Lý Lan - Im lặng = chết

"<em>Tôi nghe em đã chống cự để tự vệ. Tôi nghe rằng
việc em chống cự đã khiến em bị bạo hành dã man hơn. Tôi
nghe em đã không chịu buông xuôi. Tôi nghe em nói em muốn
sống.</em>"

Đó là câu mở đầu của bài "<strong><em>Gởi người đàn bà
chiến đấu tôi không quen biết</em></strong>" của nhà văn Ấn
độ Monsoon Bissell đăng trên The Hindu ngày 5/1/2013. The Hindu là
một nhật báo quốc gia xuất bản ở Ấn, có website bằng
tiếng Anh (thehindu.com) đông người truy cập từ khắp thế
giới, nhứt là từ khi xảy ra vụ hiếp dâm tập thể ở Delhi.
Tôi cũng là một trong những người tìm đọc trên chính báo
chí Ấn để cố hiểu điều gì đang xảy ra cho phụ nữ ở
nước này và tại sao như vậy.

Những vụ hiếp dâm vẫn tiếp tục xảy ra. Hôm
nay cảnh sát đã bắt hai người đàn ông, trong đó có một
thầy giáo, vì đã hiếp dâm ít nhứt 9 trong số 40 học sinh
nội trú. Hôm qua một cô gái bị hiếp dâm đã tự thiêu. Hôm
kia, hôm trước nữa, và hôm trước nữa… hầu như ngày nào
cũng có án hiếp dâm. Những vụ hiếp dâm được đăng báo là
những vụ có cảnh sát can thiệp, bắt giam hay truy tố thủ
phạm. Còn bao nhiêu vụ không "lên báo", không trình báo cho
chính quyền, thủ phạm nhởn nhơ, nạn nhân câm nín?

The Hindu mở diễn đàn chống hiếp dâm. Nhiều tiếng nói tranh
luận đặt vấn đề tại sao mà hiếp dâm trở thành một
điều được bình thường hóa trong một xã hội có nền văn
minh thâm căn như Ấn độ? Làm cách nào đối đầu với vấn
đề xã hội này? Nhiều nơi nhiều tổ chức khác nhau cũng có
những cuộc thảo luận và thuyết giảng. Quốc gia của một
tỷ hai trăm rưởi triệu người này không thể có một giải
pháp đơn giản cho bất cứ vấn đề gì. Trong khi đa số phẫn
nộ đòi hỏi chính quyền những biện pháp quyết liệt chống
lại tội ác tình dục này thì một số người cho là phụ nữ
phải chịu một phần trách nhiệm khi bị hiếp dâm!

Có người cho rằng phụ nữ phải có cử chỉ đoan trang, ăn
mặc kín đáo, không đi chơi ban đêm, ra đường phải đi cùng
cha anh… để được an toàn. Một ông đạo tự xưng là
người-trời cho rằng cô sinh viên 23 tuổi bị hiếp dâm và
chết là do cô thiếu đức tin: nếu cô cầu nguyện Trời Phật
phù hộ thì đã không lên chiếc xe buýt định mệnh, và khi
những người đàn ông trên xe toan hãm hiếp cô, nếu cô quì
xuống chân họ van xin lòng thương hại, gọi họ là "anh"
thì đã không phải lãnh một kết cục bi thãm. Lại còn vấn
đề danh dự / ô nhục: Tại sao nạn nhân lại là nỗi ô nhục?
Chứ không phải kẻ thực hiện hành vi tội ác chống con
người, chống phụ nữ, chống xã hội văn minh?

Cô gái mà đến giờ vẫn bị giấu tên đã không cầu xin thần
thánh hay những người đàn ông. "<em>Tôi nghe em đã chống
cự để tự vệ. Tôi nghe rằng việc em chống cự đã khiến em
bị bạo hành dã man hơn. Tôi nghe em đã không chịu buông xuôi.
Tôi nghe em nói em muốn sống.</em>"

Ấn độ và nước ta có chung một số đặc điểm văn hóa, coi
trọng lòng vị tha, tính nhân ái, lòng hỉ xả từ bị, đức
hiền hòa nhẫn nhịn. Oái oăm là những giá trị đó đều
được đề cao như phẩm hạnh phụ nữ, được gia đình giáo
dục cho con gái, xã hội cũng lấy đó làm thước đo đạo
đức phụ nữ. Một quan niệm còn thịnh hành trong xã hội Ấn
cũng như xã hội chúng ta là phụ nữ (phái đẹp) tất nhiên là
đối tượng cám dỗ đàn ông, "hoa đẹp cho người ta hái,
gái đẹp cho người ta yêu". Quấy rối tình dục và cưỡng
bức tình dục được coi là biểu hiện nam tính, thể hiện nam
quyền. "Đàn ông không uống rượu, không cua gái, không phải
đàn ông!"

(Một lần tôi đi xe buýt từ Bình Dương về Sài Gòn, xe đông,
chợt một cô gái la lên "Làm gì vậy?" Tôi nhìn về phía cô
thấy một gã trai đứng sát cô cười nham nhở: "Đã làm
được gì đâu?" Vài ba tiếng cười phụ họa nổi lên trong
đám trai chung quanh. Cô gái giận run người, mắt long lên sòng
sọc, mặt đỏ bừng. Gã trai cười hề hề: "Gì dữ vậy?
Mới đụng chút xíu mà nứng rồi sao?" Tôi chờ cô gái tát
vào mặt gã trai hay ít nhứt cũng mắng gã là đồ mất dạy hay
vô văn hóa. Nhưng cô bất động, im lặng. Rồi chen ra cửa,
xuống xe ở trạm dừng ngay lúc đó. Chắc đó không phải là
điểm đến, chẳng qua là cách duy nhứt để cô thoát khỏi
một cuộc quấy rối tình dục. Đám trai còn lại trên xe tiếp
tục cười đùa tục tỉu, những hành khách khác, kể cả tôi,
chỉ biết im lặng.)

Sự im lặng và sự cam chịu là xiềng xích vô hình đã trói
buộc phụ nữ vào những giá trị mà nam giới đã đặt định
cho họ và đặt họ ở vị trí thấp kém lệ thuộc. Báo The
Hindu hôm kia đăng tin một phụ nữ làm việc cho một bác sĩ
đã bị ông hiếp dâm nhiều lần trong suốt bốn năm, chị đã
im lặng trong sợ hãi vì bị đe dọa và vì áp lực kinh tế.
Cuộc xuống đường sau cái chết của cô gái bị hiếp dâm
trên xe buýt đã khiến người phụ nữ này có một quyết
định dũng cảm là tố cáo kẻ đã đày đọa mình lâu nay, tự
giải phóng mình khỏi sự sợ hãi và nỗi ám ảnh ô nhục.

"<strong>Im lặng = chết</strong>" là khẩu hiệu của những
nạn nhân cuộc thảm sát diệt chủng của Phát xít Đức hồi
thế chiến thứ II. Những nạn nhân sống sót và những nhân
chứng đã lên tiếng tố cáo tội ác Đức quốc xã, đến nửa
thế kỷ sau người ta vẫn còn viết sách, làm phim, dựng viện
bảo tàng, để nhân loại không bao giờ quên và không bao giờ
tha thứ một tội ác như vậy đối với loài người. Hiếp dâm
là một tội ác đối với phụ nữ mà nhân loại không thể tha
thứ, và đừng bao giờ lãng quên. Monsoon Bissell viết :
"<em>(Chúng ta im lặng) đủ rồi. Không thể im lặng nữa.
Hiếp dâm là cái chết và đừng để ai nói trớ đi. Nó giết
chết một cách sống. Nó giết chết cả linh hồn. (Cô gái bị
hiếp dâm trên xe buýt) đã không để chúng ám sát cách sống
và linh hồn của em và tất cả chúng tôi đứng lên đoàn kết
với em. Phụ nữ khắp nước này đã nổi dậy và thét to. Một
số đàn ông cũng tham gia với chúng ta, và giờ đây chúng ta
tìm được sức mạnh chung. Chúng ta không thể để mất cái
đà này, tâm huyết này, cơ hội có một cuộc sống khác
này.</em>"

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130120/ly-lan-im-lang-chet), một số
đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời độc
giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận
có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng
dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét