Hành Nhân - Làm báo kiểu Rappler

Rappler là một từ được ghép thành bởi Rap (có nghĩa là thảo
luận) và Ripple (có nghĩa là tạo ra sóng, để lan truyền đi).
Công thức ở đây là <em>50% Rap + 50% Ripple = Rappler</em>. Báo
điện tử Rappler (www.rappler.com) là một thế giới mới của
sự hợp tác không giới hạn được kích hoạt bằng công nghệ
mới và được kết nối bởi các phương tiện truyền thông xã
hội. Các thành viên của Rappler đa số đều là tín đồ của
Apple vì họ sử dụng toàn I-phone, I-pod, I-pad, MacBook… nên cũng
có thể gọi họ là Appler. Nhưng điểm đặc biệt của Rappler
chính là cách làm báo dựa trên việc đánh giá và tập trung
vào cảm xúc của độc giả.

<h2>Liều lĩnh và đột phá</h2>

Giờ đây, khi nhắc đến truyền thông Philippines, người ta
thường hay nghĩ ngay đến kênh truyền hình ABS-CBN, nhật báo The
Inquirer, The Philippine Star và… báo điện tử Rappler. Đa số báo
chí thường chỉ đưa thông tin đơn thuần là những tin tức,
sự kiện (theo công thức 5W + 1H phổ biến của dân làm báo).
Nhưng Rappler thì khác, họ cố gắng tìm ra vai trò của cảm xúc
trong các tin tức. Và họ trân trọng cảm xúc, tâm trạng, thị
hiếu của độc giả. Ra mắt vào cuối năm 2011, Rappler tích
cực sử dụng các công cụ mạng xã hội như Twitter, Facebook,
Tumblr… để tương tác với độc giả.

Đầu tàu của Rappler chính là nhà báo kỳ cựu Maria A. Ressa
(http://www.rappler.com/staff-profiles/2518-maria-a-ressa), Tổng giám
đốc điều hành kiêm Tổng biên tập. Maria A. Ressa có hơn 25
năm kinh nghiệm làm báo ở châu Á, vốn là cựu Trưởng văn
phòng tại Manila của CNN và là trưởng nhóm phóng sự điều tra
về chủ nghĩa khủng bố ở Đông Nam Á. Bà đã viết tác phẩm
<em>Những hạt giống của khủng bố: một chứng nhân của Trung
tâm Điều hành mới của al-Qaeda ở khu vực Đông Nam Á</em>
(Free Press, 2003). Cuốn sách này chính là tác phẩm đầu tiên
của khu vực nghiên cứu về sự phát triển của Jemaah Islamiyah
và những mối liên hệ của nó với Al-Qaeda.

Maria từng là Trưởng ban bộ phận Tin tức và Thời sự của
kênh truyền hình ABS-CBN. Bà đã suy nghĩ rất nhiều về sự
chồng chéo giữa cảm xúc và tương tác xã hội trong một
khoảng thời gian dài. Cuốn sách vừa ra mắt hôm 12/10/2012 của
bà có tên <em>Từ Bin Laden đến Facebook</em> đã xem xét vai trò
của phương tiện truyền thông xã hội trong sự lây lan của
chủ nghĩa khủng bố. "Khi bạn quan sát chủ nghĩa khủng bố
lây lan như thế nào, bạn cũng sẽ nhìn thấy cách thức cảm
xúc lan truyền thông qua các nhóm lớn của dân chúng ra sao",
Maria A. Ressa chia sẻ. "Bạn sẽ có ý tưởng rằng những cảm
xúc rất quan trọng trong việc đưa ra quyết định. Và trên các
phương tiện truyền thông xã hội, cái lây lan nhanh nhất đó
thực sự chính là cảm xúc hơn là những ý tưởng".

Chính vì thế, Maria cùng với nhóm bạn đã hướng đến một
cách thức làm báo mới mẻ hơn, tương tác hơn đối với độc
giả. Bà cho rằng hình mẫu báo chí hiện nay đã lạc hậu,
lỗi thời quá nhiều so với công nghệ mới (cả về thực
tiễn lẫn trong kinh doanh). Báo chí cần phải thay đổi cả về
tư duy làm báo lẫn tiến trình thực hiện. Nhà báo cần phải
làm một cái gì đó khác biệt hơn là chỉ đưa tin, kể lại
một câu chuyện. Maria chợt nảy ra ý tưởng
<em>crowd-sourcing</em> (đây là thuật ngữ của ngành tiếp thị/
kinh doanh – một cách thức đặt niềm tin vào quần chúng,
những người có khả năng tìm ra những giải pháp cho các vấn
đề một cách sáng tạo nhất). Và thế là <em>Mood Meter</em>
cùng với <em>Mood Navigator</em> ra đời…

<h2>Bộ công cụ đo lường cảm xúc</h2>

Khi vào giao diện trang báo điện tử Rappler, bạn sẽ nhìn thấy
hai bộ công cụ độc đáo nhằm đo lường cảm xúc, nắm bắt
tâm trạng của độc giả đó chính là <em>Mood Meter</em> (Bộ đo
tâm trạng) và <em>Mood Navigator</em> (Bộ định hướng tâm
trạng). Maria A. Ressa cho biết mục đích của ý tưởng dùng Bộ
đo tâm trạng là "để crowdsource tâm trạng trong ngày". Mỗi
ngày, khi các độc giả đọc các bài viết, xem các sự kiện
trên Rappler, họ có chọn thể nhấn vào một nút tâm trạng nào
mà họ cảm thấy như: Hạnh phúc, đau buồn, giận dữ, không
quan tâm, phấn khởi, sợ hãi, vui vẻ, bị làm phiền.

"<em>Năm 2011 đã cho ta thấy cảm xúc lây lan thông qua các nhóm
lớn dân chúng như thế nào - với các diễn biến như mùa xuân
Ả Rập, bạo loạn ở London và biểu tình chiếm phố Wall...
Các nghiên cứu cho thấy rằng 80% của cách chúng ta đưa ra
quyết định được xác định bởi những gì chúng ta cảm
thấy. Đó là lý do tại sao tôi tin rằng Bộ đo tâm trạng sẽ
phục vụ không chỉ như là một yếu tố vui vẻ tò mò, nhưng
nó cũng có thể giảm thiểu sự lây lan của cảm xúc thông qua
các mạng xã hội trực tuyến và ngoại tuyến. Đó là cách
thức tiếp cận tin tức cả bằng con tim và lý trí!</em>" –
Maria chia sẻ.

Rappler đã xây dựng các thể loại tùy chọn của Bộ đo tâm
trạng theo sự tư vấn và hỗ trợ của một nhóm các nhà tâm
lý học và xã hội học. Họ tiến hành crowdsourcing tâm trạng,
cảm xúc của độc giả mỗi ngày để đo lường những phản
ứng, những tác động của sự kiện và cảm xúc đối với
độc giả. Ví dụ như vụ tai nạn của Jesse Robredo - Bộ
trưởng Bộ Nội Vụ Philippines khiến cho 97% độc giả của
Rappler ở vào tâm trạng "buồn bã", hay như chiến dịch bầu
cử 2013 khiến cho 100% độc giả "phấn khởi"…

Bộ đo tâm trạng được nhập vào Bộ định hướng lớn hơn,
cái sẽ quyết định tâm trạng chung của ngày, trình bày từng
câu chuyện, hình ảnh về các sự cố tâm trạng. Với Bộ
định hướng tâm trạng, chúng ta có thể lần từ tâm trạng
cảm xúc của độc giả đến những bài viết để biết vì sao
có người buồn, có người vui, có người cảm thấy phấn
khởi, có người lại cảm thấy giận dữ… Tâm trạng chung
của độc giả ra sao…? Họ đang quan tâm đến vấn đề, sự
kiện nào?... Và bạn có thể viết bình luận vào đó…

Rappler muốn cố gắng tìm hiểu thế giới chúng ta đang sống
ngày nay. Đó là điều mà Maria đã nói rằng: "<em>Ai trong
chúng ta cũng đang muốn tìm hiểu và Rappler muốn tìm hiểu thế
giới cùng với bạn. Có quá ít các công ty truyền thông thực
sự đứng đúng chỗ mà người dân Philippines đang đi và sẽ
đi…</em>". Ý tưởng gắn tâm trạng của độc giả vào một
thông tin sự kiện cụ thể không phải là mới, trang web của
đài địa phương O&O (thuộc NBC) đã ra mắt chúng vào năm 2009,
nhưng phiên bản sau thì bỗng dưng biến mất. News.me đã từng
thăm dò xem độc giả của họ có bình luận "wow" hay
"tuyệt vời" khi đọc tin tức của họ hay không, trong khi
đó Buzzfeed thăm dò những bình luận kiểu như: LOL (chết
cười), OMG (Chúa ơi), WTF (khỉ thật)…

Maria A. Ressa cùng các đồng nghiệp theo đuổi một cách làm báo
chuyên nghiệp và không thỏa hiệp: "<em>Chúng tôi cam kết sẽ
truyền cảm hứng cho những cuộc hội thoại thông minh và làm
cháy bùng lên một khát vọng thay đổi</em>". Rappler là một
mạng lưới tin tức xã hội, nơi có những câu chuyện truyền
cảm hứng cho sự tham gia của cộng đồng và các hoạt động
kỹ thuật số thúc đẩy sự thay đổi xã hội. Rappler chính là
điểm hội tụ của ba vòng tròn lồng vào nhau: báo chí chuyên
nghiệp, trí tuệ của đám đông và truyền thông đa phương
tiện (công nghệ).

Rappler có những sự hỗ trợ rất hữu hiệu và đắc lực từ
hai cánh tay Newsbreak và Move.PH. Newsbreak là một nhóm truyền
thông đã được thành lập năm 2001 từng đoạt giải thưởng
về truyền thông đa phương tiện, bây giờ làm điều tra và
nghiên cứu chính cho Rapple; còn Move.PH lo về mảng báo chí công
dân cho Rappler.Maria A. Ressa rất tự hào khi giới thiệu về
đội ngũ Rappler rằng: "<em>Chúng tôi là những nghệ sĩ web,
những nhà thiết kế, nhà xuất bản và các chuyên gia kết hợp
với những quy trình phát thanh truyền hình và công nghệ thông
tin tốt nhất</em>".

Mới đây, vào ngày 12/09/2012, Bộ đo tâm trạng (Mood Meter) của
Rappler đã được trao giải Đồng cho Kinh nghiệm Thương hiệu
tại Giải thưởng Boomerang 2012 tại Manila. Đây là một giải
thưởng do Hiệp hội Internet & Mobile Marketing của Philippines tổ
chức nhằm vinh danh những chiến dịch tiếp thị kỹ thuật số
(digital marketing) tốt nhất, chủ đề chính của năm nay là
"Cấp độ: Chuyên gia" – nghĩa là ở cấp độ cao nhất,
khó nhất và hữu hiệu nhất.

<h2>Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay...</h2>

Theo một nghiên cứu tháng 10/2011 của tổ chức Nielsen, chỉ có
khoảng 30% người Philippines sử dụng Internet để đưa tin trong
khoảng thời gian bốn tuần. Tuy nhiên, những người dùng mạng
Internet để đưa tin đã online hơn 21 giờ mỗi tuần, nằm trong
số cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Điện thoại di động và
các phương tiện truyền thông xã hội đều rất phổ biến ở
Philippines, một sự thay đổi nhanh chóng dễ nhận thấy như
càng ngày càng có thêm nhiều người tiêu dùng mua các thiết
bị kỹ thuật số, bao gồm cả máy tính bảng và điện thoại
thông minh có truy cập mạng Internet.

Maria A. Ressa nói doanh thu quảng cáo ở Philippines vẫn chảy vào
truyền hình, có thể giúp giải thích lý do tại sao Rappler là
một kênh thông tin trực tuyến khởi động tương đối hiếm
trong khu vực. Maria cho biết: "Trong năm 2010, chúng tôi đã làm
rất tốt trên truyền hình, nhưng bạn đã có thể thấy thị
trường phân mảnh. Đây thực sự là một thử nghiệm để xem
chúng ta có thể tồn tại hoàn toàn trực tuyến mà không có
bất kỳ quảng cáo trên báo in hoặc truyền hình? Điều đó
thực sự có nhiều tiềm năng hơn so với bất kỳ những gì
chúng ta đã mong đợi". Tính đến giữa năm 2010, tỷ lệ thâm
nhập Internet là 33%, thâm nhập điện thoại di động là 91%. 50%
của tất cả các kết nối Internet mới là điện thoại di
động, và các công ty viễn thông hy vọng rằng sẽ ngày càng
tăng.

Vì vậy, người dân Philippines sẽ bỏ qua máy tính để truy
cập bằng điện thoại di động hoặc điện thoại truy cập
trực tuyến. Người Philippines hội nhập sớm với công nghệ
mới. Trong vòng nhiều năm, Philippines là "thủ đô văn bản của
thế giới". Bây giờ nó đang vượt xa các nước khác trên thế
giới trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã
hội. Một lần nữa, tính đến giữa năm 2010, Philippines là
thị trường hàng đầu dùng Facebook trên toàn thế giới với
tỷ lệ 93,7% (ComScore) và đứng thứ 8 trên toàn cầu về sử
dụng Twitter với tỷ lệ 13,8%. Hãy thử so sánh 24 triệu người
Philippines dùng Facebook (bây giờ cao hơn nhiều) với 15 triệu
hộ gia đình sử dụng truyền hình trong nước.

Xu hướng truyền thông – quảng cáo của Philippines sẽ đi theo
xu hướng ở phương Tây - có nghĩa là nhiều người (và quảng
cáo) sẽ bỏ truyền hình mà theo trực tuyến. Ngày nay, chi tiêu
trực tuyến ít hơn nhiều hơn so với các phương tiện truyền
thông in ấn và phát sóng, nhưng các nghiên cứu đã cho thấy
tương lai trực tuyến sẽ đóng vai trò chủ yếu. 80% người
Philippines sử dụng Internet hàng ngày (tại các quán cà phê
Internet) ở mức trung bình là 6,8 giờ một ngày (so với 60% của
truyền hình với mức 3,7 giờ hàng ngày). Maria cho rằng đó
chính là một cơ hội tốt để các ứng dụng truyền thông
mạng có thể giúp giải quyết các vấn đề xã hội cũng như
xây dựng một liên doanh thương mại bền vững.

Trong tháng đầu tiên của Rappler, họ đã đạt kỷ lục bằng
với một nhóm tin tức lớn nhất Philippines trong vòng một thập
kỷ mới đạt được. Đó chính là sức mạnh của các phương
tiện truyền thông xã hội. Trong sáu tháng đầu tiên, Rappler
tăng trưởng một cách nhanh chóng. Tháng tốt nhất của Rappler
có gần 3 triệu lượt độc giả mỗi ngày. Maria cho biết rằng
hầu hết các lưu lượng truy cập đến thông qua các kênh
truyền thông xã hội. Các phóng viên đã biết cách kể những
câu chuyện có sức cộng hưởng với độc giả chứ không chỉ
đưa tin đơn thuần mà chẳng tìm ra được giải pháp gì như
trước.

Trong tương lai, Bộ định hướng tâm trạng sẽ có kế hoạch
là để cho phép mọi người có thể nhấp chuột vào một cảm
xúc với một danh sách các nội dung tâm trạng tùy chỉnh. Bằng
cách đó, bạn có thể tạo ra một danh sách đọc chỉ bao gồm
những câu chuyện đã làm cho hầu hết mọi người hạnh phúc,
hay tức giận, hoặc thích thú, hoặc bất kỳ cảm xúc khác mà
bạn chọn. Rappler sẽ chủ động hơn trong việc tiếp cận,
tương tác với độc giả. Điều đó có nghĩa là họ sẽ kết
nối báo chí với truyền hình, in ấn và các công nghệ chuyên
môn. Hiện nay, Rappler có thể phát sóng tin tức trực tuyến và
tích hợp cho các thiết bị di động.

Ngoài hai "đặc sản" Bộ đo tâm trạng và Bộ đính hướng
tâm trạng, điểm nổi trội của Rappler là có chương trình
phát sóng tin tức hàng ngày do Maria A. Ressa biên tập và điểm
tin, chương trình <em>Talk Thursday</em> (trò chuyện với một khách
mời mỗi thứ năm hàng tuần), chương trình <em>Ask Margie</em>
(hỏi đáp chuyên gia tư vấn tâm sinh lý Margie Holmes). Rappler
mới có thêm chương trình TechRap chuyên giới thiệu, cập nhật
tin tức và hướng dẫn sử dụng những công nghệ, sản phẩm
kỹ thuật số mới nhất...

"Đã qua rồi cái thời báo chí theo kiểu mang tính thẩm quyền
rồi, bây giờ là thời của báo chí mang tính xác thực" –
Maria nhấn mạnh. Bên cạnh thủ lĩnh Maria, các thành viên khác
như Thư ký tòa soạn Glenda Gloria, các biên tập viên kỳ cựu
Cheche Lazaro và Marites Dañguilan Vitug, Giám đốc báo chí công dân
và sự tham gia của cộng đồng Chay Hofileña, cùng với các
phóng viên trẻ trung, tràn đầy nhiệt huyết như Ayee Macaraig,
Michael Josh, Carmela Fonbuena, Natashya, Voltaire, Paterno, Purple, Kat,
Kai... đang xây dựng Rappler thành một đội quân (Rappler dùng
từ army để nói về họ) ngày càng lớn mạnh, chuyên nghiệp
trên thương trường báo chí.

Sau mỗi chương trình điểm tin mỗi ngày, Maria A. Ressa thường
kết bằng câu nói quen thuộc: "Tomorrow begins today".

Vâng, ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay!

<center><img
src="https://fbcdn-sphotos-f-a.akamaihd.net/hphotos-ak-prn1/s720x720/14894_10151252373984033_1006396496_n.jpg"
width="550px" /></center>
<center><em>Chứng chỉ của Rappler xác nhận bạn đã là một
thành viên của Rappler và có đủ tiêu chuẩn để trở thành
một nhà báo chuyên nghiệp</em></center>

<center><img
src="https://fbcdn-sphotos-f-a.akamaihd.net/hphotos-ak-snc7/s720x720/424422_10151252331369033_94821180_n.jpg"
width="550" /></center>
<center><em>Tác giả và nhà báo kỳ cựu Maria A. Ressa, CEO của
Rappler</em></center>

<center><img
src="https://fbcdn-sphotos-e-a.akamaihd.net/hphotos-ak-prn1/s720x720/148363_10151252336749033_765466646_n.jpg"
width="550" /></center>
<center><em>Thực tập làm báo tại Rappler</em></center>

<center><img
src="https://fbcdn-sphotos-a-a.akamaihd.net/hphotos-ak-ash4/s720x720/312448_10151252344054033_1108002130_n.jpg"
width="550" /></center>
<center><em>Maria A. Ressa đang nói về Mood Meter (Bộ đo tâm trạng)
và Mood Navigator (Bộ định hướng tâm trạng)</em></center>

<center><img
src="https://fbcdn-sphotos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-ash3/s720x720/69655_10151252346229033_399127939_n.jpg"
width="550" /></center>
<center><em>Maria A. Ressa đang giới thiệu về cách thức vận hành
của Rappler</em></center>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130121/hanh-nhan-lam-bao-kieu-rappler), một
số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời độc
giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận
có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng
dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét