Jony Bắp - Những vụ đánh chết kẻ gian bắt chó chẳng qua là phản ứng của dân đối với sự vô cảm của Chính quyền.

Đêm khuya tỉnh lẻ, tiếng pô xe máy của bọn gian bắt chó bỏ
chạy khi bị đuổi bắt gầm rít lộng óc, đuổi theo sau là xe
của lực lượng chức năng tuần tra đêm, đuổi gần chục cây
số, bọn gian ném lui sau ớt bột cay tung toé vào nhóm rượt
đuổi, bám đuôi nhau rồi cũng ép được chúng sắp dừng xe,
bất ngờ chúng lôi ra hung khí chống trả và thoát được.

Vài đêm sau đó, khi lực lượng chức năng nghi ngờ kiểm tra
người và phương tiện, phát hiện đồ nghề kẻ gian, lấy
cung, bắt được mấy thằng gian đi bắt chó. Thản nhiên như
không chúng than hôm nay xui, chấp nhận về bốt nộp phạt xong
mai lại tiếp tục đi bắt chó nữa.

Sáng, từ quán ăn sáng đến quán cà phê khu phố, dân biết
chuyện xôn xao phấn khởi, phấn khởi hơn cả chuyện biết
mấy kẻ trộm nhà giàu bị bắt, bắt được bọn bắt chó là
mừng rồi.

Nhưng, lại mấy hôm sau, nhà gần trước cổng trụ sở Công An
tỉnh, đứa bé ra mở cổng đón bố mẹ về, tay bồng con chó
cưng, thả chú cún xuống để xách giùm đồ cho mẹ, bất thình
lình có chiếc xe máy rồ ga vọt qua dùng gậy có tròng kéo con
chó vụt đi mất hút trước tiếng la hét thất thanh của cô
bé, đứng như trời trồng của bố mẹ. Chú chó cưng nuôi gần
chục năm, coi như con như em trong gia đình. Mất đi mà buồn
mấy ngày ăn cơm nuốt khó trôi.

Lại thêm một tối nữa, người đàn ông dắt chó đi dạo,
thình lình có chiếc xe máy vụt qua, tròng cổ con chó giật văng
dây từ tay người dắt, cố dằng lại bị kéo lê giữa mặt
đường.

Gần ngã ba đường 9 đi Nam Lào, nhà mặt tiền, chủ nhà ngồi
trên ban công tầng hai nhìn xuống đường, con chó của nhà nằm
trước hiên sát lề đường, nhà không có cổng, chỉ cửa sát
lề đường, có chừa một lỗ bên để chó chui ra vào, một
tiếng nổ cạch, có kẻ vừa xuất hiện từ chỗ rình mò, dùng
súng bắn chuột của Trung Quốc sản xuất bắn chó, bị thương
tội nghiệp cố lết vào lỗ chui, nhưng không kịp, túm chó,
kẻ gian còn hướng nòng súng lên ban công như có ý doạ chủ
nhà đang định tìm cách nhanh nhất lao xuống, chiếc xe máy
đồng bọn chờ sẵn vọt tới chở lao đi.

Thỉnh thoảng đọc báo, biết tin có những địa phương dân
tình bắt được kẻ gian bắt chó đã hùa lại đánh cho chết.

Cũng có vụ lại chính chủ nhân của chó bị bắt rượt đuổi
bị kẻ gian đánh tử vong.

Trên đất nước Việt Nam có quá nhiều quán bán thịt chó,
nhưng rõ ràng là nguồn thịt lại chủ yếu bất minh. Thử rảo
qua phố thịt chó Nhật Tân, khách nghèo đừng hòng vào đấy,
khách chủ yếu là thu nhập khá trở lên. Để ý hơn, có rất
nhiều vị thuộc các cơ quan Trung Ương vào dịp cuối tuần khao
nhau ở đó.

Các tỉnh lẻ, số quan chức thích ăn thịt chó cũng nhiều
lắm, kẻ gian bán cho quán xá giá tầm trên dưới trăm ngàn
một cân hơi, nhưng đó mới là giá ở tỉnh lẻ thôi, tuy vậy
đêm chúng chỉ cần bắt được hai ba con là có mấy triệu
bạc rồi. Mới có chuyện vợ bán lô đề khách tiền lẻ,
chồng hành nghề bắt chó mà cả nhà sống phủ phê.

Suốt chặng đường quốc lộ 1A, ngày nào cũng thấy có xe tải
lồng sắt mỗi xe chở hàng trăm con chó từ miền Nam, miền
Trung hướng về Thủ đô thiêng liêng nào ta tiến ; toàn chó
của kẻ gian cung cấp. Xe không che đậy băng băng giữa làn gió
bấc mưa phùn rét căm căm, tiếng chó đói rét đè chồng lên
nhau tru lên nghe thảm thiết như kêu cứu thảm thiết vô vọng
não nề.

Công An thì nói nếu bắt được mấy vụ kẻ gian về thịt heo,
thịt bò thì còn định giá được, trộm hơn hai chục con gà
còn định giá được là hơn hai triệu đồng để truy cứu
trách nhiệm hình sự, nhưng chó thì chịu không định giá
được nên Công An cũng chịu ; chờ văn bản Nhà nước ban hành
để có căn cứ xử lý hiệu quả vậy.

Người cho rằng, ai ra văn bản đó, họ là những nhà chức
trách Trung Ương, nghiền thịt chó vậy, đề xuất biểu quyết
cho ra văn bản để nhịn thèm à.

Người thì nói, dân ta nhiều người còn khổ, văn bản lợi
dân còn thiếu, vội gì văn bản mấy chuyện nhỏ như bảo vệ
lũ chó nuôi, học sao được bọn Tư bản nó giàu, nó bảo vệ
chó là nó mị dân cho dịu phong trào Công nhân đấu tranh thôi,
mấy cái vụ mị dân bảo vệ động vật nuôi của bọn Tư
bản có nói trong Tuyên ngôn Quốc tế Cộng sản từ xưa rồi.
Có kẻ hỏi lại, chuyện nào là to, là nhỏ ; chuyện cái
tượng đài xây giữa công viên là to, còn chuyện thằng khố
rách áo ôm cửu vạn bần cùng đeo hàng ba lô gần biên giới,
con mẹ buôn thúng bán bưng vỉa hè, đều đầu tắt mặt tối
mấy miệng ăn ở nhà đang trông chờ, có hề gì là hôm ấy
đói, đó là chuyện nhỏ ư; nhỏ to do thân phận con người ư?

Có kẻ hỏi thêm, trộm cắp là hành vi lén lút bí mật chiếm
đoạt, nhưng dật chó từ tay chủ nhân kéo rê giữa đường
không còn là bí mật, mà là công khai giằng dật, rõ ràng là
cướp giật, cớ sao báo chí mấy ông Nhà nước cứ quen mồm
quen tay in ra chỉ là trộm thôi.

Trong xử án, có việc xử bồi thường tổn thất tinh thần, dù
chỉ bị huỷ hoại tài sản không lớn, nhưng tình cảm gia
đình mà con chó cũng mặc nhiên được coi như là thành viên,
tổn thất tinh thần không ở đó thì là ở đâu.

Khi tổn thất tin thần của nhân dân liên tiếp xảy ra thời
gian quá dài mà Nhà nước không có biện pháp hiệu quả, thậm
chí vô tâm từ phía không ít quan chức Chính quyền, mà trong
đó kiêm nhiệm nhiều nhà làm Luật, làm Pháp quy, chức năng
trật tự trị an địa phương, hay thậm chí là cái bộ phận
trong cơ quan An ninh chuyên nắm bắt tâm tư dư luận quần chúng
phòng chống thế lực thù địch tác động tình cảm nhân dân
gây bất mãn, khiếu kiện, biểu tình, gây rối.v.v... biết rõ
cả chuyện hàng xóm láng giềng mâu thuẩn nhau chuyện cây cà
cây muống nhưng chuyện mất chó thì chẳng để tâm, thì, dân
phản ứng bằng TỰ XỬ là giải pháp tuyệt vọng rồi.

Dẫu dân tình đây đó vẫn có nhiều nơi còn lạc hậu, nhưng
tình cảm con người khi mất mát thì đâu có phân biệt được
hơn thua chỉ bởi thành thị, nông thôn, người ít học, kẻ
tài cao cho đặng. Dân phải phản ứng chớ.


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/7174), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét