Lê Minh Tiến - Ngôn ngữ gỗ

TT - Đến giờ này nhiều người trong chúng ta đều đã quá quen
thuộc với những câu văn, cụm từ như "sẽ xử lý nghiêm
bất kể đó là ai" hoặc "không có vùng cấm trong xử
lý..." và còn nhiều cụm từ, câu văn khác nữa vốn đã và
đang được dùng đi dùng lại thành sáo ngữ khiến ai cũng có
cảm giác nhàm chán khi nghe đến.

Xét về mặt lịch sử, sáo ngữ hay "ngôn ngữ gỗ" (langue de
bois) đã xuất hiện từ thế kỷ 16 tại nước Anh nhưng sau đó
được dùng nhiều trong thời Liên Xô cũ. Khi bàn về sáo ngữ,
người ta nhận thấy loại ngôn ngữ này thường xuất hiện
trong lĩnh vực chính trị và tất nhiên việc sử dụng loại
ngôn ngữ này là một "biệt tài" của các chính trị gia,
bởi nó là một trong những kỹ thuật dùng để lái hiện thực
sang một hướng khác nhằm đánh lạc hướng nội dung lẽ ra
cần phải được đề cập. Do đó gần như tất cả người
tham gia hoạt động chính trị đều thuộc nằm lòng những
"công thức" phát biểu cho từng loại vấn đề, từng loại
sự việc.

Tại sao giới chính trị gia hay sử dụng sáo ngữ? Trả lời
câu hỏi này quả thật là điều không hề dễ dàng, nhưng
việc sử dụng loại ngôn ngữ này trước hết có thể là một
sự phản ánh của tình trạng bất lực trong giải quyết vấn
đề. Chẳng hạn như việc xử lý sai phạm đối với những
quan chức cấp cao luôn gặp nhiều khó khăn, do đó cách nói
chung chung như "xử lý nghiêm bất kể đó là ai" là một
cách nói nhằm trấn an dư luận hơn là có giá trị hiện thực
trên thực tế. Và chúng ta cũng thấy những câu nói kiểu như
vậy thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn đầu của một sự
việc nào đó, còn khi kết thúc thì có được xử lý nghiêm hay
không, có vùng cấm hay không là chuyện khác, bởi lúc đó công
luận cũng không còn quan tâm hay thắc mắc về việc có nghiêm
hay không nghiêm nữa.

Mặt khác, sáo ngữ còn là một ẩn chứa cho việc thiếu khả
năng xác định đâu là sự việc cần ưu tiên trước, ưu tiên
sau trong việc hoạch định chính sách của những cơ quan có
trách nhiệm. Chính vì vậy có lúc người ta đã nói về cách
làm chính sách theo kiểu "múi mít" vì cái nào cũng thuộc
loại "trọng tâm", "quan trọng nhất", "hàng đầu",
"then chốt"... cả. Tất nhiên cách nói như thế sẽ khiến
những thành phần có liên quan hay bị tác động cảm thấy vui
tai, cảm thấy được an toàn về mặt tâm lý vì dù sao chính
sách liên quan tới mình cũng thuộc loại "hàng đầu" hoặc
"trọng tâm".

Tất nhiên, sáo ngữ cũng có tác dụng tốt khi nói về một số
vấn đề liên quan đến quan hệ quốc tế, vì thông thường
nội dung của những phát biểu kiểu "ngôn ngữ gỗ" thường
là "hòa cả làng" và như vậy sẽ không làm mất lòng bất
cứ bên nào.

Thế nhưng việc dùng quá nhiều sáo ngữ sẽ có tác dụng
ngược trong cai trị và điều hành bởi dần dần dân chúng sẽ
không còn lòng tin, không tin tưởng vào những phát biểu của
giới lãnh đạo nữa. Chính vì vậy hiện nay dư luận thường
ít quan tâm đến những ngôn từ được liệt vào loại "chém
gió" nữa bởi chỉ mang lại sự "sảng khoái tâm lý" nhất
thời, cái mà họ muốn thấy đó là làm thật sự trên thực
tế.

Làm sao để sáo ngữ ngày càng ít hiện diện trong thực tế?
Một số cách đã có xuất hiện như mục "chuyện ấy bây
giờ" trên tờ Tuổi Trẻ nhằm xới lại những vấn đề cũ
xem chúng được giải quyết, xử lý thế nào, sẽ buộc người
có trách nhiệm phải "có trách nhiệm" trên thực tế nhiều
hơn và từ đó có thể sẽ buộc họ giảm dần những phát
biểu sáo ngữ trong tương lai.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130123/le-minh-tien-ngon-ngu-go), một số
đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời độc
giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận
có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng
dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét