Bài dự thi Quyền Con Người và Tôi: Nghĩ về Quyền Con Người: Thực tế và giải pháp

<em><strong>Bài dự thi mã số QCN&T000020</strong></em>

Từ khi bắt đầu có ý tưởng chia sẻ suy nghĩ của mình về
quyền con người với những người khác, câu hỏi luôn hiện
diện trong tôi đó là: "Có bao nhiêu người thực sự quan tâm
đến quyền con người và sẵn sàng tranh đấu để nó được
thực hiện đúng nghĩa đến cùng?" - một câu hỏi mà theo
nhiều người không dễ dàng gì để có được câu trả lời.

Từ trước đến giờ tại Việt Nam, các khái niệm căn bản
về quyền con người luôn bị hiểu sai lệch dưới tác động
của hệ thống thông tin, truyền thông. Đặc biệt, quyền tự
do bày tỏ chính kiến, tự do ngôn luận luôn bị gắn liền
với khái niệm "phản động", điều này khiến một bộ phận
không nhỏ người Việt Nam có cái nhìn khiếm khuyết đối với
quyền con người.

<h2>Nguyên nhân bắt đầu từ đâu?</h2>

Nền giáo dục Việt Nam đậm tính nho giáo không rèn luyện tính
tự lập, tính phản kháng và ít nhiều kìm hãm sự tự do trong
suy nghĩ của từng cá nhân ngay từ khi còn nhỏ. Điều này dẫn
đến việc bị phụ thuộc và thiếu khả năng phân tích, thiếu
nhận định cá nhân trước những sự kiện, những thông tin
được tiếp nhận, và dẫn đến việc thiếu tin tưởng vào
khả năng của chính bản thân mình, từ đó dẫn đến sự sợ
hãi.

Trên thực tế đã chứng minh, những con người có ý chí độc
lập, có ý thức về quyền con người luôn bị đối xử "khác
biệt". Họ bị cô lập, bị đe dọa thậm chí bị trừng phạt.
Điều này khiến phần còn lại của xã hội thấy sợ hãi và
dè chừng.

Sống chung với quá nhiều nỗi sợ mơ hồ, dần dần con người
bị tước đoạt mất ý chí bản thân, và quên mất các quyền
căn bản của mình. Trong suy nghĩ chủ quan của mình tôi cho
rằng, đây chính là phần lớn lý do dẫn đến cái nhìn khiếm
khuyết đối với quyền con người trong tình trạng xã hội
thực tại.

Nhiều người đã từng chép miệng than thở rằng: "mạng
người Việt Nam sao giờ quá rẻ?" – câu nói tưởng chừng
nghe đơn giản như một lời ai oán này đã chỉ ra tình trạng
thiếu vắng các chuẩn mực cần phải được tôn trọng đối
với con người, quyền được sống, được mưu cầu một cuộc
sống hạnh phúc và an toàn.

Nói một cách khác, quyền con người chưa được đảm bảo
tại xã hội Việt Nam hiện nay.

<h2>Làm sao thay đổi được thực tế đáng buồn này?</h2>

Không có cách nào khác tốt hơn là bản thân mỗi người phải
có ý thức về phẩm giá, giá trị và quyền của mình, bên
cạnh các "nghĩa vụ công dân" luôn được hệ thống truyền
thông nhắc nhớ. Một con người thực sự phải có quyền
quyết định tự do và suy nghĩ của mình trước khi có bổn
phận và nghĩa vụ với đất nước. Có như vậy họ mới ý
thức được việc mình làm và hết mình vì nó.

Có nhiều người sẽ cho rằng tôi lạc quan khi đưa ra ý kiến
trên, bởi thực tế mọi người thường nói về sự sợ hãi
lớn lao mà mỗi người phải đối diện, và mọi người
thường đặt vấn đề để vượt qua sự sợ hãi trước khi
nói đến quyền con người.

Thật ra nếu bạn ý thức được quyền của mình, bạn sẽ
vượt qua sự sợ hãi nhẹ nhàng hơn là tìm cách đấu tranh
với nó.

Hãy thử thay đổi mình trước hết ở những việc nhẹ nhàng,
bạn đọc sách, tìm hiểu thông tin về quyền con người. Đối
diện với một vấn đề thực tế, hãy bắt đầu bắt cách
tìm đọc để hiểu trong trường hợp cụ thể này, bạn có
những quyền gì, và bạn nên làm gì. Điều cần làm là chúng
ta phải giữ được bình tĩnh trong mọi tình huống. Ngay cả
trong tình huống xấu nhất, hãy nhớ rằng, bạn vẫn có quyền
được lựa chọn là nói hay im lặng.

Một điều quan trọng mà tôi muốn chia sẻ cùng mọi người
đó là khi một cá nhân ý thức được quyền của mình, thì
hiệu ứng đó sẽ lan tỏa đến với những người xung quanh
rất nhanh chóng.

Vì vậy, đừng bao giờ từ bỏ quyền con người của mình, ngay
cả khi bạn nghĩ bạn không thể làm gì cho xã hội.

Hãy bắt đầu chia sẻ với những người xung quanh mình về
những gì bạn biết, tốt hơn nữa là chia sẻ với những
người trẻ, thậm chí cả các em bé khái niệm ý thức giá
trị bản thân của mình, để từ đó tất cả sẽ học được
cách tự bảo vệ mình ngay trong môi trường mà mình sinh hoạt.

Quyền con người gắn liền với tôi, với bạn, với chúng ta,
gắn liền với sự phát triển nền tảng của một xã hội
công bằng và nhân văn. Không ai có thể khẳng định giá trị
của chúng ta chính xác hơn bản thân của mỗi người, và một
khi ý thức giá trị cá nhân được hiểu đúng nghĩa của nó
với đầy đủ các khái niệm về quyền của con người thì
nhất định xã hội sẽ phải thay đổi theo chiều hướng tốt
đẹp hơn.

Và một khi vẫn còn có người quan tâm đến quyền của con
người và tiếp tục tranh đấu cho các quyền ấy được thực
thi tại Việt Nam thì nhất định giấc mơ được sống trong
một xã hội phát triển tốt đẹp của nhiều người sẽ trở
thành hiện thực. Vì thế - tôi, bạn, chúng ta đừng bao giờ
từ bỏ quyền con người của mình, bạn nhé!


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130121/bai-du-thi-quyen-con-nguoi-va-toi-nghi-ve-quyen-con-nguoi-thuc-te-va-giai-phap),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét