Mẹ Nấm - Thư gửi chị Oanh

Chị Oanh thân mến,

Trước hết, em xin gửi lời hỏi thăm và cầu chúc bình
an đến chị cùng gia đình.

Thưa chị,

Cho phép em được giới thiệu đôi dòng về mình với
chị, trước khi bắt đầu câu chuyện.

Em là Như Quỳnh - mọi người thường gọi em là mẹ Nấm
(vì em là mẹ của một em bé gần 4 tuổi tên Nấm, chứ
chẳng phải em có ý định làm mẹ Tơm, mẹ Suốt gì
đâu).

Em đã từng bị bắt giam trong 10 ngày, vì "dại dột" để
"các thế lực thù địch", lợi dụng "sự thiếu hiểu
biết về các chủ trương, chính sách của nhà nước",
kích động tinh thần dân tộc trong lòng mình, đã in áo,
mặc áo thun phản đối "chủ trương lớn và đúng đắn"
của đảng là khai thác bauxite tại Tây Nguyên, đã "nóng
giận" và "thiếu kiềm chế" khi đòi hỏi chủ quyền
đối với hai quần đảo "nhạy cảm" là Hoàng Sa và
Trường Sa, làm ảnh hưởng đến đường lối ngoại giao.

Em bị bắt giam khẩn cấp khi con em được 34 tháng 6 ngày,
và trong suốt 10 ngày đó, em không hề được gặp con
lần nào.

Em kể, để chị biết rằng chị rất là may mắn vì
chị còn được biết thế nào là "chính sách khoan
hồng, nhân đạo" khi họ vẫn để chị tại ngoại và nuôi
con nhỏ như hiện nay.

Khi người ta tuyên bố điều này, tức là ở đâu đó
có người muốn chị phải ghi nhớ và biết ơn họ, thưa
chị.

Có lẽ khi báo giới công khai nhắc đến chính sách nhân
đạo và khoan hồng với chị như hiện nay, như một lời
gợi ý , muốn chị thay đổi thái độ, và hợp tác
với họ hơn nữa?

Em mong là chị cân nhắc và trao đổi thẳng thắn với
họ về việc này. Thế nào là nhân đạo? Thế nào là
khoan hồng khi đơn phương tuyên bố và kết tội chị trong
một cuộc họp báo như vậy?

Chị thân mến,

Em không biết cơ quan an ninh điều tra đã nói gì và làm
những việc gì với chị, với kinh nghiệm cá nhân của em
thì câu nói thường xuyên mà em được nghe đó là
<em>"Thôi Quỳnh ạ, mọi việc đã như thế này rồi, em khai
báo thành khẩn và nhanh chóng đi, để còn về nhà với
Nấm. Nấm cần em."</em> Do đó em nghĩ, mình có thể
hiểu phần nào cảm giác của chị, trong những lần làm
việc với an ninh và canh cánh nghĩ về bé Trâm Anh ở
nhà.

Liên quan đến việc làm việc với cơ quan điều tra, em xin
chia sẻ với chị câu chuyện này, hy vọng chị có thể
tìm thấy tâm trạng của mình ở đâu đó.

Suốt một tuần liên tục theo dõi việc đi đứng, tiếp
xúc và nơi ở của em, cơ quan an ninh tỉnh Khánh Hòa gửi
một giấy triệu tập em đến cơ quan cho giám đốc của
chồng em, và người trưởng bộ phận nơi chồng em làm
việc đã điện thoại gọi chồng em lên nhận tờ giấy
này.

Sau gần 4 tiếng làm việc thì cơ quan an ninh có hỏi
chồng em rằng:

- Hiện nay Quỳnh đang ở đâu?

- Đang ở nhà mẹ cùng con nhỏ _ chồng em đáp.

Họ tỏ vẻ không tin, và yêu cầu chồng em đưa họ về
nhà mẹ em để thấy tận mắt thì họ mới tin.

11h30 phút đêm ngày 2 tháng 9, họ đã đọc lệnh bắt
khẩn cấp em, sau khi "thấy tận mắt" là em đang ngủ với
bé Nấm ở nhà.

Nếu em không hỏi lại câu chuyện này sau khi đã trải qua
thời khắc khủng khiếp kia, có lẽ, em cũng không tưởng
tượng ra được mức độ bi hài của nó chị ạ. Làm sao
mà sau khi theo dõi, rình rập, dò xét đường đi nước
bước, tất cả các mối quan hệ của mình, lại "canh
cửa" nhà mình trong chừng ấy thời gian, cùng đủ các
giấy tờ, lý do để bắt mình, mà họ vẫn có thể
nhờ người thân của mình tạo ra một cái cớ rất đơn
giản là "gọi mở cửa".

Đó là nhân đạo, là cách đối xử của những con
người có trách nhiệm vì nước, vì dân, mà có lẽ,
suốt đời, những người dân thường như em - như chị -
sẽ không bao giờ thấu hiểu được đâu chị ạ.


Chị thân mến,

Một ngày bị giam giữ, bằng vạn ngày tự do, khi bị
cách ly với gia đình, với người thân, không ai biết
được mình sẽ nghĩ gì, muốn gì và sẽ đưa ra quyết
định gì.

Em nhớ, khi được trả tự do em đã từng phản đối
việc mẹ em và chồng em viết cam kết bảo lãnh cho em,
bởi lúc cơ quan an ninh làm việc với gia đình em, thì em
đang bị giam giữ. Em phản đối vì cam kết không để em
viết blog (à quên, nói chính xác là viết blog nói xấu
nhà nước) nữa, nó làm em cảm thấy mình bị tước
tự do. (Tuy nhiên, cam kết này đã bị xé bỏ, khi cơ quan an
ninh không giữ đúng lời hứa với em, và khi em phát
hiện ra là cam kết này được chồng em viết ra dưới
sự gợi ý của vài người).

Điều kiện để em được gặp gia đình em lúc bấy
giờ là em nên khuyên gia đình em, ngừng trả lời báo chí
nước ngoài.

Em đã từ chối rất thẳng thừng, bởi em không phải là
gia đình em, và em không biết được ngoài kia chuyện gì
đang diễn ra, và quan trọng hơn là, em không phải là
người chịu trách nhiệm vì lời nói của bất kỳ
người nào ngoài bản thân em.

Em từ chối gặp con với lý do duy nhất: <em>"Nếu cho em
gặp con, thì phải thả em về, con em rất nhạy cảm, và em
không muốn tạo cho nó một vết thương tâm lý khi nó còn
quá nhỏ."</em>

Em được gặp mẹ em và chồng em, và em đã khóc vì
thấy sự tiều tụy và nước mắt của mẹ em. Em thấy
mình có lỗi chị à, em muốn vứt bỏ cái gọi là tinh
thần dân tộc, cái gọi là quan điểm và ý chí để
đổi lấy sự bình an cho gia đình mình.

Có một người bạn đã nói với em rằng, người biết
nghĩ đến nỗi đau của người khác, điểm yếu của họ
chính là gia đình, và chỉ có những người không có
trái tim mới đem tình cảm gia đình, và người thân ra
để làm áp lực và thuyết phục người khác thú nhận
là mình sai lầm.

Chia sẻ với chị câu chuyện của mình, em không có ý gì
ngoài việc mong rằng chị vững tin vào bản thân mình.

Một tháng trời, chị không được gặp thầy Hoàng, nay
được thấy chồng mình trong bản tin trên ti vi, đọc
những lời nhận tội, hẳn là chị sẽ cảm thấy rất
đau lòng. Như chị đã trả lời RFA trong lần phỏng vấn
mới nhất, chị không hiểu chuyện gì đã xảy ra, và
thực sự điều quan trọng là cái ở đằng sau bản tin
về chồng chị khi cơ quan an ninh điều tra quyết định họp
báo sau 1 tháng bắt giam thầy Hoàng - chứ không phải là
chuyện gì đã xảy ra chị ạ.

<div class="boxright200"><div class="quotebody"><div class="quoteopen"><img
class="quoleft" src="/misc/quoleft.png"/></div>Với kinh nghiệm cá
nhân của em, em chỉ có thể chia sẻ với chị thế này,
một khi chưa gặp mặt, chưa nhìn thấy nhau, thì những
gì em nói, chồng chị nói, và những người khác nói -
khi còn đang bị giam giữ và cách ly, đều không đáng tin
và không đáng giá.

Em cũng đã từng có một bản nhận tội, đọc rất là
trơn tru và pro, vì rút kinh nghiệm của luật sư Lê Công
Định, em không phải cầm giấy đọc, cho nó tự nhiên<img
class="quoright" src="/misc/quoright.png"/> <br
class="quoteclear"></div><div class="quoteauthor">» Nguyễn Ngọc Như
Quỳnh (Mẹ Nấm)</div></div>

Họ có thể bắt chị - bất kỳ lúc nào họ muốn - vì
họ có đủ bằng chứng (cái này họ nói, không phải em
nói), và thường thì thì chả cần bằng chứng gì cả,
họ cũng triệu tập chị và bắt chị được.

Với kinh nghiệm cá nhân của em, em chỉ có thể chia sẻ
với chị thế này, một khi chưa gặp mặt, chưa nhìn
thấy nhau, thì những gì em nói, chồng chị nói, và
những người khác nói - khi còn đang bị giam giữ và
cách ly, đều không đáng tin và không đáng giá.

(Em cũng đã từng có một bản nhận tội, đọc rất là
trơn tru và pro, vì rút kinh nghiệm của luật sư Lê Công
Định, em không phải cầm giấy đọc, cho nó tự nhiên).

Em cũng đã nhận là em sai, vì em bao đồng, em lo luôn
chuyện của nhà nước, em nhận hết những gì các anh an
ninh kêu em nhận, để em được trở về với con em.

Có những quyết định, không vì muốn, mà vì nên chị
ạ!

Chị thân mến,

Trong lúc này, những lời an ủi và chia sẻ của mọi
người, khó mà khiến chị lấy lại được sự bình an
trong tâm hồn mình, sau một chuỗi biến động như vậy.

Em - một người ở xa, chỉ biết san sẻ với chị những
kinh nghiệm với "các lời hứa" mà bản thân đã phải
trải qua, cùng với vài chục cái mũ "phản động" -
"diễn biến và tự diễn biến", mà bản thân được trao
tặng, để chị có thể bình tâm hơn một chút, mà suy
xét và cân nhắc với việc lựa chọn cho mình một thái
độ khi đối thoại.

Không ai có thể buộc chị có trách nhiệm với lời nói
của một người khác - cho dù người đó có là chồng
chị đi chăng nữa.

Không ai có thể nói xấu người khác, nếu bản thân
người đó không xấu, đúng không chị?

Em tin rằng, với bản năng của một người vợ - chị sẽ
là người hiểu rõ chồng mình nhất.

Đúng - sai trong việc đấu tranh cho một xã hội "công
bằng - văn minh - dân chủ" thực sự không phải chỉ căn cứ
vào phán xét của tòa án.

Bởi ai cũng biết rằng, ở những xã hội được vận
hành bởi một cơ chế độc tài thì tòa án là cơ quan
luôn chịu sự khống chế để áp đặt lên những người mong
muốn xã hội phát triển, tiến bộ những mức án phi lý.

Tuy nhiên, không ai có thể thoát khỏi sự phán xét nghiêm
minh của lịch sử, em nghĩ là như vậy thưa chị.

Vì vậy, mong là chị luôn giữ vững tinh thần cũng như
sức khỏe trong những ngày tới.

Cầu chúc chị và gia đình, vượt qua được gánh nặng
này.

Cầu chúc chị luôn giữ được bình tĩnh, khôn ngoan và
sáng suốt lúc cần.

Cầu chúc bình an.

Nha Trang, ngày 30 tháng 9, năm 2010

Như Quỳnh.


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/6546), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét