J.B Nguyễn Hữu Vinh - Nghịch cảnh hai loại ứng cử viên Quốc hội tiếp xúc cử tri

Hôm qua, xem trên truyền hình, thấy các ông Nguyễn Phú Trọng,
Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh… tiếp xúc cử
tri mà thấy mát lòng mát dạ. Dân chúng đến hoan hỉ, phấn
khởi, hoa hòe đẹp đẽ, hội trường rộng rãi, thoáng đãng…
và tất cả 100% cử tri phát biểu cũng như giơ tay nhất trí
các ứng cử viên này xứng đáng tái đắc cử nhiệm kỳ nữa
phục vụ nhân dân. Đúng là nhân dân ở đây quá sáng suốt và
nhất trí cao, trí tuệ nhân dân được phát huy thế này thì
Quốc hội hẳn là sẽ không còn gì để phàn nàn như nhiều
người đã từng kêu Quốc hội khóa vừa qua.

<center><img src="http://danluan.org/files/u1/tiepxuccutri2.jpg" width="355"
height="238" alt="tiepxuccutri2.jpg" /></center>
<center><em>Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri.
Ảnh: Đại Đoàn kết.</em></center>

Lại đọc trên tờ Đại Đoàn kết, cơ quan của Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, nơi tổ chức giới thiệu, hiệp thương các
ứng cử viên cho Quốc hội bài viết "<a
href="http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1451&Chitiet=26650&Style=1">Trân
trọng người tự ứng cử</a>" thì "<em>Bản chất bầu cử
là sự lựa chọn của cử tri, là sự khẳng định tín nhiệm
của nhân dân. Nếu không có số đại biểu dư so với đại
biểu do trung ương và địa phương giới thiệu thì MTTQ chỉ
còn cách 100% biểu quyết để đủ chỉ tiêu bầu như cơ
cấu</em>" nên nghĩ rằng kỳ này mấy ông tự ứng cử chắc
được trọng vọng lắm.

Thậm chí tờ báo còn trích nguyên cả "Tư tưởng Hồ Chí
Minh" như sau "<em>Như vậy, trong tư tưởng của Chủ tịch
Hồ Chí Minh thì không phải chỉ đại biểu do trung ương hay
các địa phương giới thiệu mới đủ uy tín để cử tri lựa
chọn, mà cả những người tự ứng cử, dám dũng cảm ra ứng
cử cũng là những người cần được quan tâm và trân
trọng</em>".

Cũng trên tờ báo này, linh mục Phan Khắc Từ được chỉ
định ứng cử đại biểu quốc hội nói rằng "<em>Giáo hội
cũng luôn khuyên nhủ người công giáo tốt đồng thời phải
là người công dân tốt nghĩa là phải có trách nhiệm đối
với đất nước trong tất cả các lĩnh vực như chính trị, xã
hội, kinh tế… Theo tôi, mỗi tỉnh, nhất là những tỉnh,
thành có đông đồng bào Công giáo lại càng cần những người
tiêu biểu, đại diện cho giới của mình tham gia làm ĐBQH cũng
như HĐND các cấp</em>".

<center><img src="http://danluan.org/files/u1/lmphankhactu-300x224.jpg"
width="300" height="224" alt="lmphankhactu-300x224.jpg" /></center>
<center><em>Linh mục Phan Khắc Từ: Những người có đầy đủ
phẩm chất, tư cách và khả năng đảm nhận tốt những công
việc chung thì mới được lựa chọn.</em></center>

Như vậy thì còn gì dân chủ hơn và chẳng còn lý do gì mà
người công giáo không tham gia thật sôi nổi?

Tối nay, được luật sư Lê Quốc Quân mời đến dự với anh
một cuộc họp tổ dân phố để gặp gỡ lấy tín nhiệm khi
anh tự ứng cử vào Đại biểu Quốc hội.

Một vài anh bạn bảo: "<em>Thôi, không nên đi làm gì, tất
cả chỉ là diễn hết đấy mà, kịch bản soạn sẵn rồi, làm
gì có chuyện như trên truyền hình với người tự ứng
cử?</em>"

Một người cãi lại: "<em>Thì làm gì cũng phải đúng luật
lệ chứ, người tự ứng cử được báo chí Mặt trận nói
lên quan điểm rõ ràng là trân trọng, tại sao không đi xem nó
thế nào chứ, không đến mà xem lại cứ nghĩ tiêu cực thế
là không nên, nhà nước ta là nhà nước dân chủ gấp triệu
lần dân chủ tư sản, không học thuộc bài à?</em>".

Mấy anh em nghĩ rằng, chắc lại được vào hội trường rộng
rãi, thoáng đãng, có hoa, có báo chí, truyền hình… cũng như
các vị ứng cử nêu trên. Vì theo luật pháp quy định, mọi
công dân bình đẳng trước pháp luật. Luật không ghi điều quy
định nào là Tổng Bí thứ, Thủ tướng, Bộ trưởng hoặc Ủy
viên Bộ chính trị mới được có hoa, có truyền hình… còn
người khác tự ứng cử thì nhất định không được.

Vậy là chúng tôi đến. Đi cùng chúng tôi có một Phó chủ
tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo Thành phố Hà Nội, ủy viên
Mặt trận Tổ quốc TPHN.

Lê Quốc Quân ở chung cư tổ 64, theo anh cho biết, thường họp
tổ dân phố thì họp ngay tại trong chung cư, nhưng hôm nay,
chắc buổi họp quan trọng nên Ban tổ chức là Mặt trận Tổ
quốc Phường quyết định thuê phòng họp của Tổ 50.

<center><img src="http://danluan.org/files/u1/nhanxetcqlqq.jpg" width="500"
height="790" alt="nhanxetcqlqq.jpg" /></center>

Trước đó, trong cuộc họp ở cơ quan, nhân viên của anh,
những người bị anh "bóc lột" vốn có mâu thuẫn đối
kháng với anh (theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lê) vẫn
bầu cho anh với 100% số phiếu tín nhiệm cao. Có lẽ họ là
người hiểu rõ nhất về anh, về con người, lòng nhiệt tình,
hành động và tư tưởng của anh.

Khác với những gì chúng tôi được nghe, được đọc, khi
đến đây, chúng tôi mới thấy sự thật nó tàn nhẫn hơn
nhiều.

Một căn nhà hai tầng, cửa đóng kín mít, một cầu thang hẹp
gần cửa ra vào được một đoàn người mặc sắc phục bảo
vệ, đeo băng và không đeo băng, gậy gộc giơ loạn xạ ngăn
chặn tất cả chúng tôi đứng dưới đường và nhất định
không cho ai vào.

<center><img src="http://danluan.org/files/u1/hopcutri_lqq-12.jpg"
width="500" height="332" alt="hopcutri_lqq-12.jpg" /></center>
<center><em>Căn nhà được chọn làm nơi họp cử tri cho ứng cử
viên Quốc hội.</em></center>


<center><img src="http://danluan.org/files/u1/hopcutri_lqq-9.jpg" width="500"
height="332" alt="hopcutri_lqq-9.jpg" /></center>
<center><em>Trước cửa vào nơi họp cử tri, ai vượt qua được
hàng rào này?</em></center>

<center><img src="http://danluan.org/files/u1/hopcutri_lqq-40.jpg"
width="500" height="332" alt="hopcutri_lqq-40.jpg" /></center>
<center><em>"Ai có giấy thì vào, ai không có giấy ra
ngoài".</em></center>

<center><img src="http://danluan.org/files/u1/hopcutri_lqq-10.jpg"
width="500" height="332" alt="hopcutri_lqq-10.jpg" /></center>
<center><em>Không chỉ có trước cửa vào nhà, lực lượng tuần
tra không ít</em></center>

Ngạc nhiên, mọi người hỏi lý do, thì bảo vệ cứ một mực
"<em>Ai có giấy thì vào, ai không có giấy ra ngoài</em>".

Bên ngoài, một đoàn người khác, không sắc phục nhưng nhìn
rõ thì ai cũng biết là ai, làm loạn lên rằng thì là chúng tôi
là cử tri, rằng thì là luật không ai được vào, là thế này,
thế khác, thậm chí xỉa xói những người đi cùng chúng tôi.

Đặc biệt, đội ngũ quay phim, chụp ảnh rất đông không phải
để quay cảnh tiếp xúc cử tri, mà để quay những cảnh ở
trước cửa ra vào bị bảo vệ giơ gậy chặn lại. Không biết
ngày mai, VTV có tường thuật lại những hình ảnh này không?

<center><img src="http://danluan.org/files/u1/hopcutri_lqq-27.jpg"
width="500" height="332" alt="hopcutri_lqq-27.jpg" /></center>
<center><em>Không biết ngày mai, VTV có tường thuật lại những
hình ảnh này không? hay nhằm mục đích gì?</em></center>

Chúng tôi đề nghị ông Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công
giáo giải thích, vì ông cũng là người trong Mặt trận, ông
bảo làm thế là không được, luật chỉ quy định những
người trong tổ mới bỏ phiếu, không cấm cử tri khác tham
dự… Nhưng, tất cả đều bị bỏ ngoài tai.

Chúng tôi không yêu cầu vào cuộc họp mà chúng tôi chỉ muốn
vào quan sát, xem cuộc họp như thế nào để may ra sau này có
thể tự ứng cử chăng?

Nhưng, ông Chủ tịch Mặt trận Phường và tổ trưởng dân
phố thì nhất định phải có giấy mời mới được vào.

<center><img src="http://danluan.org/files/u1/hopcutri_lqq-33.jpg"
width="500" height="332" alt="hopcutri_lqq-33.jpg" /></center>
<center><em>Đâu rồi những nét mặt thường thấy khi cử tri
tiếp xúc lãnh đạo ứng cử?</em></center>

Chúng tôi hỏi người công an khu vực: "<em>Anh thấy việc
tiếp xúc cử tri mà làm thế này, có đúng không</em>"? anh ta
trả lời, tôi không biết, cái đó hỏi ban tổ chức. Một nhân
viên bảo vệ giơ gậy tuyên bố "<em>Tôi là bảo vệ ở đây,
tôi có quyền cho ai vào thì được vào, không thì không được
vào</em>".

Một đám cô hồn xuất hiện, chỉ tay vào mặt những người
đến mong để tham dự cuộc họp và gầm gừ, nhưng tất cả
anh em đã không nao núng trước đòn này. Mọi người vẫn bình
tĩnh, ôn tồn và đàng hoàng.

Cuối cùng thì những người "<em>có giấy mời</em>" cũng vào
nhà qua khung cửa sắt hẹp với một đoàn bảo vệ ngồi bu kín
bịt ngang lối vào.

<center><img src="http://danluan.org/files/u1/hopcutri_lqq-6.jpg" width="500"
height="332" alt="hopcutri_lqq-6.jpg" /></center>
<center><em>Ngồi thế này cho chắc</em></center>

Cuộc họp của những công dân được chọn khá lâu, nội dung
cuộc họp là những người cả đời anh Quân chưa hề biết
mặt, lại phát biểu và lên án mãnh liệt. Trong khi đó, những
người thân, những nhân viên cơ quan… hiểu nhất về anh và
những cử tri nhiệt liệt ủng hộ anh thì phải đứng ngoài.

Rốt cuộc thì cũng màn giơ tay, và hầu hết những cử tri
được chọn đồng ý loại ứng cử viên này.

Một kết quả không ngoài dự đoán, một cách hành xử không
mấy tế nhị. Một người dân ngay trong tổ 64 đứng cạnh
chúng tôi, chúng tôi hỏi sao chị không vào họp, chị bảo
những người như tôi làm sao được phiếu mời mà vào. Chị
nói tiếp: "<em>Chỉ một thời gian nữa thôi các anh ạ, đâu
sẽ ra đó, cái mặt nạ mang lâu nó cũng sẽ rơi ra mà
thôi</em>".

Hôm qua, trên truyền hình không thấy đưa cảnh những người
đến dự họp thì như thế nào, có phải qua một đoàn bảo
vệ với dùi cui, gậy gộc và đám cô hồn như ở đây không?
Họ có phải cãi nhau mới được vào gặp mặt và phát biểu ý
kiến với người ứng cử hay không? Họ có được chọn để
phát giấy mời hay không?

[video:http://www.youtube.com/watch?v=66FsObnXriE&feature=player_embedded]

Nếu cũng có những màn này, thì quả là những người được
vào họp những cuộc họp đó để phát biểu, ca ngợi ứng cử
viên là lãnh đạo xuất sắc, tài tình… và thật vinh dự khi
được giơ tay biểu quyết 100%. Cũng thảm thương thay cho những
thứ cử tri không được chọn để gặp ứng cử viên quốc
hội như thế.

Từng thấy báo chí đưa tin những người tự ứng cử vào
Quốc hội đa số đã xin tự rút vì những lý do trời ơi đất
hỡi như "không có thời gian" nào là không được tổ dân
phố tín nhiệm vì không chào hỏi bà con dân phố, không quét
ngõ… và mới đây nhất, một người tự ứng cử ở Hải
Phòng cũng đã ra về giữa chừng khi cuộc họp góp ý chưa kết
thúc.

Chung quy lại, đã nghe nhiều về những màn đấu tố như Cù Huy
Hà Vũ và một số người đã trải qua, khi với lòng nhiệt
tình của mình lại đi ứng cử Quốc hội vì nghe đài, báo
thông tin mà tưởng bở.

Với Lê Quốc Quân, dù sao lần này cũng là lần để anh hiểu
rõ hơn những gì phải đối mặt trong "cuộc chơi Quốc
hội" mà anh mê say từ nhiều năm trước và đã mấy lần toan
tính ứng cử để mang sức mình phục vụ đất nước, phục
vụ nhân dân. Cứ tưởng có tài, có sức,có nhiệt tình, tâm
huyết là được phục vụ và ai cũng được làm đầy tớ nhân
dân sao? Đây quả là sự nhầm lẫn và ngây thơ.

Ra về, gặp tổ trưởng dân phố nơi Lê Quốc Quân ở, tôi nói
với anh ta rằng: "Kết quả thì tốt đẹp như dự định,
nhưng vỡ diễn hơi vụng anh ạ". Anh ta bảo rằng: "Tôi có
biết gì đâu, cái này do Mặt trận tổ quốc Phường tổ chức
đấy chứ".

Ông Phó chủ tịch UBĐKGC Hà Nội trước khi ra về nói với
chúng tôi: "<em>Không biết ai chỉ đạo việc này mà kém
thế?</em>".

Tôi định hỏi ông, với linh mục Phan Khắc Từ được chỉ
định vào quốc hội kỳ này và tự xưng là đại diện cho
"giới công giáo"(?), không hiểu khi tổ chức cho giáo dân
gặp gỡ lấy phiếu tín nhiệm tại Vườn Xoài hoặc khu vực
nào để giáo dân góp ý, nhà nước có cần tổ chức kiểu này
không?

Và giáo dân nào được tham dự buổi gặp gỡ đó có mạnh
dạn thẳng thắn vạch rõ ra những khuất tất trong cuộc sống
của ông, những điều không rõ ràng trong lý lịch của ông
cũng như đời tư của ông thế nào như ở buổi họp lấy tín
nhiệm giáo dân Lê Quốc Quân hôm nay không?

Trước hết, có giáo dân nào tín nhiệm ông, một linh mục tự
xưng danh đại diện cho người công giáo, nhưng đã không minh
bạch, rõ ràng và nhất là nhiều dư luận đã thẳng thừng
chỉ ra ông không còn xứng là linh mục?.

Cũng xin linh mục Phan Khắc Từ đừng kêu gọi thêm những
người tự ứng cử nữa, đừng tưởng ai cũng được nhà
nước và đảng ưu ái như ông. Để rồi họ phải chứng kiến
những màn không đẹp như chúng tôi đã phải chứng kiến hôm
nay. Điều đó chỉ càng làm nản lòng những người mong muốn
kéo níu chút lòng tin còn sót lại cho cuộc đời họ bớt ảm
đạm.

Đi một lần để biết, đến một lần để hay rằng:
<em><strong>Cái thứ dân chủ của chúng ta là cái thứ
gì.</strong></em>

Hà Nội, ngày 30/3/2011.

J.B Nguyễn Hữu Vinh


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8336), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét