MartianMobile - Kinh tế với hiện tượng tinman

Hôm nay đi vào X-cafe thì được biết bạn tinman cùng với các
bạn khác như tqvn2004, postmodernism và The 10net rời khỏi BQT, nó
làm mình bâng khuâng. Thôi chúc các bạn may mắn và thành công
trong tương lai. Cùng lúc chúc bạn Lê Quốc Tuấn hoàn thành
trách nhiệm mới trong tình trạng khó khăn hiện nay.

Tình trạng kinh tế tại Hoa Kỳ hiện nay đi vào một khúc quanh
mới, nhiều người có bằng cấp như tinman còn có công ăn
việc làm nhưng đang bị cạnh tranh mạnh vì công việc hiếm đi
do hãng xưởng sản xuất nhưng không có người tiêu thụ hay
họ phải cắt giảm ngân sách vì chi tiêu quá tốn kém hay phải
sát nhập vào các công ty khác để tồn tại. Con số chính xác
về thất nghiệp là hơn 17% người Mỹ thất nghiệp hiện nay
chứ không phải là 9.1% như chính phủ Mỹ công bố hàng tháng
vì con số chính phủ kiểm kê không tính vào con số đã hết
hạn nhận trợ cấp thất nghiệp. Con số trên 9% này sẽ ở
lại tại đây trong một thời gian rất dài vì nhiều lí do
chính:

Một, là con số thất nhiệp sẽ đi lên cao vì chính sách sai
lầm của chính phủ Mỹ, the FED và các nước trên thế giới.
Các chính phủ này chưa bao giờ phải đối mặt với hiện
tượng này trong gần 100 năm nay tính từ kỳ khủng hoảng suy
thoái kinh tế năm 1929. Tất cả các biện pháp của họ đều
là thăm dò, may rủi và tốn kém. Nước Mỹ đã tốn hơn 10
ngàn tỉ dollars nhưng kết quả vẫn đứng yên tại chỗ. Chưa
kể hiện nay là thời kỳ bước vào cuộc bầu cử lớn tại
Hoa Kỳ năm 2012, từ Obama cho đến các nhân vật của đảng
Cộng Hòa đều nói nhưng họ sẽ không làm vì quá bận tranh
cử và dẫu có ban ra bất kỳ một chính sách nào đi nữa thì
nó cũng không đủ thời gian để áp dụng. Một khi có chính
phủ mới, họ sẽ dẹp các chương trình chưa tiến hành xong
để biến thành đạo luật vì không một nhiệm kỳ Quốc Hội
nào có thẻ ép buộc các nhiệm kỳ Quốc Hội mới phải tuân
thủ các điều của nhiệm kỳ Quốc Hội cũ về ngân sách. Do
đó không lấy làm ngạc nhiên là chúng ta đang thấy Obama trong
mấy tháng nay đang đi vận động tranh cử chứ không phải là
lo cho người thất nghiệp như người phát ngôn của Nhà Trắng
nói. Không có gì phải trách cứ họ cả, chính phủ từ Cộng
Hòa hay Dân Chủ đều làm như vậy, chỉ có điều họ thiếu
thành thật mà thôi. Giải pháp thất nghiệp của chính quyền
Obama là bỏ ra thêm 450 triệu dollars hy vọng sẽ tạo ra việc
làm cho người dân Mỹ thì thực tế không hẳn như vậy. Trong
dự án này họ chỉ chú trọng đến các công chức của chính
quyền, những thành viên của các công đoàn như nhà giáo. Một
lần nữa chính sách của Obama hiện nay tìm cách lôi kéo, lấy
lá phiếu của những người ủng hộ và sẽ bầu cho ông ta
trong nhiệm kỳ mới, những người dân đóng thuế thực sự
sẽ không hưởng được lợi bao nhiêu trong dự án tạo công ăn
việc làm mới này. Đừng nghĩ với khẩu hiện "The Change We
Need" của ứng cử viên Obama sẽ làm chính quyền Obama minh bạch
hơn, gần gũi với người dân hơn. Thực tế là chính quyền
Obama đều giống như các chính quyền cũ của nước Mỹ, Cộng
Hòa hay Dân Chủ đều có những điều giảo quyệt trong đó và
gần như ai trong chúng ta đều biết là trong chính trị chẳng
bao giờ có chữ thành thật đó cả. Chẳng có lợi gì cho Obama
phải cứu kinh tế Mỹ nếu ông ta không đắc cử được trong
nhiệm kỳ tới, chẳng lẽ làm không công cho đảng Cộng Hòa
cả.

Thứ Hai là The FED với nhiệm vụ là giữ nhiệm vụ chống lạm
phát và giảm thất nghiệp, đã làm cho họ khó khăn hơn và
đôi khi chống lại với nhau trong chính sách tiền tệ nhất là
trong thời kỳ này. The FED là một trong những người gây ra
trận kinh tế suy thoái kỳ này khi Greenspan đã để phân lời
đi xuống quá thấp và quá lâu. Chính họ với chính sách của
The FED là nguồn gốc thúc đẩy phân lời thấp và hấp dẫn
để người đầu tư lợi dụng trong việc đầu tư nhà cửa.
Khi The FED Ben Bernanke và chính quyền Mỹ tìm kiếm giải pháp
kiềm chế lại tình trạng kinh tế suy thoái hiện nay thì thay
vì có một chính sách rõ ràng đối phó với chính sách sai lầm
của chính họ lúc trước thì họ lại né tránh giải quyết
những nguồn gốc tạo ra suy thoái này thay vào đó họ ban ra
những chính sách, đạo luật tạo ra những sai lầm mới mà sẽ
là cội nguồn về sau như những chương trình, đạo luật cứu
trợ công ty tài chánh Goldman Sachs, Bank of America, hay phí phạm
tiền bạc như chương trình Cash for Clunkers. The FED Ben Bernanke
đẩy phân lời xuống gần như zero phần trăm cho tới năm 2013
và đánh cá rằng tình trạng lạm phát sẽ nằm trong cầm tay
kiểm soát của ông ta, cùng lúc ông ta đánh cá rằng hãng
xướng sẽ dùng chương trình phân lời ngắn hạn của mình
để thúc đẩy nền kinh tế và giảm thất nghiệp thì quả
thực là một tính toán không thành công như mong đợi. Thất
nghiệp vẫn trên 9%! Lý do đơn giản: Chính sách này đã thất
bại trong năm 2008, 2009, 2010 thì không có gì nó sẽ thành công
trong năm 2011 hay 2012. Nó chỉ có lợi cho những người chỉ
trích chính sách này thấy rõ The FED và chính quyền Mỹ hiện
nay đã bế tắc và không nghĩ ra được những biện pháp nào
hay hơn để giải quyết kinh tế tiếp tục suy thoái. Trong khi
đó các tay chuyên nghiệp đầu tư đang đổ tiền để đánh cá
lạm phát sẽ gia tăng mau chóng trong năm tới hay tới nữa. Đây
sẽ là một thảm họa cho nước Mỹ, nó sẽ nguy hiểm hơn tình
trạng kinh tế hiện nay khi thất nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng
trong chi ngân sách thì thâm thủng mà người dân đang thấy
tiền chợ gia tăng hơn 5% so với năm ngoái. Chỉ có chỉ số CPI
của chính phủ là không thấy lạm phát nhưng người dân Mỹ
thì đang thấy hằng ngày.

Về mặt chính trị, đảng Tea Party với chính sách giảm thuế,
giảm chi tiêu đã khuynh đảo đảng Cộng Hòa bắt đầu cách
đây 2 năm và đã giúp họ kiểm soát đươc Hạ Viện nhưng
vẫn không kiểm soát được Thượng Viện. Hiện tượng Occupy
Wall Street (OWS) nói lên sự bất bình của người dân của tầng
lớp thấp phẫn nộ vì sự tham lam và ảnh hưởng lũng đoạn
của các công ty tài chánh ngân hàng trong chính phủ Mỹ. Đảng
Dân Chủ hy vọng làm chủ nhóm OWS này nhưng họ sợ bị phản
ngược vì các ngân hàng tài chánh như Goldman Sachs là những
công ty tài trợ tiền bạc cho Obama nhiều nhất trong cuộc tranh
cử Tổng Thống năm 2008. Chưa kể các đạo luật như TARP ban ra
trong năm 2008, 2009 của thời kỳ Obama này đã tốn hơn 5 ngàn
tỉ dollars của nước Mỹ đã giúp các công ty tài chánh lũng
đoạn thị trường đẩy Nhà Trắng vào một việc khó xử.
Chưa kể là người dân đứng lên chống chính phủ mà nếu
chính phủ Obama và đảng Dân Chủ nắm được đa số tại
Thượng Viện khó có thể nói là "đúng rồi, cứ biểu tình
đi" thì đảng Dân Chủ đâm vào thế lưỡng nan, chẳng khác gì
là họ ban ra các đạo luật trong nhiêm kỳ của họ nhưng lại
đồng ý với người biếu tình là đạo luật họ ban ra đã đi
ngược với ý dân.

Với hơn 5 ngàn tỉ dollars của các công ty không muốn chi tiêu
để bành trướng công ty của họ. Hơn 2 ngàn tỉ dollars của
những người đầu tư như tôi với bạn giữ trong tiền mặt
hay trong chương trình hưu trí 401K, chính phủ Mỹ đang suy nghĩ
làm sao để số tiền khổng lồ này bơm vào kinh tế Hoa Kỳ.
Thuế má là phương pháp để thúc đẩy kinh tế, tùy theo ý
thức hệ của mỗi người dân Mỹ, một là dùng nó để chia
tài sản nước Mỹ đồng đều theo kiểu chủ nghĩa cộng sản
là đánh thuế thật cao cho những gia đình kiếm trên 250,000
dollars hàng năm và không phải đóng thuế một đồng nào như
51% người dân Mỹ hiện nay khi họ chỉ có lợi tức thấy hay
không có lợi tức như đảng Dân Chủ theo đuổi hay Hai là dùng
thuế má để khuyến khích tư bản đầu tư như đại đa số
các hãng xưởng nhỏ của Mỹ với nhiều người như tinman sau
một thời gian làm việc và tích lũy được hơn vài triệu
dollars mở hãng xưởng tuyển 10, 20 nhân viên tạo công ăn việc
làm cho họ, nay phải đối mặt với hiên tượng OWS là sẽ
phải đóng thuế cao hơn. Có thể là họ sẽ phải chấp nhận
là sẽ phải đóng cao hơn nhưng ngược lại là họ sẽ sa thải
một vài nhân viên để bù đắp vào thuế má để "dùng nó
để chia tài sản nước Mỹ đồng đều" hay có thể là đến
lúc nào chịu không nổi được nữa thì những người chủ
nhân các công ty nhỏ này sẽ phải đóng của công ty về Việt
Nam, Malaysia mở công ty và bán hàng lại cho nước Mỹ và đóng
thuế rất thấp như hiện nay nhiều hãng đã dời hãng xưởng
của họ qua Mexico hay Trung Quốc, Việt Nam.

Nhiều người nghĩ rằng Hoa Kỳ nên đóng cửa không chơi với
nước nào hay chỉ buôn bán với các quốc gia sòng phẳng trong
kinh tế. Đây là điều ngây thơ, phải biết rằng kinh tế thế
giới hiện nay không còn biên giới. Chính Tổng Thống Obama vừa
ký thêm đạo luật bang giao kinh tế mở rộng với Korea, Panama
và Colombia tháng này đủ nói rõ và nói lớn là Hoa Kỳ không
bao giờ đóng của biên giới về kinh tế mặc dù kinh tế Mỹ
đang trong thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử. Người Mỹ
phải lựa chọn, một là tiếp tục học hỏi lên cao, phải
trưởng thành trong làm việc, tạo ra nhiều năng xuất, hay phải
có nhiều ý tưởng sáng tạo mới, đẻ ra những sản phẩm
mới như hãng Apple của Steve Jobs hay lựa chọn như các bạn
tại OWS trong đó phương cách xuống đường biểu tình xóa đi
các trật tự của kinh tế chính trị hiện nay và thay vào bằng
một trật tự mới tương tụ như Cộng Sản Chủ Nghĩa Bolshevik
trong đầu thập niên của thế kỷ 20. Chúng ta muốn nhìn về
phía trước hay quay lại về quá khứ và sống với chủ nghĩa
"chia tài sản đồng đều" trong đó người như Steve Jobs sẽ có
đồng lương ngang bằng tôi hay bạn nhưng có lẽ (hay chắc
chắn) là sẽ không có iPod, iPhone, hay iPad để tiếp tuc lãnh
đạo thế giới về kỹ thuật mới.

<strong>MartianMobile</strong>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/10434), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét