Minh Văn - Kỹ nghệ tuyên truyền Cộng Sản

Cổ nhân có câu: <em>"Trăm nghe không bằng một thấy"</em>.
Chỉ khi nào được chứng kiến sự việc thì chúng ta mới
thực sự thấm thía và thấu hiểu nội tình. Không nên chỉ vì
nghe một ai đó nói mà vội tin, nhất là trong xã hội Cộng
Sản bấy giờ. Hãy xem họ làm gì và làm như thế nào, thay vì
nghe họ nói như thế nào. Tốt nhất là kết hợp cả hai, để
xem lời nói có đi đôi với việc làm hay không.

Gần đây trên toàn quốc, người ta thực hiện cái chương
trình gọi là <em>"Xây dựng Nông Thôn mới"</em> do nhà nước
đề xướng. Ban đầu họ nói với người dân rằng: Sẽ
được dồn điền đổi thửa, thay vì những mẫu ruộng nhỏ
bé trước đây thì bây giờ sẽ là những cánh đồng mẫu lớn
thẳng cánh cò bay. Những máy móc hiện đại sẽ chạy tới lui
trên các cánh đồng như thoi dệt. Sức lao động của con
người sẽ được giải phóng, nhân dân chỉ việc giành thời
gian rỗi để mà vui chơi và hưởng thụ cuộc sống.

Theo đó thì bức tranh <em>"nông thôn mới"</em> quả thực là
sáng lạn. Ai cũng có cảm nghĩ như vậy khi nghe nhà nước nói.
Lòng dân phơi phới và tràn đầy tin tưởng vào tương lai.

Ấy thế nhưng khi bắt tay vào "<em>Xây dựng nông thôn
mới</em>" thì lòng dân như thế nào? Có thể nói họ như từ
thiên đường hy vọng mà rơi xuống vực thẳm của sự thất
vọng vậy. Người nông dân tưởng rằng, sau mấy chục năm
phải sống cảnh "con trâu đi trước cái cày theo sau" để
nuôi đảng, thì nay mình thực sự được giải phóng và đổi
đời. Hỡi ôi, nhưng khi nhà nước thực hiện cái chủ trương
"vĩ đại" đó thì mới thấy người dân không được thêm
cái gì cả, mà còn bị thiệt đơn thiệt kép. Nhà nước đã
cho người dân tiếp tục xơi "quả lừa" như những gì
trước đây họ vẫn làm với dân. Sau đây là vài mẫu đối
thoại của người viết với những người dân nơi thôn cùng
ngõ hẽm:

Tại mấy ngôi hàng nhỏ bán rau quả, các bà các chị đang xì
xầm với nhau về chuyện chia ruộng <em>"xây dựng nông thôn
mới"</em>. Người viết nghe họ nói vậy, cũng vui vẻ mà xen
vào hỏi chị hàng rau:

- <em>"Xây dựng nông thôn mới"</em> thì người dân mình
được gì hả chị?

- Chả được gì chú ạ, đã vậy mỗi người phải đóng thêm
170.000đ. Hộ nào nhiều người thì đóng càng nhiều.

- Vậy mình có được chia thêm ruộng không? Tổng thu nhập có
được nhiều hơn?

- Không được nhiều tiền hơn, ruộng thì còn bị bớt đi chú
ạ.
Bác hàng thịt thêm vào:

- Lại còn phải lao động công ích làm thủy lợi và đắp bờ
nữa, chả thấy nhà nước cho dân cái gì, chỉ thấy dân mất
thêm tiền và công sức thôi.

Thấy sự vô lý như vậy, người viết thắc mắc:

- Vậy thế họ nói <em>"xây dựng nông thôn mới"</em> là
mới chỗ nào các bác nhỉ?

Cô hàng giò nói trong tiếng thở dài:

- Cái này chỉ có lên trung ương mà hỏi chú ơi, chúng tôi ở
đây thì đành chịu thôi!...

Người viết toan hỏi nữa, nhưng chợt nhớ đến chuyện mấy
người dân oan chỉ vì lên tận trung ương để tâu bày sự
thật mà bị công an đánh đập và bắt giam nên đành thôi. Như
vậy kể như cũng đã có câu trả lời đích đáng rồi.

Lần khác người viết lân la chơi nhà mấy người quen biết.
Tại đây, mấy hộ dân đang tập trung làm đơn tố giác chính
quyền lợi dụng chủ trương <em>"xây dựng nông thôn
mới"</em> để cướp đất ruộng của dân. Họ xôn xao ra
chiều bức xúc lắm, người nào cũng lớn tiếng phản đối.
Sự thể là thế này: Chính quyền địa phương nói với người
dân là cần làm một con đường lớn để xây dựng nông thôn
mới. Vì con đường này đóng vai trò đưa máy móc cơ giới vào
sản xuất nên rất quan trọng. Theo đó, đường sẽ được làm
rộng 12m, người xe có thể qua lại thong dong. Điều quan trọng
là người dân nghe được thông tin rằng, dọc hai bên đường
chính quyền sẽ cho bán đất ở, cụ thể là mỗi lô đất có
giá khoảng 300 triệu đồng. Mỗi sào đất có thể chia làm ba
lô như vậy. Trong khi đó họ đền bù cho người dân có con
đường đi qua với giá khoảng 800 ngàn đồng/sào. Người dân
bấm ngón tay nhẩm tính: Nếu chính quyền bán theo giá đất ở,
thì mỗi sào đất sẽ có giá gần một tỉ đồng, vậy là
chính quyền có lãi cũng ngót ngần ấy tiền. Coi như đất của
mình bị cướp không, thử tính xem: 1 tỷ so với 800 ngàn?
Người dân nóng tiết như cua bị quẳng vào nồi nước sôi.
Một cụ răng đã móm mém, vừa nhả khói thuốc lào mù mịt
vừa nói lớn:

- Không thể có chuyện hôm qua đang là đất của mình, mà hôm
nay lại của chính quyền được. Chỉ trong một đêm mà nhà
nước kiếm được mỗi sào ruộng gần 1 tỷ bạc, họ không
mất công sức gì cả. Như thế có phải họ kiếm tiền quá
khỏe không?

Một cụ khác co ro trong áo nâu sồng, để lộ cơ thể khẳng
khiu vì cả đời chống chọi với sương gió. Sau khi tu bát
nước chè ừng ực, cụ khảng khái tuyên bố:

- Còn ruộng thì mình còn có cái ăn, bây giờ nhận mấy đồng
tiền đền bù rồi sau này cả nhà lấy gì mà ăn. Việc làm
thì nhà nước không lo cho mình, tôi thì quyết chống đến cùng
cái chủ trương cướp đất này!

Rồi vì bức xúc quá, mỗi người rộ lên một câu:

- Nếu như họ đền bù cho mình giá cao thì còn được...

- Như thế thì có khác gì cướp không?...

- Lẽ ra xây dựng <em>"nông thôn mới"</em> thì nhà nước
phải hỗ trợ thêm cho người dân mới phải, đằng này lại
còn ăn cướp của dân...

.....

Tối nay tôi xem ti vi, tình cờ được nghe bản tin VTV1 của nhà
nước đưa tin về chuyện xây dựng nông thôn mới. Cô phát
thanh viên truyền hình xinh đẹp, với vẻ mặt tươi cười đang
đọc bản tin có nhan đề: <em>"Niềm vui xây dựng nông thôn
mới"</em>. Họ nói rằng, khắp nơi trên cả nước người dân
đang hồ hởi xây dựng nông thôn mới. Nhân dân phấn khởi và
tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương, đường lối đúng
đắn của đảng và nhà nước, vì thế mà nhiều hộ dân còn
hiến cả đất để làm đường giao thông nông thôn. Hình ảnh
minh họa là mấy chú lâu la của nhà nước đứng bên cạnh
chiếc công nông đang nổ phành phạch mà phát biểu những lời
đảng dạy. Nói chung là niềm vui đang tràn ngập khắp làng
trên ngõ dưới. Thất vọng cho người nông dân, và cũng vì quá
ngỡ ngàng với cách thức tuyên truyền trơ trẽn của nhà
nước nên tôi tắt phụt cái ti vi cho đỡ tức. Nhà nước đã
bất chấp sự thật, họ chỉ cần tuyên truyền hình thức để
lừa bịp người dân. Nén tiếng thở dài, tôi tự nhủ: -
<em>"Biết làm sao được, truyền thông độc quyền mà, nếu
như có thông tin tự do thì sẽ khác...".</em>

Mấy hôm sau, một tin buồn nữa lại đến với những người
nông dân chân chính mà tôi đã gặp, đó là chuyện chống đối
chủ trương làm đường của họ đã thất bại. Chính quyền
địa phương đã cho máy ủi và máy xúc đến để đào ruộng
của dân mà làm đường. Giá cả đền bù không thay đổi, trong
khi giá cho mỗi lô đất ở vẫn là 300 triệu đồng.

Ti vi và báo đảng vẫn tràn ngập những thông tin về <em>"xây
dựng nông thôn mới"</em> đầy huy hoàng tráng lệ. Trong khi
đó trên những cánh đồng, người nông dân vừa đi theo cái
cày vừa quất đen đét vào mông con trâu để mà trút giận,
đồng thời ngâm rằng:

<em><center>"Ai ơi ai hỡi có hay?
Con trâu (vẫn) đi trước cái cày (vẫn) theo sau..."</center></em>

Liệu trên đời có ai lại đi làm những việc vừa mất công
sức, tiền của vừa lại không được lợi ích gì không nhỉ?
Ngược lại còn bị thiệt hại đủ điều. Chắc chỉ có
người điên mới làm như vậy, cụ thể ở đây là những
người Cộng Sản, thưa quý vị.

07.01.2013

<strong>Minh Văn</strong>





***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130107/minh-van-ky-nghe-tuyen-truyen-cong-san),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét