Lý Lan - Câu chuyện phải viết lại

<center><img
src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjtATSeHrta_Aar66J6BgYIKzDRNSxhAwwa9N0t6qQOmBjTYgIiFOA5YWM_4L51UfSqCoQKSnNDyi8w7C9Xoe8pLUtyIHy45vyOyjEn_MjKrShI9bL3dthi-cMEPVEY0al1onn6_lU5NZo/s320/Peace-prayer-in-New-Delhi-010.jpg"
/></center>
Năm 2013 được chào đón trên trái đất trước tiên bằng pháo
hoa rực rỡ trên bầu trời New Zealand và Úc, và yến tiệc tưng
bừng như thông lệ. Rồi ngược chiều kim đồng hồ, nhã nhạc
hoan ca cùng lời chúc tụng nối tiếp nhau rộn rã trong những
lễ tiệc giao thừa ở Nhật, Hàn, Philippines, Indonesia, Malaysia,
Thái, Việt, Lào, Kampuchea, Miến Điện… Những nơi tiết kiệm,
người ta cũng gióng chuông đánh trống hay khui một chai rượu
chúc nhau hạnh phúc, phát tài.

Nhưng trên đất nước có dân số đông thứ nhì trên thế
giới, Ấn Độ, tiệc tùng bị bãi bỏ, lễ lạc chìm lắng,
dân chúng căng thẳng, chính quyền lo lắng, những nơi giải trí
công cộng đóng cửa, trên đường phố thủ đô một đoàn
người lặng lẽ bước đi, miệng bịt bằng một giải khăn
đen, tay cầm nến trắng. Nỗi đau thương và phẫn nộ bao trùm
đất nước vì cái chết của một cô gái.

Tên của cô không được tiết lộ trên hệ thống
truyền thông theo luật nước Ấn, nhằm tránh "ô nhục" cho
gia đình người bị hiếp dâm. Nhưng bạn bè, và giờ đây mọi
người trên khắp thế giới, đều biết cô là ai. Xuất thân
trong một gia đình lao động, con gái đầu lòng của một
người phu bốc vác, chị của hai người em, cô đã chọn con
đường vươn lên bằng học tập. Ở tuổi 23, được nhận
vào học khoa Vật lý trị liệu của trường Y, tưởng như cô
đã cầm được chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai
tươi sáng mà những người thuộc thế hệ và đẳng cấp của
cô ước mơ: một nghề nghiệp chuyên môn hứa hẹn một mức
sống trung lưu trong một xã hội đang nhanh chóng hiện đại
hóa, đô thị hóa.

Một hôm cô cùng người bạn nam đi xem phim về, lên một chiếc
xe buýt. Trên xe có sáu người đàn ông, kể cả tài xế. Họ
chọc ghẹo và xúc phạm cô gái, đả thương người bạn của
cô. Cô phản kháng, chúng bèn "dạy cho cô một bài học"
bằng đánh đập và hiếp dâm cô trên chiếc xe búyt chạy vòng
vòng trong thành phố, sau đó quăng cô và người bạn xuống
đường, toan cho xe búyt cán qua người cô, nhưng bạn cô dù bị
thương nặng đã cố gắng đẩy cô ra khỏi đường lăn của
bánh xe.

Sự việc xảy ra ngày 16 tháng 12 năm 2012, chỉ hai ngày sau vụ
thảm sát ở trường tiểu học Sandy Hook bên Mỹ. Sự hãi hùng,
điên rồ, vô nghĩa của vụ thảm sát lấp hết mặt bằng
truyền thông thế giới. Vả chăng, ở Ấn độ cứ trung bình 20
phút là cảnh sát nhận được một trình báo về hiếp dâm.
Riêng ở Delhi, trong năm 2012 đã có 635 vụ hiếp dâm được
trình báo, nhưng chỉ có một vụ bắt giam. Phụ nữ bị hiếp
dâm là "chuyện thường ngày" ở Ấn, phần lớn người ta
ỉm đi, vì kiện cáo lùm xùm thêm nhục nhã rồi mọi việc
cũng chìm xuồng.

Nhưng khi chiếc ly đã đầy thì chỉ một giọt nước nữa
nhễu xuống là tràn ly. Cơn giận bùng phát của dân chúng,
không chỉ vì hành động hiếp dâm tập thể bạo tàn trên
chiếc xe buýt đã xúc phạm mọi người Ấn văn minh khiến họ
nhục nhã và phẫn nộ, mà còn vì một xã hội đang cố nâng
lên tầm hiện đại, cố hội nhập thế giới tiên tiến, không
thể là nơi nhân phẩm và thể xác phụ nữ bị chà đạp rẻ
rúng như vậy.

Sinh viên xuống đường đòi công lý cho bạn mình, phụ nữ
biểu tình đòi cải cách một xã hội bất bình đẳng giới,
phụ huynh tuần hành đòi hỏi luật pháp nghiêm minh và hiệu
quả hơn trong việc bảo vệ con em mình. Bà Sonia Gandhi, chủ
tịch quốc hội, phải cam kết với dân chúng rằng sự phẫn
nộ của họ, tiếng nói của họ, đã được nghe thấy. Những
người nổi tiếng, các ngôi sao ca nhạc điện ảnh từng có
những tác phẩm hay biểu hiện cợt đùa coi thường phụ nữ
vốn bị chỉ trích từ trước, giờ hoặc im lặng hoặc công
khai xin lỗi công chúng, thay đổi quan điểm.


Chỉ cần nhìn những gương mặt và ngôn ngữ thân thể của
những phụ nữ, thanh niên, cụ già, và cả trẻ em tham gia
những cuộc biểu tình qua ảnh chụp và phim, có thể cảm nhận
được làn sóng mãnh liệt đang lan tỏa trong xã hội Ấn. Đó
không phải là những người biểu tình chuyên nghiệp, cũng
không phải những kẻ ngẫu hứng nhứt thời. Đó là những
người lương thiện nổi giận đang kiên quyết hành động vì
một tương lai an toàn hơn cho phụ nữ Ấn. Trong số họ nhiều
người thuộc tầng lớp trung lưu và trí thức.

Họ tổ chức những cuộc thảo luận ở các trường đại
học, đăng ý kiến trên các phương tiện truyền thông trong và
ngoài nước. Thế giới nghe thấy họ, và hướng về họ với
dự đồng cảm và sẵn sàng ủng hộ. Trong lúc những cuộc
hiếp dâm vẫn tiếp tục xảy ra hàng ngày ở khắp nơi trên
nước Ấn. Và cô gái bị hiếp dâm tập thể trên xe buýt đang
tuyệt vọng bám níu sự sống. Nội tạng cô đã bị tổn
thương trầm trọng, dù chính phủ đã đưa cô ra nước ngoài
điều trị, cô đã không sống nỗi.

Cái chết của cô không chỉ là niềm hy vọng tắt ngấm của
người cha bốc vác nuôi con vào đại học, của những đứa em
đang dõi theo con đường vươn lên của chị, của người mẹ
thầm lặng hy sinh tất cả cho đứa con gái đã đem lại cho bà
niềm tự hào. Không chỉ người dân Ấn đau đớn. Khi đọc
cái tin dữ đó, tôi nghẹn ngào, đau thắt ngực, nước mắt
không thể ngừng tuôn ra. Và, dù không phải là người dân Ấn,
mà là một phụ nữ, một con người, tôi thấy mình nổi giận
trong nỗi đau nỗi buồn đầy chật lồng ngực. Hẳn là những
con người, những phụ nữ khác đâu đó trên thế giới cũng
cảm thấy như tôi.

Sáu người đàn ông đã hãm hiếp và giết hại cô gái đã bị
bắt và giải ra tòa để chịu hình phạt của luật pháp và
công luận. Một bộ luật mới để bảo vệ phụ nữ hiệu
quả hơn đang được bàn luận. Cơn giận của công chúng đã
nguôi đi, hoặc đã chìm xuống dưới nỗi buồn đau mất đi
người con gái 23 tuổi thông minh giỏi giang đầy hứa hẹn. Cô
đã trở thành tro bụi hòa tan trong giòng sông mẹ mênh mông.
Bỏ lại cõi nhân gian này cho chúng ta. Điều gì sẽ xảy ra? Có
người nói: Sáu tháng sau câu chuyện này sẽ được quên đi,
đâu lại vào đấy.

Vì vậy tôi phải viết lại câu chuyện này. Vì nếu người ta
quên nó đi thì nó sẽ lại xảy ra, và có thể xảy ra ngay tại
nơi em gái, cháu gái tôi đang sống.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130107/ly-lan-cau-chuyen-phai-viet-lai), một
số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời độc
giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận
có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng
dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét