Nguyễn Trọng Chiến - Dân chủ trực tiếp: Quyền đề xướng và trưng cầu dân ý

Dân chủ trực tiếp là một chính quyền do dân tự điều hành,
không cần bầu ra đại diện để điều hành chính quyền này.
Dân chủ trực tiếp mới nhấn mạnh quyền và năng lực của
công dân trong việc quyết định chính sách quốc gia, quy chế,
pháp luật, hiến pháp. Ở nước ta, hiến pháp năm 1946 đã trao
cho dân tộc ta quyền phúc quyết. Mặc dù vậy, vì nhiều khó
khăn thời bấy giờ mà người dân đã không được thực hiện
quyền phúc quyết của họ. Ở một số nước, khái niệm và
phạm vi của Dân chủ trực tiếp mới bao gồm ba biểu hiện
thực tiễn: quyền đề xướng, trưng cầu dân ý và quyền bãi
miễn. Biểu hiện thứ ba cho phép người dân bãi nhiệm quan
chức hoặc đại biểu thông qua bỏ phiếu. Quyền bãi miễn là
ngang hàng với quyền bầu cử chứ không phải một quyền nằm
dưới cái ô của dân chủ trực tiếp. Cả quyền đề xướng
và trưng cầu dân ý đều là những biểu hiện thực tiễn của
Dân chủ trực tiếp mới.

<h2>Quyền đề xướng</h2>

Quyền đề xướng là quyền trong đó công dân, sau khi thu thập
đủ số lượng chữ ký nhất định từ những công dân khác,
có thể yêu cầu chính phủ đưa đề xuất của công dân đó
về chính sách, quy định, luật hoặc sửa đổi hiến pháp ra
bỏ phiếu toàn dân. Dân sẽ quyết định chấp thuận hay bác
bỏ để xuất này. Người dân Thụy sĩ đã có quyền đề
xướng như vậy từ cách đây hơn 100 năm. Một số bang của
Mỹ cũng công nhận quyền này.

Ví dụ, ở một vài bang của Mỹ, có hai loại đề xướng:
trực tiếp và gián tiếp. Trong đề xướng trực tiếp, đề
xuất về luật hay chính sách của công dân được đưa thẳng
ra bỏ phiếu toàn dân mà không cần chính quyền xem xét. Trong
đề xướng gián tiếp, đề xuất về luật hoặc chính sách
của công dân được trình lên chính quyền (cơ quan pháp lý, cơ
quan hành chính hoặc một ủy ban đặc biệt) xem xét trước khi
đưa ra bỏ phiếu toàn dân. Trong trường hợp này, cơ quan lập
pháp hoặc cơ quan hành chính luôn có thể thông qua luật hoặc
chính sách được đề xuất đó để tránh bỏ phiếu toàn dân.
Mặc dù những đề xuất này có nguy cơ bị chính quyền bác
bỏ hoặc cản trở, nhưng đề xướng gián tiếp có ưu điểm
là cho phép chính quyền cải thiện chất lượng của đề
xuất.

<h2>Trưng cầu dân ý</h2>

Trưng cầu dân ý là biểu hiện của quyền phúc quyết và là
phương pháp phổ biến của dân chủ trực tiếp. Trong một
cuộc trưng cầu dân ý, công dân có thể bỏ phiếu chấp thuận
hoặc bác bỏ luật, chính sách hay các sửa đổi hiến pháp đã
được cơ quan lập pháp, cơ quan của chính phủ đề xuất
hoặc thông qua.

Trong đề xướng, dân bỏ phiếu cho đề xuất của dân, còn
trong trưng cầu dân ý, dân bỏ phiếu cho đề xuất của chính
phủ. Theo cách hiểu này, đề xướng được xem như đúng nghĩa
dân chủ trực tiếp hơn trưng cầu dân ý.

Trưng cầu dân ý có thể được chia ra thành nhiều loại bằng
một số tiêu chuẩn. Một trong những tiêu chuẩn đó là bắt
buộc hay không bắt buộc. Trong trưng cầu dân ý bắt buộc,
hiến pháp hoặc luật quy định rằng dự thảo sửa đổi hiến
pháp hoặc lụât phải được đưa ra cho người dân bỏ phiếu
trước khi chúng có hiệu lực. Trong trưng cầu dân ý không bắt
buộc, việc có đưa ra trưng cầu dân ý về vấn đề đó hay
không tùy thuộc vào những người đề xuất hoặc chính phủ.
Tuy nhiên, người dân vẫn có thể yêu cầu hoặc chính phủ
chủ động tổ chức trưng cầu dân ý về những vấn đề quan
trọng để ngăn chặn những quyết định vội vàng của chính
quyền. Ví dụ: một số nước Châu Âu quyết định tổ chức
trưng cầu dân ý về công ước thành lập hiến pháp Châu Âu
trong những năm 2005-2006, tuy nhiên những cuộc trưng cầu dân ý
như vậy không phải lúc nào cũng nhanh chóng được luật pháp
của các nước đó cho phép. Trong thực tiễn, những cuộc trưng
cầu dân ý không bắt buộc như vậy thường xuất hiện khi
liên quan đến việc thành lập hiến pháp, độc lập, thay đổi
lãnh thổ hoặc các vấn đề chủ quyền.

Tiêu chuẩn thứ hai liên quan đến việc ai có quyền kêu gọi
trưng cầu dân ý. Đặc biệt trong trường hợp trưng cầu dân
ý không bắt buộc nêu trên, cả công dân và chính phủ đều
có thể kêu gọi trưng cầu dân ý. Theo tiêu chuẩn này trưng
cầu dân ý được chia làm hai loại: trưng cầu dân ý đại
chúng và trưng cầu dân ý của chính phủ. Trong trưng cầu dân
ý đại chúng, sau khi thu thập đủ một số lượng chữ ký,
người dân có quyền yêu cầu chính phủ tổ chức trưng cầu
dân ý về luật hoặc chính sách đã được thông qua. Trong
trưng cầu dân ý của chính phủ, việc này được các cơ quan
của chính phủ chủ động thực hiện. Cho dù là do cơ quan lập
pháp hay hành chính đề xướng, những cuộc trưng cầu dân ý
như vậy thường dễ bị thao túng vì mục đích chính trị. Ở
một vài bang ở Mỹ, cơ quan lập pháp bang không được cho phép
đề xướng trưng cầu dân ý về những luật được chính cơ
quan lập pháp này thông qua.

Tiêu chuẩn phân loại thứ ba là kết quả trưng cầu dân ý có
phải là kết luận cuối cùng hay chỉ mang tính chất tham khảo
cho chính phủ.

Nói một cách đơn giản, quyền đề xướng cho phép dân có
được cái dân muốn, trong khi trưng cầu dân ý cho phép dân
loại bỏ cái dân không muốn.

<h2>Dân chủ trực tiếp ở nước ta</h2>

Hiến pháp nước ta năm 1946 do Hồ Chủ Tịch trực tiếp soạn
thảo đã trao cho dân quyền phúc quyết các sự việc hệ trọng
của quốc gia. Tư tưởng này xuất phát từ một chân lý chính
trị: Nền tảng của nhà nước phải dựa trên ý dân, nếu
mọi người đều tham gia xây dựng luật pháp thì cuối cùng
họ chỉ phải tuân theo chính họ và sẽ không có đàn áp. Mặc
dù vậy, bản hiến pháp này lại trao quyền cho phép trưng cầu
dân ý vào tay quốc hội. Kết quả là hơn 50 năm sau người dân
Việt nam vẫn chưa được hưởng quyền phúc quyết của họ.
Có thể vì lý do chiến tranh chia cắt, giao thông và công nghệ
yếu kém mà nhà nước không có điều kiện cho người dân
thực hiện quyền phúc quyết. Trong hiến pháp hiện hành mặc
dù vẫn còn quy định cho phép quốc hội trưng cầu ý dân,
nhưng thiết nghĩ nếu phúc quyết là quyền của dân thì dân
phải được thực hiện nó bất cứ khi nào dân muốn. Không
những thế, để cho dân làm chủ một cách trực tiếp, trong
điều kiện công nghệ thuận lợi ngày nay, người dân cần có
thêm quyền đề xướng. Thụy sĩ là một quốc gia tiến bộ
bậc nhất thế giới, người dân Thụy sĩ đã được hưởng
quyền đề xướng và quyền phúc quyết hơn 100 năm nay.

<h2>Dân chủ trực tiếp ở Thụy sĩ</h2>

Công dân Thụy sĩ có quyền đề nghị thay đổi hiến pháp và
bác bỏ dự thảo luật. Mọi sửa đổi hiến pháp đều phải
được đưa ra trưng cầu dân ý. Những thay đổi nhỏ trong
hiến pháp Thụy sĩ diễn ra khá thường xuyên mà không ảnh
hưởng tới những phần cốt lõi của hiến pháp và ổn định
của hệ thống chính trị. Trái lại, dân chủ trực tiếp là
yếu tố quan trọng tạo nên sự ổn định chính trị nổi
tiếng ở nước này. Trong việc thay đổi hiến pháp, trưng cầu
dân ý là bắt buộc. Để yêu cầu chính phủ trưng cầu dân ý
nhằm sửa đổi hiến pháp hoặc luật, cần ít nhất 1.2% dân
số ký tên.

<h2>Dân chủ trực tiếp trên thế giới</h2>

Một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp đã được nước
Pháp cách mạng thực hiện ở Châu Âu. Quốc hội tuyên bố
rằng hiến pháp phải được nhân dân quyết định. Tháng
8/1793, 6 triệu cử tri được trao quyền quyết định bản hiến
pháp dân chủ mới của đất nước (Hiến pháp Montagnard). Gần
90% tán thành với bản hiến pháp mang tính cách mạng này, trong
đó điều khoản cho phép 10% cử tri kêu gọi trưng cầu dân ý

Thụy Sĩ đã đưa ra nền tảng tiếp theo cho bước của dân
quyền. Từ đó dân quyền quay trở lại Mỹ: đến những bang
miền tây bắc nước Mỹ cuối thế kỷ 19, và đến Uruguay
đầu thế kỷ 20. Khi liên bang Úc đựơc thành lập năm 1901,
hiến pháp của nó lấy cảm hứng từ cả chủ nghĩa liên bang
ở Mỹ và quy tắc đa số kép trong việc sửa đổi hiến pháp
của Thụy Sĩ. Cũng như ở Thụy Sĩ, hơn một trăm năm nay ở
Úc việc sửa đổi hiến pháp yêu cầu đa số của toàn cử tri
và đa số bang tán thành.

Từ trước khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc, các công cụ
của dân chủ trực tiếp đã đạt được vị trí quan trọng
ở một số lượng lớn các quốc gia trên thế giới như Ý,
Philippines, Nam Phi, Ecuador, Canada và nhiều quốc gia khác. Hai trăm
năm nay, hơn 1500 cuộc bỏ phiếu toàn dân về những vấn đề
quan trọng đã được tổ chức trên thế giới, một nửa trong
số đó được thực hiện trong 20 năm gần gây.

Nhiều nơi trên thế giới ngày nay, các phương tiện đề
xướng và trưng cầu dân ý của công dân đã trở thành một
thành phần mạnh mẽ của nền dân chủ đại diện mới, không
chỉ ở Thụy Sĩ, phân nửa nước Mỹ và thâm chí cả chế
độ quân chủ cha truyền con nối ở Công quốc Liechtenstein.

<h2>Vấn đề dân trí </h2>

Hình ảnh về những người dân bình thường vô giáo dục, non
nớt và thờ ơ với chính trị, hành xử theo ham muốn cá nhân
đã đeo bám làm chậm lại bước tiến của dân chủ từ thuở
ban đầu. Hết lần này đến lần khác, nhà cầm quyền dùng
ảnh người dân thường thiếu năng lực chính trị để phản
đối yêu cầu cần chủ trực tiếp. Những rào cản đó có
thể làm chậm lại nhưng không thể chặn bước tiến của dân
chủ.

Vào thế kỷ 19 và 20, những lý do này từng được dùng để
phản đối dân chủ và chống lại việc mở rộng quyền bầu
cử cũng như quyền bình đẳng chính trị cho phụ nữ. Ngày nay
quyền bầu cử đại biểu và quyền bình đẳng chính trị cho
phụ nữ không còn là vấn đề đáng bàn luận. Nhưng những
lời bao biện đó vẫn tiếp tục tỏ ra hữu hiệu trong việc
phản đối quyền được bỏ phiếu của dân về các vấn đề
trọng đại trong dân chủ trực tiếp.

Có một bằng chứng mà chỉ có những ai làm bộ không biết
mới chấp nhận được những lời bao biện nói trên. Đó là,
nếu đúng thì làm sao nền dân chủ trực tiếp ổn định có
thể tồn tại ở Thụy sĩ trong hơn 100 năm, vì một nền dân
chủ trưng cầu dân ý có thể tiêu diệt chính nó.

Những điều kiện tiên quyết về công nghệ và giáo dục cho
nền dân chủ chưa bao giờ hoàn thiện như chúng ta có ngày hôm
nay. Không có lý do gì để cho rằng một số người có khả
năng quyết định các vấn đề của cộng đồng tốt hơn
những người khác. Hơn thế nữa, việc trao quyền đề xướng,
quyền phúc quyết cho dân còn khuyến khích dân trí phát triển.

<h2>Tài liệu tham khảo:</h2>

1. Guide book to Direct democracy in switzerland and beyond, Tác giả:
Bruno Kaufmann (Chủ tịch ủy ban bầu cử Thụy điển)

2. Hiến pháp nước Việt nam dân chủ cộng hòa năm 1946

3. Hiến pháp nứơc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam năm
1992

4. Hiến pháp Liên bang Thụy sĩ năm 1999, 1848

5.
http://www.mcgeorge.edu/Research_Centers_and_Institutes/Capital_Center_for_Public_Law_and_Policy_Home/Publications/California_Initiative_Review/California_Initiative_Review_Reports/Direct_Democracy.htm

<em><strong>Chiba ngày 11 tháng 2 năm 2012</strong></em>


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/13181), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét