Uyên Vũ - Hành trình tìm tự do của cậu bé từng mơ làm Hồng Vệ Binh

<h2>Giới thiệu bộ phim Mao's Last Dancer</h2>

Mở đầu phim: những bước chân rụt rè của một anh thanh niên
ngơ ngáo, mặc veston, caravat đỏ tươi, ve áo cài huy hiệu Mao
Trạch Ðông, anh đang bước những bước chân đầu tiên lên
miền đất của "kẻ địch tư bản" - thành phố Houston,
Texas.

<div class="boxright300"><img
src="http://danluan.org/files/u868/120225-CN_MaosLastDancer_CMYK-300.jpg"
width="300" height="458" alt="120225-CN_MaosLastDancer_CMYK-300.jpg" /></div>
Vốn là nghệ sĩ tài ba của đất nước Trung Quốc được mời
sang Mỹ trong chương trình giao lưu nghệ thuật múa ballet, Lý
Tồn Tín (Li Cunxin) còn mang trọng trách là "đại diện cho
nhân dân Trung Quốc," cái khối dân hơn một tỉ người đang
lăm le xích hóa địa cầu.

Thế nhưng, đi hết ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác khi Lý
Tồn Tín khám phá đất Mỹ. Từ những cái ôm thắm thiết,
thái độ cởi mở của những người bạn Mỹ đến cảnh sống
sôi động, phố xá nhộn nhịp, sắc màu vui tươi, nhà cao tầng
san sát. Cảnh quan và con người Mỹ khiến Lý tưởng như lạc
vào giấc mơ. Nhưng giấc mơ đẹp đẽ hiện tại không thể
trọn vẹn. Ký ức cứ đan xen như lôi anh về với thực tại:
anh đang là đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc. Gia đình
anh, gồm cha mẹ và sáu anh chị em khác còn đang vất vả ở
một làng quê hẻo lánh, tăm tối.

Ðó là một thôn làng nhỏ bé giữa một vùng đất cằn cỗi,
đầy sỏi đá thuộc tỉnh Sơn Ðông. Mười năm trước, Lý còn
là một cậu bé tiểu học có khuôn mặt sáng bừng, rồi một
hôm có vài người cán bộ vào lớp tuyển lựa thí sinh cho
trường múa ballet. Bài hát duy nhất học trò biết hát là bài
"Ðông Phương Hồng" để ngợi ca Chủ Tịch Mao vĩ đại.
Cậu đã được chọn sau khi cán bộ thẩm tra lý lịch biết rõ
gia đình cậu ba đời không có ai giàu có và khao khát lớn
nhất của cậu bé là sẽ hết mình phấn đấu thành Hồng vệ
binh theo con đường người cầm lái vĩ đại Mao Trạch Ðông.
Việc cậu bé được cán bộ chọn đi học trên tỉnh là một
sự kiện quan trọng, một vinh dự cho gia đình và địa phương
của Lý Tồn Tín. Mẹ cậu, một phụ nữ nông dân suốt đời
cơ cực đã khuyên đứa con trai bé bỏng: "Con hãy đi thật xa,
đừng quay đầu trở lại, đừng trở về nhà..." Bà ý thức
được đây là cơ hội ngàn vàng để con trai thoát khỏi kiếp
lầm than, tăm tối miền nông thôn.

Hai năm đầu là thời gian luyện tập khủng khiếp đến độ
Lý chỉ muốn bỏ về. Thế nhưng, những ký ức đen tối nơi
quê nhà đã làm cậu bé thay đổi ý định. Với ý chí phi
thường, đêm đêm dưới ánh đèn cậu bé Lý buộc bao cát vào
cổ chân nhảy lên xuống những bậc thang. Cậu đã vượt qua
những năm tháng khổ luyện tại các trường múa giữa cảnh
nghèo đói, hậu quả của kế hoạch Ðại Nhảy Vọt mà Mao
Trạch Ðông khởi xướng. Những buổi học phổ thông Lý
được dạy rằng Trung Quốc là xã hội ưu việt, chính phủ cho
người dân mức sống cao nhất thế giới, còn bọn kẻ thù tư
bản đang giãy chết và xã hội của họ đầy rẫy xấu xa,
nghèo khổ. Có một sự kiện mà cậu bé Lý không thể hiểu là
cậu đã chứng kiến là một người thầy hết lòng "vị
nghệ thuật" của mình. Ông đã phản đối việc các lãnh
đạo áp đặt phải đưa hình tượng Hồng vệ binh "quyết
chiến, quyết thắng" vào các vở múa; vì bảo vệ vẻ đẹp
trong sáng của nghệ thuật múa ba-lê nên ông đã bị cán bộ an
ninh đến bắt trong đêm khuya. Ðiều ấy gây nhiều băn khoăn,
sợ hãi nơi Lý. Cả một xã hội u ám, bóp nghẹt sự sáng tạo
và câu chuyện về con ếch phải nhảy ra khỏi giếng mà cha
cậu kể năm xưa đã khiến anh quyết chí vượt thoát số
phận. Trong một lần diễn cho lãnh đạo xem, tài năng của anh
lọt vào mắt Giang Thanh - vợ thứ tư của Mao, người phụ nữ
ghê gớm nhất Trung Quốc thời bấy giờ. Lý đã trở thành
một đảng viên Ðảng Cộng Sản Trung Quốc, một diễn viên
múa tài ba của Học Viện Nghệ Thuật Bắc Kinh.

Năm 1979, khi Bắc Kinh lần đầu giao lưu nghệ thuật với Ðoàn
Ballet Houston từ Mỹ sang, Lý Tồn Tín đã khiến các nghệ sĩ
múa người Mỹ thán phục. Năm 1980, sau nhiều nỗ lực về
ngoại giao giữa đoàn Ballet Houston với chính phủ Trung Quốc,
anh được mời sang Houston tham dự khóa học và trình diễn trong
3 tháng. Vừa chân ướt chân ráo đến nơi, anh phải trình diện
tại Lãnh Sự Quán Trung Quốc tại Houston. Viên chức lãnh sự
răn đe anh không được nghe lời "xúi giục" của người
Mỹ, phải tránh xa phụ nữ Mỹ, phải để cho lý tưởng cộng
sản hướng dẫn và trách nhiệm của một đảng viên cộng
sản là phải cải hóa tư tưởng cho bọn tư bản Mỹ. Thế
nhưng, mỗi ngày trên đất Mỹ đều cho anh một trải nghiệm
mới, bạn bè người Mỹ mà anh mới quen đều cởi mở thân
thiện. Họ là cả một thế giới thú vị mà anh muốn khám
phá, họ không hề sợ khi công khai phát biểu là không thích
tổng thống Mỹ điều này khiến anh kinh ngạc. Vị giáo sư Mỹ
sẵn sàng tiêu 500 đô la sắm quần áo mới cho anh cũng khiến
anh bàng hoàng và đâm ngờ vực vì ở nhà, cha anh vất vả làm
lụng cả năm cũng chỉ được tương đương 50 đô la.

Ánh sáng tự do ban đầu làm anh choáng váng, và từ từ ngấm
vào nhận thức khiến anh đau đớn nhận ra một điều hiển
nhiên: anh và dân tộc anh bị lừa bịp, bị tước bỏ tự do
đã quá lâu. Hết hạn visa, Lý Tồn Tín quyết định sẽ ở
lại Mỹ. Không may là quy chế dành cho trường hợp của anh
không có, phần khác là quan hệ ngoại giao giữa Mỹ-Trung Quốc
đang ổn thỏa. Thật bất ngờ, một luật sư tư vấn rằng
nếu anh kết hôn thật sự với 1 công dân Mỹ thì anh có thể
ở lại. Tình yêu vừa chớm nở giữa anh và 1 thiếu nữ Mỹ
nay là một cơ hội trời cho. Lý và người yêu quyết định
kết hôn và điều này tuy hợp pháp nhưng vẫn nhiều trở ngại
về ngoại giao Mỹ-Trung trong bối cảnh một Trung Quốc vừa mở
cửa.

Ðỉnh điểm cuộc đời Lý xảy ra khi anh quyết định cùng
người yêu, thầy dạy, luật sư và vài người bạn vào Lãnh
Sự Quán Trung Quốc để tranh đấu cho quyền cư trú của một
người thèm khát tự do. Vừa bước vào để trình bày thì vị
luật sư Mỹ bị tách riêng và khống chế trong phòng viên lãnh
sự; Lý bị một đám an ninh bẻ tay lôi vào một căn phòng
giống một buồng giam, còn người yêu, thầy dạy và các bạn
anh bị cô lập giữa phòng khách. Hành động ngang ngược này
đã bị vị luật sư phản ứng dữ dội vì tuy khuôn viên lãnh
sự quán là lãnh thổ của Trung Quốc, nhưng hành vi trái pháp
luật của họ đang diễn ra tại một đất nước tự do. Trong
khi Lý Tồn Tín bị đe dọa, bị áp lực phải về nước thì
các bạn anh kiên quyết ở lại vì lo sợ cho tính mạng anh.
Những khuôn mặt rắn đanh, hầm hừ cũng không làm vị luật
sư chùn bước. Ông đã dựng một vị thẩm phán dậy lúc nửa
đêm để xin ký lệnh tòa án, ông đã liên hệ với Tổng
Thống Mỹ Geogre Bush để bảo vệ Lý Tồn Tín, thân chủ của
mình... Viên lãnh sự phải cầu cứu đại sứ, đại sứ Trung
Quốc phải xin ý kiến từ Bắc Kinh... Những can thiệp ngoại
giao từ cấp cao nhất giữa hai Washington và Bắc Kinh đã tạo
cho Lý cơ hội trở thành người tự do.

Lý Tồn Tín đã là công dân Mỹ, đã thành một nghệ sĩ ballet
nổi danh. Sau này ông li dị và kết hôn với một nghệ sĩ
ballet hàng đầu của Australia, Mary McKendry. Họ sống tại
Melbourne và có 3 người con. Năm 1999, Lý Tồn Tín về hưu, ông
theo học về tài chính và hiện nay ông là một nhà quản lý cao
cấp của một công ty chứng khoán Australia. Ông cũng được
Trung Tâm Shepherd của Australia trao danh hiệu "Father of the Year
2009."

Ðây là chuyện có thật và đã được đạo diễn người Úc
Bruce Beresford dựa theo cuốn tự truyện của Lý Tồn Tín xuất
bản năm 2003 (một trong 20 cuốn sách được yêu thích nhất
tại Australia 2010), cả sách và phim đều có tên Mao's Last Dance.
Phim Mao's Last Dancer, mang về chín đề cử, diễn viên chính trong
phim là nghệ sĩ Tào Trì, 32 tuổi, diễn viên múa chính trong
đoàn ba lê hoàng gia Anh Birmingham, trong phim còn sự tham gia của
Bruce Greenwood và Kyle MacLachlan và diễn viên nổi tiếng Hollywood,
Trần Xung - người có sự nghiệp tương tự như Lý.

Lý Tồn Tín cho biết trong nhiều năm ông đã từ chối nhiều
lời đề nghị từ các nhà biên kịch và Hollywood để kể câu
chuyện của mình, cuối cùng cũng miễn cưỡng nhận lời do sự
thúc giục của người bạn là nhà biên kịch. "Ông ấy nói
rằng tôi không phải viết kịch bản cho bản thân mình, nhưng
'để đem đến cho người khác hy vọng và lòng can đảm.'"
Vì một phần của bộ phim được quay tại Trung Quốc, các nhà
làm phim được yêu cầu gửi kịch bản cho các nhà chức trách
trước khi quay. Họ phản đối mạnh mẽ chuyện mô tả Mao
Trạch Ðông và Giang Thanh vợ thứ tư của Mao và là một trong
"bè lũ bốn tên." Việc quay các trường đoạn của phim tại
Trung Quốc gặp nhiều rắc rối và đạo diễn lúc nào cũng nơm
nớp sẽ bị công an đến bắt. Thế nhưng mọi việc rồi cũng
suôn sẻ.

Bộ phim đoạt giải nhì tại Liên Hoan Phim Quốc Tế Toronto 2008,
đã được phát sóng tại Úc, trình chiếu ở New Zealand,
Singapore, Canada và ở Mỹ tháng 8, 2009. Ngoài ra "Mao's Last
Dancer" còn tham gia Liên Hoan Phim Quốc Tế Hawaii, Filmfest DC tại
Washington và liên hoan phim quốc tế ở Bắc Carolina. Phim này đã
phát trong hệ thống TV của FPT và DVD cũng có ở Việt Nam.

Bruce Beresford là đạo diễn của những bộ phim nổi tiếng như
"Breaker Morant," "Driving Miss Daisy" và "Paradise Road."
Beresfort cho biết: "Lý Tồn Tín có một hoàn cảnh đáng kinh
ngạc," câu chuyện này thu hút ông ở cả tình tiết (một ví
dụ tiêu biểu về câu chuyện từ một người bần cùng trở
nên giàu có) và nhân vật (người đàn ông với "quyết tâm
không ngừng muốn thành công với vai trò là nghệ sĩ múa").
Nhưng trên hết là hành trình phi thường, với khát vọng tìm
tự do của một người từ bên trong bức tường cộng sản
của Mao Trạch Ðông. Ðây là một câu chuyện thật đẹp và có
hậu tựa như chuyện loài sâu bọ thoát khỏi chiếc kén xấu
xí, chật chội của mình và hóa thành bướm rực rỡ bay lên.

<center><img src="http://danluan.org/files/u1/5323311_5329153_n.jpg"
width="600" height="421" alt="5323311_5329153_n.jpg" /></center>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/6547), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét