Nguyễn Gia Kiểng - Chín muồi tới mức độ nào?

<blockquote>"…Quần chúng Việt Nam đã chín muồi cho một cuộc
chuyển động về dân chủ nhưng trí thức thì không. Chúng ta
giống như một đoàn tàu mà các toa tầu đều đã sẵn sàng
nhưng động cơ chưa chạy…"</blockquote>



Tháng 01-2013. Bạn tôi vừa về thăm nhà trong một tháng. Anh ta
về Việt Nam rất thường xuyên. Việt kiều tốt, nhiều lần
được tuyên dương, hộ chiếu năm năm. Lần này gặp tôi anh
nói một cách sôi nổi: "<em>Việt Nam đã chín muồi cho một
cuộc thay đổi chế độ rồi</em>". Kế tiếp là một tường
thuật chi tiết và chính xác về tình hình chính trị, kinh tế,
xã hội. Anh là một chuyên gia cao cấp và cũng có kiến thức
cao về chính trị. Anh rất quả quyết, một trong những lý do
là: "<em>Trong suốt một tháng tao không thấy ai không chửi
Nguyễn Tấn Dũng</em>". Nhưng khi tôi hỏi: "<em>Liệu có chín
muồi đến độ dân chủ có thể thắng mà không cần một tổ
chức dân chủ mạnh không?</em>" thì anh như bị mất hứng, vì
câu hỏi gợi lại nhiều cuộc thảo luận giữa chúng tôi
trước đây.

Sự kiện quan trọng nhất trong năm 2012 là Đảng Cộng Sản
Việt Nam đã chết (1). Chết thực sự dù chưa khai tử. Đó đã
là năm mà những cố gắng phi thường đã được đổ ra để
chấn chỉnh và cứu đảng, với kết quả là một con số
không. Hội nghị trung ương 6, và kỳ họp quốc hội ngay sau
đó, đã chứng tỏ một cách hùng hồn rằng căn bệnh của
ĐCSVN không có thuốc chữa.

Đối với đời sống dân chúng sự kiện quan trọng nhất là
kinh tế sa sút. Sa sút rất nặng dù chính quyền vẫn còn biện
luận lúng túng đàng sau những con số thống kê giả tạo. Đà
suy sụp là chắc chắn và không thể đảo ngược được vì
chế độ CSVN đã bị các nước dân chủ và các nhà đầu tư
nhìn như một chế độ côn đồ trong khi kinh tế Việt Nam quá
phụ thuộc ngoại thương. Năm 2013 rất có thể sẽ là năm mà
kinh tế phá sản, kéo theo những thảm kịch tương tự như trong
thập niên 1980. Khác ở chỗ quần chúng Việt Nam ngày nay có
sức mạnh hơn, hiểu biết hơn và ít sợ hơn. Bạo loạn có
thể bùng nổ.

Đối với những người dân chủ năm 2012 đã là năm gia tăng
đàn áp. Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) làm gì mà bị xử 12 năm
tù sau khi đã ở tù ba năm? Điếu Cày viết rất ít và những
gì anh viết ra cũng không thách đố chính quyền. Điếu Cày và
Tạ Phong Tần bị trừng phạt nặng vì họ bị coi là đầu tàu
của một tổ chức đang thái nghén: Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự
Do, trong khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố là nhất
định không để "nhen nhúm" những tổ chức đối lập. Một
tội nặng khác của Điếu Cày và Tạ Phong Tần là họ đã
xuất hiện như những người dẫn đầu các cuộc biểu tình
chống Trung Quốc. Năm 2012 cũng đã là năm mà chính quyền CSVN
khẳng định đứng hẳn về phía Trung Quốc. Thượng tướng
Nguyễn Chí Vịnh, một trong vài người nhiều quyền lực nhất
hiện nay, tuyên bố thẳng thừng: "Việt Nam không còn bất cứ
băn khoăn gì khi hợp tác với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực ".
Không còn bất cứ băn khoăn nào dù Trung Quốc cắt dây cáp
tầu thăm dò địa chấn của Việt Nam ngay trong hải phận Việt
Nam, tiếp tục khủng bố ngư dân Việt Nam và cho in hình Hoàng
sa, Trường Sa và cái lưỡi bò lên hộ chiếu. Không còn băn
khoăn vì một lý do giản dị là không được quyền băn khoăn
nữa, họ đã chấp nhận phục tùng Trung Quốc vô điều kiện.
Chọn lựa ô nhục và tai hại này dĩ nhiên là nhân dân Việt
Nam không thể chấp nhận và có hậu quả là đổ thêm dầu vào
lửa phẫn nộ của nhân dân.

Tóm lại nhân dân phẫn nộ và không còn sợ như trước nữa
trong khi chính quyền đã quyết định đàn áp thẳng tay. Xung
đột chính quyền – nhân dân đã đi vào logic leo thang trong khi
chính quyền cộng sản đã rạn nứt dưới trọng lượng của
những xung đột nội bộ. Bạn tôi quả là có lý do để nghĩ
rằng Việt Nam đã chín muồi cho cuộc cách mạng dân chủ.

Câu hỏi của tôi làm anh khựng lại bởi vì chúng tôi đã
từng là chí hữu. Cách đây ba mươi năm chúng tôi đã cùng tham
gia thành lập một nhóm chính trị sau này mang tên Tập Hợp Dân
Chủ Đa Nguyên. Trừ hai chuyên gia mà anh bạn là một, tất cả
đều là những cựu viên chức cao cấp của chế độ Việt Nam
Công Hòa đã suy nghĩ rất nhiều trong tù sau ngày 30-4-1975.
Đồng thuận đầu tiên của chúng tôi là nhất định phải thay
đổi chế độ thì đất nước mới có thể tồn tại và vươn
lên, nhưng cũng không thể có vấn đề phục hồi chế độ
VNCH; đấu tranh chính trị từ nay chỉ có ý nghĩa và hy vọng
nếu là cuộc đấu tranh vì dân chủ bằng phương thức bất
bạo động qui tụ một cách bình đẳng những người dân chủ
thuộc mọi quá khứ chính trị. Sau đó chúng tôi dành trọn hai
năm để nghiên cứu và thảo luận trong tinh thần gạt bỏ mọi
trói buộc và thành kiến để khảo sát thực trạng Việt Nam
và tất cả những thay đổi chế độ đã diễn ra trên thế
giới. Đó đã là hai năm của một cuộc thám hiểm trí tuệ
sôi sục và đầy đam mê. Kết luận của chúng tôi là cuộc
cách mạng dân chủ sẽ rất dài và khó khăn. Cả hai chuyên gia
đều đã rời nhóm sau đó trong tình bạn; họ hoàn toàn đồng
ý với những suy nghĩ chung nhưng họ tự thấy không đủ kiên
nhẫn. Anh bạn chọn con đường hợp tác để thay đổi chế
độ từ bên trong. Anh nói if you can't beat them, join them (nếu
không đánh bại được họ thì hãy hợp tác với họ). Anh là
một người thực tiễn.

Trước hết chúng tôi coi chấm dứt độc tài và thiết lập
dân chủ là một cuộc cách mạng rất lớn và nghiên cứu
những điều kiện để một cuộc cách mạng thành công. Chúng
tôi tìm ra bốn điều kiện vừa cần vừa đủ:

<blockquote>1/ người dân trong nước đồng thuận rằng chế độ
hiện có là tệ hại và phải thay đổi;

2/ đảng hoặc nhóm cầm quyền mất lý tưởng, trở thành đạo
tặc, chia rẽ nội bộ và không còn sức sống và khả năng tự
vệ của một tập thể;

3/ người dân trong nước đồng thuận về một chế độ mới
phải có; và

4/ có một tổ chức đủ mạnh để làm tụ điểm cho nguyện
vọng đổi mới.</blockquote>

Vào thời điểm 1984, khi chúng tôi nhận ra những điều kiện
này, tình hình Việt Nam đúng là chưa chín muồi. Người dân
trong Nam cũng như ngoài Bắc quả là rất thất vọng với chính
quyền cộng sản nhưng đảng cộng sản dù rất bối rối cũng
còn khá gắn bó. Mặt khác chưa có đồng thuận dân tộc về
một chế độ mới; đa số đảng viên cộng sản vì nhiều lý
do khác nhau còn gắn bó với đảng trong khi đa số những
người đấu tranh tại hải ngoại chỉ muốn lập lại chế
độ Việt Nam Cộng Hòa.

Trong bốn điều kiện này điều kiện thứ tư, nghĩa là tổ
chức, là điều kiện quan trọng nhất và cũng là điều kiện
hoàn toàn thiếu vắng, thậm chí còn có những trở ngại. Vì
thế chúng tôi đã nghiên cứu và thảo luận nhiều nhất về
tiến trình thành lập và hành động của một đảng cách
mạng. Và kết luận đã rất đặc sắc. Nó trái ngược hẳn
với thành kiến chung không biết từ đâu mà có của trí thức
Việt Nam về đấu tranh chính trị. Chúng tôi đã nhận diện
năm giai đoạn đấu tranh cách mạng:

1/ xây dựng một tư tưởng chính trị;

2/ xây dựng một đội ngũ nòng cốt

3/ xây dựng và kiểm điểm phương tiện

4/ xây dựng cơ sở quần chúng

5/ vận động quần chúng đứng dậy và tiến công giành chính
quyền.

Kinh nghiệm các cuộc cách mạng lớn cho thấy trong năm giai
đoạn này hai giai đoạn đầu khó khăn và dài nhất. Phải vài
thập niên mới xây dựng được một tư tưởng chính trị
đúng nghĩa và một đội ngũ nòng cốt đúng nghĩa, nhưng một
khi đã có hai yếu tố này rồi thì tổ chức có thể vận
dụng một cơ hội để giành thắng lợi trong vàì năm, thậm
chí vài tháng.

Đối chiếu với tình hình Việt Nam chúng tôi nhận định rằng
thời gian để xậy dựng tổ chức có thể còn lâu hơn do di
sản văn hóa Việt Nam. Người Việt Nam, nhất là trí thức,
không những không có tổ chức mà còn dị ứng với tổ chức,
hay nếu có nhìn thấy sự cần thiết của tổ chức thì cũng
không hiểu sự khó khăn của nó, và thường nhảy xổ vào giai
đoạn vận động quần chúng nổi dậy, nghĩa là giai đoạn
cuối cùng của tiến trình đấu tranh. Không khác gì chỉ muốn
hái quả mà không chịu trồng cây. Những manh động như vậy
chỉ có thể thất bại và gây thất vọng. Chúng tôi kết
luận: dù phải kiên trì trong nhiều thập niên, nghĩa là dài
hơn vốn thời gian hoạt động của hầu hết anh em chúng tôi,
cũng phải xây dựng tổ chức vì không có chọn lựa nào khác.
Chính kết luận này, mà tất cả chúng tôi đều hoàn toàn
nhất trí, đã khiến hai anh bạn chuyên gia rời tổ chức. Bình
thường người ta chia tay vì không đồng ý, ở đây chúng tôi
chia tay vì đồng ý. Chúng tôi vẫn là bạn.

Ngay cả giai đoạn vận động quần chúng mà nhiều người và
tổ chức cho là công việc duy nhất của cuộc đấu tranh vì
dân chủ cũng không như họ tưởng. Đã có vô số kinh nghiệm
và nghiên cứu về chủ đề này và tất cả đều có cùng một
kết luận là một khối quần chúng dù đông đảo và bị ức
hiếp đến đâu cũng không nổi dậy đánh đổ tập đoàn
thống trị. Họ chỉ nổi dậy khi đã hội đủ hai điều
kiện:

- Một là họ ý thức một cách rõ rệt rằng họ là
một khối người liên đới với nhau trong một số phận chung
đang bị một nhóm người khác ức hiếp. Nói cách khác, một
mặt, phải có một giải pháp chung cho tất cả chứ mỗi
người không thể luồn lách để tự giải quyết những vấn
đề cá nhân bằng những giải pháp cá nhân; và, mặt khác,
phải có sự hiện hữu được nhận diện một cách rõ rệt
của hai tập thể: một tập thể ta và một tập thể địch.

- Hai là quần chúng chỉ đứng dậy tranh đấu nếu có mộttổ
chức để động viên và lãnh đạo họ và tổ chức này phải
đủ mạnh để đem lại cho họ niềm tin vào thắng lợi. Quần
chúng không lãng mạn.

Chưa xây dựng được một tổ chức mạnh thì không động viên
được quần chúng, cùng lắm chỉ động viên được một số
nhỏ, rồi thất bại và gây thất vọng, như kinh nghiệm của
hơn ba mươi năm qua đã chứng tỏ.

Chuyển động xã hội đưa đến cuộc cách mạng thay đổi chế
độ diễn ra như thế nào? Điều kiện thứ hai trong bốn điều
kiện cần và đủ để một cuộc cách mạng thành công là
đảng cầm quyền mất lý tưởng và phân hóa để chỉ còn là
một hư cấu, chế độ chuyển từ độc tài đảng trị sang
độc tài cá nhân. Từ đó, bất mãn và phẫn nộ tập trung vào
một khuôn mặt cụ thể và dễ bộc lộ hơn trong khi đàn áp
cũng gia tăng một cách tự nhiên vì quyết định nằm trong tay
một người và người đó lại chính là đối tượng bị
chống đối. Vòng xoắn leo thang phẫn nộ - chống đối – đàn
áp - chống đối này sẽ đưa nhiều thành phần xã hội nhập
cuộc đấu tranh cho dân chủ. Kinh nghiệm cho thấy trong hầu như
mọi trường hợp chuyển hóa về dân chủ các thành phần này
thường nhập cuộc theo cùng một thứ tự đã được nhiều
nghiên cứu xác định, đặc biệt là một công trình nghiên
cứu rất công phu của Trung Tâm Woodrow Wilson Center, cho đến nay
chưa bị phản bác, qui tụ một số lượng đông đảo những
nhà nghiên cứu có uy tín trong hơn hai năm từ 1979 đến 1981.

- Đầu tiên là giới văn nghệ sĩ, những người cần tự do
nhất để có thể sáng tạo đồng thời cũng là những người
có bản chất phóng khoáng và chính quyền cũng không lo ngại.
Lớp người này tuy ít và hiểu biết chính trị sơ sài nhưng
lại có một khả năng động viên lớn do sức thu hút quần
chúng của họ.

- Kế tiếp là thành phần cởi mở trong đảng cầm quyền và
bộ máy nhà nước. Cần nhấn mạnh rằng mục đích ban đầu
của thành phần này không phải là thay đổi chế độ mà là
bảo vệ chế độ. Một phần vì cảm thấy không được đãi
ngộ xứng đáng, một phần vì sáng suốt, họ tin rằng chế
độ không thể tồn tại như hiện trạng và họ vận động
cải tiến nó để giúp nó tiếp tục tồn tại. Chỉ sau khi
những cố gắng này chứng tỏ rõ ràng là tuyệt vọng họ mới
đứng về phe dân chủ.

- Sau đó là các tập hợp ngành nghề, như các đoàn thể nhà
báo, luật gia, y sĩ, kiến trúc sư, nhà giáo, nhà nông v.v. Tất
cả đều bực bội vì ngành nghề của họ bị bế tắc do
chính quyền. Đặc tính chung của những chế độ độc tài tham
nhũng là tất cả mọi ngành nghề đều bị chèn ép, quyền
lợi tập trung trong tay một vài băng đảng tay chân của chính
quyền, vì thế mỗi tập thể đều là một trái bom nổ chậm
và khi một ngành đứng dậy phản đối thì một cách nhanh
chóng các ngành nghề khác cũng hưởng ứng theo.

- Sau cùng là tuổi trẻ, thanh niên và sinh viên. Khi tuổi trẻ
đã nhập cuộc một cách đông đảo thì sự sụp đổ của
chính quyền là điều chắc chắn.



Những nghiên cứu này có thể giúp giải thích biến cố Thiên
An Môn năm 1989 trong đó sinh viên Trung Quốc đã nổi dậy và
bị tàn sát nhưng sau đó chính quyền cộng sản Trung Quốc vẫn
đứng vững. Đó là vì tuổi trẻ Trung Quốc đã nổi dậy
bồng bột và đơn độc trong một xã hội chưa sẵn sàng. Con
số 10.000 sinh viên trong một nước với 1.300 triệu người cũng
là một tỷ lệ quá nhỏ. Chúng cũng giải thích tại sao tình
hình Việt Nam đã không chuyển động cho tới nay, đồng thời
cho phép đánh giá mức độ chín muồi của tiến trình dân chủ
hóa tại nước ta.

Giới văn nghệ sĩ Việt Nam đã bất động; họ không cần tự
do vì không có nhu cầu sáng tạo. Văn học và nghệ thuật Việt
Nam không sáng tạo và do đó không làm nảy sinh nhu cầu đòi
tự do. Điều này chúng ta có thể thấy rõ, văn nghệ sĩ Việt
Nam hải ngoại không bị kềm kẹp nhưng cũng không có sáng tạo
nào dù những thảm kịch của giai đoạn lịch sử vừa qua đã
có thể là chủ đề cho những tác phẩm rất lớn, các ca sĩ
hát đi hát lại những bản nhạc đã quá cũ về cả nhạc lẫn
lời và ý. Chỉ mới gần đây mới có những hiện tượng
Việt Khang, Kim Chi v.v. Hy vọng đó là những con én báo mùa
xuân.

Các tập thể nghề nghiệp cũng không nhiều tâm sự. Kể cả
hai tập thể đông đảo đáng lẽ phải rất đau nhức là giới
nhà báo và giới luật gia. Họ bị bắt buộc phải hàng ngày
phản bội nghề nghiệp và danh dự của mình, nhà báo phải
xuyên tạc, thẩm phán phải xử ngược với luật pháp và
lương tâm, luật sư không được bào chữa tận tình. Thậm chí
cơ quan lập pháp cao nhất, quốc hội, cũng là cơ quan quyền
lực cao nhất trên danh nghĩa, cũng không hề phiền lòng khi
luật pháp và hiến pháp bị vi phạm thô bạo. Chắc chắn
tuyệt đại đa số "đại biểu" tin chắc rằng vai trò của
quốc hội chỉ là để làm công cụ cho chính phủ và không
cần thắc mắc.

Vậy phải chăng chỉ còn trông đợi ở những "thành phần sáng
suốt" trong đảng và nhà nước cộng sản? Không ít người tin
như vậy, nghĩa là Việt Nam chỉ có thể thay đổi nhờ một
"Gorbachev Việt Nam" hay là nhờ đảng cộng sản tự vỡ, tự
tách. Nếu như thế thì còn phải chờ đợi rất lâu vì các
"thành phần sáng suốt" này hoặc chỉ muốn chấn chỉnh đảng
để có thể chống lại dân chủ, hoặc chỉ lên tiếng kêu
gọi dân chủ một cách rụt rè sau khi đã trở thành những vị
"nguyên là". Các xung khắc trong nội bộ đảng và nhà nước
cộng sản có và ngày càng nhiều nhưng vẫn chưa đủ mạnh
để đẩy một cấp lãnh đạo thất vọng nào vào hàng ngũ dân
chủ.

Một số người, chủ yếu ở hải ngoại, hy vọng khối dân oan
sẽ là chủ lực của cuộc tiến công giành dân chủ. Nhưng
khối dân oan là một khối cần được giúp đỡ hơn là một
lực lượng. Họ không phải là một tập thể liên đới. Họ
đi cùng nhau nhưng không có đòi hỏi chung. Họ chỉ có thể
hưởng ứng và tăng cường cuộc nổi dậy đòi dân chủ chứ
không thể là chủ lực.

Nhưng tại sao các thành phần đáng lẽ phải đi đầu trong
đấu tranh dân chủ hóa lại bất động như thế? Đó là vì
mọi thành phần xã hội đều phải do trí thức lãnh đạo,
nhất là trong kỷ nguyên tri thức này, trong khi trí thức Việt
Nam nhất định không chịu đảm nhiệm vai trò của mình. Thay
đổi từ độc tài sang dân chủ là một cuộc cách mạng lớn,
rất lớn, nhưng trí thức Việt Nam, hậu duệ của giai cấp sĩ
ngày xưa, chỉ có văn hoá làm quan chứ không có văn hóa cách
mạng, họ được đào tạo và tự đào tạo để làm công cụ
cho một chế độ chứ không phải để thay đổi chế độ. Cái
kẹt của chúng ta là thế. Quần chúng Việt Nam đã chín muồi
cho một cuộc chuyển động về dân chủ nhưng trí thức thì
không. Chúng ta giống như một đoàn tàu mà các toa tầu đều
đã sẵn sàng nhưng động cơ chưa chạy. Tình trạng này không
mới, nó chỉ là sự tiếp nối của một di sản lịch sử và
văn hóa. Do ảnh hưởng tồi tệ của Khổng Giáo, một hằng
số trong lịch sử Việt Nam và Trung Hoa là những thay đổi chế
độ đều hoàn toàn không do kẻ sĩ mà do những vương tôn,
những võ tướng hay những anh hùng áo vải xuất phát từ quần
chúng.

Trí thức Việt Nam thừa hưởng của giai cấp sĩ ít nhất hai
tật nguyền nặng nề.

Một là họ hoàn toàn không có văn hóa chính trị. Những sĩ
tử đậu những khoá thi thơ phú vớ vẩn được cử làm quan
trị dân để lại cho lớp hậu duệ thành kiến tệ hại là
làm chính trị không cần phải học. Trí thức Việt Nam không
có kiến thức chính trị không phải vì không học nổi mà vì
không thấy cần phải học.

Tật nguyền thứ hai, còn nghiêm trọng hơn, là họ không yêu
nước. Tổ quốc trước hết là đồng bào, yêu nước trước
hết là quí trọng đồng bào của mình nhưng mộng đời của
kẻ sĩ trong hàng ngàn năm đã chỉ là được làm quan để
"giúp vua trị nước", nghĩa là làm tay sai cho một bạo quyền
để thống trị và bóc lột quần chúng. Trong mỗi trí thức
Việt Nam đều mai phục một tên phản quốc. Đó là lý do
khiến trí thức Việt Nam không phẫn nộ trước một chính
quyền kéo đất nước vào thảm họa một cách hung bạo, hay
không đủ phẫn nộ để thấy phải có phản ứng.

Trí thức Việt Nam vẫn chứng tỏ chưa khắc phục được hai
tật nguyền truyền kiếp này.

Nói như thế không có nghĩa là đất nước không có lối thoát.
Trí thức Việt Nam về kiến thức và kỹ năng không thua kém
trí thức nhiều nước dân chủ phát triển. Họ thiếu ý chí,
nhưng ngay về điểm này họ cũng đã thay đổi khá nhiều. Tâng
bốc chế độ cộng sản là điều không một trí thức nào còn
đủ trơ trẽn để làm nữa. Anh bạn tôi kể chuyện một trí
thức khá nổi tiếng từng đóng góp nhiều cho thắng lợi của
đảng cộng sản. Vị này nói rằng: "<em>Có lẽ chúng tôi lại
sắp phải hy sinh một lần nữa</em>". "Chúng tôi" là những vị
"nguyên là" đã từng có danh phận trong chế độ. Hơi muộn,
nhưng cũng còn hơn không.

Nhưng hy vọng không phải ở đó. Hy vọng vì một lý do khác.
Lớp trí thức cũ có thức tỉnh và nhập cuộc thì càng tốt
nhưng họ không còn là thành phần không có không được nữa.
Một lớp trí thức mới đã xuất hiện và ngày càng đông
đảo. Họ không phải chỉ là những sinh viên. Các sinh viên
chỉ là một thiểu số. Trong đại đa số họ là những người
ở lứa tuổi 25 – 45, đã tốt nghiệp và đã tự lập. Họ
gặp nhau, kết bạn và trao đổi với nhau trên mạng qua các
Blog, Twitter, Facebook. Họ đã thất vọng với thế hệ cha anh và
có lý. Thế hệ F. Họ ngày càng đông đảo và những trao đổi
của họ càng ngày càng có chất lượng. Thực tế cơ bản của
Việt Nam hiện nay là đang có hai không gian chính trị, một
không gian thực trong đó người ta bắt buộc phải nói dối và
một không gian ảo trong đó người ta nói thực. Chính quyền
cộng sản khống chế không gian thực nhưng đã bị đánh bật
khỏi không gian ảo mặc dù những phương tiện khổng lồ và
một đội ngũ công an mạng hùng hậu bởi vì không có gì để
nói. Dùi cui và chó nghiệp vụ không thể sử dụng trên mạng.
Trong thế giới ngày nay không gian mạng quan trọng hơn hẳn
không gian thực và ngày càng áp đảo hơn nữa. Đã thất bại
trên không gian mạng thì chắc chắn sẽ thất bại trên thế
giới thực. Một sản phẩm của không gian mạng là lớp người
mà Việt Nam mong đợi nhưng chưa có: lớp trí thức chính trị.
Thắng lợi của dân chủ sẽ tới khi lớp trí thức này đủ
mạnh và gắn bó để dắt tay nhau từ không gian mạng bước ra
đời thực. Quần chúng đã chín muồi và đang chờ đợi họ.

Bao giờ? Không ai có thể quả quyết, chỉ biết chắc một
điều là đặc tính của không gian mạng là sự nhanh chóng.

Chúng ta cũng có thể đóng góp để tiến trình này nhanh chóng
hơn. Lớp người lớn tuổi bằng thái độ khuyến khích và
hợp tác khiêm tốn. Lớp trẻ bằng cách dứt khoát đoạn
tuyệt với văn hóa nhân sĩ của tầng lớp cha anh và quả
quyết sống như những con người tự do, quả quyết sống khác
với cách cha anh mình đã sống. Họ sẽ hiểu, họ đang hiểu,
rằng tự do và dân chủ không bao giờ miễn phí mà luôn luôn
đòi hỏi phấn đấu và hy sinh để có. Và một khi đã quyết
định đấu tranh tranh thực sự họ sẽ hiểu rằng chỉ có
thể giành thắng lợi cho dân chủ nếu xây dựng được một
tổ chức dân chủ có tầm vóc. Họ cũng sẽ hiểu phải làm gì
và như thế nào trong mỗi chặng đường.

Nguyễn Gia Kiểng
(tháng 01/2013)

(1) <a
href="http://ethongluan.org/index.php?option=com_content&view=article&id=2137:dang-csvn-da-chet&catid=44:tham-lun">Đảng
Cộng Sản Việt Nam đã chết!</a>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130128/nguyen-gia-kieng-chin-muoi-toi-muc-do-nao),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét