Hà Văn Thịnh - Vài nét về Hiến pháp Mỹ

Cách đây 230 năm, năm 1783, cuộc chiến tranh giành độc lập
của nhân dân 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ giành được thắng
lợi – đây là <i>thành công đầu tiên</i> trong sự nghiệp
giải phóng dân tộc của toàn thể loài người bị áp bức
trong thời đại tư bản chủ nghĩa!

<b>Một Hiến pháp có trước... nhà nước</b>

Điều "lạ kỳ" là sau thắng lợi đó, những nhà cách
mạng Mỹ không thành lập một chính quyền cho tương xứng với
công lao của những người đã khai sinh ra nền độc lập; hầu
như họ không quan tâm đến việc ai sẽ giữ chiếc ghế nào,
"ăn chia" ra sao chiếc bánh lợi quyền béo bở mà phải mất
bao xương máu, suốt 10 năm trời mới giành được
(17.12.1773-4.9.1783): Cách hành xử của những nhà cách mạng Mỹ
chưa hề có tiền lệ – ai về nhà nấy, sau khi đã làm trọn
bổn phận công dân, không cần biết đến chuyện nên (phải?)
khen thưởng ai, như thế nào đối với sự "có công với cách
mạng"!

Ý định đó của sự ấu trĩ của lòng tốt nhanh chóng bị
thực tế tàn nhẫn của xã hội sau chiến tranh giày xéo, tình
trạng vô chính phủ nhanh chóng xảy ra, tiểu bang nào cũng muốn
giành cho mình sự độc quyền cao nhất, có lợi nhất, khiến
cho 13 tiểu bang gây ra bao cảnh huynh đệ tương tàn, và
"nước" Mỹ, theo cách nhận xét của George Washington,
"giống như một lâu đài được xây bằng cát". Muốn khắc
phục tình trạng đó, giải pháp duy nhất là phải thành lập
một chính quyền, đây là điều mà đến năm 1787, hầu như ai
cũng biết. Nhưng, chính quyền đó sẽ ra sao? Nó giống với mô
hình Pháp hay Anh? Những bậc tiên tổ của nhà nước Mỹ tương
lai giật mình bởi họ đoan quyết rằng phải thành lập một
mô hình nhà nước hoàn toàn mới, không giống với bất kỳ ai;
và, quan trọng nhất, nó phải là nhà nước thực sự <b><i>của
dân, do dân, vì dân</i></b>. Sáu chữ đó là sáu chữ vàng bởi
nó trở thành nền tảng, cội nguồn, nguyên tắc bao trùm mọi
nguyên tắc trong suốt quá trình soạn thảo Hiến pháp
(HP).<b></b>

G. Washington, nguyên là Tổng Tư lệnh quân Cách mạng trước
đây, được mời giữ ghế chủ tọa Hội nghị Lập Hiến. 55
con người trẻ tuổi (đa số dưới 40 tuổi, riêng A. Hamilton,<b>
</b>vào năm 1787, chỉ mới 30 tuổi; J. Madison mới 36 tuổi –
họ được coi là <b>những cha đẻ của HP Mỹ</b>) chính là các
tinh hoa chính trị được tập hợp từ các tiểu bang, về sau
được ca ngợi đó là những người tinh anh nhất, "gần như
là thánh thần" của nhân loại vào cuối thế kỷ 18. Những
gì lịch sử ca ngợi về tài năng của 55 người đó không hề
quá lời: Chẳng hạn, Benjamin Franklin (1706-1790) là một người
đa tài: thợ in, chủ tòa báo, thẩm phán, Chủ tịch Hội Triết
học Mỹ, thống đốc tiểu bang, nhà ngoại giao, thương gia giàu
có, người thành lập Đại học Pensylvania, người phát minh ra
cột chống sét, ống thông tiểu, đàn harmonica, kính hai tròng,
công ty cứu hỏa tư nhân và, ông nói thành thạo 5 ngoại
ngữ... Tài năng, nhân cách và tầm nhìn vĩ đại đã được
cộng hưởng để làm ra bản HP đầu tiên trong lịch sử loài
người mà <i>hầu như, không có bất kỳ một lỗi</i> văn bản
lớn nào!

55 "cha đẻ" của nhà nước Mỹ, trong đó nổi bật nhất
là Alexander Hamilton (hình của ông được khắc trên tờ 10 USD),
James Madison (người có hình trên tờ 50 USD) và Benjamin Franklin
(trên tờ 100 USD)...

Ngày 25.5.1787, Hội nghị Lập pháp được khai mạc tại
Philadelphia – "thành phố của tình huynh đệ". Gần bốn
tháng ròng rã, những cuộc tranh luận quyết liệt đã nổ ra và
tận cho đến lúc đặt bút ký (17.9), nhiều đại biểu vẫn
còn chất chứa những bất đồng. Bản dự thảo và những bất
đồng đó còn được 5 triệu người dân xem xét kỹ lưỡng
trước khi được Quốc hội chính thức thông qua vào năm 1789.
Nhìn chung, HP Mỹ đã được làm ra trên cơ sở những định
hướng tìm tới sự hoàn hảo có thể; được cụ thể hóa
thành nhiều nguyên tắc do nhiều đại biểu đề xuất, được
A. Hamilton và J. Madison diễn đạt phần nào qua những bài báo
rồi tập hợp thành tác phẩm <i>Liên bang thư tập</i> (The
Federalist Papers).

<b>Những nguyên tắc lập pháp</b>

<i>Chúng ta muốn tạo dựng một nền tảng (HP) sẽ trường
tồn qua mọi thời đại, vậy thì, phải dự liệu đủ những
thay đổi mà các thời đại đó sẽ tạo ra. </i>Nguyên tắc này
khẳng định rõ những điều <b>không bao giờ thay đổi </b>như
quyền tư hữu là thiêng liêng và bất khả xâm phạm; quyền
sống, quyền tự do và quyền kiếm tìm hạnh phúc như Tuyên
ngôn Độc lập đã chỉ ra; quyền người dân ủy nhiệm cho
chính quyền, nhân dân có quyền bầu lên và bãi nhiệm chính
quyền đó... Tất nhiên, có rất nhiều điều sẽ thay đổi nên
HP dự liệu các khoản bổ sung – Tu Chính Án (Amendment, TCA),
chẳng hạn, TCA 22, thông qua năm 1951, quy định tổng thống
không được làm quá hai nhiệm kỳ.

<i>Việc thành lập một chính quyền thích hợp phải do chính
người dân lựa chọn thông qua sự biểu quyết rộng rãi
nhất.</i> <i>Không một ai có quyền áp đặt mô hình nhà nước
không tương thích với mong muốn và lợi ích của người
dân</i>. Sau rất nhiều tranh cãi, nhân dân Mỹ đã chọn mô hình
nhà nước tam quyền phân lập; theo đó, một trong ba cơ quan
lập pháp, hành pháp và tư pháp, luôn bị hai cơ quan kia giám
sát.

<i>Xu hướng sửa đổi HP để mưu đồ quyền lực nhiều hơn
cho một vài cá nhân là xu hướng lạm quyền của mọi quyền
lực</i>; <i>vì thế, phải thiết lập một cơ chế sao cho có
thể ngăn ngừa mọi ý đồ thao túng và sửa đổi HP</i>. Theo
nguyên tắc này, quyền tham gia của mọi công dân là tối hậu
chỉ khi nào có trên 2/3 thượng nghị sĩ hoặc thống đốc bang
yêu cầu thì việc <i>xem xét</i> sửa đổi HP mới được đặt
ra. Quy định này có nghĩa là, nếu muốn xóa bỏ quyền được
trang bị vũ khí, phải có ít nhất 67 TNS hoặc 34 thống đốc
bang yêu cầu.

<i>Xu hướng lạm quyền và lộng quyền là thuộc tính tất
nhiên của con người, vì thế, phải thiết lập cơ chế sao cho
đủ khả năng để ngăn chặn mọi ý đồ lạm quyền đó</i>.
Ngoài cơ cấu tam quyền phân lập, HP Mỹ còn định rõ cơ chế
các thành viên của Tòa án Tối cao, các thẩm phán của tòa án
khu vực trong toàn liên bang, được giữ quyền trọn đời, nếu
không xin nghỉ hưu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo (tâm thần, bệnh
suy giảm trí nhớ...). Như vậy, tòa án sẽ không phải chịu
bất kỳ áp lực nào từ phía chính quyền hoặc cử tri!

<i>Đảng phái là cội nguồn của chủ nghĩa bè phái và chủ
nghĩa bè phái, đến lượt nó, chủ nghĩa bè phái là cội
nguồn làm vẩn đục HP</i>. Vì thế, cơ cấu tổ chức chính
quyền không cho phép bất kỳ đảng phái nào có thể can thiệp
vào bộ máy một cách trực tiếp. Mỗi đảng phái, trước HP,
chỉ là một tổ chức công dân, chịu sự điều chỉnh, giới
hạn của luật pháp.

<i>Đa số người dân là thờ ơ với chính trị, vì thế,
phải thiết lập cơ chế sao cho hạn chế đến mức thấp nhất
sự vô trách nhiệm của người dân đối với việc bầu ra
chức vụ lãnh đạo cao nhất</i>. Nguyên tắc này khẳng định
cách bầu cử, theo đó, tổng thống sẽ được quyết định
bởi số đại cử tri tương đương với số lượng nghị sĩ
của mỗi tiểu bang.

<i>Các tiểu bang lớn luôn có xu hướng chèn ép các tiểu bang
nhỏ hơn, vì thế, cơ chế tổ chức nhà nước phải hạn chế
đến mức thấp nhất sự chèn ép này</i>. Đây là lý do để
các tiểu bang dù lớn hay nhỏ đều có hai thượng nghị sĩ
trong thượng viện. Bất kỳ một đạo luật nào dù Hạ viện
đã thông qua (nơi các bang lớn có lợi thế) đều phải được
Thượng viện chuẩn y, và ngược lại.

<i>Các cơ quan tư pháp dễ bị mua chuộc và lạm dụng, vì
thế, phải có thiết chế cho người dân được quyền giám
sát, quyết định trực tiếp đến các phán quyết tối thượng
của tòa án</i>. Nguyên tắc này đề ra cơ chế thành lập
<b>bồi thẩm đoàn</b> (The Jury), do người dân bầu ra. Các viên
chức của ba cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp không được
tham gia vào bồi thẩm đoàn. Phán quyết của bồi thẩm đoàn
về có tội hay không, mức án, là tối thượng.

<i>Việc thay đổi hay ban hành các điều luật mới luôn ảnh
hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân</i>. <i>Do đó,
phải thiết lập cơ chế để hạn chế đến mức thấp nhất
sự ban hành hay thay đổi một đạo luật, ngăn chặn mọi xu
hướng tắc trách khi ban hành các văn bản luật pháp. </i>Nguyên
tắc này bảo đảm sai sót ít nhất (hầu như chưa xảy ra, cho
đến thời điểm này) về việc ban hành đạo luật mới. Khi
một đạo luật được khởi xướng ở Thượng viện chẳng
hạn, nó sẽ được trình cho Tiểu ban Tư pháp xem xét, sau đó
trình lên Thượng viện. Nếu được thông qua, sẽ tiếp tục
được chuyển sang Tiểu ban Tư pháp Hạ viện, rồi toàn thể
Hạ viện; cuối cùng mới được trình lên tổng thống. Đạo
luật được thông qua, sẽ mang tên người đề xuất – vừa
để vinh danh vừa để tăng tính trách nhiệm của dự luật.
Nếu tổng thống phủ quyết, trình tự sẽ được làm lại từ
đầu.

<i>Quân đội, cảnh sát là công cụ của chính quyền nên
phải tuân thủ các mệnh lệnh của chính quyền. Và, để ngăn
ngừa sự lộng quyền, độc tài hóa, các quân nhân và cảnh
sát đang tại ngũ không được phép tham gia vào cơ quan lập
pháp. </i>Nguyên tắc này mặc nhiên khẳng định rằng quân
đội hay cảnh sát nếu họ vào thượng viện hay hạ viện,
không có quyền phản kháng chính quyền, không có quyền được
luận "tội" chính quyền, tức là không bảo đảm được
năng lực tác chiến, vì khi luận "tội", họ đang chống
lại chính quyền. Quân nhân hay viên chức cảnh sát, muốn vào
nghị viện, phải ra khỏi quân ngũ...

Trên đây là vài khái lược về sự hình thành và các nguyên
tắc lập pháp của nhà nước Mỹ – nhà nước hiện đại
đầu tiên trong lịch sử loài người – một mô hình nhà
nước chưa thể tìm thấy sự đối sánh nào khả dĩ hiệu quả
hơn. Đó cũng là mô hình nhà nước chưa hề có tiền lệ với
bản HP cho đến nay là độc nhất vô nhị, trường tồn, bất
chấp sự thay đổi về thời gian và không gian. Nước Cộng hòa
Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang chuẩn bị bước qua một thời
khắc trọng đại bằng việc lấy ý kiến toàn dân để sửa
đổi Hiến pháp 1992. Rất mong mỏi rằng việc lấy ý kiến đó
không phải là chuyện hình thức, bởi một sự thật giản dị:
Nếu ngay cả HP cũng chỉ là bàn để cho vui thì không có cái
gì trên đời này có thể được coi trọng! Một bản <b>Hiến
pháp</b> khoa học, nhân văn, phù hợp ý nguyện của toàn dân, xu
thế của mọi thời đại, chắc chắn là <b>nguyên tắc, điều
kiện đầu tiên</b> cho sự phát triển vững bền...

Không phải ngẫu nhiên mà Lời Tuyên thệ của Tổng thống
Mỹ chỉ có một ý ngắn gọn là BẢO VỆ HIẾN PHÁP. Một khi
HP được soạn thảo hoàn chỉnh thì mọi cố gắng của công
dân – kể cả TT, chỉ duy nhất một vấn đề là bảo vệ
để thực thi đúng như HP đặt ra, không cần bất kỳ một sự
thêm, bớt nào bởi những thêm hay bớt đó đều làm vẩn đục
HP!

Huế, 24.1.2013

<b>H. V. T.</b>

Tác giả gửi trực tiếp cho <i>BVN</i>.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130124/ha-van-thinh-vai-net-ve-hien-phap-my),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét