Lê Tuấn Huy - Xử sao?

<div class="special_quote"><em>Ngày 27/12/2012, án phúc thẩm tuyên cho
Hoàng Khương như sơ thẩm. Ngày 28/12/2012, công an Hải Phòng
đề nghị truy tố anh em Đoàn Văn Vươn tội giết người. Một
lần nữa, hai nhân vật không liên hệ nhau này lại ngẫu nhiên
"gần gũi" theo dòng sự kiện. Bài dưới đây được viết
trong hai ngày 09-10/02/2012 nhưng chưa công bố. Dù mất đi tính
thời sự, tôi vẫn giữ nguyên nội dung ban đầu, để góp
tiếng nói về những con người này.</em>

<em>28/12/2012</em>

<em>Lê Tuấn Huy</em></div>

<strong>1.</strong>

Ngày 07/02/2012, <a
href="http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/59341/dinh-chi-chuc-chu-tich-huyen-tien-lang.html">Hải
Phòng quyết định "kỷ luật"</a> đối với một số giới
chức huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang. Số phận Đoàn Văn Vươn
cùng những người bị khởi tố chung đương nhiên vẫn mặc
định là "xử lý theo pháp luật"[1].

Cùng ngày, đã diễn ra <a
href="http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/59388/sao-nha-bao--ngai--dieu-tra-.html">hội
thảo "Báo chí điều tra và lợi ích công"</a>. Về trường
hợp của nhà báo Hoàng Khương, có cả <a
href="http://phapluattp.vn/20120207114426245p0c1013/nha-bao-dieu-tra-cung-khong-the-pham-luat.htm">ý
kiến (tạm thời gọi là) bênh vực và không bênh vực</a>.

<strong>2.</strong>

Chắc chắn, dù ủng hộ nhà họ Đoàn, không ai lại cổ động
cho hành động mang tính bạo lực. Nhưng liệu họ có đáng bị
ghép tội "giết người" và "chống người thi hành công
vụ"? Trong khi nhiều người vẫn còn e dè về "tội trạng"
này, thì chị Phạm Thị Hiền, em dâu Đoàn Văn Vươn, đã là
người đầu tiên khẳng khái: <a
href="http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2012/01/120120_pham_thi_hien.shtml">"cướp
không phải [là] công vụ"</a>.

Câu nói ngắn gọn đó không chỉ lột tả được bản chất
của vụ việc, mà còn khái quát được một tình trạng đã
định hình như quốc nạn: cướp bằng công vụ. Nghiêm trọng
hơn, trong khi những vụ việc khác, cướp được thực hiện
bằng một loại luật pháp nhiều bất cập, thì ở Cống Rộc,
cướp được thực hiện bằng một loại luật rừng công khai,
bởi các giới chức liên quan đã mặc sức "diễn dịch"
một cách độc ác cái luật pháp nhiều bất cập đó, và còn
được sự hỗ trợ gần như của toàn bộ cỗ máy cưỡng hành
địa phương, vốn được quan niệm chung là "sức mạnh tổng
hợp của hệ thống chuyên chính vô sản".

Nếu anh em họ Đoàn không hành động như đã hành động khi
cùng quẫn, thì để "sạch" về mặt pháp lý, họ có những
chọn lựa nào?

1. Chấp nhận mất đất, rồi sống an phận, lầm lũi với nỗi
oan ức.

2. Chấp nhận mất đất, rồi gia nhập vào đội quân khiếu
kiện thường trực và trường kỳ vốn đang ngày một lớn, mà
qua thực tế, kết quả của đại đa số là khiếu kiện vô
tận, vô định và vô hiệu.

3. Chấp nhận mất đất, nhưng liều mạng, và thay vì liều
mạng với lực lượng mang danh "công vụ" như đã làm, là
liều mạng với chính mình, vì chỉ còn con đường này mới
"bảo tồn" được nỗi oan khiên trước công luận.

Với hai tình huống đầu, theo chân người trí thức khi mất đi
hoạt động đặc trưng, là tư duy độc lập và tự do tư
tưởng, phải "lưu vong" trên chính đất nước mình, thì về
mặt cá nhân lẫn xã hội, người nông dân khi mất đi hoạt
động đặc trưng, sẽ phải <em>lưu vong trên chính quê hương
bao đời</em>, theo đúng nghĩa đen.

Còn với tình huống thứ ba, kết quả là thương vong. Và đã
có "tiền lệ" về hình thức tự hoại cực đoan nhất khi
oan sai, là trường hợp <a
href="http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/2009/7/19246.html">tự thiêu
của ông Nguyễn Văn Đương</a> ngay trong lúc bị cưỡng chế[2].

Thế nhưng, phải chăng giá trị pháp lý và giá trị xã hội
của Việt Nam ngày nay chỉ chấp nhận người dân hoặc là lưu
vong, hoặc là thương vong, còn dấn thân thì phải trừng trị?

Trong khi đó, nếu không hành động như đã hành động, gia
đình ông Vươn sẽ không vướng phải trách nhiệm pháp lý
nhưng sau đó, theo chân họ là hàng loạt hộ khác ở Tiên Lãng
cũng sẽ chịu cảnh mất đất, trong sự lặng yên của xã
hội, để rồi tệ trạng cướp bằng luật pháp và cướp
bằng luật rừng cứ thế thỏa sức trên khắp đất nước.
Hơn thế, hành động có tác động cảnh tỉnh không thể khác
được của họ không chỉ giúp ích cho những người dân bình
thường, mà còn cho cả giới lãnh đạo cấp cao, cho toàn bộ
bộ máy cầm quyền và hệ thống chính trị.

<strong>3.</strong>

Nếu đem "tư duy" quy giản của vụ nhà họ Đoàn – xét
hành động của họ cô lập trong việc nổ mìn tự tạo và
bắn súng hoa cải về phía "lực lượng chức năng" – áp
dụng cho trường hợp Hoàng Khương, tức cô lập sự việc trong
hành động đưa tiền cho công an, mà không xét động cơ, bối
cảnh xã hội và điều kiện bất khả kháng, thì nhà báo này
đáng mang tội "hối lộ".

Về động cơ, có lẽ ngoài phía công an dường như đang muốn
khẳng định ngược lại, chắc rằng đa số công luận đều
đồng tình với sự sự dấn thân chống tiêu cực của anh.

Về bối cảnh xã hội, mà ở đây, cụ thể là bối cảnh <a
href="http://talawas.org/talaDB/suche.php?res=1538&amp;rb=0401">hợp nhất
giữa quyền lực công và lợi ích tư</a> trong hoạt động công
quyền đã gần như đạt đến đỉnh điểm. Ngoài tầng cao
biểu hiện ở tham nhũng và nhóm lợi ích, ở tầng thấp hơn,
là "hệ thống" sách nhiễu tư túi hàng ngày, trong đó tiêu
cực của công an biến chất, vốn đã là đối tượng phản
ánh thường xuyên của truyền thông.

Đương nhiên, cho dù ở các quốc gia mà truyền thông có tầm
hoạt động và ảnh hưởng lớn hay ở bất kỳ đâu cũng vậy,
phóng viên đều không được vượt quá giới hạn trong nhập
vai điều tra. Tuy nhiên, nếu không có cái bối cảnh độc nhất
vô nhị trên thế giới mà tướng Lê Thế Tiệm đã khái quát,
rằng: "Có cái gì đó ngoài đường mà ai cũng muốn gửi con
em ra đứng?", và nếu đội ngũ "con em" đó không có cả
một "hệ thống" chân rết tự phát hỗ trợ cho tiêu cực,
thì hành động của Hoàng Khương mới trở thành điều phi lý
và phi pháp, vì khi đó, đơn giản nó chỉ là cố tình dựng
lên một sự vụ cá biệt[3].

Hoàng Khương, nếu không nhập vai đến tận cùng ở thế không
thể khác được, mà chỉ dừng lại ở mức ghi nhận suông,
thì sẽ không bao giờ có được chứng cứ sống và <em>không
thể chối cãi</em>[4], để rồi việc làm phi pháp của những
công an tiêu cực sẽ mãi mãi nằm trong vùng cấm, vì đó là
nơi chỉ có sự "tiếp cận" khép kín của những đối
tượng liên quan, là chính họ cùng những cánh tay nối dài của
họ, và những người phải cần đến ê kíp đó.

Ngoài ra, truyền thông là ngành mang tính đặc thù, nên hành
động chống tiêu cực của họ cũng mang tính đặc thù. Do
vậy, trong việc này, sẽ là sự hạ cấp phi lý đối với
truyền thông khi quy họ về chung với người dân bình thường
qua việc không thừa nhận mặt báo như một công cụ tố giác
khi trưng ra kết quả điều tra, mà buộc họ nhất nhất phải
tố giác trực tiếp với cơ quan công an.

<strong>4.</strong>

K. Marx, khi lược khảo về Chủ nghĩa Duy vật Pháp, có diễn
giải lại rằng:

<em>Nếu con người không có tự do theo nghĩa duy vật, nghĩa là
nếu người ta có tự do không phải nhờ có lực lượng tiêu
cực để lẩn tránh cái này cái nọ, mà nhờ có lực lượng
tích cực để phát huy cá tính của mình thì không nên trừng
phạt những tội lỗi trong cá nhân, mà nên tiêu diệt những
nguồn phản xã hội đẻ ra tội lỗi và đem lại cho mọi
người một không gian xã hội cần thiết cho sự biểu lộ căn
bản của bản chất của mình. Nếu như con người là do hoàn
cảnh tạo nên thì phải tạo ra những hoàn cảnh hợp tính
người. Nếu như con người, bẩm sinh ra, đã có tính xã hội
thì do đó chỉ có trong xã hội, con người mới có thể phát
triển bản tính thật sự của mình và lực lượng của bản
tính con người phải được đánh giá không căn cứ vào lực
lượng của cá nhân riêng lẻ mà căn cứ vào lực lượng của
toàn xã hội</em>.[5]

Đúng vậy, suy cho cùng, mọi tội lỗi của con người, ngoài
sự góp phần của bản tính cá nhân, của gia đình và giáo
dục, thì bối cảnh đóng vai trò là căn nguyên xã hội. Bởi
thế, trừng phạt triệt để nhất đối với tội lỗi của con
người là trừng phạt cái bối cảnh xã hội đã sinh ra tội
lỗi đó.

Nói như vậy không có nghĩa là con người phải được miễn
trừ mọi trừng phạt, ở mọi tội lỗi. Hành động xuất phát
từ bản tính cá nhân và những hành vi hình sự có trong mọi
bối cảnh, là những điều phải giá pháp lý.

Còn với những "tội lỗi" mà không thể tránh khỏi và
trực tiếp phát sinh từ cái bối cảnh phi lý, phi nhân của
một xã hội, một giai đoạn lịch sử, thì chính cái điều
kiện đã bóp méo "căn bản của bản chất" con người,
khiến nó phải thể hiện một cách sai lệch, mới là cái cần
phải được xử lý, điều chỉnh triệt để cho "hợp tính
người", bởi lực lượng đã gây nên sai trái đó "phải
được đánh giá không căn cứ vào lực lượng của cá nhân
riêng lẻ mà căn cứ vào lực lượng của toàn xã hội".

Lấy sự việc ở Ô Khảm làm minh chứng. Trục xuất chính
quyền thôn, chiếm cứ địa bàn, điều hành tự quản, biểu
tình liên tục…, theo luật pháp xã hội chủ nghĩa, rõ ràng là
"chống chính quyền nhân dân" và "lợi dụng các quyền tự
do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước…", v.v và v.v…
Nhưng qua sự kiên quyết dấn thân của người dân, không một
ai trong số họ bị xử lý hình sự, mà ngược lại, chính
quyền trung ương đã phải thức tỉnh: quyền dân chủ cơ sở
được thật sự trao lại cho người dân sở tại, Thủ tướng
Ôn Gia Bảo thừa nhận nạn cướp đất và kêu gọi bảo vệ
nông dân.

Có cái kết quả "phi luật pháp", "phi kỷ cương" như
thế tại Ô Khảm là bởi thực chất việc xử trí không phải
ở chỗ dễ dàng và tùy nghi quy tội người dân, mà ở chỗ
dân hay quan được lấy làm gốc.

Những người có thẩm quyền có thể <em>hất ngược lỗi</em>
về cho nông dân bị mất đất là "không chấp hành" phương
án đền bù giải tỏa, "không chấp hành" cưỡng chế; có
thể <a
href="http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/12/csgt-dang-phai-doi-mat-voi-tac-dong-tieu-cuc-tu-tai-xe/">hất
ngược lỗi về cho người dân</a> đối với <a
href="http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2011/12/nhieu-nguoi-vi-pham-da-moi-chai-ga-gam-csgt/">tiêu
cực của công an</a>, nhưng sự thật và nhân tâm là những thứ
mà sức mạnh cưỡng hành dù có thể áp đặt cũng không bao
giờ có thể thể định hình khách quan.

Đoàn Văn Vươn và Hoàng Khương, sắp tới đây, dù về mặt
pháp lý, có trở thành người mang án, thì về mặt xã hội và
lịch sử, họ vẫn là những anh hùng.

Vấn đề còn lại là quan hệ giữa cái tâm của lãnh đạo
với nhân tâm của người dân: xử ai và xử ra sao để minh
bạch và đem lại công lý, để sự vụ không trở thành vết
thương trên cơ thể xã hội, bởi khi đó, cái sẹo dù có lành
cũng hằn lại vĩnh viễn trong lòng người.

<strong>Chú thích</strong>

[1] Bài được viết trước ngày Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
họp về vụ việc (11/02/2012), mà trong <a
href="http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/02/xu-ly-dut-diem-vu-tien-lang-truoc-30-3/page_2.asp">kết
luận</a> có "yêu cầu" Hải Phòng "Chỉ đạo cơ quan bảo
vệ pháp luật khẩn trương đưa vụ án 'giết người và
chống người thi hành công vụ' ra xét xử công khai, bảo
đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Kiến nghị các cơ quan
tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị
cáo do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện
Tiên Lãng".

[2] Dù vụ việc này, xảy ra ở xã Đại Hưng, Khoái Châu, Hưng
Yên, xuất phát từ tranh chấp dân sự, nhưng có nhiều điểm
rất đáng lưu ý, là đương sự đã nhiều lần kêu cứu đến
các cơ quan pháp luật và chính quyền nhưng vẫn bị cưỡng
chế, để rồi phải tự đốt mình ngay khi đó, trước <a
href="http://giadinh.net.vn/20090724101340403p0c1005/tu-sat-trong-gio-thi-hanh-an.htm">sự
dửng dưng của các "lực lượng chức năng" hùng hậu</a>.
Xin được đặt câu hỏi trước lương tâm công luận: cái
chết thảm thương và uất ức này có đáng lật lại và đi
đến tận cùng công lý không?

[3] "Phóng viên không được tác động vào sự vật, hiện
tượng khiến nó thay đổi bản chất" là điều hoàn toàn
đúng, nhưng nếu vận dụng không đúng vào trường hợp Hoàng
Khương, sẽ là công cụ rửa sạch tội cho công an viên tiêu
cực và trút hết tội sang Hoàng Khương. Vì khi vận dụng với
thái độ "cô lập", cụm từ "thay đổi bản chất" đã
mặc nhiên giả định là viên công an bị "biến chất" bởi
chính hành động của Hoàng Khương, chứ không phải người này
đã chủ động có tiêu cực.

[4] Cho rằng có băng ghi âm công an viên muốn nhận hối lộ đã
là đủ chứng cứ và Hoàng Khương nên dừng lại, là một ý
kiến xa rời thực tế Việt Nam. Có những <em>chứng cứ
sống</em> <em>nhưng </em><strong><em>có thể chối cãi</em></strong>,
như trường hợp Nguyễn Thị Thanh Tuyền ghi âm của kẻ gạ
tình khi chồng chị đang bị tạm giữ. Đó là chưa kể khi chưa
có chứng cứ phạm pháp quả tang, với ưu thế từ công tác
của mình, công an viên tiêu cực có thể diễn giải những lời
nói đó là sự "nhập vai" của mình để chống tội phạm.

[5] Marx – Engels Tuyển tập, I, Nxb Sự thật , Hà Nội, 1980, tr
174.

©&nbsp;2012 Lê Tuấn Huy &amp; pro&amp;contra

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20121231/le-tuan-huy-xu-sao), một số
đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời độc
giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận
có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng
dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét