Huỳnh Duy - Quyền Con Người: Sự thịnh vượng của quốc gia

<blockquote>Dân Luận xin giới thiệu tới độc giả bài dự thi
mã số QCN&T000015 của cuộc thi viết Quyền Con Người và Tôi do
phong trào Con Đường Việt Nam tổ chức.</blockquote>

Quyền con người trong đó có quyền sở hữu tài sản, được
đảm bảo bằng văn bản cũng như trên thực tế, không phải
là những thứ xa xỉ, xa lạ với thực tế đời sống, đó
chính là "chén cơm, manh áo" của mỗi cá nhân trong xã hội
nói riêng, và cũng là sự thịnh vượng của quốc gia nói chung.

Giả sử bạn được tự do chọn lựa bất kỳ một quốc gia
nào trên thế giới để sinh sống, bạn nên chọn lựa theo tiêu
chí nào? Có rất nhiều tiêu chí để bạn cân nhắc và lựa
chọn như thu nhập bình quân đầu người, tốc độ tăng
trưởng GDP, chế độ an sinh xã hội, hệ thống giáo dục, cơ
sở hạ tầng, chế độ pháp quyền…

Nếu chỉ được dựa trên đúng một tiêu chí để lựa chọn,
bạn nên lựa chọn theo tiêu chí nào?

<strong>Bạn nên lựa chọn sống ở quốc gia tôn trọng quyền
con người.</strong> Bởi vì một quốc gia tôn trọng quyền con
người sẽ đảm bảo được những gì bạn mong muốn để
bạn, con cái và gia đình có được một cuộc sống ấm no và
hạnh phúc như chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từng mong muốn: "<em>Tôi chỉ có
một ham muốn, ham muốn đến tột bực là làm sao nước nhà
được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do,
đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học
hành</em>"

Alan Greenspan, cựu thống đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED)
cho rằng nền tảng của sự thịnh vượng của từng quốc gia
chính là việc tôn trọng các quyền cá nhân. Ông viết trong
cuốn hồi ký <em>The Age of Turbulence</em> (Kỷ nguyên hỗn loạn):
"Điều quan trọng nhất chính là bản chất của pháp quyền.
Tôi không tin rằng hầu hết người Mỹ đều nhận thức
được tầm quan trọng của Hiến pháp Mỹ đối với sự thịnh
vượng của Mỹ, trong quá khứ, hiện tại và tương lai".

Việc công nhận quyền con người trong hiến pháp và đảm bảo
quyền con người trên thực tế sẽ dẫn đến sự giàu có và
thịnh vượng của một quốc gia. Alan Greenspan khẳng định mối
quan hệ đó khi viết: "Việc đảm bảo trong hơn hai thế kỷ
qua các quyền cá nhân, đặc biệt là quyền sở hữu của tất
cả chủ thể của nền kinh tế, cả người sinh ra tại Mỹ và
người nhập cư, có đóng góp đặc biệt quan trọng đối với
óc phiêu lưu và sự thịnh vượng của Mỹ".

Trong khi ở một số quốc gia, lực lượng an ninh chìm có thể
lôi bất kỳ một công dân nào đó bị cho là phạm tội chống
đối nhà nước đi hỏi cung, cũng như cảnh sát kinh tế có
thể bắt giữ một nhà kinh doanh thành đạt bị cho là vi phạm
quản lý kinh tế nhà nước thì đó là điều cấm kỵ ở Mỹ,
một quốc gia tôn trọng các quyền cơ bản của con người trong
Hiến pháp cũng như trên thực tế. Greenspan, người điều hành
ngân hàng trung ương Mỹ hiểu rất rõ mối quan hệ giữa quyền
con người với sự thịnh vượng và giàu của một quốc gia
viết: "Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta được hưởng
quyền gần như không bị cảnh sát chìm lôi đi hỏi cung về
các "tội" mà chúng ta không hề biết". Cũng tương tự
đối với quyền không bị cưỡng chế tịch thu doanh nhiệp mà
chúng ta đã dành tâm sức cả đời để gầy dựng".

Lịch sử kinh tế thế giới đã từng chứng kiến nhiều
trường hợp các doanh nhân bỗng chốc trắng tay, kinh tế của
một quốc gia khủng hoảng khi mà tài sản của các doanh nhân
bị tịch thu thông qua những cuộc cải cách ruộng đất tịch
thu ruộng đất của địa chủ để chia cho dân cày, quốc hữu
hóa tư liệu sản xuất bằng cách tịch thu tài sản của các
doanh nhân chuyển cho nhà nước quản lý. Việc không tôn trọng
quyền sở hữu tài sản của người dân luôn dẫn đến những
hệ quả tiêu cực đối với xã hội mặc dù những người
thực thi chính sách luôn nghĩ rằng chính sách đó sẽ đem lại
điều tốt lành cho xã hội.

Kinh doanh phải chấp nhận rủi ro nhưng rủi ro lớn nhất mà
không một doanh nhân nào muốn phải đối mặt đó là tài sản
mà họ tích lũy được sau bao nhiêu năm trời một ngày nào đó
bị nhà nước hay một người có quyền lực trong tay cướp
mất. Nỗi lo sợ đó rất thực tế và đó là lý do vì sao rất
nhiều người sống ở một số quốc gia tích trữ vàng, gởi
tiền vào ngân hàng ngoại quốc thay cho việc đầu tư vốn mở
công ty làm ăn. Quốc gia nào đảm bảo bằng luật pháp cũng
như trên thực tế quyền sở hữu tài sản của công dân, quốc
gia đó sẽ thu hút được đầu tư của người dân quốc gia
đó, thu hút được vốn đầu tư nước ngoài và quốc gia đó
sẽ trở nên thịnh vượng, người dân quốc gia đó sẽ trở
nên giàu có.

Alan Greenspan cho rằng chế độ bảo vệ quyền sở hữu có một
không hai của Mỹ đã đóng góp vào việc thu hút đầu tư
nước ngoài. Ông lý giải: "Một số nhà đầu tư đến để
tham gia vào một nền kinh tế mở, năng động. Một số đến
chỉ để chứng kiến Mỹ là thiên đường an toàn đối với
tài sản tiết kiệm của họ mà ở nước họ không được
đảm bảo".

Bảo vệ quyền tài sản, một trong những trụ cột của quyền
con người, sẽ đảm bảo cho sự phát triển và thịnh vượng
của quốc gia cũng là điều được giáo sư Roger Myerson, thuộc
Đại học Chicago, đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2007 đã thuyết
trình ở Đại học Ngoại thương vào ngày 15.11.

Là một nhà kinh tế học khởi xướng và phát triển lý thuyết
thiết kế cơ chế, môn khoa học nghiên cứu việc xây dựng các
quy tắc trò chơi để đảm bảo trò chơi đạt được những
kết quả nhất định cho dù những người chơi-chủ thể kinh
tế có những lợi ích riêng, trong bài thuyết trình trước
đông đảo khán thính giả Việt Nam, ông đã bảo vệ quyền
tài sản (protection of property rights) để phát triển kinh tế.

Ông cho rằng bảo vệ quyền tài sản chỉ làm được một cách
hiệu quả nhờ chất lượng hoạt động của bộ máy chính
quyền và nền dân chủ ở cấp cơ sở, địa phương, chứ
không phải chỉ do một nhóm tinh hoa trên cùng hô hào mà không
có khả năng thực hiện.

Việc bảo vệ quyền tài sản một cách hữu hiệu giúp tạo
dựng một hệ thống tin cậy lẫn nhau và nhờ thế các hoạt
động kinh tế đơm hoa kết trái dễ dàng hơn. Lịch sử phát
triển kinh tế cho thấy rằng cùng một quốc gia, giai đoạn nào
quyền tài sản được bảo vệ một cách nghiêm ngặt thì đó
là giai đoạn phát triển của quốc gia đó.

Như vậy, khi quyền con người trong đó có quyền sở hữu tài
sản không phải là những thứ xa xỉ, xa lạ với thực tế
đời sống, đó chính là "chén cơm, manh áo" của mỗi cá
nhân trong xã hội nói riêng, và cũng là sự thịnh vượng của
quốc gia nói chung.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130120/huynh-duy-quyen-con-nguoi-su-thinh-vuong-cua-quoc-gia),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét