</i></b> và không thay đổi, sẽ vô ích.

Khi còn đương chức, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người
<u>nhiều lần</u> phê phán kịch liệt hiện tượng <b><i>đảng
hóa</i></b> như thế. Sự phê phán này tổng hợp nhất và rõ
nét nhất được nêu trong bức thư ngày 09-08-1995 gửi Bộ Chính
trị.

Trong thư này, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt vấn đề:
(1) phải nhìn nhận lại thế giới, (2) phải đánh giá lại
đường lối phát triển đất nước, (3) phải xây dựng nhà
nước pháp quyền, (4) phải xây dựng lại Đảng về đường
lối và về tổ chức. Cả 4 đòi hỏi nêu trong thư này đến
hôm nay vẫn còn nguyên giá trị và mức độ bức xúc khẩn
thiết của nó.

Những năm cuối đời, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dành
hết tâm huyết mình nhiều lần viết và nói trực tiếp với
từng ủy viên Bộ Chính trị và toàn thể Ban Chấp hành Trung
ương ĐCSVN, và nói với toàn dân: <b> <i><u>Phải từ bỏ mọi
thứ chủ nghĩa, Đảng phải tự lột xác để trở thành đảng
của dân tộc.</u></i></b>

Nhân việc nhắc đến bức thư quan trọng này, xin cho phép
hỏi trực tiếp trên ba triệu đảng viên của Đảng hôm nay:
<b><i>"Đảng CSVN <u> hôm nay</u> có còn cách nào phục vụ lợi
ích quốc gia tốt hơn không? Có đảng viên nào hôm nay dám nói
mình yêu Đảng, bảo vệ Đảng hơn đảng viên Võ Văn Kiệt
không?"</i></b>

Nếu lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện nay thành tâm mong
muốn sửa đổi Hiến pháp lần này để cứu Đảng, cứu
nước, nhất thiết phải đặt vấn đề cải cách thay đổi
Đảng gắn kết hữu cơ với việc sửa đổi Hiến pháp trong
tổng thể nhiệm vụ cải cách chính trị canh tân đất nước,
đúng với tinh thần và nội dung như vừa trình bầy trên.


<center><h2> II.</h2></center>

Sau 27 năm đổi mới, kinh tế đất nước đã hoàn thành
thời kỳ phát triển ban đầu – <b><i>thời kỳ phát triển theo
chiều rộng</i></b>. Song hiện nay, vì nhiều sai lầm và những
yếu kém nhiều mặt trong quá trình phát triển này, nhất là
những sai lầm trong đường lối lãnh đạo đất nước của
Đảng và sự tha hóa của hệ thống chính trị, kinh tế nước
ta chưa hội đủ mọi điều kiện phải có, để sẵn sàng đi
vào thời kỳ phát triển mới cao hơn: <b><i>Thời kỳ phát
triển theo chiều sâu</i></b>.

Từ 5 năm nay đất nước lại lâm vào cuộc khủng hoảng kinh
tế - chính trị - văn hóa - xã hội toàn diện, đất nước
chưa bao giờ đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức bức
xúc như bây giờ, nhất là trong một thế giới đang bước vào
một thời kỳ phát triển mới với nhiều diễn biến khó
lường..

Việc Trung Quốc đang trở thành siêu cường tác động nghiêm
trọng vào trật tự thế giới hiện hành, và đồng thời thách
thức gay gắt tất cả các nước láng giềng. Nhiều tác động
tiêu cực của siêu cường đang lên Trung Quốc đang gây ra
những vấn đề phức tạp mới như giành giật thị trường, vi
phạm luật chơi chung, lôi kéo và tập hợp lực lượng (bao
gồm cả chính trị, tôn giáo, sự can thiệp của quyền lực
mềm…)… trong nhiều khu vực trên thế giới, lại trong thời
kỳ tình hình thế giới đi vào một thời kỳ phát triển mới
phức tạp, do đó hiện tượng siêu cường Trung Quốc đang lên
trở thành vấn đề của cả thế giới trên nhiều phương
diện. Đặc biệt là tính xung đột quyền lực siêu cường mang
tịnh văn hóa Đại Hán tập trung vào khu vực châu Á, nhất là
Đông Nam Á, vấn đề Trung Quốc càng trở nên đặc biệt nhạy
cảm và nguy hiểm, nhất là đối với các nước nhỏ trong khu
vực.

Với tính cách là chướng ngại vật tự nhiên đầu tiên
nhất thiết phải khuất phục đối với siêu cường Trung Quốc
trên đường của nó vươn ra Biển Đông, Việt Nam là nước
bị uy hiếp nghiêm trọng nhất. Và chưa thể nói lãnh đạo
của đất nước đã lường hết mọi nguy hiểm của sự uy
hiếp này, thậm chí có không ít biểu hiện lúng túng, khiếp
nhược.., càng không thể nói lãnh đạo của đất nước đã
sẵn sàng phát huy tối đa sức mạnh toàn dân tộc trước thử
thách mất còn này đối với đất nước...

Trong khi đó đất nước đang có nhiều khó khăn hiểm nghèo:
Kinh tế khủng hoảng cơ cấu sâu sắc chưa có lối ra; những
bức xúc và bất công xã hội vì tự do dân chủ bị đàn áp
khiến lòng dân ngày càng phân tán; những lúng túng, không nhất
quán hay không rõ ràng trong đối sách của lãnh đạo đối với
Trung Quốc càng làm cho nhân dân mất tin tưởng; Đảng lãnh
đạo lại ở trong thời kỳ thoái hóa nghiêm trọng nhất trong
lịch sử của mình về chính trị và tính tiền phong chiến
đấu, và hệ thống chính trị đang tha hóa trầm trọng.

Có thể nói sau 37 năm độc lập thống nhất, chưa bao giờ
đất nước lâm nguy như bây giờ, Đảng yếu kém như bây giờ.

Giải quyết những khó khăn nội tại để mở ra một thời
kỳ phát triển cho đất nước, tạo sức mạnh đối xử thành
công mối quan hệ với Trung Quốc với tư cách nước ta là một
đối tác được tôn trọng chứ không phải là một nước lệ
thuộc hay một chư hầu kiểu mới, nhất là để Việt Nam không
một lần nữa và vĩnh viễn không bao giờ trở thành chiến
địa cho sự tranh hùng của các siêu cường, nắm bắt cơ hội
chưa từng có trong bối cảnh quốc tế hôm nay làm cho Việt Nam
hưng thịnh trở thành một thành viên tích cực của cộng
đồng quốc tế dấn thân cùng với cả nhân loại tiến bộ,
vì hạnh phúc và phát triển của chính quốc gia mình và của
cả thế giới… Làm sao Việt Nam có thể thực hiện được
những nhiệm vụ sống còn và có ý nghĩa vô cùng trọng đại
ấy, nếu đất nước không có một thể chế chính trị dân
chủ, thực hiện được hòa giải đoàn kết dân tộc, phát huy
tối đa sức mạnh dân tộc, tranh thủ được sự hậu thuẫn
của tất các các quốc gia, các lực lượng tiến bộ trên thế
giới – kể cả trong lòng nhân dân Trung Quốc?

Tất cả những vấn đề nghiêm trọng sống còn đối với
đất nước vừa trình bầy trên làm sao xử lý thành công
được, nếu đất nước không có một thể chế chính trị dân
chủ, thực hiện được hòa giải đoàn kết dân tộc, để cả
nước làm được những việc phải làm, cho bây giờ và cho mãi
mãi về sau?

Tất cả những vấn đề nghiêm trọng sống còn vừa nêu
trên chẳng lẽ không mảy may liên quan đến việc sửa đổi
Hiến pháp hiện nay?

Chẳng lẽ ĐCSVN hôm nay không còn đủ tính tiền phong chiến
đấu, để nhận thức được những vấn đề sống còn như
thế đang đặt ra cho đất nước, không có trí tuệ và ý chí
bắt tay vào nhiệm vụ phải làm như Đảng đã từng làm khi
tiên phong khai phá con đường cứu nước?

Đảng phải tìm cho mình câu trả lời: <b><i>Làm hay không
làm? Làm thế nào?</i></b> Trả lời thế nào, Đảng tự phơi
bầy mình ra là thế nấy, chẳng có thế lực thù địch nào
xuyên tạc nổi.

Còn nhân dân – qua không biết bao nhiêu kiến nghị, thư,
lời kêu gọi… gửi cho Đảng… ít nhất từ 3 Đại hội
Đảng toàn quốc liên tiếp cho đến nay – nghĩa là từ 15 năm
nay – đã đặt ra cho mình những câu hỏi đúng, các câu trả
lời đúng.



<center> <h2>III. Đề nghị của người viết bài này với nhân
dân và</h2> </center>
<center><h2>các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước</h2></center>


Có thể vì không thấy hết tầm vóc các việc phải làm cho
sửa đổi Hiến pháp, hoặc là bị khuôn vào những nguyên tắc
chỉ đạo của Tổng bí thư như <b><i> sửa gì thì cũng phải
trong khung khổ Cương lĩnh và Điều lệ Đảng, quyền lực của
hệ thống chính trị là thống nhất, không có tam quyền phân
lập, gác lại vấn đề sở hữu đất đai</i></b>.., nên kế
hoạch sửa đổi Hiến pháp như đang tiến hành vừa sơ sài về
nội dung, (nặng về hình thức, chiếu lệ và không đi vào
thực chất), coi như chẳng liên quan gì đến những nhiệm vụ
trọng đại và nóng bỏng của đất nước trong giai đoạn
hiện tại và xa hơn nữa, vừa không được bố trí đủ thời
gian công sức lẽ ra phải đầu tư... Làm như thế làm sao mong
được kết quả thực chất?

Hơn nữa, <b><i>chỉ đạo</i></b> như thế là đứng trên, là
ban cho, là ông chủ của nhân dân, là đứng trên Hiến pháp
mất rồi!

Ai mà không hiểu Hiến pháp viết như thế nào là quyền của
nhân dân chứ! Lãnh đạo ở đây chỉ có một nghĩa, một nội
dung duy nhất là giúp người dân có tri thức và quyền năng
thực hiện tốt nhất quyền chủ nhân ông đất nước và sự
lựa chọn của họ. Làm khác đi là ốp, là cưỡng bức.

Cũng nhân đây xin nói ngay, hàng ngày Bộ Chính trị có không
ít những <b><i>chỉ đạo</i></b> như thế.

Có ít nhất 3 thiếu sót quan trọng cần chú ý khắc phục
ngay trong quá trình tiến hành sửa đổi Hiến pháp lần này:

(1) Thiếu hẳn khâu chuẩn bị cho nhân dân, ví dụ không
thông tin thông báo cho nhân dân:

- thực trạng đất nước, những thách thức và đòi hỏi
cho giai đoạn phát triển mới, để suy nghĩ Hiến pháp sửa
đổi lần này cần phải thiết kế như thế nào, phải đáp
ứng thế nào những yêu cầu mới của đất nước về đối
nội, đối ngoại, phát triển...

- gợi ý những vấn đề trọng đại nào trong Hiến pháp
cần tập trung huy động trí tuệ và lấy ý kiến của nhân
dân, hướng kiến nghị sửa đổi của Ban soạn thảo…

- vân vân…

(2) Về phía Đảng cũng coi việc sửa đổi Hiến pháp là
một công việc cắt rời như đã cài sẵn trong lập trình để
ở máy tính, nghĩa là chẳng dính dáng gì đến việc phải cải
cách hay thay đổi Đảng như thế nào. Mà như thế, như đã nêu
trong phần II: giả thử Hiến pháp được sửa thật tốt thế
nào đi nữa, nhưng nếu hệ thống chính trị vẫn y nguyên, cái
gì sẽ chờ đợi đất nước?

(3) Hầu như không có sự chuẩn bị gì cho việc nâng cao dân
trí và quyền năng của nhân dân, để nhân dân có thể làm
tốt quyền và nghĩa vụ công dân của mình trong việc góp ý
kiến vào Hiến pháp, trong việc thực hiện quyền phúc quyết…
Cũng xin nói ngay, không thực hiện nghiêm túc với chất lượng
cao quyền thảo luận tham gia ý kiến và quyết định (nhất là
đối với những vấn đề quan trọng), quyền phúc quyết của
nhân dân, Hiến pháp sửa đổi hay Hiến pháp mới sẽ giảm
hẳn giá tri cũng như khả năng thực thi.

Quá trình soạn thảo sửa đổi Hiến pháp hay xây dựng Hiến
pháp mới lẽ ra nhất thiết còn phải là lúc làm cho cả nước
có cơ hội học tập để nâng cao hiểu biết, nâng cao quyền
năng của công dân, giác ngộ nhân dân những vấn đề trọng
đại của đất nước, gắn bó người dân hơn nữa với vận
mệnh đất nước… Nhà nước pháp quyền chính đáng nào mà
lại không mong muốn công dân của mình có trình độ giác ngộ
cao nhất?

Vân vân…

Ngoài ra, cá nhân người viết bài này xin có những đề
nghị như sau:

1. Nếu chỉ sửa đổi sơ sơ như dự thảo đã công bố,
thì nên tạm dừng lại chưa đi tới phần kết thúc như thời
khắc biểu đã định, riêng việc lấy ý kiến nhân dân phải
tiến hành có chất lượng và nên kéo dài tới cuối năm 2013,
để có thời gian bổ khuyết 3 việc còn sót chưa làm nói trên.

2. Trong khoảng thời gian kéo dài thêm, nên thực hiện ngay
một số Điều đúng, đã có sẵn trong Hiến pháp 1992, như các
Điều quy định các quyền về tự do, dân chủ của công dân,
quyền con người, về tự do ngôn luận, về báo chí..; đình
chỉ ngay mọi hoạt động có tính chất khủng bố, trấn áp,
hay đàn áp nhân dân, thả ngay những người bất đồng chính
kiến đang phải thụ án tù hay đang bị xét xử, làm ngay một
số việc khác như 71 trí thức đã nêu trong kiến nghị ngày
06-08-2012.

3. Bãi bỏ việc sửa đổi Hiến pháp theo kiểu chắp vá
như đang làm, <u>đặt vấn đề xây dưng Hiến pháp mới</u>
lần này là một trong những bộ phận quan trọng nhất của
chương trình cải cách triệt để và toàn diện chế độ chính
trị của đất nước.

4. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước phát huy trí tuệ và tâm
huyết cả nước xây dựng chương trình cải cách toàn diện
hệ thống chính trị, kế hoạch và lộ trình thực hiện. Thông
qua cuộc cải cách chính trị này Đảng thực hiện cải tổ
lại chính mình cả về đường lối, về tổ chức để trở
thành Đảng của dân tộc phù hợp với những tiêu chí của
một nhà nước pháp quyền dân chủ.

5. Thông qua cải cách chính trị lần này Đảng trang trải
hai món nợ, hai nhiệm vụ lịch sử đối với nhân dân, đối
với tổ quốc mà Đảng đã để trễ 37 năm sau khi đất nước
độc lập thống nhất:

- <b><i> Xây dựng một thể chế chính trị dân chủ của
nhà nước pháp quyền để thực hiện quyền làm chủ của nhân
dân.</i></b>

- <b><i> Thực hiện hòa giải đoàn kết dân tộc để phát
huy tối đa sức mạnh toàn diện của đất nước.</i></b>

<center> <h2> IV. Vài suy nghĩ thay lời kết</h2></center>

Qua cải cách chính trị lần này, một nước Việt Nam dân
chủ ra đời[2] từ nước Việt Nam độc lập thống nhất kể
từ 30-04-1975 - nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam –
đấy sẽ là sự đổi đời của chính nước ta, để từ nay
và mãi mãi mở mày mở mặt cùng đi được với cả thiên hạ,
để có khả năng là bạn và là đối tác được tôn trọng
của cả thiên hạ. Song sự kiện này sẽ làm thế giới chấn
động, vì nó góp phần củng cố hòa bình, có lợi cho hợp tác
và cùng phát triển ở Đông Nam Á, với nhiều ảnh hưởng lan
tỏa rất khích lệ cho cái thiện, cái tốt ở mọi nơi. Có
thể nói ngay, cả thế giới sẽ vui mừng với chúng ta – trong
đó có không ít những bộ phận nhân dân trong lòng đất nước
Trung Quốc. Còn Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chắc chắn sẽ không
như thế. CHNDTH sẽ như thế nào, điều này còn tùy thuộc vào
nhiều thứ dễ thấy ngay từ bây giờ... Song việc nước ta
phải làm thì nước ta cứ phải làm, đủ sức làm, và làm
được, chẳng lẽ cứ phải ngó nghiêng hay xin phép Trung Quốc?
Mà dù ta có ngoan ngoãn, ngó nghiêng hay xin phép… chắc gì
được yên thân? Khi cần và thấy trên bàn cờ quốc tế là có
thể - bất kể là ta yếu hay mạnh, cương hay nhu, ngoan hay
bướng… - thì CHNDTH vẫn sẵn sàng ra tay đối với ta, lần
nào cũng rất rắn. Chiếm Hoàng Sa của ta năm 1974 là như thế,
cuộc chiến tranh Campuchia và cuộc chiến tranh đánh ta tháng
2-1979 là như thế, lấy thêm một số đảo của ta ở Trường
Sa năm 1988 là như thế, bây giờ đang muốn lấn chiếm ta tiếp
trên Biển Đông cũng là như thế - giữa lúc ta vẫn đang gồng
lên nhẫn nhục gìn giữ <b><i>đại cục, 4 tốt và 16 chữ
</i></b> đấy thôi!..

Nhưng nếu ta không quyết tâm đổi đời đất nước lần
này, chắc chắn nước ta sẽ rơi sâu hơn nữa không có lối
thoát vào con đường nô dịch của siêu cường Đại Hán như
đã vương vào từ Hội nghị Thành Đô năm 1990 đến nay gỡ
chưa ra. Không chỉ có thế, rơi vào vòng tay Trung Quốc, nước
ta một lần nữa sẽ trở thành chiến địa mới của nhiều
nước, nội chiến cũng sẽ nổ ra trong lòng tổ quốc chúng ta!

Song làm sao thực hiện được cuộc đổi đời như vậy của
đất nước, nếu không có sức mạnh của trí tuệ và từ trong
tâm huyết và ý chí của hòa giải đoàn kết dân tộc?

Cần nói thẳng thắn với nhau hòa giải đoàn kết dân tộc
như thế đến nay vẫn hầu như là không thể, nhưng lại là
đòi hỏi tất yếu, là đòi hỏi đầu tiên để đổi đời
đất nước.

Làm sao có thể thực hiện được sự hòa giải đoàn kết
dân tộc như thế đã để muộn mất 37 năm rồi, nếu không có
một thể chế chính trị dân chủ của đất nước làm cái nôi
sinh thành và nuôi dưỡng nó?

Về ĐCSVN tôi muốn nói thế này: Chắc chắn người Việt
Nam nào có ý thức với đất nước đều thiết tha mong mỏi
một cuộc đổi đời của đất nước như vậy. Đấy chính là
cái đích ngàn đời mà vì nó cả nước đã đi theo Đảng
bước vào Cách mạng Tháng Tám. Chẳng lẽ nào bây giờ đứng
trên đỉnh cao của quyền lực, Đảng không còn khả năng nhận
ra cái đích này? Và chỉ vì thế, có phải là Đảng muốn tự
chọn con đường đối kháng với cái đích ngàn đời mong ước
này của dân tộc hay không?

Không ai có thể thay Đảng trả lời câu hỏi này.

Bốn cuộc chiến tranh, khoảng 7 triệu sinh mạng người dân
nước ta (có số liệu nói 10 triệu) bị cướp đi, cùng với
biết bao nhiêu tổn thất khác không bao giờ lấy lại được
nữa, những vết thương trong lòng dân tộc như đang muốn không
bao giờ lành lại nữa, gần một nửa thế kỷ[3] đất nước
chìm đắm trong khói lửa giữa lúc thế giới đi lên đỉnh cao
phát triển mới, rồi những sai lầm đổ vỡ do chính tự tay ta
bên này và bên kia gây nên…

Chừng nấy mất mát và đau thương còn chưa đủ hay sao nếu
để xảy ra đổ vỡ nồi da xáo thịt một lần nữa?

Chừng nấy mất và đau thương còn chưa đáng để toàn dân
tộc ta nắm tay nhau hòa giải và cùng nhau bước về phía
trước?

Chừng nấy mất mát và đau thương không đáng để cho mỗi
người Việt chúng ta khép lại quá khứ, không ngoái lại quá
khứ, cùng đoàn kết giúp nhau dấn lên, đổi đời chính mình,
và đổi đời của đất nước hay sao?

<b><i>Cuối cùng, xin nói lời đề nghị quan trọng
nhất</i></b>:

Tôi thiết tha mong từng người dân Việt chúng ta học lại
quá khứ của chính mình, của đất nước – học tất cả,
để hiểu những điều tốt và xấu, thành và bại, ác và
thiện, cái ngu dốt và sự minh triết, sự thù hận và lòng
khoan dung... Không chờ và không cần ai ban bảo mình hay nhồi
nhét cho mình học cái gì! Mà hãy đem tất cả nỗi thương đau
của chúng ta về số phận đất nước, đem tất cả ý chí
của mình mong mỏi đổi đời đất nước, để tự tìm tòi
học lại tất cả những cái phải học, học thêm những cái
mới…

Xin hãy học tất cả những điều phải học như thế,
trước hết để chiến thắng chính mình, chiến thắng nỗi sợ
và những yếu kém của mình. Học như thế để đổi đời
của chính mình và quyết tâm cùng nhau đổi đời đất nước.

Bởi vì: Thực hiện bằng được hòa giải dân tộc để
cứu tổ quốc đang lâm nguy, mở ra một thời kỳ phát triển
mới của đất nước là trách nhiệm thiêng liêng không của
riêng một ai trong cộng đồng dân tộc Việt Nam chúng ta!

<b>Nguyễn Trung</b>

Hà Nội – Võng Thị, ngày 14-01-2013

Tác giả gửi cho <i>viet-studies</i> ngày 14-1-13

_________________________

[1] Xin đừng lúc nào quên một thời nhân dân dành cho Đảng
quyền lãnh đạo, song chưa bao giờ có chuyện nhân dân của
một nước độc lập dân là chủ lại dành cho Đảng quyền
lực cai quản đất nước, Đảng cũng chưa bao giờ dám ghi vào
Cương lĩnh và Điều lệ của mình việc giành quyền lực như
thế - vì sẽ danh không chính ngôn không thuận, mặc dù Đảng
làm việc này với tất cả.

[2] Tôi không dám lạm bàn về tên gọi của quốc gia, vì đấy
sẽ là quyền của nhân dân, khi nào được hỏi tôi sẽ nói
đề nghị của mình.

[3] 1945 –1989, khi kết thúc chiến tranh Campuchia.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130115/nguyen-trung-dang-nha-nuoc-hien-phap),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét